Chuyện về lão bà doanh nhân Lê Thị Ngơm

00:00 12/10/2020

Người nhỏ nhắn, răng nhuộm đen, miệng luôn bỏm bẻm nhai trầu, đặc biệt là sự minh mẫn hiếm thấy khi trò chuyện khiến ít người ngờ doanh nhân Lê Thị Ngơm đã ở tuổi 81. Trong ngôi nhà riêng tại phường Bạch Đằng - Hoàn Kiếm - Hà Nội, chúng tôi được lão bà truyền lửa về nghiệp kinh doanh, triết lý sống, nhất là tinh thần không ngại khó, ham học hỏi...

Đam mê kinh doanh từ bé

Bà Ngơm sinh ra tại huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa, theo gia đình đến định cư tại huyện Sóc Sơn - Hà Nội từ năm 10 tuổi. Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, ngay từ nhỏ bà đã cùng gia đình tham gia chế biến, cung cấp dược liệu phục vụ hỗ trợ kháng chiến. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, bà cùng gia đình là một trong những cơ sở cung cấp lượng lớn thuốc điều trị cho bộ đội tham gia chiến dịch.

Khi lớn lên, với tố chất kinh doanh được thừa hưởng từ gia đình, bà mở thêm cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm dệt lụa, may mặc. Sản phẩm từ cơ sở dệt lụa của bà khi đó luôn được đánh giá cao về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu dù khắt khe nhất của người tiêu dùng. Buôn bán kinh doanh thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng nhờ chất lượng, bà đã đưa sản phẩm của mình không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài. Năm 2003, khi đã gần 70 tuổi, cái tuổi lẽ ra cần nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, mặc lời can ngăn, một lần nữa bà thử sức mình trong lĩnh vực mới, sản xuất nuôi trồng và kinh doanh nấm Đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý. Cơ sở nuôi trồng Đông trùng hạ thảo của bà đặt tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cũng là địa chỉ của doanh nghiệp Thanh Ngân do bà thành lập.

Nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo tại cơ sở của bà Lê Thị Ngơm

Nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo không hề dễ vì đặc tính sinh học của chúng chỉ phát triển trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm như cao nguyên Thanh Tạng, Tây Tạng ở Trung Quốc (có độ cao trung bình trên 4000m so với mặt nước biển). Ngoài đặc tính ở trên, chúng còn đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp… để phát triển thành Đông trùng hạ thảo. Nhờ cần cù chịu khó, trí tuệ minh mẫn, cộng với kinh nghiệm nhiều năm tích lũy trong lĩnh vực dược liệu, bà Ngơm nhanh chóng nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật quy trình nôi trồng, chế biến nấm Đông trùng hạ thảo. Sản phẩm làm ra từ cơ sở của bà luôn đạt chất lượng cao nhất, sản sinh ra lượng lớn hàm lượng chất Adenosin, một chất có chức năng hỗ trợ phòng chống và điều trị bệnh tim mạch. Được khách hàng từ trong và ngoài nước tin tưởng, cả khách hàng đến từ các nước nổi tiếng về dược liệu quý hiếm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đến đặt mua, có thời điểm, cơ sở nuôi trồng Đông trùng hạ thảo của bà Ngơm xuất bán cả vạn hộp.

Kinh doanh lấy chữ tâm làm gốc

“Với quy trình nuôi trồng sản xuất chặt chẽ, mọi khâu trong quá trình sản xuất đều được kiểm soát nghiêm ngặt, nấm Đông trùng hạ thảo từ cơ sở sản xuất của chúng tôi còn có ưu điểm là các thành phần tạo ra đều có nguồn gốc thiên nhiên, không có hóa chất. Mỗi thành phẩm sau khi được nuôi trồng từ cơ sở đều được mang đi giám định, kiểm tra hàm lượng chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu cao nhất mới xuất bán cho khách hàng”, bà Ngơm chia sẻ.

Các con cháu, cùng những người lao động (có thời điểm chính vụ, cơ sở của bà Ngơm thu hút 70 lao động) đều cảm nhận được đức độ và tấm chân tình của bà. Lòng nhiệt huyết, sự chăm chỉ trong công việc của bà đã truyền lửa cho mọi người gắn bó với công việc bằng tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm, coi nơi làm việc như gia đình thứ hai của mình. Dù tuổi cao nhưng hàng tuần bà vẫn đều đặn hai lần lên cơ sở nuôi trồng Đông trùng hạ thảo. Đặc biệt, bà luôn căn dặn con, cháu và những người lao động, sản xuất kinh doanh phải tuân thủ pháp luật, phải lấy cái tâm làm gốc, đạo đức kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi sản phẩm làm ra luôn phải đảm bảo chất lượng tốt nhất, an toàn nhất, không vì chạy theo lợi nhuận mà làm ẩu, làm sản phẩm kém chất lượng. Cần chịu thương chịu khó, chăm chút, an toàn cần thận cho sản phẩm, vừa được lợi cho mình vừa lợi cho mọi người, để mọi khách hàng yêu thương, tin tưởng mình. Nếu không giữ được niềm tin thì không thể kinh doanh lâu dài.

