Các công ty Nhật Bản đang ngồi trên "núi tiền mặt" 4,8 nghìn tỷ USD

00:00 12/10/2020

Số tiền nằm trong ngân hàng ở Nhật Bản đã nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đây chính là khoản dự trữ tiền mặt của các công ty Nhật Bản. Đối với nhiều người, đây là minh chứng cho sức mạnh của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, với số khác, đây là một cơ hội lớn bị lãng phí.

Hồ sơ dữ liệu mới nhất cho biết, các doanh nghiệp niêm yết của Nhật Bản đang nắm giữ 506,4 nghìn tỷ yên, tương đương 4,8 nghìn tỷ USD tiền mặt. Đây cũng là số tiền mặt lớn chưa từng có trong hồ sơ dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp.

Con số này đã tăng gấp 3 lần so với tháng 3/2013, vài tháng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền và thề dập tắt việc tích trữ tiền mặt của các công ty Nhật Bản.

Mặc dù các công ty coi tiền mặt là một bước đệm để giảm thiểu những tác động của thời kỳ khó khăn nhưng các nhà đầu tư từ lâu đã tỏ ra không hài lòng. Họ muốn các nhà lãnh đạo nên đầu tư để tăng trưởng hoặc trả chúng lại cho các cổ đông thay vì gửi trong ngân hàng.

Các công ty Nhật Bản đang ngồi trên núi tiền mặt 4,8 nghìn tỷ USD và gửi ngân hàng với lãi suất bằng 0 - Ảnh 1.

Các công ty Nhật Bản đang nắm giữ quá nhiều tiền.

Một trong những chính sách được ca ngợi nhất, ông Abe đã tiến hành đại tu cấu trúc quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy các công ty dùng vốn của họ hiệu quả hơn thay vì để chúng nằm yên trong tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Nhật Bản có số tiền mặt khổng lồ không phải sự thất bại trong chính sách của ông Abe. Thay vào đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có lợi nhuận lớn hơn từ khi Chính phủ của ông Abe đưa ra các quy tắc mới cho các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp từ năm 2014. Zuhair Khan, trưởng bộ phận nghiên cứu của Jefferies Japan Ltd., ước tính rằng chỉ có khoảng 40% lợi nhuận được trả cho cổ đông trong khi doanh nghiệp có khả năng chi trả tới 70%.

Trong quá khứ, tiền dự trữ lớn phản ánh một chính sách quản lý bảo thủ. Tuy nhiên, hiện nay, nó là kết quả của việc cải thiện các nguyên tắc cơ bản. Trong 3 năm tài khóa vừa qua, các công ty Nhật Bản đã tiến hành các thương vụ lại cổ phiếu đạt kỷ lục. Tiền cho các thương vụ này không phải tiền nợ.

Theo Goldman Sachs, năm tài khóa 2018, các doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản đã chi 60 tỷ USD cho các thương vụ mua lại cổ phiếu. Trong 5 tháng đầu năm nay, số tiền được chi ra cho mục tiêu này là 50 tỷ USD. Sony Corp và SoftBank Group Corp cũng phá kỷ lục với các thương vụ này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng trả cổ tức 8,4 nghìn tỷ yên cho đến năm 2019, một mức cao chưa từng có.

Tuy nhiên, việc mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhật vẫn nhạt nhòa so với thị trường Mỹ, nơi 500 doanh nghiệp lớn nhất đã tuyên bố mua lại tới 800 tỷ USD vào năm ngoái.

Các công ty Nhật Bản đang ngồi trên núi tiền mặt 4,8 nghìn tỷ USD và gửi ngân hàng với lãi suất bằng 0 - Ảnh 2.

Việc mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng vọt trong vài năm gần đây.

Topix đã tăng 0,2% trong phiên giao dịch đầu ngày 3/9, giúp nó tăng gần 1% kể từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, con số này khá nhạt nhòa so với mức tăng 17% của S&P 500 trong cùng kỳ.

Ngoài ra, việc giữ một đống tiền mặt với lãi suất gần như bằng 0 khiến các doanh nghiệp gần như chẳng có lợi ích gì.

Bên cạnh đó, các nhà phê bình còn cho rằng cách doanh nghiệp Nhật Bản chưa làm đủ với số tiền họ có. Ví dụ được đưa ra là các hoạt động mua bán và sáp nhập gần như đã không diễn ra. Tổng số thỏa thuận mà các doanh nghiệp niêm yết Nhật Bản đã thực hiện trong năm nay giảm xuống còn 95 tỷ USD so với 215 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Bằng cách giữ tiền mặt với lãi suất bằng không, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.

Cách dùng tiền chi li của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản không phải là điều gì gây ngạc nhiên với các nhà quan sát. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đều có thái độ bảo thủ sau những cú sốc của những năm 1990. Ở thời kỳ đình trệ kinh tế, được mệnh danh là những thập kỷ đã mất, doanh nghiệp Nhật gần như không thể bấu víu vào các tổ chức tài chính.

3 thập kỷ sau, lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn độc lập với việc vay nợ. Chiến lược của họ là có nhiều tiền mặt, thứ mang đến cho họ những sự linh hoạt về chiến lược và như cách để phòng xa cho những ngày u ám bởi không ai biết khi nào kinh tế lại trở nên ảm đạm.

Nhìn về phía trước, các nhà đầu tư thấy khả năng thay đổi lớn hơn tại các doanh nghiệp của Nhật Bản khi các doanh nghiệp ít chia cổ tức được chú ý. Tuy nhiên, hầu hết vẫn nói rằng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng lên trong khi lợi nhuận được chia cho các cổ đông sẽ chỉ tăng dần dần.

"Nicholas Smith, chiến lược gia tại CLSA Ltd., Tokyo, cho biết: "Thật tốt khi các công ty trả nhiều tiền hơn cho các nhà đầu tư thông qua việc mua lại cổ phiếu nhiều hơn. Tuy nhiên, nó gần như chẳng thấm thía gì".

Linh Anh