Chính sách kích thích kinh tế khó phát huy tác dụng?

00:00 12/10/2020

Để ứng phó với những thiệt hại do đại dịch Covid-19, chính phủ nhiều nước đã mạnh tay bơm tiền, ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người dân nhằm vượt qua những khó khăn trước mắt và để thúc đẩy sức cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả có thể không như dự tính.

Dòng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đạt con số kỷ lục từ trước đến nay

Dòng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đạt con số kỷ lục từ trước đến nay

Bơm tiền trên diện rộng

Nền kinh tế nhiều quốc gia đang lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Nhiều thành phố bị phong tỏa, cách ly, các cơ sở sản xuất tạm ngừng hoạt động, buộc phải sa thải lao động khiến hàng triệu người mất việc, dẫn đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ sụt giảm, một số mặt hàng trở nên khan hiếm.

Thu nhập sụt giảm, việc hạn chế đi lại khiến nhu cầu tiêu dùng suy yếu, doanh số bán hàng tại các quốc gia lao dốc không phanh. Đáng lưu ý là ngay cả khi sản xuất, kinh doanh dần phục hồi nhưng sức cầu tiêu dùng quá yếu cũng có thể khiến doanh nghiệp khó đứng vững, dẫn đến nguy cơ phá sản trên diện rộng.

Trước tình hình ấy, các chính phủ không chỉ cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, mà còn có chính sách hỗ trợ tài chính cho cá nhân, hộ gia đình, những đối tượng yếu thế đang lâm vào cảnh khốn cùng. Theo đó, không ít chính phủ thi hành chính sách trợ cấp, phát tiền cho dân xài để kích thích chi tiêu.

Như tại Mỹ đã có gói cứu trợ kinh tế trị giá khoảng 3.000 tỷ USD mang tên Đạo luật Heroes, bao gồm một đợt phát tiền mặt trực tiếp lên đến 1.200 USD mỗi người và tối đa 6.000 USD cho mỗi gia đình, đồng thời có gói trợ cấp thất nghiệp trị giá 600 USD/người/tuần, dự kiến hết hạn vào cuối tháng 7 và có thể sẽ được gia hạn cho đến tháng 1/2021. Đầu tháng 7 này, Tổng thống Donald Trump lại chia sẻ ông ủng hộ tổ chức thêm một đợt phát tiền mặt khác cho người dân Mỹ và tuyên bố muốn chi nhiều ngân sách hơn về việc này so với đề xuất của Đảng Dân chủ.

bai-2-tro-cap-1-5863-1594626136.jpg

Hiệu quả có như kỳ vọng?

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, những chính sách hỗ trợ trên có thể không đạt được mục tiêu đặt ra. Với các gói trợ cấp thất nghiệp, có thể khiến người dân không muốn đi làm trong tình hình hiện nay. Chính sách này cũng đang gây ra tranh cãi trong chính trường Mỹ, khi Đảng Dân chủ đã vạch ra một kế hoạch mới để duy trì các khoản trợ cấp thất nghiệp tăng cường cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, ngược lại Đảng Cộng hòa phản đối việc gia hạn gói trợ cấp thất nghiệp, lập luận rằng chính sách này sẽ cản trở người lao động quay lại làm việc.

Nhìn vào số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ liên tục ở mức cao trong những tuần gần đây, có thể thấy lập luận của Đảng Cộng hòa ít nhiều có cơ sở. Tổng thống Trump cũng cho rằng gói trợ cấp thất nghiệp như khích lệ người dân đừng đi làm. Không đi làm nhưng vẫn có thêm tiền. Đó không phải điều nước Mỹ muốn. Thay vào đó, ông Trump tuyên bố: "Tôi muốn chi thêm tiền cho người dân để họ có thể chi tiêu. Tôi muốn tiền tới tay họ nhanh và càng đơn giản càng tốt".

Tuy nhiên, ngay cả chính sách phát không tiền cho người dân có thể mang lại hệ quả ngược với điều các chính phủ kỳ vọng. Rõ ràng mục tiêu của chính phủ là không chỉ giúp các hộ gia đình vượt qua khó khăn hiện tại, mà còn muốn thúc đẩy chi tiêu, mua sắm để hỗ trợ đầu ra cho hàng hóa của doanh nghiệp đang trong giai đoạn gượng dậy.

Nhưng một số báo cáo gần đây cho thấy, lượng tiền hỗ trợ này đã được người dân Mỹ tích trữ để phòng ngừa rủi ro khi mà nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thống kê gần đây cho thấy số lượng người thất nghiệp tạm thời tại Mỹ đã vượt mốc 42 triệu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã xấp xỉ 15%, cao nhất trong nhiều thập niên qua.

Hệ quả là tỷ lệ tiền mặt tăng mạnh và tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục bị kìm hãm. Chẳng những vậy, phần lớn trong số này còn tăng cường gửi tiết kiệm từ các khoản trợ cấp nhận được, khiến dòng tiền chẳng khác nào quay về lại nơi khởi phát và hiệu quả chính sách kích cầu tiêu dùng gần như bị vô hiệu.

Trong tháng 4/2020, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ tăng lên 32,2%. Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tỷ lệ này chưa bao giờ vượt 17,3% và chỉ cao hơn 10% một lần kể từ năm 1995. Những dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố vào cuối tháng 6 cho thấy tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức 23,2% trong tháng 5/2020.

Không chỉ cá nhân, các công ty cũng tận dụng lượng tiền tín dụng xoay vòng tới hơn 200 tỷ USD. Các công ty khác thì tận dụng đầu tư trên thị trường trái phiếu và chỉ một lượng tiền rất nhỏ từ các khoản tín dụng này chảy vào các dự án mới hoặc khoản đầu tư mới. Điều này khiến các gói nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không phát huy được tác dụng như mục tiêu ban đầu.

Với triển vọng nền kinh tế vẫn u ám, rủi ro vẫn cao, có lẽ ít doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng đầu tư, sản xuất trong thời điểm này, trong khi người dân phải thắt chặt chi tiêu để đề phòng tình huống xấu. Thực tế một số bang của Mỹ như Texas hay Florida sau khi mở cửa trở lại, mới đây buộc phải đảo ngược quyết định khi số người nhiễm virus Corona chủng mới liên tiếp tăng.

Khả Hân