Đẩy mạnh các kênh truyền thông hiện đại về BHXH, BHYT

00:00 12/10/2020

Bên cạnh các kênh truyền thông mang tính truyền thông, trong thời gian gần đây, BHXH Việt Nam triển khai các kênh truyền thông mang tính hiện đại hơn nhằm cung cấp thông tin và giải đáp tư vấn thủ tục, chính sách BHXH, BHYT đến với người dân, doanh nghiệp một cách kịp thời hơn.

 BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ các kênh truyền thông như: qua Hệ thống tổng đài 1900.9068; Ứng dụng tư vấn, trả lời bằng Chat bot; Tương tác qua fanpage Facebook; Tiếp nhận ý kiến phản hồi qua Cổng thông tin điện tử; Giải đáp tư vấn qua hệ thống tin nhắn SMS…

Đến nay, các hình thức truyền thông nói trên từng bước phát huy hiệu quả. Tính đến tháng 7/2019 hệ thống tổng đài 1900.9068 đã tiếp nhận và trả lời 268.633 cuộc gọi từ khách hàng. Hệ thống trả lời tự động được xây dựng từ tháng 11/2018 với kho dữ liệu câu hỏi và trả lời để kết nối với người dân mọi lúc, mọi nơi. Fanpage BHXH Việt Nam trên mạng xã hội facebook được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2019, hiện có gần 7.000 người theo dõi; hơn 300 thông tin được đăng tải; gần 500 lượt trả lời các câu hỏi; thu hút hơn 03 triệu lượt người tiếp cận.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam triển khai các dịch vụ tin nhắn thông tin đến người dân, người lao động, doanh nghiệp; bao gồm các thông tin về đóng BHXH, BHYT, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thời hạn sử dụng thẻ BHYT, đóng BHXH tự nguyện…

Tại Hội nghị ASSA 36, các giải pháp truyền thông mới của BHXH Việt Nam đã được giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức thành viên ASSA. Với chủ đề chính của ASSA 36: “Công nghệ thông tin và Truyền thông: Trao quyền đổi mới An sinh xã hội”, những biện pháp đa dạng kênh truyền thông của BHXH Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu dự hội nghị. Đây cũng là định hướng được đưa ra trong các khuyến nghị phát triển truyền thông về An sinh xã hội của Tổ chức An sinh xã hội thế giới – ISSA. Theo đó, ISSA nhận định: Chìa khóa để tạo nên sự hiệu quả chính là việc kết nối một cách thường xuyên liên tục giữa các nhóm có liên quan ở các góc độ, vai trò khác nhau; ví dụ như người lao động, chủ sử dụng lao động, cơ quan xây dựng luật, nhân viên cơ quan an sinh xã hội, cơ quan báo chí… Từ đó tạo nền tảng để chia sẻ thông tin, kiến thức, các ý kiến, quan điểm… nhằm đem lại lợi ích chung nhất cho các bên liên quan. Công tác truyền thông nếu được thực hiện hiệu quả sẽ đem lại những lợi ích thiết thực. 
Các nhóm đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ an sinh cũng như các nhóm cơ quan tham gia phối hợp tổ chức thực hiện chính là mục tiêu quan trọng cần hướng tới, chú trọng truyền thông rõ đến người dân/ khách hàng những lợi ích, các chế độ hay dịch vụ họ được thụ hưởng. Cung cấp chuyển tải thông tin một cách chính xác, dễ hiểu về các chế độ, dịch vụ người dân được hưởng qua các kênh khác nhau, một cách thường xuyên liên tục, nhất quán trong các thông điệp, thông tin được chuyển đi dù loại hình, kênh truyền thông có thể khác nhau./.

P.V