Doanh nghiệp điện tử: Đón làn sóng dịch chuyển

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19 và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, việc hòa nhịp xu hướng số hóa, thay đổi mô hình kinh doanh là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) điện tử đón cơ hội.

images1010902-DSC-0081-4524-1593154495.j

Còn nhiều thách thức

Xu hướng chuyển đổi nhà máy và các hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam, những bước tiến từ các nhà sản xuất linh kiện trong nước và đặc biệt là đột phá từ thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) đang tạo tiền đề cho các doanh nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết: "Tác động Covid-19 đã khiến hầu hết DN, nhất là DN điện tử gặp khó khăn, phải giảm doanh thu và lao động. Gần 90% DN tham gia khảo sát cho biết phải giảm 50% lao động. Về doanh thu cũng giảm 50%. Những khó khăn họ gặp phải là thiếu nguyên liệu và nguồn thu không bù đắp được chi phí. Hiện các DN điện tử đều chủ động giải pháp ứng phó, chủ động tìm kiếm đầu ra, thay cho thị trường truyền thống, đặc biệt tìm nguồn nguyên liệu ở thị trường mới.

Cũng theo bà Thúy, các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phần nào hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, được DN điện tử đánh giá cao, đặc biệt là các chính sách không điều chỉnh tăng giá, hỗ trợ cắt giảm chi phí như gia hạn thời gian nộp thuế, giảm lãi vay, gia hạn nộp và giảm tiền thuê đất hay tạm dừng thanh tra, kiểm tra DN... Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát vào tháng 4/2020, vẫn còn khoảng 10% doanh nghiệp chưa biết thông tin về các chính sách hỗ trợ, 50% chưa biết đầu mối để tiếp cận chính sách".

Theo ông Vũ Trọng Tài - Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam: "Sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng kết nối 5G trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hòa cùng xu hướng dịch chuyển nhà máy và hệ thống sản xuất sang Việt Nam của các công ty lớn, đã và đang tạo nên thế mạnh cho ngành công nghiệp và chế tạo linh kiện điện tử trong nước.

Song thách thức lớn nhất là các DN điện tử còn rất hạn chế trong việc chuyển đổi phương thức kinh doanh theo mô hình tự động hóa. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, riêng ngành công nghiệp phụ trợ thì 50% DN vẫn đang sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ 20% DN sử dụng thiết bị tự động hóa.

Về công cụ quản lý, bà Thúy cũng cho biết, hiện đa số các DN mới chỉ áp dụng công cụ phổ biến nhất là 5S. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất hiệu quả thì cần phải có nhiều công cụ khác liên quan đến quản trị sản xuất của DN như Kaizen... thì còn rất ít, thậm chí trên 200 DN vẫnchưa sử dụng công cụ nào.

Trước con số 75% DN điện tử cần được tư vấn giải pháp hậu Covid-19 là từ khảo sát của Reed Tradex Việt Nam đưa ra, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cũng nhận định: "5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành điện tử tăng trưởng dao động từ 18-22%/năm, là ngành có số lượng xuất siêu lớn, bù đắp cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhiều hãng điện tử thế giới có mặt tại Việt Nam. Đây vừa là tự hào, vừa là thách thức vì chúng ta chưa có DN lõi, cung ứng linh phụ kiện đầu cuối cho các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Hơn nữa, một thực trạng đáng buồn là lao động Việt Nam mới chỉ đạt tiêu chuẩn lao động giá rẻ, chưa có kỹ sư tạo ra giá trị cao hơn. Đây là thiệt thòi rất lớn.

Chuyển đổi số - phải vượt qua thách thức

Để đón đầu cơ hội khi tình hình kinh doanh trở lại bình thường, DN điện tử cần phải có chiến lược đẩy nhanh chuyển đổi số. Theo bà Thúy: "Trước hết, DN cần chuẩn hóa lại hệ thống sản xuất để nâng cao năng suất. Đây cũng là cơ hội để DN tái cơ cấu lại đội ngũ lao động, tổ chức đào tạo lao động nguồn và đào tạo nội bộ, nghiên cứu thị trường, khách hàng tiềm năng, tận dụng cơ hội các hiệp định thương mại đã được Chính phủ thông qua".

dien-tu-JPG-1705-1593154496.jpg

Cũng theo khuyến nghị của bà Hương, để thúc đẩy DN tham gia vào chuỗi công nghệ cao hơn, Chính phủ cũng cần có chiến lược thu hút FDI một cách chọn lọc, trọng tâm, ưu tiên các DN FDI vào Khu công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ với kinh tế trong nước, đồng thời có giải pháp ngăn chặn các dự án mang lại rủi ro cho môi trường và công nghệ.

Ở góc độ tư vấn chung cho các DN chuyển đổi số, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty CP Sao Bắc Đẩu chia sẻ: "Với chuyển đổi số, các DN bắt buộc phải lùi lại một bước và xem xét toàn bộ mọi thứ mình đang làm, từ hệ thống nội bộ đến tương tác của khách hàng, từ kênh online đến kênh offline trực tiếp. DN cần đặt ra những câu hỏi lớn như: Liệu chúng ta có thể thay đổi quy trình làm việc để ra các quyết định tốt hơn, thay đổi triết lý kinh doanh hướng đến hiệu quả và nâng cao trải nghiệm khách hàng với nhiều tính cá nhân hóa hơn? Một hành trình chuyển đổi số cần một cách tiếp cận theo giai đoạn với các lộ trình rõ ràng với nhiều bên liên quan.

Theo ông Tuấn, các DN SME thực hiện chuyển đổi số cần lưu ý phải có một người hoặc nhóm người đại diện dẫn dầu quá trình chuyển đổi số, thông thường là các chủ DN hoặc quản lý cấp cao. Nhiệm vụ của nhóm người này là phải nhận thấy và phân tích được các rủi ro, thách thức, thiết lập mục tiêu cụ thể trong chuyển đổi số, có thể đo đếm được. Đồng thời đánh giá được những công nghệ nào phù hợp với công ty mình.

Đề cao văn hóa "học hỏi" là điều cần thiết. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, DN cần học tập mô hình số hóa ở các đối tác, ở các DN đi trước và cộng tác với các đơn vị tư vấn, các viện nghiên cứu, các hiệp hội ngành nghề để được cập nhật những xu hướng mới nhất cùng các kinh nghiệm triển khai. Bên cạnh đó DN SME cũng cần đào tạo nguồn lực nội bộ để thích ứng với chuyển đổi số. Xác định lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn, xem xét đến cả kỳ vọng từ phía khách hàng. Chuẩn bị nguồn lực thực hiện trong các giai đoạn, bao gồm con người, thời gian, không gian, tài chính.

DN trước khi đầu tư chuyển đổi số bắt buộc phải xét đến bài toán chi phí - lợi ích. Đối với SME thì ROI lại còn quan trọng hơn vì đa phần DN SME không có nguồn ngân sách dành riêng cho công nghệ, mà chi phí đầu tư thường liên quan trực tiếp đến nguồn tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày. Có khi con người trong DN đã sẵn sàng chấp nhận đổi mới nhưng tài chính không cho phép hoặc chỉ đủ nguồn lực thực hiện "nửa vời" thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định hoặc tìm thêm sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác hoặc hỗ trợ từ các công ty công nghệ thông qua hình thức triển khai phù hợp với năng lực tài chính của mình.

Hoài Anh