“Biểu diễn online” – đối phó mùa dịch hay xu hướng mới

00:00 12/10/2020

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Trên thế giới cũng như trong nước, nhiều họa động biểu diễn đều phải ngừng trệ. Ở yên trong nhà, và chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết là khẩu hiệu chung của mọi quốc gia với công dân của mình. Cuộc sống trở nên tối giản và các hoạt động vui chơi giải trí phải ngừng lại. Nhưng vẫn còn một cách giải trí dành cho tất cả mọi người, đó là thưởng thức các chương trình âm nhạc online. Xu hướng “nhà hát online” đang dần trở thành một thói quen mới với khán giả yêu nhạc.

Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Igor Levit đã thể hiện ngẫu hứng bản “Waldstein Sonata Op.52” của Beethoven từ căn hộ của anh ở thủ đô Berlin (Đức) phục vụ khán giả đang phải tự cách ly tại nhà vì dịch Covid-19 tối ngày 12/03 vừa qua. Anh chia sẻ trên trang mạng xã hội của mình: “Một giai đoạn buồn bã, khoảnh khắc kỳ lạ trong đời! Tôi nghĩ được biểu diễn sẽ vẫn tốt hơn là không làm gì cả. Chúng ta hãy đến với kỷ nguyên hòa nhạc tại nhà của thế kỷ 21”. Màn biểu diễn của Igor Levit đã thu hút gần 6.000 lượt like cho thấy khán giả vô cùng hào hứng với cách thức biểu diễn online còn nhiều mới mẻ này. 

Với các nghệ sĩ Việt, việc biểu diễn online cho khán giả trong mùa dịch cũng đang dần phổ biến. Ca sĩ Đình Bảo đang trong những ngày cách ly phòng dịch Covid-19 và anh đã bắt tay làm chuỗi liveshow tên gọi “Đình Bảo- The Story” để gửi đến công chúng yêu nhạc. Tối 22/3 vừa qua, ca sĩ Tuấn Hưng cũng đã tổ chức một show diễn online tại Hà Nội trong suốt 3h đồng hồ. Cùng với khách mời Quang Hà, Tuấn Hưng đã hát solo và song ca khoảng 30 ca khúc, trong đó có những bài hit nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của anh. Khán giả có những phản hồi tích cực về đêm diễn của ca sĩ. Vậy là thừa thắng xông lên, Tuấn Hưng cho biết sẽ tiếp tục tổ chức chương trình trong 2 tháng liền với tần suất mỗi tuần 1 chương trình.  

Không phải chỉ trong mùa dịch bệnh, những show diễn online mới được đầu tư nở rộ, mà xu hướng này đã được định hình từ một vài năm trước. Hình thức truyền hình trực tiếp qua internet xuất hiện trên thế giới từ năm 2007 thông qua một website có tên là livestream. Sau này, kênh chia sẻ video phổ biến là YouTube đã hợp tác với các công ty truyềnthông để tham gia phát triển loại hình giải trí mới này bằng việc phát sóng trực tiếphòa nhạc của các ca sĩ nổi tiếng. Công nghệ livestream chophép hàng triệu người có thể “tham gia” một buổi trình diễn âm nhạc mà không cócơ hội đến tận nơi. Chỉ với một chiếc máy tính hay điện thoại di động, đường truyền Internet ổnđịnh và vài cú “nhấp” chuột đăng ký thành viên là người hâm mộ có thể dễdàng thưởng thức buổi biểu diễn của thần tượng giống như những người bỏtiền mua vé đi xem. Đây là công cụ có thể đưa hình ảnh trực tiếp đến người xem thay vì phải ngồi đợi quay hình, thu băng, biên tập rồi mới phát sóng trên ti-vi hay qua băng đĩa. Ở các nước có nền Công nghiệp biểu diễn phát triển, bên cạnh việc dùng livestream kết hợp buổi trình diễn của các ca sĩ nổi tiếng, người ta cũng tận dụng công cụ này để quảng bá những lễ hội âm nhạc lớn. 

Đưa xu hướng biểu diễn “nhà hát online” lan tỏa trong đời sống âm nhạc phải kể đến cuộc bắt tay ngoạn mục của Truyền hình FPT và Ban nhạc Anh Em. Từ cuối tháng 11/2018, một chương trình âm nhạc hàng tháng được phát trên các nền tảng online có tên gọi “Music Home”. Công nghệ truyền hình livestream tương tác lần đầu tiên có mặt và mang đến nhiều trải nghiệm bất ngờ cho công chúng âm nhạc. Sau năm đầu tiên tổ chức với 14 chương trình phát sóng, “Music Home” đã thu hút tới 25 triệu lượt người xem online và lọt vào đề cử giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2020 tại hạng mục “Chuỗi chương trình của năm”. Có thể nói, thành công của “Music Home” đã thực sự tạo nên một xu hướng thưởng thức mới cho công chúng, góp phần lấp đầy những thiếu hụt của thị trường tổ chức và biểu diễn hiện nay. Hướng đi này cũng cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ Việt trong việc tiếp cận và hòa nhập với các xu hướng mới của đời sống âm nhạc thế giới. 

