Điều hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần giỏi cả nghệ thuật lẫn tư duy kinh tế

00:00 12/10/2020

Thứ trưởng Vương Duy Biên kỳ vọng, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ sớm được thành lập để hỗ trợ sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Ông đặc biệt nhấn mạnh: người đứng đầu, điều hành Quỹ phải là người vừa giỏi về nghệ thuật và biết làm kinh tế.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Vương Duy Biên về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh - đề án được những người yêu điện ảnh quan tâm.

Dám mạnh dạn đầu tư

* Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự cần thiết của việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh?

- Thực ra ở một số nước đã có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Quỹ này sẽ rất tốt cho sự phát triển của điện ảnh, đặc biệt là những nước có nền điện ảnh đang phát triển.

 

Quỹ sẽ hỗ trợ được rất nhiều đơn vị hoạt động điện ảnh ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh phải cạnh tranh mạnh mẽ với những đơn vị điện ảnh ở nước ngoài vào Việt Nam, từ việc sản xuất đến phổ biến - phát hành phim.

Để cạnh tranh với những đơn vị chỉ nhập phim về chiếu thì phim chúng ta làm phải hay, hấp dẫn, mới bán được vé. Thực tế cho thấy, phim Việt Nam sản xuất có thể phát hành với số lượng lớn, tạm gọi là thành công về mặt tài chính thì vẫn... đếm trên đầu ngón tay.

Thứ trưởng Vương Duy Biên (Ảnh: Hoàng Anh)

Có thể kể đến một ví dụ: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim đặt hàng của nhà nước, ngoài những giá trị nghệ thuật, phim cũng thu hút khán giả với trên 80 tỷ tiền vé. Tôi cho rằng đó là thành công.

Muốn có nhiều bộ phim đặt hàng thành công như vậy thì chúng ta phải nghĩ cách đầu tư, có thể đầu tư cho một hãng phim nào có uy tín, hoặc cho một tên tuổi nghệ sĩ đứng ra đảm nhiệm được việc sản xuất. Chúng ta thậm chí cần phá bỏ quan niệm khống chế một số tiền cố định như từ trước tới nay ta vẫn làm.

Với phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhà nước đầu tư khoảng 8 tỷ, đơn vị làm phim bỏ thêm hơn chục tỷ nữa, thực tế phim đó phải đầu tư khoảng hơn 20 tỷ. Với một bộ phim nghệ thuật, đầu tư 1 triệu USD so với thế giới thì quá bình thường. Điển hình, phim Kong: Skull Island(có quay tại Việt Nam), người ta đầu tư khoảng 190 triệu USD.

Phim do Việt Nam sản xuất, muốn đảm bảo chất lượng nghệ thuật và nghĩ tới việc xa hơn là xuất khẩu được ra nước ngoài hay tham gia các hội chợ phim và có thể bán được… thì đầu tư 5 – 7 triệu USD vẫn là quá rẻ.

Mình cần bỏ quan niệm là nhà nước hay hãng phim tư nhân đi, phải chung suy nghĩ phấn đấu vì nền điện ảnh Việt Nam. Phải mạnh dạn đầu tư với số tiền đủ để người ta làm tốt và tin tưởng là sẽ thành công. Nếu có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì việc đầu tư làm phim sẽ được thực hiện theo hướng cởi mở hơn, không phải qua nhiều tầng lớp, thủ tục phức tạp như bây giờ.

* Một trong những mục tiêu của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là thúc đẩy sự ra đời của các tác phẩm phim nghệ thuật và phim đầu tay. Các nhà làm phim sẽ quan tâm tới chuyện những phim như thế nào thì sẽ được Quỹ hỗ trợ, thưa Thứ trưởng?

- Điều này không có công thức nào. Quỹ sẽ có hội đồng xem xét cân nhắc, các ý tưởng nào thì đầu tư và ý tưởng nào thì không, ý tưởng nào đầu tư bao nhiêu… Không thể đầu tư kiểu đồng đều không dàn trải.

Hiện nay, tôi thấy một số hội nghệ thuật đã đầu tư theo chiều sâu: có thể đầu tư cụ thể vào nghệ sĩ nào đó với số tiền vượt trội so với mức dàn trải của những năm khác. Có những dấu hiệu cho thấy, đầu tư chiều sâu nhận được tín hiệu tốt.

Chẳng hạn, trong văn học, người ta không ngại đầu tư vào những tác giả mà cứ tiểu thuyết nào ra mắt là bán chạy. Và ở lĩnh vực điện ảnh cũng tương tự như vậy.

