“Cách mạng 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm được sẽ tiếp tục bị tụt hậu”

00:00 12/10/2020

"Tranh thủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để đất nước hiện đại và thịnh vượng hơn", Viện trưởng CIEM nói. 

“Cách mạng 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm được sẽ tiếp tục bị tụt hậu”

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức tận dụng cơ hội", ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: "Cách mạng 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm được sẽ tiếp tục bị tụt hậu. Tranh thủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để đất nước hiện đại và thịnh vượng hơn".

Do đó, cải cách thể chế, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

"Thảo luận về quan điểm của người Nhật Bản về cách mạng công nghiệp 4.0 với tập đoàn NTT, tôi cho rằng, một trong những nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ", ông Cung cho biết.

Trong đó cần xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo bằng việc xúc tiến, hỗ trợ việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo chất lượng cao, quy mô lớn để nuôi dưỡng và phát triển startup. Bên cạnh đó, cần cho phép thành lập doanh nghiệp công nghệ để có cơ chế khuyến khích nghiên cứu và thương mại hoá nghiên cứu.

"Xu thế thành lập doanh nghiệp công nghệ trong các trường đại học là lẽ tất yếu để gắn kết một cách nhanh nhất giữa nghiên cứu, sáng tạo, tạo ra sản phẩm, đưa ra thương mại hoá thị trường. Các phát minh sáng tạo sẽ không thể hoàn thiện nếu vẫn nằm trên “bàn giấy” mà phải trở thành sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và phải thương mại hoá và mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội", ông Cung nhận định.

Vì vậy, "việc thành lập các doanh nghiệp trực thuộc các trường đại học là một trong những cách thức để rút nhanh khoảng cách và hoàn thiện, thương mại hoá sản phẩm. Cần tạo môi trường, thể chế để khuyến khích các trường học bắt kịp xu thế này", Viện trưởng CIEM đề xuất.

Ngoài ra, người đứng đầu CIEM cũng đề xuất đề việc đẩy nhanh tiến độ thành lập quỹ đầu tư nhà nước nhằm đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ mới, chấp nhận nguyên tắc đầu tư mạo hiểm; sử dụng nhân sự quản lý giỏi trên thị trường.

Hạ An