Đi hướng ra ánh sáng mới là con nhà phật

00:00 12/10/2020

Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi, Đại đức Tiến sĩ Thích Trí Huệ - Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng phân Ban từ thiện Đối ngoại và Quan hệ Quốc tế Trung ương đã có những chia sẻ rất bổ ích và lý thú với cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân.

Trong một quốc gia phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, cùng những nỗ lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, con người trong xã hội và đặc biệt là giới doanh nhân càng cần đến những liều thuốc an thần để cân bằng cuộc sống, giải tỏa căng thẳng, tìm đến sự yên tĩnh trong tâm hồn. “Một tâm trí có thể được kiểm soát bởi ý chí, một tâm trí không chạy theo ngoại cảnh để đi đến sự căng thẳng và nhàm chán, ngược lại luôn được thức tỉnh, luôn tự phát triển, luôn tự khám phá. Một tâm trí như thế là kho báu lớn nhất của con người”, đó là phương pháp chạy chữa cho con người không tốn kém, thực dụng, đơn giản chỉ có được ở giáo lý Phật pháp.

PV: Thưa Đại đức Thích Trí Huệ, PV xin được hỏi Đại đức một nhận định tuy không mới nhưng ở thời kỳ nào, tầng lớp nào cũng cần phải giác ngộ đó là: Giáo lý nhà Phật khuyên con người tránh không nên Tham, Sân, Si nhưng trong thực tế hoạt động doanh nghiệp thì lợi nhuận được xem là đích cuối cùng của mỗi doanh nhân. Vậy có gì mâu thuẫn ở đây?

Đại đức - Tiến sĩ Thích Trí Huệ: Đức phật dạy con người ta không nên tham sân si tại vì nếu mình tham, có nghĩa là mình muốn có cho bằng được, muốn có cho bằng được không màng tới đạo lý, nguyên tắc, pháp luật và tình người. Do đó về thuyết nhân quả của nhà Phật sẽ phạm vào nghiệp ác… Đức Phật dạy rằng, nếu một người làm cho mình đau khổ và làm cho mọi người đau khổ thì đó là người vô minh, thiếu trí tuệ. Cái gì thỏa mãn sự ham muốn của mình thì nó trở thành chấp thủ muốn giữ lại là tham, còn ngược lại nó không thỏa mãn ý muốn của mình thì sân sẽ nổi lên để tách nó ra khỏi mình, tham sân là 2 vấn đề của tâm thức khác nhau dẫn đến đau khổ cho mình và cho người. Còn si mê là không nhận ra được sự đau khổ do tham và sân tác động. Như vậy là do si mê nên mình không thấy được cái mình muốn mình tìm đó là “hạnh phúc”, nhưng cuối cùng cái ý nghĩ, hành động và việc làm của mình không đem đến hạnh phúc cho mình, mà trái ngược mình gặp đau khổ vì nhân gieo là xấu ác nên kết quả là khổ đau. Tham sân si gọi là tam độc đức Phật dạy nên hạn chế, đi đến tiêu diệt nó, nếu làm được thì mình sẽ rất hạnh phúc và những người xung quanh mình cũng sẽ hạnh phúc, đó là ý tưởng của nhà Phật.

