Bài học giúp hãng bay thoát mây mù khủng hoảng

00:00 12/10/2020

Trong các báo cáo phân tích phát hành gần đây, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) đều dự báo sớm nhất đến năm 2023 thì hàng không thế giới mới hồi phục. Tuy vậy, trong quí 2-2020 vừa rồi, đã có hãng khôi phục doanh số như thời điểm trước dịch bệnh. Những đốm sáng hiếm hoi này là bài học tốt về quản trị doanh nghiệp thời khủng hoảng.

Sáu tháng đầu năm, dịch Covid-19 đã quật ngã hàng loạt các hãng hàng không lớn nhỏ trên thế giới. Các hãng tên tuổi như Thai Airways hay Virgin Australia tuyên bố phá sản. Các hãng hàng không lớn của Mỹ như United, American Airlines… lên kế hoạch sa thải 40.000 nhân viên trong mùa hè này. Các hãng bay 5 sao cũng phải đề nghị được tham gia các gói cứu trợ hàng chục tỉ đô la của chính phủ như Singapore Airlines, Cathay Pacific, All Nippon Airways, Japan Airlines…

Hãng China Airlines (Đài Loan) là một trong những tia sáng hiếm hoi trong ngành hàng không thế giới khi tuyên bố khôi phục lương nhân viên từ đầu tháng 7 này. Ảnh: CNA

Tia sáng hy vọng trong đường hầm

Thị trường hàng không Trung Quốc về tổng thể đang hồi phục. Khoản lỗ của các hãng hàng không và sân bay trong tháng 6 vừa rồi giảm còn 7,62 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,09 tỉ đô la Mỹ). Như vậy, so với khoản lỗ 24,6 tỉ nhân dân tệ vào tháng 2 năm nay, khi làn sóng đầu tiên của dịch Covid-19 đạt đỉnh, các hãng bay của Trung Quốc đã cắt lỗ hơn 70% – Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết.

Số liệu của IATA trong tháng 5-2020 cũng cho thấy các hãng bay Trung Quốc đã hồi phục các đường bay trong nước nhanh chóng hơn so với bất cứ thị trường nào khác. Tỷ lệ lấp đầy số ghế trên chuyến bay cũng bỏ xa các nền kinh tế khác, trừ Brazil là nơi có số chuyến bay thực hiện rất thấp.

Ngân hàng đầu tư Jefferies ghi nhận sự hồi phục của hàng không Trung Quốc trong tuần lễ đầu tiên của tháng 7 với lượng hành khách tăng 7,3%. “Chúng tôi khá lạc quan về tình hình các hãng bay Trung Quốc do sự phồi hục của thị trường bay nội địa”, nhà phân tích Andrew Lee của tổ chức tư vấn này cho biết.

Dẫn dắt sự hồi phục của ngành hàng không Trung Quốc lại là các hãng tư nhân nhỏ bé, chứ không phải các hãng nhà nước khổng lồ như China Southern Airline, China Eastern Airlines và Air China.

Trong khi ba hãng lớn có lượng khách giảm từ 31-54%, hãng giá rẻ Spring là hãng duy nhất hồi phục lượng khách nội địa. “Hãng bay giá rẻ này sẽ là hãng đầu tiên thoát khỏi mây mù khủng hoảng”, các chuyên nhà phân tích của Jefferies đưa ra thông tin hôm 21-7. Hãng tư vấn chứng khoán China Merchants Securities cũng đánh giá là “nên mua” với các cổ phiếu của Spring.

Hãng bay tư nhân China Express Airlines có trụ sở ở Trùng Khánh cũng lập thành tích tương tự với các tuyến bay nối các thành phố nhỏ loại 3 và loại 4. Bản cáo bạch 6 tháng đầu năm công bố trên thị trường chứng khoán Thẩm Quyến của hãng này cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt đến 8,75 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,2 triệu đô la). Dù rằng có sự sụt giảm mạnh, nhưng so với con số lỗ 100 triệu nhân dân tệ của quí 1-2020 thì đây là sự hồi phục có ý nghĩa rất lớn.

Hơn nữa, China Express Airlines còn làm mọi người ngạc nhiên khi vào tháng 6 đã ký kết bản thỏa thuận mua tổng cộng gồm 100 chiếc máy bay – gồm dòng thân hẹp ARJ21 và dòng thân rộng C919 – của hãng chế tạo máy bay nội địa Comac. Máy bay sẽ đước giao trong năm nay. Thông tin chi tiết hầu như không được công bố, nhưng kế hoạch mở rộng đội bay của hãng này báo hiệu sự tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh u ám của hàng không hiện nay.

Đẩy mạnh thị trường ngách

Các đường bay trong nước thưa thớt trong mùa dịch, các tuyến quốc tế mở lại khá hạn chế do lo ngại dịch bùng phát. Chiến lược khai thác thị trường ngách lại tỏ ra hiệu quả đối với các hãng bay.

Trang tin tổng hợp Caixin cho biết Spring là một trong các hãng giá rẻ đầu tiên của Trung Quốc khai phá thị trường bay thuê bao chuyến (charter flight) với hợp đồng đưa 165 người lao động từ tỉnh Vân Nam về Thượng Hải vào giữa tháng 2 rồi. Khi dịch bệnh diễn tiến trên diện rộng, có trên 20 hãng lớn nhỏ ở Trung Quốc tham gia thị trường charter flight mới mà trước đó họ bỏ qua, nhằm phục vụ hàng triệu nhân viên làm việc ở Bắc Kinh và Thượng Hải về quê dịp Tết Nguyên đánh mà không thể quay trở lại do các quy định hạn chế đi lại.

