Phó TGĐ EVNSPC Lâm Xuân Tuấn và công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định

11:30 10/11/2020

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã thực hiện nhiều bài viết chuyên sâu về những tồn tại, bất cập trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án mua sắm trang thiết bị - công trình đầu tư xây dựng từ nguồn chi ngân sách nhà nước tại nhiều địa phương, nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong công tác đấu thầu, đồng thời kiến nghị đến các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, được dư luận bạn đọc quan tâm.

Trúng thầu đột biến

Tính từ đầu năm đến nay, Công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định đã trúng nhiều gói thầu trong đó có 2 gói thầu lớn nhất từ trước đến nay (theo công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) nhưng công ty này không đủ năng lực dự thầu. Là người trực tiếp phụ trách các gói thầu trên nhưng ông Lâm Xuân Tuấn - Phó TGĐ Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) lại không phát hiện ra.

Đó là Gói 6.1: Cung cấp và lắp đặt đường dây (từ ĐĐ đến G13) và Gói 6.3: Cung cấp và lắp đặt đường dây (từ G27 đến G36) cùng thuộc dự án Đường dây mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí, tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận. Dự án này do Ban Quản lý dự án Lưới điện miền Nam là bên mời thầu, chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Miền Nam.

Hai gói thầu nêu trên được trao cho Công ty Điện Sài Gòn Gia Định với tổng giá trúng thầu là hơn 123 tỷ đồng.

Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu do ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Ban quản lý lưới điện ký.

Xem lại lịch sử trúng thầu của Công ty Điện Sài Gòn Gia Định từ trước đến nay chưa thấy có gói nào có quy mô tương tự như 2 gói thầu Công ty này vừa trúng. Không chỉ quy mô, tính chất tương tự về công việc của 2 gói thầu này cũng không có bởi DN này thường trúng các gói thầu trị giá vài ba tỷ đồng với nội dung thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình điện mặt trời.

Nhiều vấn đề trogn công tác đấu thầu tại Tổng công ty Điện lực miền Nam được báo chí phản ánh

Múa may" năng lực! 

Theo phản ánh, để trúng 2 gói thầu mạch 2 Ninh Phước- Tuy Phong, Công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định đã có nhiều dấu hiệu ngụy tạo hồ sơ năng lực. Công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định còn lập hồ sơ tài chính ngụy tạo bởi năm 2015 doanh thu của công ty này bằng 0. Năm 2016 là 21.778.044 đ. Năm 2017 là 52.300.289 đ. Năm 2018 là 113.846.432 đ. Trong khi đó, yêu cầu mà SPC EVN đặt ra với các nhà thầu là doanh thu tối thiểu mỗi năm trong vòng 4 năm gần nhất phải đạt bình quân 100 tỷ đồng/năm. 

Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của ông Lâm Xuân Tuấn, Phó giám đốc EVNSPC, người trực tiếp phụ trách các gói thầu trên trong việc lựa chọn nhà thầu này là gì? Không đáp ứng đủ năng lực dự thầu, tại sao Cty CP điện Sài Gòn Gia Định vẫn đường hoàng trúng các gói thầu trị giá hàng trăm tỷ đồng? Phải chăng công ty này nhận được sự hậu thuẫn của lãnh đạo Ban quản lý dự án Lưới điện do ông Phạm Minh Tuấn làm Gám đốc Ban và Phó tổng giám đốc EVNSPC Lâm Xuân Tuấn? 

Theo Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê & đồng sự: Vốn đầu tư tại SPCEVN là vốn ngân sách, nên cần đảm bảo sự công khai, minh bạch, đúng các quy định pháp luật về đấu thầu. Điều này, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu cũng như tăng hiệu quả, chất lượng công trình của ngành điện. Yêu cầu đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, thanh tra việc dự thầu, trúng thầu, phê quyệt, quyết định cho công ty CP Điện Sài Gòn Gia Định trúng thầu. Bởi việc để tồn tại một công ty không đủ năng lực trúng thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chất lượng và tiến độ của công trình, dự án. 

Ngoài ra, hiện cung có nhiều thông tin về hiện tượng "quây thầu", chỉ một nhà thầu trúng sát giá tại các gói thầu thuộc dự án Long Sơn do  EVNSPC triển khai.

Trước những phản ánh trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ trao đổi với đại diện của EVNSPC. Tuy nhiên, vị đại diện này cho hay "hiện nay vẫn chưa có thông tin gì mới"!

Trương Vương - Đỗ Hiếu