CMCN 4.0: Doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi để ‘sống’

00:00 12/10/2020

Khi doanh nghiệp chuyển đổi số mà tư duy không có sự thay đổi đồng nghĩa với việc hệ thống số đó cũng sẽ không có giá trị…

Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay, có 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. Còn theo thống kê của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, năm 2018, trong 10.994 DN sản xuất, có 879 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến (8%); 5.501 doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, TB tiến tiến (50%); 4.614 doanh nghiệp còn lại sử dụng công nghệ lạc hậu (42%).

Doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi để “sống”

Đánh giá tác động của CMCN 4.0, TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, CMCN 4.0 làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và cách làm việc của con người.

Theo ông Hiếu, xu hướng của CMCN 4.0 thay đổi nhanh đến mức, mới đây 800 doanh nhân họp ở Davos (Thụy Sĩ) đã dự báo 21 sản phẩm sẽ xuất hiện trong 10 năm tới. Các sản phẩm đó bao gồm: 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 80% người dân hiện diện số trên internet; chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ… Tuy nhiên thách thức từ CMCN 4.0 đối với DN cũng nhiều nhưng cơ hội kinh doanh tạo ra từ cuộc cách mạng này cũng rất lớn. Rất nhiều công nghệ mới có thể giúp DN thay đổi hoạt động kinh doanh. Do đó, DN phải có tư duy thay đổi, thay đổi để “sống”. Khi DN chuyển đổi số mà tư duy không có sự thay đổi đồng nghĩa với việc hệ thống số đó cũng sẽ không có giá trị.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). 

Ông Hiếu đề nghị DN nên tự chủ động tìm hiểu nghiên cứu về cuộc cách mạng này và những tác động của cuộc cách mạng đến DN. Bởi hiện nay rất ít DN vừa và nhỏ biết, chủ động tìm hiểu về CMCN 4.0. DN phải nhận thức về cuộc cách mạng này và có những hành động cụ thể. DN hãy tư duy hàng ngày làm thế nào để kinh doanh hiệu quả hơn. Như vậy, để kinh doanh hiệu quả thì phải áp dụng khoa học, công nghệ hiện có, công nghệ tiên tiến và cân đối giữa đầu tư và lợi ích.

Nói về chính sách và giải pháp hỗ trợ về khoa học và công nghệ để DN tiếp cận và thích ứng với CMCN 4.0, ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện Chính phủ có nhiều chính sách để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.

“Chúng ta đã mường tượng ra cuộc cách mạng 4.0 sẽ như thế nào để đón đầu. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn có những độ trễ nhất định. Theo đó, DN phải là trung tâm để đổi mới, ứng phó với cuộc cách mạng 4.0 nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Xuyên nói.

Ông Xuyên cũng cho rằng, các DN phải thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất và môi trường kinh doanh, phải thay đổi từ cạnh tranh tĩnh sang cạnh tranh động để có thể bắt kịp xu hướng…

“Để làm được điều đó, chúng ta phải đánh thức tiềm năng của chính mình để phát triển công nghệ trong tương lai. Tỉ lệ DN sử dụng công nghệ đang tăng rất mạnh. Nhưng DN lớn có bộ phận tự nghiên cứu, triển khai công nghệ chỉ chiếm chưa đến 3% (quá thấp trong cuộc cách mạng 4.0)”, ông Xuyên nhấn mạnh.

Bài toán chính là cải cách và thay đổi thể chế

 Bài toán chính là cải cách và thay đổi thể chế để có sự đột phá trong cuộc CMCN 4.0.

Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, khi nói về cuộc cách mạng này người ta nói nhiều đến sáng tạo những công nghệ với đột phá về kết nối. Đặc biệt là về công nghệ thông tin hay như IoT, dữ liệu lớn. Tuy nhiên, để có sự đột phá này, bài toán chính là cải cách và thay đổi thể chế. Trong thể chế có 2 nhóm rất quan trọng là tháo rào cản và xây mới, hai là thúc đẩy phát triển sáng tạo. Chúng ta đều biết nguồn lực quan trọng nhất liên quan đến vấn đề dữ liệu cho nên khung pháp lý đầu tiên cần làm và tập trung nhất chính là dữ liệu. Nó liên quan đến quyền sở hữu, tiếp cận, quyền riêng tư và dịch chuyển dữ liệu số, đặc biệt là dịch chuyển qua biên giới. Cho nên chúng ta phải có những bước tiến, bước đi nhanh chóng quyết liệt. Đây là mấu chốt quan trọng trong cải thiện khuôn khổ pháp lý.

Mặt khác, ông Thành cho rằng để phát triển CMCN 4.0, cần đề cao vai trò của thể chế và người lãnh đạo. Thể chế phải tốt, lãnh đạo phải nhanh, mạnh và quyết đoán, sâu sát, nhạy cảm với tình hình để có quyết sách đúng đắn. Tiếp theo là phải có hệ thống giáo dục đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực số có chất lượng cao. Bên cạnh đó phải tiếp tục coi DN sáng tạo là trung tâm, đồng thời thúc đẩy an ninh mạng kết nối.

Thanh Minh

Tags: