Bình Dương: Họp báo liên quan dự án 43 Ha đất Tân Phú có những vấn đề chưa thỏa đáng

00:00 12/10/2020

Chiều 05/5/2020, tỉnh Bình Dương tổ chức buổi họp báo có nội dung liên quan đến dự án Khu Đô thị-Thương mại dịch vụ Tân Phú, phía chủ trì họp báo đã đưa ra nhiều thông tin có dấu hiệu không đúng bản chất vụ việc và không trả lời được nhiều câu hỏi của các phóng viên đưa ra trong buổi họp báo, gây nghi ngờ cho dư luận và tạo hiệu ứng ngược.

Chủ trì họp báo là Phó Ban Tuyên giáo tỉnh ủy ,Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh và một số lãnh đạo các Ban ngành trong tỉnh Bình Dương để thông tin tới các cơ quan Báo chí về vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương). Tại buổi họp báo, đại diện Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CQ CSĐT) đưa ra thông tin khu đất khoảng 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một được UBND tỉnh giao Tổng công ty Bình Dương quản lý, sử dụng. Sau đó Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú. Việc chuyển nhượng này là không đúng quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP, gây thất thoát 126 tỷ. CQ CSĐT xác định, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đã được công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) thế chấp bảo lãnh vay vốn 350 tỷ, vì vậy CQ CSĐT đã tạm giữ vật chứng là 2 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vì cho rằng 43ha này là tang vật vụ án. Thông cáo báo chí được phát tại cuộc họp nêu rõ :“Qua thu thập tài liệu, hồ sơ thì khu đất chưa đủ điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…” . 

Thông báo của Tỉnh ủy về việc chấp thuận cho  Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp

Đây có phải đất công?

Theo các quy định về đất tại Luật đất đai thì có thể hiểu “đất công” là do UBND các cấp trực tiếp quản lý, sử dụng hoặc được hình thành quyền sử dụng đất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối với khu đất dự án 43 ha này, trước đây là tài sản của Tổng công ty Bình Dương (trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) được hình thành từ nguồn vốn vay của Doanh nghiệp này, không phải vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Điều này được khẳng định trong các văn bản số 490-CV/TU ngày 18/10/2007 của Tỉnh ủy Bình Dương là cơ quan chủ quản của Tổng công ty Bình Dương và được tái khẳng định tại công văn số 3289/STC-TCDN ngày 21/12/2016 của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương. Như vậy đã rõ, đây không phải đất công, chỉ là tài sản kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đáng nói, Tổng công ty Bình Dương đưa Quyền sử dụng 43 ha đất này là vốn góp với công ty CP Bất động sản Âu Lạc (công ty Âu Lạc) để hình thành nên công ty Tân Phú. Sau đó, năm 2016 công ty Âu Lạc đã mua lại toàn phần vốn góp này (QSD đất) của Tổng công ty Bình Dương. Vì không phải đất công, nên khi chuyển nhượng không cần phải đấu giá theo Luật đất đai và phải chuyện nhượng cho thành viên còn lại của công ty TNHH theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Việc chuyển nhượng vốn này đã được cơ quan chủ quản của Tổng công ty Bình Dương là Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận, việc chấp thuận này  thể hiện tại văn bản số 287-TB/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy Bình Dương thông báo kết luận cuộc họp do Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam chủ trì. Đáng nói, việc chấp thuận này xảy ra trước khi việc chuyển nhượng vốn xảy ra.

Như vậy, chưa có căn cứ để quy kết việc chuyển nhượng vốn là Quyền sử dụng 43 ha đất này  là vi phạm Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp như phía chủ trì họp báo đưa ra.

Chuyển nhượng ngay tình 

Như trên đã nêu, Tổng công ty Bình Dương liên doanh với  Công ty CP bất động sản  Âu Lạc thành lập pháp nhân mới là công ty Tân Phú. Sau đó, Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của của mình trong công ty Tân phú cho công ty Âu Lạc theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Lúc này công ty Âu Lạc là thành viên duy nhất của công ty Tân Phú , thời gian sau, công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ  vốn của mình trong công ty Tân phú cho công ty Kim Oanh.Vì thế, đến nay thì công ty Kim Oanh là thành viên duy nhất sở hữu công ty Tân phú. Quá trình chuyển nhượng này hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật, vì vậy đã được cơ quan có thẩm quyền là Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương chấp nhận nên đã cấp Giấy Đăng ký Doanh nghiệp (Đăng ký thay đổi) cho công ty Tân Phú. 

Mặt khác, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (vốn góp) của Tổng công ty Bình Dương đã được Tổng cục Quản lý Đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời  rõ ràng trong văn bản số 2252/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ: “Do Tổng công ty Bình Dương đã được UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, đã được cấp “sổ đỏ” nên TCT Bình Dương có quyền chuyển nhượng QSDĐ”.