“ Cả đời buôn bán, sản xuất kinh doanh, tôi đúc kết, tiền tài dù có nhiều thì khi ra đi cũng không mang được gì. Do vậy, dù làm bất cứ việc gì tôi đều coi trọng chất lượng sản phảm và chữ tín, không chạy theo lợi nhuận mà làm những điều khiến lương tâm cắn dứt. Gia tài lớn nhất tôi để lại cho con, cháu là tinh thần lao động chăm chỉ, nỗ lực hết mình vì công việc”.

Theo anh Minh, con trai bà Ngơm, người được bà rất tin tưởng, giao phó nhiều công việc quan trọng:  “Được sự chỉ dạy của bà, các con cháu trong gia đình dù đang học tập công tác trong các lĩnh vực, cả trong và ngoài cơ quan nhà nước đều luôn cống hiến hết mình, đạt thành tích cao và được xã hội ghi nhận. Đây cũng chính là nguồn động viên an ủi, khiến bà luôn vui và tự hào khi nhắc về thế hệ con cháu của mình. Hiện bà đã chuyển giao Công ty cũng như cơ sở nuôi trồng Đông trùng hạ thảo cho các con, cháu điều hành trực tiếp, nhưng bà là linh hồn, là chỗ dựa để cơ sở, doanh nghiệp  sản xuất kinh doanhh doanh gặt hái những thành công.

 Liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức mới

Lão bà doanh nhân Lê Thị Ngơm có thói quen ăn trầu để suy nghĩ và chống lão hóa

Khi được hỏi thương trường vốn khắc nghiệt, với những người trẻ, có kiến thức, công nghệ còn gặp khó, với một doanh nhân khởi nghiệp trồng nấm dược liệu ở tuổi gần 70 sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, lão doanh nhân Lê Thị Ngơm cười hiền: Kiến thức xã hội, kiến thức kinh doanh đang ngày càng thay đổi, đòi hỏi bất cứ ai đều phải không ngừng học hỏi. Tôi là người cổ, mới học hết lớp 3 nên trong sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào sự chăm chỉ, kinh nghiệm bản thân tích lũy được. Tôi thường đến thăm quan, học hỏi những người đã thành công, đồng thời tự cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh thông qua sách báo và ti vi. Qua sách báo, ti vi và các phương tiện truyền thông, tôi học hỏi được rất nhiều từ những tấm gương thành công, những bài học thất bại, cách thức điều hành sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó tôi tự rút ra bài học cho riêng minh để áp dụng trong công việc, cuộc sống...

“Trước khi làm việc gì, tôi đều suy nghĩ rất kỹ, điều gì chưa hiểu, chưa biết thì hỏi những người xung quanh mình. Tôi có thói quen ăn trầu vì khi đó mình tập trung vào suy nghĩ một việc gì đó rất hiệu quả. Mỗi ngày tôi ăn bình quân 20 miếng trầu, đồng nghĩa với việc đầu óc luôn hoạt động, cũng là để chống lão hóa ”, doanh nhân Lê Thị Ngơm lý giải về việc nghiện trầu của mình.

Doanh nhân Lê Thị Ngơm chia sẻ thêm, bà không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm kiến thức từ chính con cháu của mình. Ngày nay, công nghệ hiện đại luôn được cập nhật, các con các cháu được đi học tập, làm việc tích lũy kiến thức từ bên ngoài về chia sẻ thêm với bà. “Ngày xưa mình dạy dỗ cho con cháu các kiến thức, kinh nghiệm mình có, cách ăn ở, đối nhân xử thế để làm người. Ngày nay con cháu trưởng thành, có điều kiện học hỏi nhiều hơn, mình lại sẵn sàng học hỏi những kiến thức đó từ con cháu”, doanh nhân Lê Thị Ngơm bộc bạch.

Viện Nghiên cứu Khoa học Bộ Quốc Phòng sau thời gian dài hợp tác nghiên cứu phát triển với các chuyên gia hàng đầu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đã thành công trong việc nắm bắt công nghệ nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo tiên tiến, lưu giữ được gen giống F1 ở trạng thái gốc, sản phẩm lưu giữ được gần như toàn bộ dược chất quý hiếm, chất lượng tương đương sản phẩm tự nhiên tại Tây Tạng, Trung Quốc. Cơ sở nuôi trồng Đông trùng hạ thảo của bà Lê Thị Ngơm đã tiếp nhận công nghệ từ Viện.

Trí Kiên

Ảnh: Đức Tuất