Đại thực cảnh và chuyện đầu tư “mạo hiểm” đưa văn hóa Việt ra thế giới

00:00 12/10/2020

Tháng 03/2019, Show diễn thực cảnh Ký ức Hội An được lựa chọn trình chiếu tại Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ). 03 ngày sau, 220 cơ quan thông tấn quốc tế từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đã lan tỏa thông tin này. Lần đầu tiên, một show diễn thực cảnh thuần Việt tạo nên tiếng vang lớn đến thế. Nó như một dấu mốc khẳng định, hướng đi đúng của Việt Nam khi xây dựng, phát triển loại hình Đại thực cảnh thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Show Ký ức Hội An được trình chiếu trên Quảng trường Thời đại (Mỹ)

Đưa tinh hoa văn hóa thành sản phẩm du lịch

 Câu chuyện tìm đường đi đúng, vừa tăng giá trị khai thác nhưng cũng đồng thời phát triển bền vững cho ngành Du lịch từng là “bài toán khó” không lời giải trong nhiều năm trước. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều di sản thiên nhiên kỳ thú. Trải dài từ Bắc – Trung – Nam, ngành Du lịch không thiếu các cảnh quan từ núi rừng hùng vĩ, biển xanh nắng vàng. Không những thế, lịch sử dựng nước – giữ nước hàng nghìn năm cũng bồi đắp nhiều di sản trường tồn để kết hợp và đa dạng hóa các loại hình du lịch. Thế nhưng, du lịch cảnh quan đã phải là điểm giới hạn của du lịch Việt Nam?

Qua nhiều năm, câu hỏi ấy luôn đau đáu với các nhà quản lý, những người tâm huyết với ngành Du lịch. Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, sức hấp dẫn và khả năng phát triển bền vững của ngành Du lịch luôn gắn liền với các giá trị văn hóa. Yếu tố này, Việt Nam không hề thiếu, thậm chí có thể nói là phong phú. Nhiều loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng truyền tải được cái hồn cốt, đồng thời biến tinh hoa của văn hóa truyền thống thành sản phẩm dễ xem, dễ thẩm thấu phục vụ đông đảo khách du lịch trong, ngoài nước lại là điều hoàn toàn không dễ dàng.

 

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết bài toán “sử dụng và phát huy giá trị văn hóa tinh hoa” vào du lịch này.  Ban đầu, là sự xuất hiện của những điểm biểu diễn Đờn ca tài tử (Nam Bộ) tại các nhà vườn, ca Huế (Cố đô Huế) hay diễn xướng chầu Văn (phía Bắc) được nhiều công ty lữ hành đưa vào tour, phục vụ du khách. Tuy nhiên, quy mô của các hoạt động này vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát và cũng chưa mang lại giá trị khai thác kinh tế lớn.

Sự thay đổi mang tính cách mạng, thực sự biến tinh hoa văn hóa dân tộc thành sản phẩm phát triển du lịch chính là các show thực cảnh, đại thực cảnh. Trong đó, Ký ức Hội An và trước đó không thể không kể đến Tinh hoa Bắc bộ, Thuở ấy xứ Đoài...

Những cảnh diễn hoành tráng, đậm màu sắc văn hóa trong Ký ức Hội An

Cuộc chơi lớn của các nhà đầu tư

Ở Việt Nam, trình diễn sân khấu thực cảnh mới được phát triển và đầu tư lớn trong vài năm trở lại đây. Nhưng trên thế giới, loại hình này đã xuất hiện vài thập kỷ và chứng minh được tính hiệu quả trong việc quảng bá, hỗ trợ phát triển Du lịch. Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia): Nếu được đầu tư đúng mức, các vở diễn thực cảnh đại quy mô có thể là sự quảng bá tuyệt vời cho tinh hoa văn hóa bản địa, tạo sức hút lớn với khách du lịch. Thực tế tại nhiều nước, ví dụ như Trung Quốc, vở Ấn tượng Lệ Giang (đạo diễn Trương Nghệ Mưu), với chi phí đầu tư lên đến hàng chục triệu USD, huy động hàng ngàn diễn viên quần chúng từng giúp thành phố Lệ Giang và danh thắng Ngọc Long Tuyết Sơn thu hút một lượng khách du lịch, kéo theo nguồn thu vô cùng lớn.

Trở lại với Việt Nam, những vở diễn thực cảnh cũng được đánh giá là “cuộc chơi lớn” của các nhà đầu tư, bởi tầm mức, quy mô và những yêu cầu khắt khe chưa từng có mà những Ký ức Hội An hay Tinh hoa Bắc Bộ nhận được. Nói như PGS.TS Nguyễn Hoài Sơn, vấn đề không chỉ là tiền (có thể lên đến hàng chục triệu USD kinh phí) mà còn là các không gian biểu diễn cực lớn để đảm bảo cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn diễn viên quần chúng cùng lúc tham gia.

Cảnh trong show diễn Tinh hoa Bắc Bộ

Chẳng hạn như vở diễn Ký ức Hội An. Sân khấu ngoài trời có sức chứa lên đến 3.300 khán giả. Bối cảnh sân khấu kết hợp cả sông nước núi non, chiều dài sân khấu lên đến 1km, sử dụng hơn 500 diễn viên. Chương trình biểu diễn thực cảnh áp dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng tối tân, với sự tham gia tổ chức và sản xuất của chuyên gia quốc tế, cha đẻ của ngành biểu diễn thực cảnh. Trong 60 phút liên tục, Ký ức Hội An đưa khán giả trải nghiệm 5 màn biểu diễn khác nhau, qua đó trải nghiệm về lịch sử, văn hóa Hội An, từ thuở sơ khai đến thời thương cảng sầm uất. Nhờ quy mô hoành tráng như vậy, vở diễn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục: Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam và chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất.

