Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: “Dồn toa” do ngại trách nhiệm

00:00 12/10/2020

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) ít nhất 85 DN, 181 DNNN phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, thực hiện chưa đạt 10% kế hoạch, mới có 8 DNNN được phê duyệt phương án CPH, 5 đơn vị thực hiện thoái được 2.506 tỷ đồng vốn.

Vướng định giá đất

Theo số liệu của Ban Đổi mới và phát triển DN, tổng số tiền thu về từ CPH thoái vốn trong nửa đầu năm 2018 đạt hơn 22.500 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cả năm 2017. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ cơ cấu đóng góp sẽ thấy tỷ trọng rất lớn đến từ các DN đã được phê duyệt phương án CPH từ cuối năm 2017, chẳng hạn như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, Tổng Công ty Phát điện 3, Tổng Công ty Dầu PVOill, Hapro, Vinafood2… Đây là những DN có quy mô vốn lớn, được phê duyệt phương án CPH vào tháng 12/2017 và thực hiện IPO (đấu giá cổ phần lần đầu) vào tháng 1, tháng 3/2018.

Hapro là một trong những doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa từ cuối năm 2017. Ảnh: Lê Nam

Xong, kể từ khi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty CP, có hiệu lực từ 1/1/2018, hầu như có rất ít DN được phê duyệt phương án CPH theo các quy định mới này. Đơn cử, theo kế hoạch, 11 DNNN thuộc TP Hà Nội và 39 DN của TP Hồ Chí Minh phải CPH trong năm nay, nhưng dù đã hết 6 tháng đầu năm, chưa có DN nào thực hiện.

Nguyên nhân gây ra tình trạng chậm trễ này, theo tìm hiểu của phóng viên, là do những vướng mắc trong xác định giá DN. Trong đó, nhiều nhất liên quan đến đất đai. Cụ thể, Nghị định 126/2017 yêu cầu phải xác định giá trị đất đai vào giá trị DN thay vì cho phép DN được lựa chọn 2 phương án (đất thuê trả tiền một lần tính vào giá trị DN, đất thuê trả tiền hàng năm không phải tính vào giá trị DN) như trước kia. Theo Thông tư số 41/2018/TT-BTC ban hành ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính, phương pháp xác định giá trị DN CPH phải có 2 phương pháp, trong đó buộc phải có một phương pháp theo tài sản. Trong các tài sản kiểm kê để xác định giá trị DN, có tài sản gắn liền với đất thuộc diện phải xử lý theo phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Điều này có nghĩa, trước khi CPH, DN phải tiến hành sắp xếp lại tài sản nhà đất.

Sợ rủi ro cơ chế

Theo Nghị định 67/2017/CP-NĐ có hiệu lực từ 31/12/2017, bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chủ trì tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà đất và lập thành biên bản theo mẫu đối với từng cơ sở nhà đất. Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng, bộ, cơ quan Trung ương xem xét, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi quản lý, gửi lấy ý kiến của UBND cấp tỉnh nơi có nhà đất.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, UBND cấp tỉnh nơi có nhà đất có ý kiến bằng văn bản đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc Trung ương quản lý, trên cơ sở đó, bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện phương án gửi Bộ Tài chính. Bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp bộ và UBND các tỉnh có ý kiến, quan điểm khác nhau với phương án. Bộ Tài chính cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Hoặc Bộ Tài chính xem xét phê duyệt phương án thuộc thẩm quyền của Bộ.
Với quy trình như trên, không dễ để các DN thực hiện sắp xếp xử lý tài sản nhà đất trong một sớm một chiều. Theo lời một lãnh đạo DN thuộc diện phải CPH trong năm nay, các văn bản mới cũng quy định rất rõ về trách nhiệm của những người liên quan đến xử lý tài chính, định giá DN, trong đó có đề cập đến trách nhiệm hình sự. Vì thế, hiện không có DN nào dám làm nhanh mà tất cả đều phải chờ đợi, phải theo đúng quy trình. Tuy nhiên, quy trình khởi động từ đâu thì chưa ai "bắn phát pháo" đầu tiên. Vậy là chậm trễ.
Tại cuộc họp của Ban Đổi mới và Phát triển DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn DN giải quyết các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ CPH, đặc biệt về đất đai để đẩy nhanh tiến độ CPH. Giới chuyên gia cho rằng, nếu không làm rõ quy trình, làm rõ trách nhiệm của từng khâu có liên quan đến cả tiến trình CPH DN, chắn chắn mục tiêu và kế hoạch CPH năm 2018 sẽ khó về đích như mong muốn.

"Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và CPH DNNN. Chúng tôi đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Hội nghị toàn quốc về đổi mới DN. Nếu Thủ tướng đồng ý, Hội nghị này sẽ được tổ chức trong quý III này. " - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Nguyên Anh