Chậm đổi mới sáng tạo sẽ lỡ 'chuyến tàu 4.0'

00:00 12/10/2020

Những năm qua, chỉ số đổi mới, sáng tạo của Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ thế giới là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần phải biết rằng các nước không đứng yên, thậm chí nếu không nhanh chân hơn nữa, Việt Nam vẫn có nguy cơ lỡ "chuyến tàu 4.0", bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới vừa công bố cho thấy, năm nay Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, lên vị trí 42/129 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Ngay cả với DN lớn, trình độ công nghệ còn kém xa thế giới

Chiến lược quốc gia, nền tảng DN

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ở thời điểm cần đột phá phát triển. Cùng cải cách thể chế theo hướng xây dựng thị trường hiện đại và một nhà nước kiến tạo, tri thức và sáng tạo phải trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Nhận diện bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, nắm bắt đúng thời cơ trong bối cảnh mới, có những lựa chọn chiến lược thích hợp để dấn bước nhanh chóng vào tương lai, đó thực sự là yêu cầu, là mệnh lệnh đối với Việt Nam.

Hiện nay, xây dựng chiến lược tầm quốc gia để hiện thực hóa khát vọng với những mục tiêu xác định là một khởi đầu mà nhiều nước trên thế giới rất chú trọng. Mỹ có Chương trình AMP (1.0 và 2.0); Đức có Industry 4.0; Hàn Quốc có chiến lược sáng tạo công nghiệp chế tác 3.0; Trung Quốc có "made in China 2025"; Nhật Bản có công nghiệp 4.0… Trong ASEAN, Malaysia có My-i4.0 (2018); Singapore có 23 kế hoạch chuyển đổi số các ngành chế tác; Indonesia có "Making Indonesia 4.0 (2018); Thái Lan có Thailand 4.0 (2017).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, tin tưởng rằng: "Các nước đang phát triển, vốn không có thành tựu từ những cuộc cách mạng công nghiệp trước, sẽ không phải chịu những gánh nặng trên vai, giúp họ đi nhanh hơn. Đi sau không phải luôn ở thế bất lợi. Nó cũng có những lợi thế đặc biệt so với các nước đi trước. Đó chính là lợi thế người đi sau".

Vì vậy, trong 3-4 năm lại đây, tinh thần "tiến quân" của Việt Nam vào Cách mạng công nghiệp 4.0 lên rất cao. Việt Nam xem cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số là cơ hội lịch sử để tạo bứt phá phát triển, bắt kịp và tiến cùng thời đại.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện thực hóa cơ hội đó đòi hỏi Việt Nam phải đồng thời giải quyết hai bài toán phức tạp, khó khăn là thoát cũ và xây dựng các nền tảng phát triển.

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân. Số DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hơn gấp đôi, từ 1.800 DN năm 2016 lên khoảng 4.000 năm 2018.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể về khu vực DN tư nhân vẫn là "lượng nhiều, chất yếu". Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao DN Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo Ts. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, DN "lớn" là phải làm chủ và sáng tạo công nghệ, là phải có thương hiệu có sức cuốn hút, dần được thế giới ghi nhận và có thể chi phối được mạng phân phối. "Lớn" là phải đủ khát vọng, đủ bản lĩnh, chuyên nghiệp và đủ sức cạnh tranh trong "sân chơi" toàn cầu. "Lớn" chưa hẳn lệ thuộc vào quy mô, dù quy mô là một nhân tố cần tính đến.

Thời gian đã chỉ ra "tuổi thọ" trung bình của 500 DN tên tuổi nhất thế giới đã giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm. Nếu không thay đổi, không thích ứng, không đổi mới, ngay các DN tên tuổi cũng có thể "chết yểu". 

Tạo môi trường nuôi dưỡng sáng tạo

Qua điều tra thí điểm về hoạt động đổi mới, sáng tạo trong các DN, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ KH&CN), cho hay hoạt động đổi mới sáng tạo trong các DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn hạn chế. Điều tra hơn 7.000 DN cho thấy có tới gần 3.000 DN không có hoạt động đổi mới sáng tạo.

"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh" – trích câu thơ từ Truyện Kiều, Ts. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: "Với trình độ như chúng ta hiện nay để đạt được bước phát triển, trình độ công nghệ ngang tầm thế giới là một con đường rất dài. Nếu không có tư duy đột phá trên nhiều phương diện, ngay cả việc phát triển giống những nước có trình độ công nghệ trung bình cũng còn khó. Đến nay, một số tập đoàn được xem là có trình độ công nghệ hàng đầu của Việt Nam nhưng so với thế giới thì chưa là gì cả".

Theo ông Sang, Việt Nam có nhiều lợi thế để tiến hành hoạt động đổi mới sáng tạo nhưng môi trường sinh thái nuôi dưỡng cho nó lại có nhiều vấn đề. Nhiều khi chính sách vẫn còn tư tưởng "chắc lép" đối với DN dám đi khác, dám làm ngược lại với những hoạt động kinh doanh truyền thống. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới mạnh bạo hơn cả về tiền bạc và cơ chế.

Điều này dẫn tới nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra nhưng chưa đi vào thực tế, khuyến khích ảo. Trong khi đó, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Nhà nước cần phải hỗ trợ hơn nữa. Ví dụ như DN có dự án tốt thì "họ đầu tư 100 đồng, Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ 200 đồng".

Thực tế hiện nay, thay vì tìm cách đổi mới, sáng tạo để phát triển hơn nữa, nhiều DN tư nhân Việt Nam lại dùng cách "đi đêm", quan hệ "sân sau".

Bên cạnh đó, ông Sang cũng đánh giá tinh thần khởi nghiệp, quyết tâm đổi mới sáng tạo chúng ta đã có nhưng còn nhút nhát, mặc dù đổi mới sáng tạo phải dám ước mơ, dám thay đổi.

Cũng về cơ chế, ông Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phải được các bộ, ngành, địa phương nhìn từ nhiều phía. Hiện, DN Việt Nam phải nói là rất năng động, hào hứng khởi nghiệp với mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ độc đáo, nhưng hành lang pháp lý chưa rõ, giống kiểu "DN phải đi trên dây – mong manh giữa đúng và sai". Do vậy, chính sách cần mạnh dạn hơn, có hành lang pháp lý để DN thực hiện ý tưởng của mình, không sợ sệt gặp phải rủi ro pháp lý.

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo là hoạt động rất cần sự nỗ lực của mỗi DN. Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam, đánh giá 6 tháng trở lại đây, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam rất sôi động, đón nhận nhiều quỹ đầu tư quốc tế. Đây vừa là cơ hội, vừa thách thức. Các startup nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhưng năng lực để đón nhận quỹ đầu tư còn có vấn đề. Bằng chứng là số DN được nhận đầu tư thực tế rất ít so với DN đang trên đường gọi vốn vì yếu kém năng lực và khung pháp lý còn một số hạn chế.

P.V