Trước đó, năm 2017, vở diễn Thuở ấy xứ Đoài của đạo diễn Việt Tú cũng gây xôn xao dư luận bởi quy mô hoành tráng. Chọn sân khấu trình diễn tại Khu du lịch Sài Sơn (Hà Nội), vở diễn thực cảnh này sử dụng mặt hồ nước có diện tích 3.000m2. Khán đài có sức chứa lên đến 2.000 khán giả nằm trên một con đồi nhỏ. Tất cả đạo cụ, bài trí sân khấu lẫn lượng người tham gia khiến cho vở diễn thu hút sự chú ý vô cùng lớn, được khách du lịch quốc tế chọn lựa gần như ngay lập tức trong hành trình tour đến Hà Nội của mình.

Tương tự, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ của ê-kip đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng từng được vinh danh tại Giải thưởng Stevie châu Á – Thái Bình Dương với hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan”. Ít người biết, để có được giải thưởng danh giá này, Tinh hoa Bắc bộ đã sử dụng thực cảnh rộng đến 19.000m2, trong đó riêng khu vực hồ nước rộng 4.300m2. Trả lời báo chí, đạo diễn Hoàng Nhật Nam từng tự hào cho biết: “Toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng sử dụng trong show diễn đều là thiết bị hàng đầu thế giới. Để lột tả hết tinh hoa văn hóa dân tộc trong vở diễn này, ê-kip đã phải mất 10 năm thai nghén, chuẩn bị và dàn dựng”.

Cảnh trong show diễn Tinh hoa Bắc Bộ

Trái ngọt từ sự mạo hiểm

Xây dựng tác phẩm văn hóa quy mô, hấp dẫn đã khó. Thế nhưng, tác phẩm đưa vào khai thác thương mại du lịch có sức hấp dẫn, thu hút được khách du lịch hay không lại là vấn đề khác hoàn toàn. Hàng chục triệu USD đầu tư cho mỗi vở diễn thực cảnh lớn có thể đổ sông đổ biển, nếu tác phẩm không có sự kết nối tốt với hệ thống các công ty lữ hành, không nhận được sự hưởng ứng của du khách.

Tạm gạt sang một bên những khó khăn từ đại dịch COVID-19, khiến hầu hết các vở diễn đại thực cảnh hiện rơi vào tình trạng diễn cầm chừng hoặc thậm chí phải tạm dừng. Đây là yếu tố khó khăn mang tính khách quan, tạm thời và không quyết định thành công hay thất bại của hướng kinh doanh show diễn thực cảnh. Tầm nhìn của các nhà đầu tư loại hình du lịch văn hóa này đều mang tính lâu dài, như chính ông Đào Quang Tùng (TGĐ Gami Theme Park, chủ đầu tư show Ký ức Hội An) thừa nhận. “Mức đầu tư của chúng tôi tương đương 3 khách sạn 5 sao trên diện tích 2,5 ha. Trong hơn một năm đầu khai thác, số lượng khách đã lên đến hàng triệu lượt người. Nhưng chắc chắn, để hướng tới lợi nhuận sẽ cần một lộ trình. Trong đó, bản thân chúng tôi vẫn phải tiếp tục sáng tạo, nâng cao chất lượng vở diễn”.

Đạo diễn Việt Tú – Đạo diễn vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ

Được biết, trước khi gặp khó khăn vì COVID-19, show Ký ức Hội An đã trình diễn liên tục vào các tối trong tuần (trừ thứ Ba). Giá vé xem show dao động từ 600.000 đồng – 900.000 đồng/người. Show Tinh hoa Bắc Bộ cũng biểu diễn liên tục các ngày trong tuần (trừ thứ Ba), với các hạng vé từ 800.000 – 1.200.000 đồng/người. Đáng nói, các show diễn lớn này đều thu hút lượng khán giả rất lớn. Trong đó, không ít khách du lịch Quốc tế thừa nhận, họ đến Việt Nam, sau đó trở lại và vẫn tiếp tục chi trả tiền để được xem các show diễn này. Lý do là vì “nó thực sự hấp dẫn”.

Trong đại dịch COVID-19, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh chung đó, việc các show diễn thực cảnh lớn gặp nhiều khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, phải khẳng định: Đầu tư phát triển các show diễn thực cảnh phục vụ kinh doanh Du lịch là canh bạc “mạo hiểm” nhưng hợp lý và rất hứa hẹn. Con số hàng triệu lượt khách xem show có thể sẽ là một động lực, để các nhà đầu tư tự tin hơn cho các dự án thương mại, nhưng thực sự lan tỏa giá trị, tinh hoa văn hóa Việt tiếp theo.

Lan tỏa giá trị văn hóa thuần Việt

Kể từ khi trình diễn, show diễn Ấn tượng Lệ Giang (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) được ước tính đã mang về doanh thu khoảng 140 triệu USD. Với Tinh hoa Bắc Bộ, Thuở ấy Xứ Đoài hay Ký ức Hội An, doanh thu được kỳ vọng sẽ sớm mang đến lợi nhuận tương xứng công sức cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cái được lớn nhất từ những show diễn thực cảnh quy mô lớn, đẹp mắt này chính là gìn giữ và lan tỏa giá trị Văn hóa thuần Việt. Đó mới là ý nghĩa tuyệt vời nhất.

Thanh Hà