Vận tải hàng không là thị trường đầy lợi nhuận trong mùa dịch. Giá cước vận tải hàng hóa bằng đường không thông thường mắc gấp 10 lần giá đường biển. Mùa dịch, giá cước theo ký bằng đường không lại tăng gấp 4 lần. Nhưng nhu cầu khẩn cấp về khẩu trang, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, thiết bị y tế đã khiến giá vận chuyển trở nên thứ yếu. Các nhà kinh doanh cũng chọn gửi các mặt hàng xa xỉ, đồ điện tử và đồ hải sản đắt tiền bằng máy bay.

Mảng vận tải hàng hóa của hãng All Nippon Airways nhận số chuyến bay cargo kỷ lục trong tháng 3. Ảnh: Nikkei Asian Review

Ngoài các hãng chuyến bay vận tải chở hàng (cargo), các hãng bay thương mại cũng bắt đầu sửa chữa và hoán cải công dụng của máy bay chở khách. Một máy bay chở khách thông thường chở lượng hàng ít hơn máy bay vận tải. Chẳng hạn Boeing 737 chở khách chỉ có chở 20-30 tấn hàng, và có thể nâng lên 70 tấn sau khi sửa chữa. Còn máy bay Boeing 747 chở hàng có thể chở 110 tấn hàng mỗi chuyến.

“Cần phải tốn nhiều tiền để chuyển đổi công dụng máy bay. Vì thế, các hãng thường chọn sửa đổi loại máy bay nhỏ, đã có tuổi để tiết kiệm. Điều này có nghĩa khả năng cung tải hàng hóa sau sửa chữa không khá hơn nhiều lắm”, Huang Wenhui, giám đốc dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng máy bay của hãng CH Robinson Worldwide, khẳng định.

Các hãng bay thương mại của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc lao vào cuộc đua vận tải hàng hóa. Nhưng cuối cùng, sáng giá nhất là hãng bay China Airlines của Đài Loan.

Hãng hàng không Đài Loan là một trong những hãng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với số chuyến bay bị cắt giảm chỉ còn 3-4% năng lực không tải. Lợi nhuận của hãng cũng giảm từ 10 tỉ Đài tệ xuống còn 400 triệu Đài tệ. Nhưng 18 chiếc máy bay chở hàng (cargo) đã giúp hãng đẩy doanh số lên 9 tỉ Đài tệ vào tháng 6 vừa rồi. Hãng này tuyên bố khôi phục mức lương như cũ với nhân viên từ đầu tháng 7 này.

Nhân viên hãng Thai Airways đang tiến hành khử trùng máy bay. Hãng này nộp hồ sơ xin phá sản vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: Nikkei Asian Review

Yếu tố cốt lõi là quản trị doanh nghiệp

Một báo cáo của hãng tư vấn chứng khoán China Merchants Securities đã chỉ ra ba yếu tố giúp Spring bật lên: chi phí hoạt động thấp, quản trị nguồn tiền mặt tốt và chiến lược khuyến mãi hiệu quả. “Ưu thế vượt trội của chúng tôi nằm ở giá vé rẻ hơn đối thủ, trong khi vẫn duy trì hoạt động an toàn”, Chủ tịch Wang Yu của Spring trả lời báo chí.

“Giá khai thác của Spring rẻ hơn giá của các ba hãng lớn khoảng 32-37%. Ưu thế này thu hút hành khách vốn nhạy cảm về giá trong mùa dịch. Ngay cả khách thương gia cũng tính toán tính hiệu quả và chọn bay với Spring”, nhà phân tích Zhang Jing của hãng tư vấn Phillip Securities Hong Kong nhận định.

Trong khi đó, giáo sư tài chính David Yu thuộc trường Đại học New York ở Thượng Hải, cho rằng các hãng nhỏ như Spring và China Express bật nẩy, hồi phục nhanh hơn các hãng trên thế giới. Các hãng này không bị lo lắng khi lượng khách của mình ít hơn các hãng bự. “Họ tập trung vào tiết kiệm nhiên liệu. Điều này thay đổi ngoạn mục bức tranh kinh doanh, giúp chiếm lĩnh thị trường”, giáo sư Yu trả lời Nikkei Asian Review.

Còn với một hãng lớn như China Airlines là bài học về thiết chế quản trị tốt.

Chỉ có các hãng sản xuất nước sát khuẩn, khẩu trang hay máy thở có lợi nhuận lớn mùa dịch. Hầu hết các công ty lớn nhỏ đều ngất ngư sau mùa dịch, kể cả các hãng hàng không. Tất cả đều có bay thuê chuyến (charter), bay vận tải hàng hóa (cargo). Nhưng đứng vững và kiếm được tiền từ mảng cargo như China Airlines là hiếm. “Họ nhanh chóng sắp xếp hợp lý và nắm bắt thị trường mới để vượt qua khủng hoảng”, một nhà phân tích nói.

PV/Theo CNA, Nikkei Asian Review