Ai chớp mắt trước?

00:00 12/10/2020

Khi ông Trump còn chưa tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, đòn trả đũa đến từ Bắc Kinh khá hiểm: bước đầu ngừng mua nông sản, thực phẩm Mỹ. Các hợp đồng mua thịt heo lớn bị hủy. Lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm thê thảm. Chỉ với những thiệt hại bước đầu như vậy đã khiến người nông dân Mỹ lao đao...

Cuộc chiến "ngôn từ"

"Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ gặp nhau trong tháng 9 này để thảo luận về một thỏa thuận", Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố như thế vào ngày 1-9, đúng ngày mà hai bên bắt đầu vòng áp thuế mới lên các mặt hàng của nhau.

Từ 1-9, Mỹ bắt đầu áp thuế 15% đối với khoảng 112 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, bắt đầu từ 1-10, Mỹ tiếp tục áp thêm 5% thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, vốn đang bị đánh thuế ở mức 25%, có nghĩa là phải chịu thuế ở mức 30%.

Cũng từ 1-9, Trung Quốc thực hiện phản đòn, bắt đầu áp thuế bổ sung để đáp trả Mỹ. Mức thuế bổ sung 5% và 10% sẽ được triển khai với 1.717 trong tổng số 5.078 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ.

Những động thái này cho thấy tuyên bố của ông Trump về đàm phán thương mại tiếp tục trong tháng 9, như nhiều lần trước đó, chỉ mang tính chất thông báo. Có quá ít yếu tố để hy vọng những cuộc đàm phán đó có đi đến kết quả (mà nhiều người mong đợi) rằng sẽ giúp giảm bớt sự khốc liệt trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung hiện nay. Không những thế, hai bên còn dấn sâu hơn nữa vào một cuộc chiến "ngôn từ" để khẳng định quyết tâm không lùi bước của mình.

Xã luận của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kêu gọi nước này "không được yếu đuối và lùi bước" trước sức ép từ Mỹ. "Nếu tỏ ra yếu đuối và nhượng bộ dưới sức ép bá quyền, Trung Quốc sẽ phạm phải sai lầm lịch sử", báo này dẫn ý kiến của hai chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Nhân dân và Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Một lựa chọn được Mỹ đưa ra là áp thuế các đợt liên tiếp nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: L.G.

"Khi đối mặt với sức ép cực lớn và hành vi bắt nạt, việc tỏ ra yếu đuối và lùi bước sẽ không được ai thương hại. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và người dân bằng cách duy trì cuộc đấu tranh chính nghĩa, có lợi theo nhịp độ hợp lý", bài xã luận viết.

Trong khi ấy thì ông Trump đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng chính Trung Quốc, chứ không phải các công ty hay người tiêu dùng Mỹ, phải trả tiền do cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ phân tích: “Bởi vì Trung Quốc đã phá giá đồng tiền của họ quá nhiều nên họ thực sự đang phải trả tiền cho thuế quan mà chúng ta đã triển khai. Ngoài ra, họ cũng đang bơm tiền vào nền kinh tế của họ”.

Có vẻ như hai bên đang trừng trừng nhìn vào nhau để xem ai sẽ chớp mắt trước!

Trước khi ông Trump vào Nhà Trắng

Chưa có ai xác thực được chắn chắn vế đầu trong tuyên bố của Tống thống Mỹ (về việc Trung Quốc phải trả tiền do Mỹ áp thuế) có đúng hay không nhưng vế thứ hai, việc Trung Quốc đang phải bơm tiền vào nền kinh tế, thì chẳng phải chính là mục tiêu mà Mỹ hướng tới khi khai mào cho cuộc thương chiến khốc liệt hiện nay hay sao?

Bởi vì không còn là điều bí mật nữa khi ẩn phía sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay chính là một cuộc chiến khác, lớn hơn nhiều: tranh giành vị thế siêu cường số 1 trên thế giới. Nếu có thể phân chia theo thời gian thì có thể tạm thời phân định quan hệ Mỹ-Trung thành 2 giai đoạn: trước khi ông Trump lên làm tổng thống và sau đó.

Trước khi ông Trump trúng cử tổng thống, quan hệ chiến lược Mỹ-Trung về thực chất vẫn là mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Nó bắt đầu khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc và ký thông cáo chung, xác định hai bên coi thương mại song phương là lĩnh vực đôi bên cùng có lợi. Ẩn sâu dưới bề mặt của quan hệ hợp tác này là liên thủ để chống "kẻ thù chung" là Liên Xô.

Khi Liên Xô đột nhiên biến mất, quan hệ chiến lược Mỹ-Trung bắt đầu bộc lộ những mầm mống xung đột. Tuy nhiên, quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc, cộng với chiến lược "thao quang dưỡng hối" náu mình chờ thời đã khiến cho Mỹ chưa coi Trung Quốc là một thách thức đáng kể. Không những thế, Mỹ vẫn hy vọng sẽ đưa Trung Quốc vào "hệ thống thế giới tự do" do Mỹ làm chủ soái, dần biến Trung Quốc thành một "quốc gia dân chủ" theo kỳ vọng của Mỹ.

Mỹ muốn thực hiện những mục tiêu này thông qua những tác động lên cải cách kinh tế, từ đó dẫn tới các cải cách chính trị theo mô hình của Mỹ. Một trong những đòn bẩy mà Mỹ hy vọng có thể dựa vào để thực hiện mục tiêu chiến lược này là chấp nhận để Trung Quốc gia nhập WTO.

