Bốn thể loại phim thất thế theo thời gian

00:00 12/10/2020

Thay đổi về lịch sử và văn hóa khiến phim Viễn Tây, ca vũ nhạc, hài tuổi teen và chiến tranh từng thịnh hành nay không còn là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất.

Cùng với sự phát triển chung của điện ảnh, chủ đề phim trong những năm qua biến đổi không ngừng như một phần tất yếu của văn hóa đại chúng.

Có những thể loại từng rất thịnh hành nay phải nhường chỗ cho sự lên ngôi của các dòng phim mới phù hợp hơn với thị hiếu khán giả. Một số trở nên lỗi thời đến mức người xem ngày nay khó tưởng tượng nổi từng có những tác phẩm kinh điển thuộc thể loại đó.

Giữa một nền công nghiệp điện ảnh đầy rẫy phim siêu anh hùng, kinh dị, viễn tưởng, thử cùng nhìn lại những thể loại phim nay đang mai một dần theo dòng chảy lịch sử.

Phim cao bồi Viễn Tây

Các nhân vật chính của dòng phim Viễn Tây thường là cao bồi, các tay súng cừ khôi, những thợ săn tiền thưởng lưu lạc khắp miền tây nước Mỹ rộng lớn trong thế kỷ XIX.

Thể loại từng rất thịnh hành vào thời kỳ phim câm (1894-1927) và giai đoạn 1930-1960. Có những thời điểm dòng phim Viễn Tây ở Hollywood áp đảo tất cả thể loại khác tại rạp chiếu bóng. Khán giả yêu thích hình tượng người hùng phong trần chiến đấu trên lưng ngựa, bối cảnh hoang vu rộng lớn của vùng bờ tây, hay những pha đấu súng thiện ác nghẹt thở.

phim loi thoi anh 1

The Lone Ranger (2013) khiến các dự án phim cao bồi kinh phí cao hiện rất khó được "bật đèn xanh".

Cùng với sự phát triển của văn hóa, hình ảnh nhân vật chính là đàn ông dị tính da trắng, cách khai thác câu chuyện thiện - ác quá rạch ròi, các yếu tố lịch sử liên quan đến người da đỏ trở nên ít nhiều lỗi thời.

Phim Viễn Tây ngày nay chủ yếu chỉ còn ở lại trong các dự án độc lập quy mô tương đối khiêm tốn. The Lone Ranger (2013) với Johnny Depp vào vai một người thổ dân có lẽ sẽ được nhắc đến như tác phẩm kinh phí lớn cuối cùng của dòng phim cao bồi trên màn ảnh rộng. Đáng tiếc thay, đó lại là một “bom xịt” thất bại toàn tập đối với Disney.

Phim ca vũ nhạc

Đã có những tài năng vô giá như Gene Kelly, Judy Garland, Ginger Rogers hay Fred Astaire tỏa sáng trong “kỷ nguyên vàng” của phim ca vũ nhạc tại Hollywood vào khoảng 1930-1950. Singin’ in the Rain, West Side StoryThe Wizard of Oz hay The Sound of Music nằm trong số vô vàn tác phẩm tuyệt vời giúp tạo nên một thời kỳ văn hóa đặc trưng.

Chủ nghĩa thoát ly (escapism) vốn được coi là tinh thần của phim ca vũ nhạc hiện xa lạ với nhiều khán giả hiện đại.

Kinh phí làm phim ca vũ nhạc thực tế không rẻ, trong khi sự đảm bảo về mặt doanh thu trở nên bấp bênh và ý tưởng sản xuất dần cạn kiệt đã góp phần đưa đến sự thoái trào.Phim ca vũ nhạc từng là thể loại hái ra tiền cho nhà sản xuất, đồng thời hứa hẹn đem về nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín. Tuy nhiên, trong những thập niên sau này, khi nhạc pop dần mất ưu thế như cách sân khấu Broadway trở nên xa vời với công chúng, thể loại theo đó cũng không còn chiếm giữ vị trí độc tôn trên bảng xếp hạng phòng vé.

Trong những năm gần đây, phim ca vũ nhạc chứng kiến sự đổi mới với các tác phẩm từ Disney (Into the WoodsFrozenMoana), Pixar (Coco) hay dòng tiểu sử như Rocketman

Không chỉ cách tân về mặt bối cảnh, sân khấu, vũ đạo, các phim ca vũ nhạc ngày nay cố gắng kết hợp hơi thở âm nhạc đương đại vào một thể loại trong quá khứ. Một nỗ lực hiếm hoi khác dẫn tới thành công dù chọn lối tiếp cận cổ điển là La La Land (2016). Nhưng bộ phim rõ ràng thuộc nhóm thiểu sổ trong điện ảnh đương đại.

Phim hài tuổi teen

Nhìn chung, doanh thu phòng vé ngày nay không còn chứng kiến nhiều đóng góp từ thể loại hài. Dòng phim “slacker” dùng để chỉ các phim hài-lãng mạn từng thịnh hành vào thập niên 1990 đại diện cho thế hệ X (những người sinh ra trong giai đoạn 1965-1980). Sau khoảng 10 năm hưng thịnh, thể loại này đã vắng bóng khi thế hệ Y và Z dần lớn lên.

phim loi thoi anh 3

Các phim hài tuổi teen không còn là mốt tại Hollywood.

Việc nhớ ra một phim hài với các cụ già ra mắt trong 5 năm trở lại đây có vẻ dễ hơn là nghĩ ra một phim hài với dàn diễn viên toàn thanh niên. The Hangover là câu chuyện về mấy ông trung niên ăn chơi “mất xác”, Channing Tatum và Jonah Hill “cưa sừng làm nghé” giả làm học sinh trung học trong 21 Jump Street, Dirty Grandpa hay Bill & Ted Face the Music là câu chuyện về những ông bác tuổi đời dao động từ 60 tới 80 “làm trò” trước ống kính.

Chứng kiến những người đàn ông trung niên và cao niên cố gắng tiệc tùng như thời trung học không phải là không hài hước. Nhưng điều đó khiến ai đủ lớn tuổi có thể nhớ về thời kỳ của thể loại slacker với Ferris Bueller's Day Off, Dazed and ConfusedSuperbadAmerican Pie...

Phim chiến tranh

Trong thập niên 1940, các bộ phim mang đề tài chiến tranh thống trị màn ảnh. Kể từ The Birth of a Nation hồi 1915, thể loại này thường xuyên bị thao túng để trở thành công cụ tuyên truyền của giới cầm quyền. Nhất là trong thời Thế chiến II, phim chiến tranh thường mang thông điệp mạnh mẽ, giúp hô hào tinh thần người dân và cảnh báo sự nguy hiểm của đối phương.

phim loi thoi anh 4

Các bộ phim chiến tranh không còn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư tại Hollywood.

Khi chiến tranh đi qua, những năm 1950 là thời kỳ Hollywood đem yếu tố tâm lý vào thể loại để khắc họa hình ảnh những cựu binh trở về hay tái hiện ký ức kinh hoàng của chiến trường. Chiến tranh Việt Nam xảy ra khoảng 30 năm sau đó thêm một lần nữa đưa dòng phim trở lại màn ảnh, với các tác phẩm tiêu biểu như Apocalypse NowPlatoon hay Full Metal Jacket.

Khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, khi ký ức về chiến tranh đã bớt nhức nhối và các đề tài khác trở nên cấp thiết hơn, phim chiến tranh như nhường lại sân khấu cho các thể loại khác và chỉ để lại vài đại diện tiêu biểu như Dunkirk, 1917, American Sniper hay Unbroken.

Như Ngọc