Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Làm sâu sắc hơn các đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế

00:00 12/10/2020

Trao đổi về các giải pháp phát triển kinh tế Hà Nội trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, tại cuộc Tọa đàm “Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đã đề cập đến một số điểm nhấn và đột phá.

Đánh giá thêm về các bài học để rút ra kinh nghiệm

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Dự thảo Văn kiện được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của những người trực tiếp và gián tiếp tham gia. Số liệu và các chỉ tiêu phát triển được tập hợp và xây dựng có hệ thống, cập nhật và có căn cứ xác đáng, logic chặt chẽ. Qua đó, phản ánh khá đầy đủ, xác đáng các thành công, hạn chế và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá cần thiết cho phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ qua và thời gian tới…

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, Dự thảo vẫn còn một số từ ngữ mang tính kỹ thuật nên rà soát, chỉnh sửa, ví dụ, không thể nói "khu vực kinh tế tư nhân giải quyết 80% lao động", mà phải là "khu vực kinh tế tư nhân thu hút 80% lao động".

Sản xuất hàng tại Công ty Hồng Hà, quận Long Biên.  Ảnh: Chiến Công

Về các bài học, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần bổ sung thêm 2 bài học nữa để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Thứ nhất, về tăng cường quản lý quy hoạch và sau quy hoạch cũng như quản lý trật tự, vệ sinh, an toàn đô thị như là mục tiêu trọng tâm và thường xuyên. Thứ hai, không chỉ đánh giá về hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, mà phải coi trọng cả năng lực (nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ và hệ thống chính trị và các hiệp hội).

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Minh Phong cũng đặt vấn đề, Dự thảo vẫn thiếu phần đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội DN và tổ chức xã hội nghề nghiệp. "DN Hà Nội chiếm 1/3 của cả nước, vài trò rất quan trọng, mà trong Dự thảo chưa đề cập đến hiệp hội DN" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong góp ý.

Biến các nguồn lực văn hóa và con người thành động lực kinh tế

Góp ý sâu thêm về các giải pháp phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, đặc biệt để đón nhận các chính sách mới trong hội nhập, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, mục tiêu tổng quát phải xuất phát từ chủ đề của Đại hội, thể hiện các thông điệp về vị thế Thủ đô. Do đó, nên chăng, có thể điều chỉnh chủ đề Đại hội là: "Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ và hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, đoàn kết, đẩy nhanh công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững".

Về các mục tiêu tổng quát của Hà Nội cho các thời điểm năm 2025, 2030 và 2045, theo TS Nguyễn Minh Phong, nên thiết kế lại, bởi chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19. "Đây là hệ thống chỉ tiêu được xây dựng trước Covid-19, chưa có cập nhật nên cần phải điều chỉnh. Ngoài ra, luôn phải đề cập đến 2 con số (con số trần và con số đáy) thay vì 1 con số rồi lại điều chỉnh như trước đây"- chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.

Đặc biệt chỉ ra các điểm nhấn và giải pháp trọng tâm kinh tế trong thời gian tới, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh tới nhiều vấn đề mà trong Dự thảo chưa đề cập đến. Trong đó, đánh giá Hà Nội đã xây dựng được cộng đồng DN ngày càng lớn mạnh, TS Nguyễn Minh Phong góp ý, kinh tế TP phải tập trung vào cơ cấu, đặc biệt chú trọng đến: Hàm lượng khoa học cao; có giá trị gia tăng cao; có tính kết nối cao; có hàm lượng vốn cao; và phát triển mạnh mẽ dựa trên kinh tế nền tảng.

Tiếp đó, Hà Nội nên có đột phá trong phát triển các nguồn lực văn hóa và con người, để biến thành động lực kinh tế. “Rõ ràng phải biến văn hóa và con người trở thành động lực của kinh tế. Đó phải là câu chữ mang tính chỉ đạo trong Dự thảo” - TS Nguyễn Minh Phong góp ý. Đồng thời cho biết, Hà Nội có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, có nguồn lực con người, phải biến những thứ đó thành các “cỗ máy in tiền”. Phải kết hợp du lịch với văn hóa trở thành du lịch sạch, du lịch chất lượng cao nhằm thu được giá trị lớn. Đột phá tiếp theo là Hà Nội phải đi đầu cả nước về phát triển dịch vụ chất lượng cao và xuất khẩu dịch vụ, kể cả xuất khẩu dịch vụ tại chỗ.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, hiện nay chúng ta đang xuất siêu hàng hóa nhưng luôn nhập siêu dịch vụ. Vì vậy, Hà Nội nên coi xuất khẩu dịch vụ là một trong những đột phá trong thời gian tới, bao gồm cả dịch vụ y tế, văn hóa, du lịch, công nghệ cao...

Sau nữa, một nội dung đột phá được TS Nguyễn Minh Phong nhắc đến là Hà Nội phải tạo lập và tăng cường các chuỗi liên kết. Bao gồm chuỗi liên kết trong vùng Thủ đô, khu vực Bắc Bộ, cả nước và quốc tế. Đây là vấn đề cần phải được nhấn mạnh trong Dự thảo, qua đó Hà Nội mới thể hiện được vai trò trung tâm của mình. Một đột phá quan trọng mà theo chuyên gia kinh tế chưa được nhấn mạnh trong Dự thảo, đó là phải coi kinh tế tư nhân là động lực chủ đạo trong thời gian tới. Phát triển nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân, tập đoàn đa sở hữu.

TS Nguyễn Minh Phong đặc biệt nhấn mạnh tới đột phá về cơ chế, bao gồm các cơ chế tài chính ngân sách đặc thù (Luật Thủ đô); cơ chế đặc thù về chính quyền đô thị; cơ chế tài chính đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đặc biệt là vấn đề thu phí. “Hà Nội phải sử dụng vấn đề thu phí là công cụ mạnh để điều chỉnh các hoạt động kinh tế, cũng như gia tăng năng lực quản lý đô thị” - TS Nguyễn Minh Phong góp ý.

Cùng với đó, theo TS. Nguyễn Minh Phong, Hà Nội nên chú trọng thu hút các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ những nước EU trên cơ sở Hiệp định EVFTA và CPTPP. Qua đó bảo đảm các dự án có công nghệ nguồn sạch, có tài chính vững mạnh, đề cao yếu tố công cụ pháp luật và chống chuyển giá, đề cao vấn đề an ninh quốc phòng. Đột phá cuối cùng là về cán bộ và nhân tài, trong đó đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm năng lực của người đứng đầu.

Hà Bình - Đức Thọ