Doanh nghiệp bán lẻ 'bắt tay' nhau làm chủ cuộc chơi

00:00 12/10/2020

Dự báo sẽ có nhiều "cú bắt tay" hơn nữa giữa những nhà bán lẻ với nhau nhằm tạo ra hệ sinh thái đa kênh, đồng thời nhanh chân giành lấy thị phần trong "miếng bánh béo bở" nhưng cạnh tranh rất khốc liệt này.

Gia tăng sức mạnh

Người dùng khắt khe hơn, đồng nghĩa với việc các kênh thương mại điện tử cần phải cải thiện mình nhiều hơn. Vì vậy, cách nhanh nhất là các doanh nghiệp bán lẻ "bắt tay" hợp tác với nhau, bù đắp những thiếu hụt mà mình đang gặp phải.

nguoi-Viet-mua-hang-qua-mang-3501-159419

DN bán lẻ làm mới mình để phục vụ người tiêu dùng (Ảnh: TL) 

Mới đây, phần mềm quản lý bán hàng online Sapo Go chính thức mở thêm cổng kết nối với sàn thương mại điện tử Tiki là một minh chứng cho nhận xét trên. Với việc hợp tác này, các nhà bán hàng trên Tiki có thể kết nối với nhiều gian hàng, đồng bộ giá và tồn kho sản phẩm, theo dõi báo cáo tập trung và tận dụng rất nhiều tính năng khác trên Sapo.

Việc hợp tác giữa Sapo Go và Tiki sẽ mang tới tiện ích cho những nhà bán lẻ trên sàn thương mại điện tử, tiết kiệm thời gian quản lý vận hành gian hàng trực tuyến, giảm chi phí và nguồn nhân lực. Mục tiêu chung của hai đơn vị là tạo ra giá trị cho khách hàng, từ đó mở rộng thị trường và gia tăng tiềm lực kinh doanh.

Trước đó, dù chưa có xác nhận chính thức, nhưng thương vụ sáp nhập Sendo - Tiki vẫn thu hút được sự quan tâm của dư luận. Tiki có thế mạnh trong việc tự doanh, hàng hóa có thương hiệu với bộ phận Tiki Trading, nhưng không mạnh trong khoản kết nối các shop bán hàng, dẫn đến hàng hóa Tiki kém đa dạng hơn so với các đối thủ còn lại.

Trong khi đó, Sendo rất mạnh trong việc tạo sàn kết nối các bên, nhưng lại gặp khó trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Do vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc sáp nhập sẽ giúp hai công ty bổ trợ nhau, phát huy được thế mạnh của mình.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS), quy mô toàn thị trường bán lẻ của Việt Nam ước tính khoảng 142 tỷ USD, tương đương 59% GDP, trong đó, riêng bán lẻ hàng hóa chiếm hơn 40%, với quy mô 60 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành khoảng 13%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng bán lẻ sẽ sớm hồi phục

Theo nghiên cứu gần đây của Nielsen - một công ty đo lường và phân tích dữ liệu toàn cầu. Bán lẻ sụt giảm trong đợt dịch nhưng với tinh thần lạc quan của người tiêu dùng, sức mua sẽ sớm phục hồi.

Nielsen cho biết, trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 vừa qua, toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh đã chứng kiến sự sụt giảm 12%. Sự sụt giảm này phần lớn đến từ kênh truyền thống, trong đó kênh mua và tiêu dùng sau chứng kiến sự sụt giảm 9%, trong khi đó kênh tiêu dùng tại chỗ còn sụt giảm mạnh hơn nữa với 36%.

Điều này cũng dễ hiểu và lý giải được là do thói quen của người tiêu dùng thay đổi - chuyển sang tiêu dùng tại nhà thay vì ăn uống ở ngoài như trước đây. Riêng kênh hiện đại chứng kiến xu hướng ngược lại với sự tăng trưởng kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, với mức tăng 23% trong giai đoạn này.

Theo Nielsen, trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như SARS ở Trung Quốc, thảm họa Fukushima ở Nhật Bản và gần đây - dịch MERS ở Hàn Quốc, tất cả đều tạo ra mô hình tương tự trong doanh số bán lẻ. Chúng ta có thể thấy doanh số bán lẻ thường bị hạn chế trong khoảng thời gian nhiều biến đổi của các cuộc khủng hoảng, sau đó thị trường có xu hướng quay trở lại kinh doanh như trạng thái bình thường và thậm chí có thể tăng trưởng tốt hơn.

Tại Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) trong quý I/2020 vẫn duy trì ở mức cao, TOP 4 trên thế giới, đạt 126 điểm. So với quý cuối năm 2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định với mức tăng 1 điểm, từ 125 lên 126. "Do đó, đây cũng là một yếu tố kỳ vọng sự phục hồi nhanh chóng của sức mua người tiêu dùng”, đại diện Nielsen kỳ vọng.

Theo khảo sát của Nielsen, 64% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn và 63% sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.

Vì vậy, ông Lê Hoàng Long, Quản lý bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ, Nielsen Việt Nam, cho biết: “Xu hướng mua hàng trực tuyến chắc chắn sẽ tăng hậu Covid-19. Tuy nhiên, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó có thể thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp.

Bên cạnh các thương vụ "bắt tay" giữa DN bán lẻ online với nhau, ông Long dự báo sẽ có nhiều "cú bắt tay" hơn nữa giữa những nhà bán lẻ trực tuyến và trực tiếp để tạo ra hệ sinh thái đa kênh, như trường hợp các siêu thị và nhà cung cấp kết hợp với nền tảng phân phối trực tuyến như hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 sẽ sàng lọc các DN trong ngành bán lẻ. DN nào nhanh chân, mạnh hơn sẽ vượt qua, nắm lợi thế trong cuộc cạnh tranh phục vụ thị trường với quy mô 100 triệu dân trong nước này.

Thy Lê