Điện ảnh Việt đang tự làm nghèo mình

00:00 12/10/2020

Những hoạt động điện ảnh ở nước ta đang dần teo lại theo thời gian. Nhiều bộ phim làm xong, khi ra rạp, cũng không có buổi họp báo giới thiệu. Chưa kể khi phim bắt đầu quay hoặc trong khi quay, cũng không có sự giao lưu, phỏng vấn giữa các đạo diễn, diễn viên với giới truyền thông và công chúng.

dien anh viet dang tu lam ngheo minh

Những hoạt động giao lưu nghệ sỹ và khán giả mới dừng lại ở khuôn khổ ra mắt giới thiệu quảng bá phim

Các nhà làm phim và chính các nghệ sỹ đang tự mình làm nghèo ngành điện ảnh và nghèo chính bản thân mình. Không có truyền thông. Không có khán giả.

Và một cái nghèo khác là cái nghèo của chính ngành Điện ảnh.

dien anh viet dang tu lam ngheo minh

Những hoạt động giao lưu quảng bá phim tài liệu của Việt Nam vẫn còn hạn chế và nghèo nàn

Chúng ta có lịch sử điện ảnh cũng hơn 100 năm, kể từ bộ phim đầu tiên được chiếu ở Sài Gòn. Báo chí thời đó cũng quảng cáo xôm trò lắm.

Chúng ta có lịch sử điện ảnh Cách mạng cũng đến 70 năm. Bao chuyện buồn vui. Bao nhiêu bộ phim, bao nhiêu đạo diễn, diễn viên đang dần từ giã cõi đời. Chả nhẽ để họ dần bị lãng quên? Hay ra đi trong lặng lẽ?

Chúng ta cũng có nền điện ảnh thị trường. Ít ra cũng được 40 năm. Và trong ngần ấy năm, những khuynh hướng làm phim như thế nào? Những ngôi sao thị trường giờ ra sao? Họ để lại những bài học gì? Những tâm sự gì? Không ai tạo điều kiện cho họ tâm sự!

Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không có những hoạt động nào để khích lệ những tiềm năng điện ảnh của chính mình?

Tôi thấy ở Nga, cụ thể là Moskva, có những rạp chiếu, nhỏ thôi, nhưng họ luôn có lịch chiếu phim theo tác giả, diễn viên, biên kịch. Tại sao chúng ta không có tuần phim Đặng Nhật Minh, tuần phim Hồng Sến, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc…, giới thiệu tất cả những phim của họ?  Tại sao chúng ta không có tuần phim của Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh, Như Quỳnh…? Có gì khó khăn đâu?

Tôi thấy ở Seoul, Hàn Quốc, có một số rạp phim cũ, cũng nhỏ thôi. Những nơi này chuyên chiếu những bộ phim cho khán giả tuổi già và trung niên. Những bộ phim như những ký ức thời thanh xuân của họ. Chúng ta cũng có những di sản này. Nhưng không ai làm. “Không có đất cho người già” hay  chúng ta không quan tâm đến công chúng cao tuổi?

dien anh viet dang tu lam ngheo minh

Rạp chiếu Hollywood Silver Cinema chuyên chiếu lại những phim kinh điển phục vụ khán giả ở Hàn Quốc

Tôi thấy ở Vilniut, Thủ đô nước Litva nhỏ bé, có mấy rạp nhỏ, chuyên chiếu phim tài liệu của nước Cộng hòa này và của thế giới. Dành cho những người yêu thích phim tài liệu. Chiếu quanh năm. Không phải như ở ta, chiếu vài ngày, rồi thôi.

Những ngày Covid–19 vừa rồi, đọc báo mạng, thấy ở những nước khác, họ vẫn tổ chức những ngày điện ảnh rất sôi nổi. Những bộ phim về Chiến tranh, về việc khám phá chiều sâu con người, về phụ nữ, về ma túy… vẫn được chiếu; Những nhà phê bình giới thiệu phong cách dàn dựng phim Chiến tranh, Phim nông thôn, Phim đường phố… của các thế hệ đạo diễn khác nhau ra sao? Giờ có công nghệ điện ảnh thì tính chân thực ảnh hưởng thế nào? Họ còn tổ chức tuần phim của các đạo diễn quốc tế có tín nhiệm; Hoặc tổ chức nói chuyện và chiếu phim và cái nhìn của người nước ngoài về đất nước và con người nước mình v.v…Nghĩa là điện ảnh, đối với họ, chưa một ngày buồn.

Những công việc đó, ai làm?

dien anh viet dang tu lam ngheo minh

Lâu rồi chúng ta ít có cơ hội được học hỏi, tọa đàm với những đạo diễn nổi tiếng tầm cỡ thế giới như Phillip Noyce

Tìm hiểu, được biết, những tổ chức xã hội và tư nhân kết hợp. Kinh phí thì họ vận động tài trợ. Viện phim cho mượn phim. Những Câu lạc bộ điện ảnh cho mượn địa điểm. Mấy trường đại học muốn mở mang sự hiểu biết cho sinh viên phải xếp hàng chờ diễn giả. Và công chúng thảo luận rất sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội như Facebook, Twitter… Từ những mạng này, nhiều câu hỏi của khán giả, nhiều vấn đề về khuynh hướng sáng tác của Đạo diễn X, của Biên kịch Y… được đặt ra với những câu hỏi vừa hóc búa, vừa ngây thơ… buộc các nhà phê bình – lý luận điện ảnh phải vào cuộc. Đâu có phải điện ảnh không có gì để nói nữa.

Câu hỏi cũ được đặt ra: Thế nào là Tình yêu Điện ảnh? Đâu cứ phải là chuyện làm phim, đi dự Liên hoan phim, nhận giải thưởng và danh hiệu này nọ; đâu cứ phải đón xem hết phim này phim khác, dù phim thuần túy giải trí, nhưng không biết nói gì…

dien anh viet dang tu lam ngheo minh

Chúng ta nên có những tuần lễ phim chuyên đề về từng diễn viên hay đạo diễn

Lại nhớ, ngày trước, gặp ông Phan Ngọc. Ông nói: Các anh sống trên mỏ vàng mà vẫn nghèo. Giờ tôi mới hiểu, cái nghèo đáng sợ nhất là nghèo về tâm hồn; nghèo về tình cảm, nghèo về tình yêu với điện ảnh. 

Không phải cứ làm phim xong thì thôi. Chúng  ta đối xử với nghề một cách nghèo nàn thì điện ảnh cũng làm cho chúng ta nghèo đi. Và chính chúng ta cũng đang tự bằng lòng hay tự bực bội với cái nghèo của nghề và của chính chúng ta. Nghề nào cũng có linh hồn của nó.

 Đoàn Tuấn