Dịch vụ PrEP phòng chống phơi nhiễm HIV/AIDS được mở rộng thêm 15 tỉnh, thành phố

00:00 12/10/2020

Tại hội thảo “PrEP Việt Nam: Một năm nhìn lại và hướng tới tương lai”, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chia sẻ kết quả đánh giá chương trình PrEP sau một năm triển khai mở rộng tại 11 tỉnh, thành phố, và công bố mở rộng thêm 15 tỉnh, thành mới tại Việt Nam, và coi đây là một phần của cam kết quốc gia nhằm chấm dứt HIV vào năm 2030.

Vào tháng 06/2017, Cục Phòng, chống HIV/AIDs đã phối hợp với USAIDS/PATH Healthy Markets (HM) và UNAIDS để khởi động chương trình thí điểm PrEP lần đầu tiên ở Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các bài học kinh nghiệm từ mô hình thí điểm này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp dịch vụ đặc thù cho các nhóm đích để họ có thể lựa chọn tiếp cận dịch vụ PrEP tại cơ sở y tế công hoặc tư. Các mô hình đa dạng này đã được bắt đầu đưa vào triển khai trong chương trình mở rộng PrEP cấp quốc gia từ tháng 11 năm 2018 tại 11 tỉnh, thành do PEPFAR tài trợ căn cứ trên Quyết định 5866/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2018 do Bộ Y tế ban hành về Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018 – 2020.

Tư vấn cho cộng đồng về đăng ký sử dụng PrEP

Kể từ khi khởi động chương trình, đã có hơn 6.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó có 3.946 người mới tham gia PrEP trong năm 2019. “Điều này cho thấy rõ nhu cầu về PrEP tại Việt Nam”, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định và chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng về việc tiếp tục triển khai mở rộng chương trình PrEP tới 15 tỉnh,thành phố mới. Chỉ riêng trong giai đoạn 2019 -2020, Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Điều này cho phép những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP.”

Một bưởi thuyết trình về dịch vụ PrEP tại Hà Nội

Mặc dù việc sử dụng PrEP đang gia tăng ở Việt Nam, nhưng cần có nhiều người tiếp cận dịch vụ này hơn nữa để có thể đạt được tác động làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng. Bà Ritu Singh, Giám đốc Văn phòng Y tế Việt Nam của USAID cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác thúc đẩy hơn nữa việc tạo cầu và đảm bảo rằng khách hàng sử dụng PrEP nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì sử dụng PrEP. Chúng tôi chúc mừng Cục Phòng, chống HIV/AIDS về sự lãnh đạo xuất sắc của mình trong việc nhân rộng PrEP tới 15 tỉnh, thành phố khác trên khắp Việt Nam và chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ nỗ lực quan trọng này để đẩy nhanh việc kiểm soát dịch.”

Khi được sử dụng đúng cách, PrEP là một trong những phương pháp dự phòng HIV hiệu quả nhất. Năm 2014, WHO đã khuyến cáo cung cấp PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Sau đó, trên cơ sở bằng chứng rõ ràng hơn về hiệu quả và khả năng chấp nhận PrEP, năm 2015, WHO đã mở rộng khuyến cáo cung cấp PrEP cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Tại Việt Nam, các nhóm đích có nguy cơ nhiễm HIV bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, những người tiêm chích ma túy và bạn tình, bạn chích âm tính của người nhiễm HIV mà tải lượng vi-rút chưa ở ngưỡng ức chế. TS. Kimberly Green, Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV và Lao của PATH cho biết: “PrEP là một công cụ hữu hiệu để kiểm soát dịch HIV ở cấp độ quần thể, nhưng quan trọng hơn, ở cấp độ cá nhân, nó làm thay đổi cuộc sống của con người, giúp tạo ra sự thân mật hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và sự an tâm cho những người có nguy cơ nhiễm HIV.”

Sau thời gian thí điểm tại 11 tỉnh thành,  PrEP sẽ đuợc mở rộng thêm ở 15 tỉnh, thành phố

Doanh nghiệp xã hội Glink đã tham gia chương trình PrEP ngay từ những ngày đầu. Đây là đơn vị đã cung cấp dịch vụ PrEP trong chương trình can thiệp thí điểm, và kể từ khi bắt đầu khởi động đến nay, Glink đã cung cấp dịch vụ PrEP cho hơn 1,500 người. Ông Lê Minh Thành, CEO và người sáng lập của Glink cho biết: "Thật tuyệt vời! Chương trình PrEP mở rộng ngoài việc có ý nghĩa là PrEP sẽ sẵn có và dễ tiếp cận hơn đối với những người thực sự có nhu cầu, đây còn là một cơ hội tuyệt vời cho các phòng khám của cộng đồng”. Glink, khởi đầu là một nhóm tự lực MSM được thành lập năm 2009 tại TP HCM, đã nhìn thấy cơ hội phát triển thành một doanh nghiệp xã hội thành công. Đến nay, Glink đã thành lập được 5 phòng khám trên toàn quốc. "Dự án USAID/PATH Healthy Markets đã tạo môi trường thuận lợi cho các phòng khám cộng đồng cung cấp dịch vụ PrEP đáp ứng nhu cầu của khách hàng như thuận tiện, bảo mật và thoải mái”, ông Lê Minh Thành cho biết thêm.

PV