Chúng ta muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người thì chúng ta phải tồn tại, mà mình tồn tại thì phải có cái để nuôi mình, đó là tài chính. Do đó, lợi nhuận trong kinh doanh phải đặt lên hàng đầu, vậy kinh doanh lợi nhuận với tham có khác nhau hay không khác nhau? Tham là thỏa mãn cái dục, thỏa mãn sự muốn của mình bằng bất cứ giá nào. Còn lợi nhuận không hẳn là tham mà cũng không hẳn là không tham, ví dụ, lợi nhuận ở chỗ không tham là ta hoạch định được chiến lược kinh doanh đàng hoàng phù hợp pháp luật nhà nước hiện hành và đạo lý dân tộc trong ngành nghề đó. Nên chúng ta không cần phải tham bất chấp để thỏa mãn. Ví dụ như hoạch định trong 5 năm 10 năm, quản trị về nhân sự tài chính, nhân lực, về mọi thứ để phục vụ cho mục tiêu là mình đạt được lợi nhuận, hoạt động trong tương lai mà không phải tham. Kinh doanh số 1 bây giờ không phải bán nhiều nữa mà bây giờ là giữ được khách hàng, bởi ngày xưa 1 người bán thì vạn người mua còn bây giờ thì vạn người bán 1 vài người mua, dẫn đến cạnh tranh, nhưng phải cạnh tranh công bằng và đúng pháp luật. Hậu quả của tham là đau khổ, đôi khi sẽ là phạm pháp, tan cửa nát nhà cũng bởi lòng tham của mình. Khi nói thành công là lợi nhuận là sự nghiệp nhưng song song với nó còn có tầm nhìn chiến lược. Mình thành công tuy được ở hiện tại nhưng ngày mai lại thiệt hại. Ví dụ như sản phẩm của doanh nghiệp gây ngộ độc nhưng tận 20 năm sau mới chết, mình bán ra mình có giúp được gia đình mình nhưng mình hại cả cộng đồng xã hội, đấy không thể gọi là thành công, đó là lòng tham, thấy hại mà vẫn làm. Người Việt mình có một bộ phận không nhỏ làm như vậy, bất chấp để thỏa mãn nhu cầu tài chính. Tham là tính cách con người chứ không phải là chiến lược, kỹ thuật kinh doanh. Nếu có nghề, có học hỏi, có hoài bão, tư duy, hiểu về nó thì mình mới chiến thắng, trí tuệ sẽ quyết định chứ không phải là tham quyết định. Đức phật thương tất cả chúng sanh, nguyên thủ quốc gia thương dân tộc ngày đêm không ăn không ngủ lo cho dân tộc ông cũng có phải tham cái gì đâu.

PV: Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của con người chiếu theo giáo lý nhà Phật là phát sinh từ những tri giác sai lầm hay còn gọi là vọng tưởng, nó dễ tạo ra những thất bại trong kinh doanh, vậy xin Đại đức chia sẻ thêm về vấn đề này?

Đại đức - Tiến sĩ Thích Trí Huệ: Đức phật dạy thế giới xung quanh mà con người biết được có 6 đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Thế giới đó là thế giới mà con người nhận biết được, còn tri giác sai lầm là đang nói đến sự nhận biết đến thế giới xung quanh, nó không phải là như vậy nhưng mình cho nó là như vậy nên mình sanh ra thái độ cảm xúc với cái mình nhận định cho nên dẫn đến đau khổ. Ví dụ đơn giản như chúng ta nhìn cái này thấy nó xấu ném bỏ nó đi, cái này với cái chúng ta nhìn 2 cái khác nhau, có 3 cái ảnh hưởng tới đánh giá đấy là con mắt, suy nghĩ và tâm trạng cảm xúc. Do chúng ta phụ thuộc vào 3 thành tố để nhận thức nên không bao giờ biết được sự thật của vạn hữu, người biết được sự thật chính là bậc thánh giác ngộ, bậc thánh mới biết được sự thật của cuộc đời, không phụ thuộc vào bất kỳ cái gì, nhìn thẳng và hiểu tường tận đối tượng đó là trí tuệ. Còn mình nhìn phụ thuộc thì đó gọi là nhận thức, thức đó là của thế gian pháp, còn chúng ta nhìn thẳng trực tiếp không phải bằng mắt, không phải bằng quan niệm, không phải là tâm yêu ghét hay cảm xúc. Nó như thế nào thì nhận rõ y như thế ấy nên trong nhà Phật gọi là Dharma, là pháp, là hiện hữu, là chon thật của vũ trụ. Người ta tu tập để đạt đến nhận biết chon thật pháp đó, ai được cái đó gọi là đắc pháp, đắc đạo. Nên tất cả cuộc đời con người không ai có thể nhìn được sự thật cuộc đời nên người ta sinh ra phiền não với sai lầm đó.

