Chủ tịch Thế giới Di động: "Mẻ cá cần được chia sẻ công bằng cho cả đội thuyền"

00:00 12/10/2020

Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới Di Động (MWG) cho rằng chia sẻ lợi nhuận là một trong những bí quyết để "đội thuyền" doanh nghiệp luôn có động lực tiến lên.

Ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập đế chế bán lẻ điện tử điện máy lớn nhất Việt Nam cho biết để có được Thế giới Di động như ngày nay, một trong những yếu tố quan trọng nhất là niềm tin đặt vào nhân viên và cho nhân viên cảm nhận được niềm tin đó, để họ có mong muốn cống hiến, phát triển.

“Tôi không quản được nụ cười đểu”

Trong doanh nghiệp, dù ở vị trí nào, mỗi nhân viên đều mong muốn được làm thật, được ăn thật. Rất ít nhân viên mong muốn gian dối. Nhiệm vụ của MWG, của lãnh đạo công ty là làm sao tạo ra môi trường để nhân viên được làm thật, được ăn thật. Do đó, có thể nói, đối với MWG, luôn có 3 nhóm đối tượng ưu tiên: Thứ nhất là khách hàng, thứ nhì là nhân viên, thứ ba là nhóm khác”, ông Tài nói.

Rời ghế CEO, Chủ tịch HĐQT, nhà sáng lập MWG Nguyễn Đức Tài vẫn tiếp tục đồng hành cùng thủy thủ đoàn hơn 45.000 người cùng các chính sách đãi ngộ theo ông là riêng biệt.

Rời ghế CEO, Chủ tịch HĐQT, nhà sáng lập MWG Nguyễn Đức Tài vẫn tiếp tục đồng hành cùng thủy thủ đoàn hơn 45.000 người cùng các chính sách đãi ngộ theo ông là riêng biệt.

Cũng theo Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, không coi trọng nhân viên, không đặt niềm tin vào nhân viên thì không bao giờ doanh nghiệp có thể phát triển. Ông không bao giờ lựa chọn nghi ngờ nhân viên theo cách lập đội thanh tra để thanh tra giám sát nhân viên rồi lại lập tiếp đội thanh tra để giám sát đội thanh tra…”Dù có thanh tra, giám sát như thế nào, trong kinh doanh dịch vụ, tôi không thể kiểm soát được một nụ cười… đểu của nhân viên dành cho khách hàng. Làm dịch vụ tận tâm, có khách hàng rất dễ. Nhưng cũng chỉ cần 1 nụ cười đểu của nhân viên, thì mất khách hàng lại cũng rất dễ”.

Có doanh nghiệp sốc nếu phải chia sẻ “mẻ cá” lợi nhuận công bằng

Ông Tài cũng cho biết đối với Thế giới Di động việc chia sẻ lợi nhuận, chia ESOP là truyền thống, cũng là động lực thúc đẩy nhân viên, cộng sự đưa doanh nghiệp luôn tiến lên. Đó là hình thức từ sơ khai mà một doanh nghiệp như đoàn thuyền đi ra khơi đánh cá, lúc quay về bờ, mẻ cá thu được chính là lợi nhuận – cần được chia sẻ cho cả đội thuyền một cách công bằng.

Có nhiều cách để thực hiện việc chia sẻ công bằng này. Đối với doanh nghiệp dưới sàn chưa niêm yết, thì chia sẻ lợi nhuận trên lợi nhuận thu được là cách thức phổ biến. Có thể hình dung nôm na là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong 1 năm và lời vài tỷ đồng, thì  việc chia sẻ lợi nhuận đó sẽ dựa trên trên nguyên tắc làm gì thì làm, trước hết phải đảm bảo lợi nhuận cho những người đã bỏ vốn đầu tư. Thay vì một nhà đầu tư bỏ vốn vào ngân hàng, được một khoản tiết kiệm, khi họ bỏ vốn đầu tư cho doanh nghiệp với cam kết doanh nghiệp sẽ trả lợi nhuận gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm – Kết quả phần lời của doanh nghiệp phải trừ đi khoản trả cho nhà đầu tư/cam kết, sau đó, mới chia trên lợi nhuận còn lại. Hay nói cách khác đó cũng chính là chính sách tiền thân của ESOP.

Thoạt nghe, có nhiều người cảm thấy rất mất mát. Có doanh nghiệp nói với tôi một năm họ kiếm được 2 tỷ đồng lợi nhuận. Và họ có 4-5 người là lãnh đạo nhân sự quan trọng. Nhưng công ty này không lớn được sau nhiều năm. Họ mong muốn tôi chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy công ty lớn hơn. Tôi liền đưa lời khuyên năm sau hãy lấy 1 tỷ đồng chia cho 4-5 nhân sự quan trọng trong công ty. Doanh nghiệp này tỏ ra rất sốc. Tôi đã phân tích, mở ra cho họ góc nhìn rằng nếu họ tin và tưởng thưởng cho những lãnh đạo nhân sự này thì có thể đưa công ty đạt lợi nhuận gấp 2-3 lần hiện có. Tuy nhiên sau đó tôi được biết họ cũng không làm gì và công ty này cứ đứng mãi một chỗ. Đây là hiện tượng phổ biến”, ông Tài nói.

