Đổi tên để làm gì?

00:00 12/10/2020

Không biết, đổi tên để làm gì mà lâu nay, ở nước ta, người ta ham đổi tên như vậy!

Tên của một công dân, muốn thay đổi, phải qua sở tư pháp sở tại và nhiều thủ tục lằng nhằng khác, huống gì tên của cơ quan, tổ chức nhà nước. Mỗi lần đổi tên địa phương, tên cơ quan, doanh nghiệp, trường học...không những tốn kém tiền bạc của nhà nước mà còn đánh mất những thương hiệu sau nhiều năm gây dựng; đánh mất những giá trị lịch sử gắn với tên gọi và để lại nhiều hệ lụy không đáng có cho người dân. Điều đáng nói là, nhiều sự thay tên, thoạt nghe đã thấy vô nghĩa, thiếu tính nhân văn. Chẳng hạn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô lại đổi thành Bệnh viện Hữu nghị. Đành rằng, nhà nước Liên Xô đã tan rã. Nhưng có một nhà nước Liên Xô vẫn tồn tại trong lịch sử và tình cảm cao cả của nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam, gắn với các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, không thể lãng quên! Chưa kể, xét về mặt ngôn ngữ, cụm từ “Bệnh viện Hữu nghị” vô nghĩa!

Lại nữa, “Trường Đại học Tổng hợp” - tên hay như vậy mà bị đổi thành: “Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn” và “Trường Đại học Khoa học Tự nhiên”. Thử hỏi, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Sư phạm v.v. không mang tính xã hội và nhân văn hay sao! Và đây, “Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, đổi thành “Viện hàn lâm khoa học công nghệ VN”.  "Hàn lâm" chiết tự là tức là “rừng bút”. Trung Quốc  không dùng từ này trong tên viện khoa học của họ thì ta lại đổi từ thì ta lại thêm chữ “hàn lâm” để làm gì? Lại nữa, ngày xưa, tên “Nhà thương Bạch Mai”, thoạt nghe ấm áp, thân thương như vậy, lại đổi thành “Bệnh viện Bạch Mai” nghe lạnh lẽo làm sao!

...Không hể kể ra hết những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các tổ chức của nhà nước đã bị thay đổi, gây thiệt hại khôn lường cho nhà nước và cho dân. Tôi nhớ, cách đây khá lâu, trên diễn đàn Quốc hội, khi nói đến hệ thống giáo dục của nước ta, có đại biểu không phân biệt được phổ thông trung học và trung học cơ sở. Thời đó, có ý kiến đề xuất trở gọi như trước: Cấp 1 là tiều học; cấp 2 là trung học cơ sở; cấp 3 là phổ thông trung học. Nhưng có ý kiến phản bác, nếu thay đổi như vậy, rất tốn kém vì phải thay đổi hệ thống văn bản, biển hiệu, con dấu, sách giáo khoa...nên thôi.

Đã có "Xe khách đường phố" thì xe buýt hoạt động ở nông thôn gọi là gì?/ Ảnh: bizlive

Bây giờ, đến lượt, Bộ GTVT đề xuất đổi tên xe buýt thành "Xe khách đường phố" tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tên gọi “xe buýt” thân thuộc với người dân Việt Nam mấy chục năm nay. Chẳng hiểu, Bộ GTVT- đơn vị soạn thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi-đề xuất đổi tên như vậy để làm gì? Và, đã có "Xe khách đường phố" thì xe buýt hoạt động ở nông thôn gọi là gì?./.

Cao Thâm