Trải nghiệm những tiện ích mới từ công nghệ mang đến đang khiến cho người thưởng thức âm nhạc tò mò, thích thú. Các tính năng của các nền tảng công nghệ đang cho phép khán giả xem chương trình online có thể trải nghiệm không gian âm nhạc chân thật như đang có mặt ở nhà hát. Hơn thế, người hâm mộ còn có thể tương tác trực tiếp khi viết bình luận gửi đến ca sĩ hay đến nhà tổ chức. Đây là một kênh quan trọng để các ca sĩ, nhất là ca sĩ trẻ đo đếm lượng khán giả của mình. Theo thống kê, số lượng người xem online cho một chương trình là chính xác, khác hẳn những thông số cho các sản phẩm âm nhạc trên mạng thông thường, và đây là một cơ sở để mỗi ca sĩ biết được số lượng khán giả ủng hộ cho mình, từ đó có những thay đổi hay chiến lược cần thiết để phát triển sự nghiệp. Dĩ nhiên một liveshow hoành tráng trên sân khấu ngoài đời thực là ca sĩ nào cũng mơ ước. Nhưng người ta không dễ để mạo hiểm làm một show hoành tráng nếu họ không tự ước lượng được khán giả đến xem là bao nhiêu. Qua những liveshow online, nghệ sĩ có thể biết rõ số người ủng hộ mình.  

Một thực tế khác của thị trường biểu diễn âm nhạc hiện nay khiến cho các liveshow online lên ngôi, chính là sự bão hòa các chương trình âm nhạc. Thực tế, các liveshow phần lớn chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và việc bán vé đang ngày càng trở nên khó khăn. Để đầu tư cho môt liveshow, số tiền mà ca sĩ hay nhà sản xuất phải chi ra là rất lớn. Giá vé vào xem các chương trình ca nhạc cũng vì thế mà đội lên rất cao. Vé VIP nhất có thể lên tới 10 triệu đồng/cặp, trung bình từ 4-6 triệu đồng/cặp. Đây là giá vé khá cao so với thu nhập bình quân của người dân nên có thể nói không quá, rằng việc thưởng thức các show âm nhạc lớn đang chỉ dành cho người giàu, người có thu nhập cao, còn các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình thì rất khó tiếp cận các chương trình như vậy. 

Trong bối cảnh như vậy, liveshow online sẽ giải tỏa cơn khát các chương trình ca nhạc, cho phép mọi đối tượng khán giả đều có thể bình đẳng tiếp cận các chương trình ca nhạc mà họ muốn, nâng cao đời sống giải trí cho mọi người. Ngay cả với các ca sĩ, làm show online theo xu hướng mới cũng là một cứu cánh cần thiết, khi không phải ai cũng đủ khả năng tài chính để đầu tư một show trên sân khấu tụ điểm bán vé. Vì đầu tư cho một show online sẽ đơn giản hơn khi họ không phải thuê địa điểm biểu diễn, cũng không phải lo việc bán vé lấp đầy ghế ngồi trong nhà hát. Trong khi đó, thông qua các show diễn online, khả năng lan tỏa, tương tác với khán giả được đánh giá là lớn hơn.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một điều rằng không phải chương trình âm nhạc online nào cũng có chất lượng đảm bảo, làm hài lòng khán giả. Vì đây là cách thưởng thức âm nhạc phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng công nghệ, liên quan đến tín hiệu, đường truyền nên chất lượng chương trình phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đường truyền. Thực tế tín hiệu đường truyền và hạ tầng công nghệ của ta vẫn chưa thể đem lại chất lượng âm thanh chuẩn cho các chương trình trực tiếp. Có nhiều chương trình rất đáng tiếc khi thực tế nghệ sĩ chơi rất hay, ca sĩ hát tuyệt vời nhưng đến tai khán giả thì cảm giác nhiều phần hay lại bị giảm đi nhiều. Thực tế này đòi hỏi các nhà sản xuất khi quyết định tổ chức các chương trình ca nhạc online không thể không tính toán về chất lượng đường truyền từ phía nhà cung cấp. “Music home” sở dĩ trở thành một chương trình ca nhạc online được nhiều khán giả yêu thích bởi bên cạnh việc đầu tư vào ca sĩ, ban nhạc với chất lượng tuyệt hảo, còn là nhà cung cấp FPT với cơ sở hạ tầng và đường truyền tín hiệu ổn định, nhiều tính năng tương tác cho khán giả tăng thêm trải nghiệm trong suốt quá trình thưởng thức một show diễn. 

Câu hỏi đặt ra, liệu liveshow online có hoàn toàn thay thế các liveshow trên sân khấu thực tế ngoài đời chăng? Chắc chắn là không. Mặc dù có nhiều lợi thế và tiện ích phù hợp với phần đa khán giả, nhưng những người sành nghe nhạc đều thừa nhận một điều rằng, nghe nhạc trực tuyến vẫn có một khoảng cách so với nghe nhạc trực tiếp. Chất lượng âm thanh khi nghe trên mạng bị giảm sút ít nhiều, cho dù bạn có một đường truyền chất lượng đến đâu. Đó là chưa kể phần nhìn của khán giả cũng hạn chế. Giống như khán giả đến xem bóng đá tại sân vận động khác nhiều với xem qua truyền hình, vì người ta khó mà được nếm trải bầu không khí trực tiếp tại nơi diễn ra. 

Vấn đề cuối cùng là lựa chọn của người xem trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Trên thực tế, ca sĩ biểu diễn và khán giả yêu âm nhạc vẫn “mơ” nhiều hơn về những liveshow mà ca sĩ và khán giả có thể trực tiếp nhìn thấy nhau, hòa mình vào âm thanh cuồng nhiệt của ban nhạc chơi live (nhạc sống). Tuy nhiên, để được sống trong những buổi biểu diễn như vậy thật không dễ dàng gì. Trong khi đó, các show diễn online đang tỏ ra có lợi thế hơn trong việc  mở rộng khán giả và cung cấp món ăn đa dạng, phong phú cho người yêu âm nhạc, bất kể họ sống trong không gian thế nào, khả năng tài chính ra sao. Và đây vẫn sẽ trở thành một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, nhất là trong mùa dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống toàn cầu hiện nay.

 Bình Nguyên