Bất động sản nghỉ dưỡng có lấy lại niềm tin?

00:00 12/10/2020

Câu chuyện thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ế ẩm” bắt đầu từ năm 2019 khi niềm tin bị đánh mất bởi một số chủ đầu tư, cộng thêm dịch Covid-19 đã “giáng” đòn mạnh từ đầu năm 2020. Giải pháp nào để các nhà đầu tư lấy lại niềm tin với khách hàng là một câu hỏi không dễ trả lời trong thời điểm hiện nay.

14-9-Niem-tin-bat-dong-san-ngh-2160-6208Để lấy lại niềm tin của khách hàng, các doanh nghiệp vẫn phải chủ động, nắm bắt thời cơ để tự vươn lên chứ không nên quá trông chờ từ bên ngoài (Ảnh: TL)

Có thể nói, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vừa mới manh nha phát triển đã gặp “cú sốc” do nhiều nguyên nhân: pháp lý chưa rõ ràng, một số chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp và đặc biệt là dịch Covid-19 tác động rất mạnh.

Thị trường thiếu niềm tin

Khảo sát mới đây của DKRA Việt Nam cho thấy, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng quý II/2020, đặc biệt là condotel có lượng hấp thụ thấp, khoảng 20% nguồn cung mới, chỉ có 2 dự án mới được mở bán, lượng hàng tồn kho nhiều. Còn biệt thự biển đón nhận 4 dự án mở bán, bằng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Các thị trường như Bình Thuận, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu… một thời sôi động, nay đều trong tình trạng bán hàng ở mức rất thấp, lần lượt là 30%, 17% và 4%, nhiều dự án hầu như không có giao dịch trong nửa đầu năm. Tại các dự án condotel từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Quốc, tính đến cuối tháng 6 vẫn còn gần 5.000 căn chưa được tiêu thụ.

Không chỉ số liệu được các công ty nghiên cứu - phân tích đưa ra ghi nhận sự sụt giảm, mà hiện tượng rao bán căn hộ condotel, giảm giá cho thuê condotel cũng đang phổ biến trên thị trường. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang trong thời kỳ khó khăn.

Một số chuyên gia cho rằng, pháp lý cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chưa được rõ ràng, mặc dù Bộ TN&MT đã ban hành Công văn 703/TNMT vào giữa tháng 2/2020, nhưng vẫn còn vướng nhiều về quy định, thủ tục… Hơn nữa, từ khi một số chủ đầu tư như Bavico Nha Trang, Cocobay Đà Nẵng "xù" cam kết lợi nhuận, nhiều khách hàng đã mất niềm tin. Đặc biệt, mới đây, nhiều khách hàng đã kéo đến trụ sở của Tập đoàn FLC ở Cầu Giấy đòi quyền lợi cam kết, khiến loại hình bất động sản này vốn dĩ khó khăn càng thêm khó khăn.

Theo các chuyên gia, tính pháp lý với bất động sản nghỉ dưỡng sẽ dần được gỡ rối… Nếu khách hàng có niềm tin với chủ đầu tư thì thị trường này vẫn phát triển, bởi dư địa và tiềm năng vẫn còn rất lớn.

“Quan trọng nhất là niềm tin, bởi khi niềm tin bị mất đi thì kể cả thị trường hồi phục cũng khó kéo khách hàng quay trở lại”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho hay, trong bối cảnh khó chồng khó như hiện tại, niềm tin là "liều thuốc an thần" rất lớn, có tác động lớn đến sức mạnh của từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Nếu như nhà đầu tư, doanh nghiệp không có niềm tin thì coi như đi vào ngõ cụt, họ sẽ bán tháo, "bỏ của chạy lấy người". Bởi, yếu tố tâm lý tác động đến thị trường rất lớn.

Ông Thịnh khẳng định mình vẫn có niềm tin về bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Đây vẫn là một trong các phân khúc có thể tăng trưởng rất tốt và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đến với thị trường Việt Nam.

“Các khó khăn sẽ chỉ xuất hiện trong ngắn hạn khi dịch bệnh bùng lên, còn dài hạn thì bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm đến thị trường này”, ông Thịnh đánh giá.

Theo chuyên gia của Học viện Tài chính, những nỗ lực và cách thức Việt Nam chống dịch vừa qua đã “ghi điểm” rất lớn trong mắt cộng đồng quốc tế.

Hơn nữa, với những chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân cùng vượt "bão Covid-19", khả năng phục hồi và tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, tăng trưởng du lịch sau dịch là rất đáng tin tưởng. Đây cũng là lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục và tiếp tục chặng đường chinh phục các tiềm năng vươn tầm quốc tế.

Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin của khách hàng, các doanh nghiệp vẫn phải chủ động, nắm bắt thời cơ để tự vươn lên, chứ không nên quá trông chờ từ bên ngoài. Việc đưa ra những chiến lược cụ thể để duy trì hoạt động trong thời gian này là cần thiết, làm sao để cắt giảm tối đa các chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả...

Trong khó khăn, với những dự án đã đi vào hoạt động cần có sự bàn bạc với các nhà đầu tư để cùng chia sẻ và đưa ra hướng giải quyết. Đồng thời, các dự án chưa triển khai hoặc sắp triển khai cần hoàn thiện các thủ tục cũng như các điều kiện để bán hàng…, nhằm lấy lại niềm tin cho khách hàng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để khắc phục khó khăn cho thị trường, các ngân hàng cần phải đồng hành cùng với chủ đầu tư, nhà đầu tư. Thậm chí, vừa cơ cấu nợ vừa bổ sung vốn, để dự án sớm hoàn thành. Ngân hàng tuyệt đối không nên sử dụng biện pháp siết nợ, dừng dự án, bởi sẽ không đưa dự án đến đích, tất cả đều không có lợi.

Đặc biệt, Chính phủ cần thúc đẩy thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ đã được thông qua, chỉ đạo và hướng dẫn chính quyền địa phương nhanh chóng thực hiện cấp sổ hồng cho condotel, nhằm tạo niềm tin và thu hút nhà đầu tư tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Minh Trang