Áo giáp cho thầy thuốc

00:00 12/10/2020

Ngày 27/2 năm nào cũng nghe khắp nơi ca ngợi, tôn vinh nghề thầy thuốc thế nhưng nhu cầu cơ bản nhất của một y bác sĩ là được hành nghề một cách an toàn thì lại chưa được thực hiện. Tránh để mất bò mới lo làm chuồng, liệu mỗi bác sĩ có nên tự sắm cho mình một chiếc áo giáp giống anh lái taxi nào đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 27/2 năm nào cũng nghe khắp nơi ca ngợi, tôn vinh nghề thầy thuốc thế nhưng nhu cầu cơ bản nhất của một y bác sĩ là được hành nghề một cách an toàn thì lại chưa được thực hiện. Tránh để mất bò mới lo làm chuồng, liệu mỗi bác sĩ có nên tự sắm cho mình một chiếc áo giáp giống anh lái taxi nào đó.

Cứ vào ngày 27/2 là chúng ta lại có dịp được nghe lại những lời tuyên dương, ca ngợi những gương Thầy thuốc ưu tú, xuất sắc. Đó là việc rất nên làm, tôi khẳng định như thế. Nhưng trộm nghĩ, chúng ta cứ tặng hết bằng khen này tới giấy khen kia mà chưa tặng các y bác sĩ nhu cầu cơ bản nhất khi hành nghề đó là SỰ AN TOÀN thì thật không đúng.

Đến bệnh viện dễ dàng bắt gặp những tấm biển đề “Lương y như từ mẫu", “Thầy thuốc như mẹ hiền” với mục đích nhắc nhở các nhân viên y tế về sứ mệnh của mình. Tuy nhiên theo chiều ngược lại, nếu như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lại không coi thầy thuốc là mẹ hiền thì sao?

Cho đến ngày hôm nay, dù là các phương tiện truyền thông đại chúng đã quá phát triển, tôi cũng không đếm hết (thực ra là không muốn đếm) đã xảy ra bao nhiêu vụ hành hung, uy hiếp tính mạng bác sĩ khi họ đang hành nghề.

Tôi có anh bạn là bác sĩ khoa cấp cứu một bệnh viện ở Thủ đô. Hỏi về việc từng bị người nhà bệnh nhân hành hung bao giờ chưa, thoáng ngạc nhiên, anh cười: “Bác sĩ bọn anh coi chuyện bị hành hung, chửi bới khi khám bệnh là thường tình, sống chung với lũ”. Ẩn sau nụ cười gượng gạo của anh là cái gì đó như xót xa xen lẫn chút gì đó như là đau đáu.

Họ đau đáu lắm chứ, họ hẳn là đau đáu vì trong khi họ phải căng sức lo cho sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân thì mạng sống và sức khỏe của họ lại có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Đau đáu vì vẫn phải cười!

Những năm qua liên tục xảy ra những vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, tình hình ngày một nghiêm trọng hơn. Hết đánh vào đầu và tạo hiện trường giả một vụ vòi vĩnh, rồi lại đến việc sẵn sàng đạp vào bụng một nữ nhân viên y tế khiến chị này ngất xỉu.

Tuy nhiên một điều dưỡng đang mang bầu 7 tháng tại bệnh viện Bạch Mai đã không được may mắn như thế. Trong ca trực của mình, chị bất ngờ bị người nhà bệnh nhân dùng vật cứng đập vào đầu dẫn tới ngất xỉu tại chỗ. Không dừng lại, người này còn dùng ghế và tay chân tấn công các nhân viên khác nhưng bị bảo vệ bệnh viện can ngăn. Một lúc sau đối tượng còn gọi điện cho hơn chục thanh niên bặm trợn kéo đến cổng gây sức ép và định lao vào hành hung tiếp...

Thử hỏi, 8 tiếng làm việc cật lực; tiếp đón, chữa trị cho hàng chục, hàng trăm bệnh nhân, nay lại bị người nhà cản trở, gây khó dễ, thậm chí uy hiếp tính mạng thì thầy thuốc nào còn tâm trí và đủ bình tĩnh để xử lý cho bệnh nhân?

Muốn yên tâm chữa trị thì họ phải được an toàn.

Không chỉ với các bác sĩ, an toàn cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất của bất cứ ai, chẳng thế mà sau nhiều vụ bị hành hung, cướp tài sản, một tài xế taxi đã có sáng kiến làm hệ thống vách kính bảo vệ. Tuy còn đang chờ xem xét nhưng ý tưởng này đã được giới tài xế hưởng ứng nhiệt tình.

Thôi thì, thay vì chờ các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ xem phải bảo vệ nhân viên y tế thế nào thì tôi nghĩ, các cán bộ y tế vẫn nên chủ động bảo vệ cho mình trước, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, nên chăng các vị cũng hãy đề xuất phương án sắm mỗi người một chiếc áo giáp để phòng thân.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Sơn Ca