Như vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (vốn góp) của Tổng công ty Bình Dương là hoàn toàn hợp pháp, đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Vấn đề đặt ra, căn cứ nào để cho rằng “khu đất chưa đủ điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…” như thông tin nêu tại Thông cáo báo chí? việc CQ CSĐT coi khu đất 43 ha này là vật chứng của vụ án hình sự để tạm giữ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất có phù hợp với quy định của pháp luật?

Cũng từ những căn cứ trên cho thấy, việc nhận chuyển nhượng vốn để công ty Kim Oanh trở thành thành viên của Công ty Tân Phú là ngay tình. Cho dù xảy ra trường hợp Hợp đồng chuyển nhượng Vốn góp giữa Tổng công ty Bình Dương với công ty Âu Lạc có bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu, thì Hợp đồng chuyển nhượng của bên chuyển nhượng ký kết với công ty Kim Oanh về vốn góp này vẫn hoàn toàn đầy đủ hiệu lực theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Dân Sự 2015.

Có hay không việc thế chấp Quyền sử dụng đất 

Cũng theo Thông cáo báo chí tại buổi họp báo này “Cơ quan Điều tra đang làm rõ việc Tân Phú thế chấp để bảo lãnh cho một công ty vay 350 tỷ”. Vấn đề đặt ra, có hay không việc thế chấp, có hay không việc bảo lãnh của công ty Tân Phú bằng Quyền sử dụng 43 ha đất này?

Sáng 06/5/2020, bà Đặng Kim Oanh- Tổng Giám đốc công ty Tân Phú cho Phóng viên DNHN biết, công ty Tân Phú chưa thực hiện việc đem Quyền sử dụng 43 ha đất này để thế chấp hoặc để bảo lãnh cho đơn vị nào, không biết thông tin này từ đâu ra. Theo văn bản số 676 /TB-OCB-CN TP.HCM ngày 24/4/2020 của Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh , Công ty Tân Phú đã có Hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo quản tài sản với Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đối với 2 Giấy chứng nhận QSD đất, Cơ quan CS ĐT công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ 2 Giấy chứng nhận này. Vậy, căn cứ nào để  thông cáo báo chí rằng “Tân Phú thế chấp để bảo lãnh cho một công ty vay 350 tỷ”? Phải chăng đã có nhận thức chưa đúng về pháp luật về “thế chấp” và “ gửi giữ”, cứ thấy GCN QSD đất tại ngân hàng là thế chấp, bảo lãnh? Nếu nhận thức như vậy thì Doanh nghiệp bị “khốn khổ” bởi cơ quan công quyền là chuyện có thật.

Chủ trì họp báo nhưng nợ trả lời 

Do có nhiều dấu hiệu nêu trên cho thấy thông tin đưa ra họp báo cần phải làm rõ  bản chất vấn đề, nên nhiều phóng viên nêu câu hỏi như: Nếu công ty Tân Phú khi kin, v vic sẽ rất phc tp, tỉnh Bình Dương sx lý thế nào? Bình Dương có bin pháp nào bo v người mua d án ngay tình?  Căn cứ nào cho rằng đây là đất công? Căn cứ nào cho rằng Công ty Tân Phú đem thế chấp Quyền sử dụng đất? Căn cứ nào cho rằng việc chuyển nhượng Quyền sử dụng đất này là sai? vv

Mặc dù những câu hỏi này của các cơ quan báo chí đều dựa trên các thông tin do phía chủ trì họp báo đưa ra, nhưng phía chủ trì họp báo lại xin khất việc trả lời do không nằm trong phạm vi buổi họp báo (?), ghi nhận câu hỏi và sẽ trả lời sau.

Nhiều dư luận cho rằng Công ty Kim Oanh là chủ thực sự của công ty Tân Phú đang bị “vây ép” bởi động cơ thiếu trong sáng, nhận thức pháp luật hạn chế hoặc cố tình vận dụng không đúng quy định pháp luật  của một số người có trách nhiệm cao liệu đã đúng với chủ trương đồng hành bảo vệ doanh nghiệp,  không hình sự hóa các vấn đề kinh tế hay không. Đặc biệt khi mà  cộng đồng doanh nghiệp đang oằn mình chống đỡ đại dịch Covid 19 hiện nay.

Khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình; và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Tạp chí DNHN sẽ tiếp tục đăng tải diễn biến vụ việc.

Nhóm pv pháp luật

Bài tiếp theo: Bình Dương: Dự án 43 ha Tân Phú vì đâu nên nỗi