5 thói quen tài chính của các doanh nhân giàu có

00:00 12/10/2020

Bằng cách học tập thói quen tài chính cá nhân từng giúp nhiều doanh nhân giàu có, bạn có thể cải thiện đáng kể tình hình tài chính của mình.

Mặc dù tài sản của bạn có thể không ấn tượng như Warren Buffet, nhưng bạn có thể tiến gần hơn tới mục tiêu giàu có bằng cách học tập các thói quen của những doanh nhân thành công. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images

1. Tạo một danh sách các mục tiêu tiền bạc để có động lực phấn đấu

Khi có một khoản ngân sách nhất định người giàu luôn đặt ra các mục tiêu tiền bạc rõ ràng.

Việc lập ra một danh sách các mục tiêu tài chính và kiểm tra chúng mỗi ngày sẽ cho bạn hướng đi rõ ràng về các việc bạn cần làm để cải thiện sự giàu có cá nhân và lợi nhuận của doanh nghiệp.

2. Lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm chi tiết

Không có kế hoạch chi tiêu và thói quen tiết kiệm là một trong những cạm bẫy lớn nhất khiến các doanh nhân và nhiều người không đạt được mục tiêu giàu có.

Do đó, để tránh rơi vào cạm bẫy này, bạn nên quản lý tài chính cá nhân một cách nghiêm túc bằng việc lập sẵn kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm tiền, sau đó theo dõi mọi chi phí. Khi bạn nhận thức được thói quen chi tiêu của bản thân, việc kiểm tra chúng và tiến sát hơn đến mục tiêu tiết kiệm của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Với việc nắm rõ thói quen chi tiêu của mình, bạn có thể bắt đầu tìm cách giảm bớt chi phí không cần thiết, chẳng hạn, chuyển sang một nhà cung cấp internet ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp của bạn, hay đơn giản chỉ là bớt ghé qua các quán cà phê,...

3. Đa dạng hóa rủi ro bằng cách tạo ra các dòng thu nhập mới

Theo cuốn sách "Thói quen hàng ngày của những người thành công" của Tom Corley, 65% các triệu phú tự thân có ít nhất ba nguồn thu nhập và 29% có năm nguồn thu nhập trở lên. Những con số này không chỉ cho thấy các cá nhân này đang kiếm tiền thông qua nhiều doanh nghiệp, nhiều nguồn lợi nhuận,... mà còn cho thấy bằng cách thiết lập nhiều luồng thu nhập, những doanh nhân này đang phân tán và giảm thiểu rủi ro tài chính cá nhân.

Tương tự, bạn cũng có thể tạo ra nhiều luồng doanh thu cho doanh nghiệp của bạn bằng cách bán hàng qua các kênh mới hoặc giới thiệu sản phẩm mới,... để thêm cơ hội tăng trưởng doanh số. Ngay cả khi một kênh hoặc sản phẩm do doanh nghiệp bạn cung cấp bắt đầu hoạt động kém, doanh nghiệp của bạn vẫn có lãi nhờ nguồn tiền đến từ các dòng thu nhập khác. Việc đa dạng hóa kênh đầu tư tài chính cá nhân cũng có thể dẫn đến kết quả tương tự.

4. Đầu tư để tạo thu nhập thụ động

Tiền thừa của bạn sẽ đi đâu sau khi bạn đã trả hết các chi phí cần thiết hàng tháng? Đối với các chủ doanh nghiệp, tìm cách tái đầu tư lợi nhuận vào công ty là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Điều này cũng đúng với tài chính cá nhân của bạn.

Liên tục thêm tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư (cổ phiếu, bất động sản,...) sẽ giúp tài sản của bạn tăng dần theo thời gian, tất nhiên với điều kiện bạn phải lựa chọn kỹ càng kênh đầu tư tiềm năng. Nguồn thu nhập thụ động này đóng vai trò là sự bổ sung hoàn hảo cho số tiền bạn tích lũy từ những nỗ lực kinh doanh của mình.

5. Nhận thức được nhu cầu của thị trường

Một nghiên cứu từ CB Insights cho thấy 42% thất bại của các startup là do thiếu đầu ra cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Thiếu các thông tin về thị trường (nhu cầu, đối thủ cạnh tranh,...) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp cũng như tình hình tài chính cá nhân của bạn.

Các doanh nhân giàu có thường nỗ lực để cập nhật các xu hướng lớn có thể ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và kinh doanh của họ. Ví dụ, việc thay đổi lãi suất có thể ảnh hưởng đáng kể đến chi phí dài hạn của bạn khi cần vay vốn cho một liên doanh mới. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của người mua, ảnh hưởng đến thị trường đầu ra cho sản phẩm của bạn.

Việc chủ động nắm bắt được sự thay đổi của thị trường sẽ cảnh báo bạn theo dõi các xu hướng hoặc sự kiện có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như các khoản đầu tư khác và giúp bạn hành động kịp thời bảo vệ tài sản của mình.

Đối với nhiều người, việc đạt được an ninh tài chính cá nhân đòi hỏi họ phải thay đổi các thói quen hoặc suy nghĩ đã hình thành từ lâu. Điều này có vẻ là một thách thức, nhưng kết quả cuối cùng rất xứng đáng. Bằng cách kiểm soát hoàn toàn cách bạn sử dụng tiền của mình, bạn có thể gia tăng tài sản cá nhân đồng thời tăng cơ hội thành công lâu dài cho việc khởi nghiệp.

Theo DĐĐT