Chiến lược 'Việt Nam + 1' của làn sóng đầu tư Nhật Bản

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất ở Việt Nam đang có xu hướng đầu tư thêm nhà máy mới và điều này được đánh giá là làn sóng đầu tư "Việt Nam + 1" của các công ty của đất nước mặt trời mọc ở thị trường Đông Nam Á.

Thông tin trên được ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, chia sẻ tại buổi lễ ký kết hợp tác "METALEX Vietnam 2020" và "Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020" vào ngày 7-9 tại TPHCM.

Chiến lược "Việt Nam + 1"

Khác với xu hướng đầu tư "Trung Quốc + 1" hay "Thái Lan + 1" nói về việc doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên rót vốn vào Trung Quốc và Thái Lan, sau đó mở rộng đầu tư sang một quốc gia khác trong những năm vừa qua, làn sóng "Việt Nam + 1" đề cập đến câu chuyện những công ty của đất nước hoa anh đào đã đầu tư ở Việt Nam và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường 100 triệu dân này.

Theo ông Hirai Shinji, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng khắp thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư mới của nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có luồng vốn đầu tư Nhật Bản.

Những yêu cầu hạn chế về việc đi lại cùng các quy định về phòng chống dịch bệnh đã phần nào cản trở việc các nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đến một số quốc gia tiềm năng như Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh. Việc đưa ra những nhận định hoặc chia sẻ thông tin về đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản vào một quốc gia khác trong lúc này cũng là điều khó khăn.

Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam trong thời gian diễn ra dịch bệnh có xu hướng tiếp tục mở rộng đầu tư.

Theo chia sẻ của ông Hirai Shinji, văn phòng JETRO tại TPHCM đã được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản (vốn đã có nhà máy sản xuất ở Việt Nam) liên hệ để tìm hiểu thông tin, nhờ tư vấn về các địa phương để tiếp tục đầu tư dự án mới.

Lấy ví dụ, tỉnh Vĩnh Long, nơi mà Acecook đầu tư nhà máy sản xuất mì ăn liền, hiện đang thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư Nhật Bản khác đang có mặt ở Việt Nam. Đơn cử, theo thông tin ông Hirai Shinji thu thập được, Công ty Towa đang có nhà máy sản xuất ở TPHCM đang có ý muốn đầu tư nhà máy tại Vĩnh Long. Tương tự, Furukawa có nhà máy ở TPHCM và Bến Tre, cũng đang thăm dò để đầu tư vào địa phương thuộc vùng ĐBSCL này.

Một số công ty Nhật Bản khác đang hoạt động sản xuất tại khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung (TPHCM) cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án mới ở các địa phương khác.

Ông Hirai Shinji cũng dẫn chứng câu chuyện 15 doanh nghiệp Nhật Bản gần đây được Chính phủ nước này lựa chọn hỗ trợ vốn cho chương trình "Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài" đều đang hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Sự hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng nhà máy hoặc đầu tư nhà máy mới.

Đại diện các đơn vị tổ chức Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020 cùng đưa ra bản ký kết tượng trưng sau khi ký kết. Ảnh: Lê Hoàng

Nhiều thuận lợi với Việt Nam

Làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư. Việt Nam đã chứng minh là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện và tiêu chuẩn sống ngày càng được nâng cao. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ là thị trường kinh doanh đầy tiềm năng.

Theo ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam, đơn vị tổ chức triển lãm METALEX Vietnam 2020, điều này có được nhờ nền kinh tế luôn vận động không ngừng, nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư linh hoạt, cùng với các hiệp định thương mại được ký kết gần đây.

Theo bản báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics, Việt Nam có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất và là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN), ông Tài dẫn chứng.

Cùng chung quan điểm về việc vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư sản xuất, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM chia sẻ kết quả một cuộc khảo sát do JETRO toàn cầu thực hiện cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh 2019 là 63,9% trong 1-2 năm tới là tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN.

Một khảo sát khác của JETRO được thực hiện cuối năm 2019 về hoạt động quốc tế của các công ty Nhật Bản, đối với các doanh nghiệp hiện có cơ sở ở nước ngoài và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động hơn nữa, tỷ lệ các công ty lựa chọn Trung Quốc là 48,1%, lần đầu tiên dưới 50%. Việt Nam đứng thứ hai với 41%, lần đầu tiên vượt 40%. Chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc thu hẹp xuống còn 7,1% từ mức 19,9% của năm trước.

"Điều này cho thấy, về việc mở rộng đầu tư quốc tế đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc đang suy giảm vị thế, trong khi Việt Nam đang trên đà bắt kịp”, ông Hirai Shinji nói. Ông dự báo xu hướng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao nhờ vào kết quả kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất tốt, an toàn.

Mặt khác thị trường nội địa với gần 100 triệu dân theo ông Shinji là rất lớn và còn nhiều tiềm năng để phát triển, trong khi lực lượng lao động có tay nghề cũng được đánh giá cao. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khẳng định sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến hoạt động kinh doanh tại của họ.

Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỉ đô lamỸ, chiếm 16,7%.

Hùng Lê