Đối với công ty lên sàn, chia sẻ lợi nhuận được chuyển đổi chính thức thành ESOP - Nhân viên có thể nhận được cổ phiếu ESOP phát hành, như một phần lợi nhuận vượt trội được chia sẻ.  Chính sách này phải “hài hòa lợi ích giữa người chủ tàu và thủy thủ đoàn. Tại MWG, với tăng trưởng mạnh, Cty này đang dành tối đa 3% cho ESOP, tương đương nhà đầu tư được cam kết về tăng trưởng lợi nhuận khoảng 30%. Đó cũng là chính sách bảo vệ tối đa lợi ích nhà đầu tư với mức tăng trưởng giá cổ phiếu MWG cao hơn VN-Index không quá 10%. Nếu hơn, sẽ có điều chỉnh.

Chính sách "không có người lao động và người sử dụng lao động"

Chính sách ESOP của MWG được biết phủ sóng đến hơn 4.000 nhân viên, từ các cấp quản lý cửa hàng trở lên. “Chúng tôi không có người lao động và người sử dụng lao động, chỉ có thủy thủ đoàn với 45.000 cùng ra khơi đánh cá và chia sẻ thành quả”. Và 1 trong những cam kết của MWG, đặc biệt dành cho đội ngũ quản lý Công ty, là một sân chơi công bằng để thi thố tài năng / Một cam kết cho một cuộc sống cá nhân sung túc/ Một vị trí xã hội được người khác kính nể. Theo ông Tài, để một quản lý cống hiến cho doanh nghiệp 5, 10 năm mà chưa có cuộc sống sung túc là một nỗi nhục của nhà lãnh đạo.

Với những chính sách đãi ngộ và đặt niềm tin vào nhân viên, từ chỗ chỉ có 3 cửa hàng chuyên bán điện thoại di động, hiện nay Cty này đã nắm hơn 50% thị phần bán lẻ điện thoại - tức cứ có 2 chiếc điện thoại bán ra cho khách hàng trên thị trường thì có 1 chiếc được bán ra từ Thế giới Di động.

Tuy nhiên, với mục tiêu không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ để đảm bảo có ESOP cho nhà đầu tư và người lao động, với dự báo thị trường điện thoại đang vào giai đoạn bão hòa với tăng trưởng 2 con số nhưng khó đột phá cao, MWG với sự lãnh đạo của nhà sáng lập tiếp tục tìm kiếm những mảng miếng đầu tư mới.

Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của MWG đạt 86.516 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 2.880 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 30% và 31% so với năm 2017. Như vậy, 5 năm liên tiếp kể từ khi niêm yết, Công ty đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh với mức thực hiện 100% mục tiêu doanh thu và 111% mục tiêu lợi nhuận ròng của cả năm. Trong đó, doanh thu online năm 2018 đạt 12.350 tỷ đồng, đóng góp 14,3% trong tổng doanh thu của MWG. Doanh thu online tăng trưởng 116% so với năm 2017 và hoàn thành 123% kế hoạch cả năm. Với 3 website đang phục vụ nhu cầu mua sắm online về các sản phẩm điện thoại, điện máy và hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) là thegioididong.com, dienmayxanh.com và bachhoaxanh.com, MWG là công ty đóng góp doanh thu lớn nhất trong tổng giá trị toàn thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.

Ở chuỗi cửa hàng, doanh thu từ Điện Máy Xanh (ĐMX) chiếm tỷ trọng cao nhất với 55% tổng giá trị bán lẻ của MWG, tiếp theo là Thế Giới Di Động (TGDĐ) với 40% và chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) với 5%. Xét theo góc độ ngành hàng, nhóm sản phẩm điện thoại vẫn đang đóng góp gần 53% tổng doanh thu của Công ty do nhóm sản phẩm này được bán ở cả hai chuỗi TGDĐ và ĐMX, tiếp theo là nhóm sản phẩm điện máy với 37%. Nhóm thực phẩm và hàng tiêu dùng đóng góp 5%, còn lại 5% thuộc về dịch vụ khác. 

Tính đến hết 31/12/2018, MWG có 750 cửa hàng kinh doanh điện máy; tăng 108 cửa hàng so với cuối năm 2017 và ảng BHX đã có 365 cửa hàng mô hình mới do nỗ lực chuyển đổi và mở mới trong năm 2018, tương đương với 90% trong tổng số 405 cửa hàng BHX đang hoạt động.

Với mạng lưới hệ thống lớn, MWG đang thực sự thiết lập nền tảng cho 1 đế chế bán lẻ và độ rộng lĩnh vực hoạt động không chỉ dừng lại ở di động như cái tên của thời kỳ sáng lập ban đầu.

Lê Mỹ