* Những người sản xuất dòng phim nghệ thuật thường được tự do sáng tạo, họ băn khoăn phim được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ có giới hạn trong khuôn khổ nào đó. Ý kiến của Thứ trưởng về điều này?

- Chúng ta vẫn xây dựng nền văn hóa có định hướng, nên tất cả các khuynh hướng nghệ thuật đều có những tiêu chí nhất định để phục vụ cho việc phát triển đất nước cũng như giải trí của công chúng. Đương nhiên, phải theo tiêu chí lớn nhất của phát triển điện ảnh, tác phẩm hay đương nhiên là đông người xem.

Tuy nhiên, chúng ta phải đề phòng trường hợp quá để ý đến tính định hướng mà quên mất rằng muốn định hướng tốt nhất phải có công chúng. Phim phải bán được vé, khán giả ra rạp phải đông, chứ hội đồng duyệt xem và khen với nhau nhưng chiếu ra dân không xem thì định hướng cho ai?

Định hướng sẽ lồng ghép rất nghệ thuật vào trong bộ phim và để cho nhiều người xem. Chúng ta dần thay đổi quan niệm về định hướng, không máy móc, và cũng phải dành cho tính nghệ thuật của điện ảnh, đáp ứng sự chờ đợi của công chúng.

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là phim khá thành công khi kết hợp sự đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân.

“Rất kỳ vọng đầu năm tới Quỹ sẽ chính thức được thành lập.

* Được biết, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thể hình thành và đi vào hoạt động, vì lý do gì thưa ông?

- Bộ VH,TT&DL rất nỗ lực thực hiện và mong muốn đề án thành lập Quỹ sẽ sớm được thực hiện. Tuy nhiên, để Quỹ sớm ra đời thì cần có sự thống nhất và quyết liệt của các bộ ngành liên qua như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Chúng tôi rất kỳ vọng đầu năm tới Quỹ sẽ chính thức được thành lập.

* Ông có thể chia sẻ thêm về đề xuất “trích 3% doanh thu từ bán vé phim chiếu rạp để đưa vào Quỹ”?

- Về việc nguồn thu đưa vào Quỹ từ đâu, hiện có rất nhiều ý kiến. Đề xuất trích 3% doanh thu từ bán vé phim chiếu rạp để đưa vào Quỹ là học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Để nền điện ảnh Việt Nam phát triển, tôi nghĩ các đơn vị cần có sự đóng góp để đầu tư sản xuất những bộ phim chất lượng.

* Vai trò của Bộ như thế nào trong việc giám sát, quản lý Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh, thưa Thứ trưởng?

- Quỹ này được thành lập sẽ do Thủ tướng ký, đương nhiên phải có bộ máy riêng, có sự giám sát, quản lý của Bộ VH,TT&DL và của các cơ quan chức năng.

Việc quản lý không khó, khó là công việc điều hành như thế nào để Quỹ hoạt động hiệu quả. Tôi cho rằng, điều hành Quỹ phải là một người có đầu óc giỏi, biết đầu tư vào đâu, đầu tư cho ai, bao nhiêu thì có được những tác phẩm hay. Rồi, phải cân đối được thu và chi, thu thì trông vào đâu, chi vào dự án nào cho xứng đáng đồng tiền. Chẳng hạn, 1 năm đầu tư khoảng 5 bộ phim hay nhưng người điều hành Quỹ phải nhìn ra được sau bao lâu sẽ thu được bao nhiêu tiền?

Bộ máy lãnh đạo điều hành Quỹ, ngoài giỏi về nghệ thuật cần phải giỏi về tư duy kinh tế, để phát triển điện ảnh nhưng cũng đồng thời phát triển Quỹ. Tôi nghĩ người điều hành quỹ sẽ phải là một người “n trong 1”, vừa là nghệ sĩ giỏi về điện ảnh, giỏi về kinh tế, nắm bắt xu hướng, tiên liệu được sự phát triển của điện ảnh để đầu tư, thì các tác phẩm điện ảnh mới đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng.

* Cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện!

Đề án Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Ở Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được khởi động từ LHP Việt Nam lần thứ 17 ( tháng 12/2011 tại Tuy Hòa, Phú Yên). Nhiều năm qua, các vấn đề của Quỹ được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần, nhưng cho đến nay Quỹ vẫn chưa thể hình thành và đi vào hoạt động.

Gần đây nhất, ngày 18/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Cục Điện ảnh để thúc đẩy hoàn thành đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Tiểu Phong