Điểm sáng trong ngành dệt may giai đoạn cuối năm

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may vẫn đang chạy ăn từng bữa với những đơn hàng nhỏ lẻ và chỉ nhích từng tuần.

Gồng mình vượt qua khó khăn

Vừa bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, ngành dệt may lại chịu thêm một cú sốc nữa do tác động từ đợt dịch bùng phát lần 2. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu chung 8 tháng đầu năm, dệt may đóng góp gần 22 tỉ USD, con số này vẫn giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019.

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều đang chịu sức ép do thiếu đơn hàng hoặc đơn hàng nhỏ giọt. Thông thường quý III hằng năm là thời điểm các doanh nghiệp chạy đơn hàng cho dịp Noel cuối năm. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các doanh nghiệp hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn vị hiện mới nhận được 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái. Các tháng còn lại năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.

Tình hình dịch bệnh ở các nước có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng tình hình tiêu dùng chưa khả quan. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa tốt. Trong khi, ngành bán lẻ truyền thống của Mỹ vốn đã gặp khó vài năm gần đây. Thêm tác động từ đại dịch khiến hàng loạt thương hiệu như J.C.Penney, Neiman Marcus, Brooks Brothers, Lord & Taylor phá sản và nhiều hãng khác phải đóng bớt cửa hàng. 

Ông Jim Schaye, CEO Eaton Hudson, cho biết "Mọi người không đổ xô đến J.C. Penney hay Lord & Taylor để mua hàng thanh lý như trước đây, kể cả khi giảm giá 60%”.

Vài hôm trước, theo Coresight Research, Gap thông báo sẽ đóng 200 cửa hàng. Ascena Retail Group, công ty mẹ của Ann Taylor, Lane Bryant và Justice dự định đóng gần 1.600 cửa hàng trong quá trình phá sản. Chuỗi trung tâm thương mại Lord & Taylor đang thanh lý toàn bộ cửa hàng. Pier 1 Imports, Modell’s, Stage Stores và New York & Co cũng vậy. Tổng cộng, các hãng bán lẻ được dự báo đóng cửa kỷ lục 25.000 cơ sở năm nay.

Ảnh: Qúy Hòa

Nhiều doanh nghiệp trông chờ đơn hàng vào cuối năm. Ảnh: Qúy Hòa

Trước tình hình dệt may nhiều khó khăn, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tập đoàn đã lường trước kịch bản có thể giảm 20% doanh thu năm nay. Cũng theo thông tin Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, ít và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất.

Ở góc nhìn lãnh đạo, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, cho biết nửa cuối năm đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm 10% năng lực sẽ là giải pháp giải quyết việc làm đáng kể cho doanh nghiệp.

TCM, TNG: 2 điểm sáng trong ngành dệt may

Trong thời điểm khó khăn thị trường, Công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), cho biết doanh thu tháng 8 đạt 13,7 triệu USD (315 tỉ đồng), giảm 6% so với tháng 8.2019. Song, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1 triệu USD (23 tỉ đồng), cao hơn 41% cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 8 tháng, doanh thu công ty đạt 102 triệu USD (2.346 tỉ đồng), thực hiện 63% kế hoạch năm và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 7 triệu USD (161 tỉ đồng), thực hiện 88% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, tháng 8 doanh nghiệp không có đơn hàng khẩu trang nhưng đơn hàng truyền thống phục hồi khá tốt. Công ty kỳ vọng hết quý III về đích lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch trình Đai hội Cổ đông thường niên 2020.

Theo lãnh đạo Công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, trong tháng 9 doanh nghiệp nhận được đơn hàng khẩu trang giành cho trẻ em đi Mỹ và tình hình đơn hàng truyền thống quý III cải thiện so với quý trước. Trong quý IV, công ty đã nhận được 80% đơn hàng truyền thống và chưa có đơn hàng khẩu trang.

Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh ở Mỹ tiếp diễn thì nhiều khả năng công ty sẽ nhận được tiếp đơn hàng khẩu trang, do mặt hàng này yêu cầu nhanh trong vòng 3 tuần phải xuất đi. Đồng thời, sau khi EVFTA có hiệu lực thì nhu cầu vải trong nước đã tăng lên, công ty kỳ vọng tình hình đơn hàng vải sẽ tăng mạnh trong quý IV và đầu năm sau.  

Năm 2020, doanh nghiệp dệt may đặt kế hoạch doanh thu 3.780 tỉ đồng và lãi sau thuế 189 tỉ đồng, lần lượt tăng 5% và giảm 12,5% so với thực hiện năm trước.

Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) thông báo doanh thu tiêu thụ tháng 8 đạt 613 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,5% so với tháng trước. Tổng doanh thu lũy kế 8 tháng đạt 3.058 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu nội địa 8 tháng đạt gần 200 tỉ đồng, tăng 42%. 

Ảnh: Qúy Hòa

Nhiều doanh nghiệp hướng đến thị trường nội địa. Ảnh: Qúy Hòa

TNG cho biết các sản phẩm chủ yếu đóng góp vào tăng doanh thu là sản phẩm hàng áo Jacket, quần cargo truyền thống, khẩu trang y tế, bộ bảo hộ chống dịch tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm chiến lược tiếp theo bộ bảo hộ phòng chống cháy, bộ bảo hộ phòng chống hóa chất sẽ đưa vào sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong tương lai gần. Đến nay, TNG đã ký hợp đồng cơ bản đủ hàng sản xuất hết quý IV và tiếp tục nhận đơn đặt hàng cho quý I, II năm 2021.

Theo Báo cáo Tài chính 7 tháng, TNG ghi nhận 2.445 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 94,5 tỉ đồng, giảm 26%. Riêng tháng 7, doanh thu tăng 6% và lãi giảm 13,5%. Lợi nhuận riêng tháng 7 đã đóng góp 31,7% lũy kế 7 tháng.

Trước thời điểm dịch bệnh hiện tại, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết thị trường nội địa sẽ là một trong những phân khúc tiềm năng bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn, dù doanh thu của thị trường nội địa không quá lớn khi người dân đang thắt chặt chi tiêu.

Sơn Mai