Để gọi vốn, startup cần bảng kế hoạch kinh doanh

00:00 12/10/2020

Để quyết định rót vốn, các nhà đầu tư đánh giá khả năng quản trị DN của startup thông qua những tri thức và kinh nghiệm sử dụng bảng kế hoạch kinh doanh từ nhóm sáng lập và nhân viên chủ chốt.

Có hai trường phái quan niệm sử dụng bảng kế hoạch kinh doanh: (1) sử dụng bảng kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn nhân rộng; (2) sử dụng bảng kế hoạch kinh doanh ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp.

Theo người viết, các startup nên sử dụng bảng kế hoạch kinh doanh ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp. Bảng kế hoạch kinh doanh nhằm giúp các cấp quản lý thực thi chức năng quản trị: lập kế hoạch-tổ chức-triển khai-thực thi và hiệu chỉnh. Không một doanh nghiệp hay tổ chức nào có thể phát triển và lớn mạnh nếu như người đứng đầu không áp dụng nguyên tắc này. Như vậy, các startup cần nắm được các nguyên tắc của bảng kế hoạch kinh doanh và từ từ áp dụng trong vận hành hàng ngày. Giá trị của bảng kế hoạch kinh doanh bao gồm các điểm chính sau:

1. Phân tích thị trường: Các bài trước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định nhu cầu cũng như độ lớn của thị trường. Đây chính là phần đầu tiên của bảng kế hoạch kinh doanh.

Theo sát những chỉ dẫn của bảng kế hoạch kinh doanh sẽ giúp cho các startup làm đúng và đủ những bước yêu cầu khi đánh giá thị trường, phân khúc khách hàng và giá trị sản phẩm/dịch vụ. Các công cụ trong bảng kế hoạch kinh doanh sẽ giúp cho các startup phân tích thị trường một cách hệ thống, sâu sắc và đầy đủ.

2. Định hướng chiến lược cho startup: Startup là một doanh nghiệp không thể thiếu các định hướng chiến lược - mục tiêu startup muốn đạt được trong 1-3 năm tới. Bảng kế hoạch kinh doanh có mục tiêu đạt được sẽ giúp thành viên sáng lập xác định rõ mình muốn gì trong tương lai và các chọn lựa chiến lược hướng tới mục tiêu đó. Một cách đơn giản nhất đó là sản phẩm/dịch vụ cần theo chiến lược giá rẻ, tập trung hay khác biệt.

Những định hướng chiến lược sẽ giúp startup thấy rõ mình đang ở đâu, mình nên hướng về mục tiêu gì và mình nên tiếp cận thị trường như thế nào trong sự cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành. Các yêu cầu xác định rõ trong bảng kế hoạch kinh doanh sẽ chỉ dẫn từng bước startup hoàn thiện bản đồ chiến lược của mình.

Những định hướng chiến lược sẽ giúp startup thấy rõ mình đang ở đâu, mình nên hướng về mục tiêu gì và mình nên tiếp cận thị trường như thế nào trong sự cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành.

3. Kết hợp Business Canvas: Bản đồ kinh doanh chín ô - Business Canvas là công cụ quen thuộc của startup trong quá trình hình thành doanh nghiệp. Trên thực tế, các startup gặp rất nhiều khó khăn khi thành lập ba ô bên trái bản đồ: nguồn lực chính, hoạt động chính, đối tác chính; và hai ô phía dưới: dòng doanh thu và cơ cấu chi phí. Nguyên nhân là do các startup chưa nắm rõ việc vận hành và kiểm soát chi phí/doanh thu.

Năm ô nói trên cũng chính là những phần quan trọng trong bảng kế hoạch kinh doanh, ví dụ như kế hoạch vận hành/sản xuất, bảng dự toán dòng tiền và doanh thu. Các startup nên thực hiện song hành bản đồ kinh doanh và bảng kế hoạch kinh doanh để có hai góc nhìn bổ sung cho nhau.