Trong kinh doanh, tri giác sai lầm và vọng tưởng, cái vọng tưởng thường xấu nhiều hơn là cái tốt, từ cái vọng của tâm sinh ra 3 hành vi là ý nghĩ, lời nói và hành động. Nếu mình làm theo cái vọng đó là làm trong vô minh, làm 1 điều mình không nhận định chính xác về điều đó, sẽ bị nó che mờ tâm mình, che mờ nguồn trí tuệ của mình nên đức Phật dạy phải diệt cái “vọng” để nhìn thấy sự thật. Mình hiểu được như vậy nên mình không được quyết định cái gì vội khi tâm chúng ta bị vọng sai khiến, quyết định là ở trong cái ý, còn hành vi là mình làm tác động tới môi trường xung quanh, đừng vội quyết định hay hành động khi ta đang cảm xúc. Ông bà mình nói giận quá mất khôn, làm thiệt hại mình thiệt hại người. Nên trong những lúc cảm xúc tâm như vậy đừng nên quyết định làm gì cả mà đợi tới lúc cảm xúc lắng đọng lúc đó có quyết định chín chắn mới là người khôn ngoan.

Trong giai đoạn hiện nay, trên thế giới cạnh tranh kinh tế rất khủng khiếp, người ta còn quan niệm rằng “thương trường là chiến trường”. Ta phân tích bằng xác suất thống kê cho 1 sự việc, thứ nhất là lợi cho mình hại cho người, thứ 2 là hại cho mình lợi người, thứ 3 là hại mình hại người và cuối cùng là lợi mình lợi người. Nếu người nào làm được điều thứ 4, lợi mình lợi người thì người đó là khôn ngoan nhất, trí tuệ nhất. Còn người mà hại mình hại người luôn là người kém trí tuệ, vô minh nhất. Người mà lợi mình hại người thì là người sống ích kỷ, người mà lợi người mà mình có thể bị thiệt hại thì là người biết hi sinh. Phương án hợp tác đôi bên có lợi là phương án trí tuệ, còn tất cả các phương án khác chỉ giải quyết được ở 1 thời điểm tức thời nào đó nhưng nó không mang tính chất bền vững. Nhưng ở 1 thời điểm nhạy cảm nào đó người ta không làm lợi mình lợi người được thì mình bắt buộc phải chọn, lợi mình nhiều và lợi người ít 1 chút chứ không hoàn toàn diệt người, đừng bao giờ chọn diệt người vì nếu như thế là sẽ phát sinh ý ác, tại sao phải diệt người mà không cho người khác cơ hội. Thương trường không cân bằng nhưng phải sống trong hòa bình hợp tác, đôi bên cùng có lợi, kiểm soát nhau bằng trí tuệ, luật pháp. Cạnh tranh mà để tiêu diệt là bất đắc dĩ, cạnh tranh mà cùng nhau hợp tác phát triển, đi lên mới là xu hướng tích cực nhất, dĩ nhiên có những cái không thể được như vậy, không còn sự lựa chọn nào khác thì phải chịu chứ đấy không phải là lâu dài, không phải là lựa chọn sáng suốt nhất.

PV: Ngày nay, tiếp sau sự thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và mỗi doanh nhân là công tác an sinh xã hội mà theo giáo lý nhà Phật đó gọi là mở lòng từ bi, vậy Đại đức có thể chia sẻ thêm những hành xử, phương pháp để những tấm lòng từ bi, những nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng gần hơn với giáo lý nhà Phật và có ý nghĩa hơn với đời thường?

