Blog Doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động của các DN nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý đối với các DN Nhà nước để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp khắc phục, hoàn thiện; tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các DN Nhà nước...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Bùi Hùng Mạnh- Giám đốc Công ty TNHH Suzukou Việt Nam:

Năm 2019, tình hình sản xuất kinh doanh của DN có phần thuận lợi do giá nguyên vật liệu (plastic) ổn định, tuy nhiên do sức mua kém nên doanh thu chỉ đạt hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Do thị trường trầm lắng nên DN phải tạm dừng các dự án đầu tư mở rộng, tập trung sản xuất theo khu vực, không để hàng tồn kho. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như chi phí lao động tăng (do tăng lương tối thiểu vùng) và vướng hàng rào kỹ thuật theo quy chuẩn quốc tế. Việc thúc đẩy DN tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và người tiêu dùng cần được Chính phủ quan tâm hơn nữa. Bên cạnh đó, DN rất cần Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực thông qua một số chương trình tập huấn quản trị kinh doanh theo chuỗi giá trị, và hệ thống chuỗi khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm; cần được hỗ trợ tiếp cận thị trường thông qua các phương tiện truyền thông, tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài nước.

Công tác quảng bá sản phẩm ra thị trường, tăng cường sự kết nối giữa các nhà khoa học với các Hiệp hội DN, các DN, các nhà cung cấp nguyên liệu, các nhà sản xuất chế biến sản phẩm nhằm tạo sự đồng thuận có hệ thống, chia sẻ lợi ích và rủi ro, nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu các loại sản phẩm để bảo đảm đầu ra ổn định cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển và Phân phối Công nghệ cao:

Các DN nhỏ tham gia lĩnh vực CNTT một thời gian có nguy cơ phá sản rất cao do hoàn vốn chậm. Nguyên nhân bởi các quy trình thủ tục của các dự án Nhà nước quá nhiều, trung bình 2 năm mới kết thúc 1 dự án, cá biệt có dự án 3 năm mới kết thúc, khiến các DN nhỏ không đủ vốn đáp ứng. Ngoài ra, mặc dù có rất nhiều ưu đãi cho DN trong lĩnh vực CNTT nhưng nhiều DN do không nắm rõ, nên không bóc tách ra để được hưởng các ưu đãi về thuế.

Theo tôi, vai trò của Chính phủ và chính quyền các địa phương là rất quan trọng, cần tiếp tục ưu tiên giải pháp trước mắt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp DN hưởng ưu đãi và tạo giá trị gia tăng cao. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tốt hơn cho các DN hiểu, để được hưởng ưu đãi về thuế, qua đó giảm chi phí giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài việc tạo các điều kiện thuận lợi cho DN công nghệ phát triển bằng nhiều chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi tín dụng đã áp dụng; trong thời gian tới Nhà nước có thể xem xét việc tăng giải pháp tạo thêm thách thức để DN phát triển, bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho các sản phẩm Việt Nam, để từ đây các DN buộc phải đổi mới công nghệ. Công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT, khuyến khích mọi thành phần tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT cũng cần được đẩy mạnh. Tôi mong Chính phủ có chính sách miễn giảm thuế, đất đai, tín dụng… cho giáo dục đào tạo để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đặc biệt, tạo điều kiện cho tư nhân được tham gia thành lập trường hay có những cơ sở đào tạo với yêu cầu đỡ khắt khe hơn.

Ông Ngô Ngọc Thu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Thương mai và Dịch vụ Sơn Dương (Bao bì Sơn Dương):

Công ty Bao bì Sơn Dương là nhà đầu tư thứ cấp, hoạt động sản xuất trong Khu công nghiệp. Ngoài việc phải trả tiền đất 50 năm (chi trả các tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng hạ tầng...), Công ty phải trả thêm tiền thuê đất hàng năm. Hiện tại, tiền thuê đất cao, DN mới thành lập gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó chủ đầu tư KCN yêu cầu phải thanh toán hết số tiền thuê đất 50 năm mới cấp sổ đỏ, như vậy gây khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, hồ sơ, thủ tục hành chính trong công tác PCCC tại KCN còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của DN, ví dụ hạn chế sắp xếp máy móc sản xuất để đơn vị Phòng cháy đến chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN chỉ đóng tiền thuê đất hàng năm (không đóng hết 50 năm) có cam kết sử dụng lâu dài. Có chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, phá bỏ những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà đối với DN, tiếp tục cắt giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho DN.

Ông Nguyễn Đình Hải -Tổng Giám đốc Công ty Ecoit:

Từ thực tế hoạt động của DN, tôi nhận thấy các cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, tài chính cho các DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực CNTT còn chưa đủ. Các DN lớn thường được quan tâm, tạo điều kiện, trong khi các DN nhỏ - bộ phận rất năng động của nền kinh tế dù có sản phẩm/dịch vụ tốt cũng khó được tham gia vào các dự án lớn nên thường phải làm thuê cho các DN khác. Theo tôi, cần có sự thay đổi cách nhìn trong lựa chọn nhà thầu trong các dự án của Chính phủ, nhất là tạo điều kiện cho các startup/DN nhỏ. Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện các gói tài chính ưu đãi cho DN nhỏ.

Ông Lê Khánh Trình- Chủ tịch Tập đoàn Trường Tiền:

Việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động của các DN nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý đối với các DN Nhà nước để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp khắc phục, hoàn thiện; tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các DN Nhà nước; khuyến khích việc chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm tốt, mô hình kinh doanh có hiệu quả giữa các DN Nhà nước.

 Để những chủ trương, chính sách, đặc biệt là quy định về thanh kiểm tra đối với DN thực sự đi vào cuộc sống, theo tôi, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần tăng cương công tác truyền thông hơn nữa. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm mở, để các DN được lắng nghe và được chia sẻ những vướng mắc của mình, cũng như cùng nhau tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc đó. Việc thanh tra, kiểm tra cũng không nên nhiều quá, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng tới tiến độ làm việc của các DN. Cùng đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cần tạo điều kiện cho các DN khắc phục các điểm yếu, tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh để các DN làm tốt hơn nữa, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Hạnh - Chính - Linh (thực hiện)