Khi tìm kiếm sự ủng hộ trong nước đối với việc Trung Quốc gia nhập WTO, Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: "Việc Trung Quốc gia nhập WTO không chỉ là việc nước này đồng ý mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ mà còn đồng ý tiếp nhận một trong những giá trị quan trọng nhất của xã hội dân chủ, đó là tự do kinh tế".

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tung ra gói viện trợ trị giá 16 tỷ USD để hỗ trợ những nông dân gặp khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: L.G.

Khi nhập siêu thương mại trở thành an ninh quốc gia

Khi ông Trump đắc cử, vị chủ nhân mới của Nhà Trắng nhận thấy chẳng những Trung Quốc không tiếp nhận những cái gọi là "giá trị dân chủ" mà người tiền nhiệm của mình đã nêu ra mà nước này, chỉ trong một thời gian ngắn, đã tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ gấp nhiều lần so với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Ngôn từ kinh tế đơn giản gọi đó là hiện tượng Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc. Còn ông Trump, vốn là một tỷ phú trở thành tổng thống, coi đó là mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ! Bởi ông Trump coi việc Mỹ thường xuyên phải nhập siêu một khối lượng cực lớn hàng hóa Trung Quốc chẳng khác nào việc người Mỹ đang phải trả tiền để cho Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, thu hẹp khoảng cách phát triển và đe dọa vị thế siêu cường số 1 của Mỹ.

Thế nên, một lựa chọn được đưa ra: áp thuế các đợt liên tiếp nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Và bởi vì số lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ít hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ nên Trung Quốc sẽ rất hạn chế trong việc áp thuế trả đũa. Nói cách khác, những đòn trả đũa sẽ không tương đương và ông Trump hy vọng sự chênh lệch trong các đòn trả đũa và điều quan trọng hơn, sự bất lợi về tiềm lực kinh tế của Trung Quốc so với Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt hơn, từ đó buộc phải nhượng bộ.

Một trong những cái giá phải trả chính là điều mà ông Trump khẳng định: do thương chiến, Trung Quốc phải bơm tiền vào nền kinh tế của mình để tiếp tục duy trì sự ổn định trước những đòn đánh liên tiếp của Mỹ. Việc "bơm tiền" này dẫn tới một hậu quả kép: kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc (một trong những ưu thế cạnh tranh của Trung Quốc so với Mỹ) bị tiêu hao nặng nề, trong khi hàng hóa Trung Quốc sẽ suy giảm sức cạnh tranh so với hàng hóa Mỹ.  

Đòn trả đũa tinh vi

Nhưng ông Trump không tính đến điều: trong một cuộc chiến, đối thủ có thể dùng mọi thứ vũ khí có trong tay để chống trả; những tính toán đơn thuần dựa trên những con số, những phần trăm áp thuế chưa phản ánh đầy đủ các khía cạnh của cuộc chiến.

Khi ông Trump còn chưa tuyên bố áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, đòn trả đũa đến từ Bắc Kinh khá hiểm: bước đầu ngừng mua nông sản, thực phẩm Mỹ. Các hợp đồng mua thịt heo lớn bị hủy. Lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm thê thảm. Chỉ với những thiệt hại bước đầu như vậy đã khiến người nông dân Mỹ lao đao. Đến khi Mỹ tiếp tục tăng thuế, những mặt hàng mà Trung Quốc nhằm vào để trả đũa Mỹ cũng được lựa chọn hết sức cẩn thận để nhằm hướng tới mục tiêu: làm tổn thương càng nhiều càng tốt giới làm nông nghiệp Mỹ.

Trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ không được "chính trị hóa" cuộc chiến thương mại (bằng việc sử dụng vấn đề Hong Kong nhằm gây sức ép trên bàn đàm phán) thì thực chất, những lựa chọn trả đũa của Trung Quốc lại mang tính chính trị tinh vi hơn bao giờ hết: chính những nông dân Mỹ ở các bang "chiến địa", nơi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh giành lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc ai là người sẽ ở trong Nhà Trắng cho nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo!

Nhận thức rõ mối nguy cơ này, hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump đã tung ra gói viện trợ trị giá 16 tỷ USD để hỗ trợ những nông dân gặp khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và không có tác dụng nếu thương chiến giữa hai bên tiếp tục kéo dài.

Ông Trump đã phải lên dây cót cho người nông dân Mỹ (và có thể cho chính mình?) khi phát biểu đúng vào hôm các mức thuế mới được áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc, ngày 1-9: "Chúng tôi đang nhận về hàng tỷ USD, chúng tôi đã chuyển một phần số tiền đó cho những người nông dân. Tôi đang giúp nông dân kiếm được nhiều hơn. Những người nông dân thậm chí đang hưởng lợi hơn cả khi Trung Quốc mua các sản phẩm của họ!”. 

Khó có thể biết được có bao nhiêu phần trăm sự thực trong tuyên bố này cũng như các đòn trả đũa của Trung Quốc sẽ có tác động đến mức nào đối với cuộc bầu cử ở Mỹ vào cuối năm tới. Nếu cả hai phía đều trông chờ cuộc chiến thương mại sẽ tùy thuộc vào kết quả bầu cử thì từ giờ cho đến lúc đó, thời gian là quá dài và những tổn thất cho cả hai phía là không thể tính đếm hết được.

Yên Ba