4. Nền tảng quản trị chuyên nghiệp: Như trong hai số báo trước có đề cập, các startup cần quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp ngay từ ngày đầu tiên thông qua áp dụng các quy tắc và nguyên lý quản trị căn bản. Nguyên tắc căn bản đầu tiên chính là quy trình lập kế hoạch, kiểm soát mọi công việc và tiến độ trong doanh nghiệp. Quản trị là làm việc qua con người nên doanh nghiệp đòi hỏi người sáng lập cần nhanh chóng có những công cụ kiểm soát tiến độ, đánh giá chất lượng hoàn thành cũng như phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp.

Bảng kế hoạch kinh doanh chi tiết cụ thể chuyên nghiệp sẽ luôn luôn đòi hỏi hệ thống đo lường hiệu quả công việc (KPI) cho từng bộ phận phối hợp với nhau. Đây chính là điểm mạnh khi tạo cho startup thói quen kiểm soát hoạt động kinh doanh.

5. Làm việc với nhà đầu tư: Thiếu bảng kế hoạch kinh doanh, startup không thể trình bày rõ ràng chi tiết các hoạt động, kết quả cũng như cách thức vận hành doanh nghiệp. Startup có bảng kế hoạch kinh doanh rõ ràng và bám sát bảng kế hoạch này sẽ càng có cơ hội trong thuyết phục nhà đầu tư.

Trên thực tế, bảng kế hoạch kinh doanh chỉ rõ tính hiệu quả trong vận hành giữa nguồn lực sử dụng và những kết quả đạt được từng phần. Nhà đầu tư sẽ nhìn thấy hiệu quả và triển vọng startup từ những kết quả ấy. Bảng kế hoạch kinh doanh còn giúp cho startup thiết lập các bảng dự toán và kiểm soát hiệu quả nguồn lực, chẳng hạn như nhân sự, tài chính cũng như các đầu vào sản xuất. Những nền móng căn bản này sẽ tạo lập hệ thống kiểm soát kế toán và tài chính-một điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư rót vốn cho startup. Các startup tạo dựng nền tảng kiểm soát tài chính và nguồn lực tốt sẽ có những số liệu quản trị nội bộ rõ ràng giúp cho các nhà đầu tư đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhanh chóng và chính xác.

6. Đào tạo và phát triển: Bảng kế hoạch kinh doanh là công cụ đào tạo, hệ thống và chi tiết đối với các thành viên sáng lập doanh nghiệp. Khi phát triển bảng kế hoạch kinh doanh, các thành viên sáng lập sẽ gặp nhiều khó khăn vì đòi hỏi tri thức kinh doanh sâu và hệ thống. Startup phải tự học và hoàn thiện khối lượng kiến thức cần và đủ cho vận hành. Học kinh doanh qua quá trình lập bảng kế hoạch sẽ mang lại thực tiễn và lý thuyết song hành cho các thành viên sáng lập.

Gọi vốn được hay không phụ thuộc vào quá trình tạo lập doanh nghiệp thành công. Các thành viên sáng lập cần nhận thức có ba cột trụ quan trọng cho doanh nghiệp non trẻ. Một, xác định nhu cầu có thật và kiến tạo sản phẩm/dịch vụ phù hợp với đòi hỏi của khách hàng lựa chọn. Hai, xác lập và kiến tạo mô hình kinh doanh mang sản phẩm/dịch vụ tiếp cận thị trường. Ba, hình thành và hoàn thiện bộ máy vận hành mô hình kinh doanh để nhân rộng sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng.

Các startup cần nhận thức đúng và làm đủ ba cột trụ này ngay từ ngày đầu tiên thành lập doanh nghiệp để hạn chế rủi ro. Khởi nghiệp không bao giờ tránh được rủi ro, nhưng vốn đầu tư sẽ chỉ rót vào những startup nào quản trị rủi ro hiệu quả thông qua các yêu cầu nói trên.

(*) Chuyên gia khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số