Đại đức - Tiến sĩ Thích Trí Huệ: Từ bi và trí tuệ là mở lòng ra yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người và chúng sinh. Đấy là mục đích của người tu tập. Muốn giúp người phải trên tinh thần từ bi, nếu không thương mà giúp là lợi dụng người ta, còn giúp mà không có trí tuệ thì giúp không được mà còn hại người, cho nên cần có từ bi và trí tuệ. Ví dụ về mặt xã hội, giúp nhiều người chừng nào thì tốt chừng đó. Cái sau cùng của hành vi mà mình làm phước có 4 cái để cộng lại, thứ nhất là tâm chúng ta phát, thứ 2 là vật bố thí giá trị nhiều hay ít, thứ 3 là đối tượng nhận thí là người thường hay người cao thượng và cuối cùng là ảnh hưởng tới thế giới quan xung quanh qua việc bố thí ấy. 4 cái này cộng lại sẽ tạo thành phước báo sau cùng. Ở đây ta chưa đề cập đến việc muốn làm phước mà mình lại làm ngược lại; ví dụ mình giúp người làm 1 cái chài cá, người đó sẽ làm được nghề chài cá được lợi ích bản thân họ nhưng lại hại chúng sinh khác, như vậy chúng ta không những đề cập trên lợi ích mà còn trên tác hại tương quan của nó. Vậy nên người trí tuệ bao giờ giúp cũng nhìn trên cái lợi nhiều hại ít mới giúp, hoặc không có hại vậy nên người ta cần phải thông tuệ. Phước sau cùng phụ thuộc vào 4 điều, thứ nhất là phát tâm, phát tâm rộng lớn chừng nào phước nhiều chừng đó, phát tâm vì người mà làm, còn phát tâm vì mình mà làm thì phước nhỏ. Thứ 2 là vật thí, giá trị cái mình cho, ví dụ mình cho người ăn mày 10 ngàn và làm cái cây cầu 100 triệu thì 100 triệu hơn 10 ngàn, giá trị nhiều thì phước nhiều, giá trị ít phước ít. Thứ 3 là đối tượng nhận thí, đối tượng mình giúp là bật trí tuệ nhiều, đạo đức nhiều thì phước mình nhiều hơn giúp người trí tuệ, đạo đức ít. Cuối cùng là ảnh hưởng của cái mình làm, ảnh hưởng lớn hay nhỏ cho xã hội, ví dụ mình cho người ăn mày thì xong là hết, còn mình làm cái cầu thì cả vài mươi năm, nhiều năm về sau, giúp cả nhiều ngàn người, phước báo nhiều hơn. 4 điều này cộng lại mới ra phước báo sau cùng. Còn phước báo mà ta không tính toán khi thực hiện là phước báo 1 chiều, là thương yêu mà giúp thôi chứ không cần cái gì hết, tự nhiên mình giúp chứ không phải tính cái này lợi nhiều cái kia lợi ít, thấy thương thì giúp dù cho không có phước cũng làm là bố thí của bậc thánh, gọi là bố thí Ba la mật. Do đó không phải thấy có phước mới làm, thấy người nghèo không giúp mà đem hết làm cầu đường, đấy không phải là bố thí của bậc thánh mà là bố thí của phàm phu. Bố thí của bậc thánh là vì thương yêu nên giúp đỡ vô điều kiện, gọi là tùy duyên gặp thấy khổ thì giúp chứ không phải bố thí tính toán, nhưng đó là với người mục đích từ thiện thật còn những người lợi dụng công việc từ thiện để làm mục đích riêng mình ta không đề cập. Ví dụ làm từ thiện với mục đích chạy thành tích, tính điểm cuối năm, để lấy uy tín với sếp, để thông qua cái này được cái khác... cái đó mình không liệt vào dạng từ thiện mà liệt vào lợi dụng từ thiện để kinh doanh, cách từ thiện đó phước không nhiều trái lại đôi khi có tội, ví đó là kinh doanh trá hình từ thiện mà thôi.

Doanh nghiệp và doanh nhân theo lời đức Phật dạy thì phải chánh nghiệp và chánh mạng, khi chúng ta làm chánh nghiệp nghĩa là cái lợi nhuận của mình đừng trên đau khổ của người khác, nuôi mạng mình đừng phạm vào sinh mạng người khác đấy là chánh mạng, nuôi mạng mình mà phải hủy hoại, đe dọa sinh mạng người khác là tà mạng. Sống theo Bát chánh đạo là lý tưởng của người học Phật, trong cuộc sống nếu mình không làm được như vậy thì mình phải hạn chế. Đức Phật dạy có 4 hạng người, thứ nhất là người từ trong bóng tối đi vào bóng tối, thứ 2 là người từ trong bóng tối đi ra ánh sáng, thứ 3 là người từ ánh sáng đi vào bóng tối và cuối cùng là người từ ánh sáng đi ra ánh sáng hơn. Con nhà phật là phải biết từ trong tối đi ra ánh sáng hoặc từ sáng đi đến ánh sáng hơn. Từ bóng tối đi ra ánh sáng, tức từ làm ác phải bỏ ác làm thiện. Để bớt lầm lỗi thì ta phải sám hối ý nghĩ lời nói và hành vi sai lầm, là giúp ta, từ bóng tối đi ra ánh sáng. Người con của nhà Phật phải ra bằng được nơi ánh sáng còn người đi vào bóng tối thì không phải con của nhà Phật.

PV: Xin cảm ơn Đại đức về những chia sẻ thú vị!

Lan Hương