Tadashi Yanai - Đại gia thời trang nhanh Nhật Bản

00:00 12/10/2020

Theo tạp chí Forbes, tổng giá trị khối tài sản CEO Tadashi Yanai đang sở hữu đã lên đến 2.000 tỷ yên, tương đương 18,4 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc ông trở thành tỷ phú đầu tiên của Nhật Bản không thuộc lĩnh vực công nghệ điện tử, vốn là thế mạnh của nước này.

Uniqlo là một thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu, thuộc sở hữu của tập đoàn Fast Retailing. Tỷ phú Tadashi Yanai - nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Fast Retailing cũng vô cùng nổi tiếng khi là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản với khối tài sản 29,6 tỷ USD (thời điểm ngày 6/12). Theo xếp hạng của Forbes, Yanai là tỷ phú giàu thứ 27 trên thế giới. Còn tại châu Á, ông đứng sau ông chủ Tencent - tỷ phú Trung Quốc Ma Huateng.

  Theo Báo Người Đưa Tin, Tadashi Yanai sinh ra trong một gia đình làm nghề may ở Hiroshima (Nhật Bản). Do đó, ngay từ nhỏ, ông đã tiếp xúc nhiều với vải vóc, kim chỉ và thời trang. Sau khi tốt nghiệp đại học Waseda chuyên ngành kinh tế và khoa học chính trị năm 23 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong tiệm may y phục của cha. Đến năm 1984, ông thừa kế công việc kinh doanh gia đình và thành lập Công ty Unique Clothing Warehouse, sau này được viết tắt là Uniqlo.

 

 

Một trong những cửa hiệu thời trang Uniqlo đầu tiên ở Nhật Bản.

 

Cửa hàng Uniqlo đầu tiên xuất hiện tại Hiroshima. Tuy nhiên, chiến lược sai lầm của Yanai khi mở 3 cửa hàng ở ngoại ô Tokyo đã khiến người tiêu dùng cho rằng Uniqlo là thương hiệu nhà quê. Ba cửa hàng vừa khai trương buộc phải ngừng hoạt động và màn chào sân của thương hiệu này bị đánh giá thất bại. 

 

 

 Theo Báo Đời sống và Pháp luật, đến năm 1994, 10 năm kể từ ngày ra đời, Uniqlo mở rộng ra thành 100 cửa hàng. Hầu hết tăng trưởng đến từ các cửa hàng ở vùng ngoại ô Nhật Bản. Đến 1998, công ty trình làng dòng trang phục chất liệu nỉ và ngay lập tức gây bão trên thị trường.

"Tôi có cảm giác mình đã tìm được thêm một mỏ vàng nữa kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên năm 1984", Yanai mô tả.

Nhờ hiệu ứng này, thương hiệu càng phổ biến hơn nữa với người dân trong nước. Tuy nhiên, ngay sau đó, công ty gặp khó khăn khi lợi nhuận và doanh số sụt giảm. Họ bắt đầu tổ chức lại bộ máy và phát triển dòng sản phẩm dành cho nữ giới, từ đó lấy lại vị trí trên thị trường. Tiếp đó, thương hiệu cũng bắt đầu tập trung vào những cửa hàng có diện tích lớn hơn.

Dù thành công như vậy, nhưng giống như nhiều doanh nhân nổi tiếng khác, con đường đến với vinh quang của Tadashi Yanai không phải lúc nào cũng trải hoa hồng.

Chia sẻ trong một chương trình của kênh Channel NewsAsia vào năm 2016, tỷ phú này cho biết: “Khi Uniqlo mở rộng ra nước ngoài, chúng tôi từng thất bại ở Anh. Sau đó, chúng tôi thất bại ở Trung Quốc và tiếp tục thua tại Mỹ”.

Theo Yanai, năm 2001, Uniqlo từng cố gắng thâm nhập thị trường Anh khi mở 21 cửa hàng trong 2 năm. Tuy nhiên, mở rộng quá nhanh và quản lý yếu kém đã buộc thương hiệu phải đóng cửa 16 cửa hàng sau đó. Giám đốc điều hành Fast Retailing khi đó cũng thừa nhận họ đã không làm tốt việc thiết lập nhận diện thương hiệu trước khi mở cửa hàng và đã học rất nhiều từ những sai lầm ấy.

Với thị trường Mỹ, đây vẫn là bài toán khó với Uniqlo và tỷ phú Yanai. Không chỉ phải cạnh tranh quyết liệt với những đối thủ nặng ký như Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển), thương hiệu Nhật Bản cũng tỏ ra lép vế trước 2 tên tuổi nội địa là Gap và Forever 21.

Tadashi Yanai Ảnh: Diễn đàn đầu tư

Năm 2012, Uniqlo từng đặt mục tiêu tham vọng là mở 1.000 cửa hàng tại Mỹ. Nhưng theo tạp chí Forbes, sau khi đóng cửa 6 địa điểm, Uniqlo chỉ còn 47 cửa hàng tại Mỹ tính đến tháng 3/2017 - một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, đứng lên từ trái đắng thất bại, thương hiệu hiện có trên 1.000 cửa hàng ở nước ngoài và không ngừng tăng trưởng. Là nhà bán lẻ thời trang lớn nhất châu Á nhưng tham vọng của ông chủ Yanai là đưa thương hiệu trở thành số một thế giới, vượt mặt cả H&M và Inditex - công ty đứng sau Zara.

Yanai cho biết ông chưa bao giờ nản lòng trước những khó khăn. Triết lý trong cuộc sống của vị doanh nhân 68 tuổi là "Chín thất bại, một thành công" và kinh doanh là hành trình tiến tới "huy chương vàng".

Ngoài Uniqlo, tập đoàn Fast Retailing còn bao gồm các công ty con khác như: GU (Nhật Bản), Theory (Nhật Bản), Comptoir des Cottonniers S.A.S (Pháp), Princesse Tam.Tam S.A.S (Pháp), J Brand (Mỹ).

Đến cuối tháng 11/2017, Uniqlo có 1.974 cửa hàng khắp thế giới, trong đó 833 ở Nhật và 1.141 ở 17 quốc gia khác. Báo cáo tài chính vào tháng 8 cùng năm cho thấy doanh thu hợp nhất của tập đoàn Fast Retailing sở hữu thương hiệu này đạt 16 tỷ USD. Họ đặt mục tiêu doanh thu 60 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2017, Fast Retailing đứng thứ 32 trong danh sách những công ty sáng tạo nhất do tạp chí Forbes công bố.

Hà Linh (TH)