Huyền thoại "ông vua xà bông Đông Dương" Trương Văn Bền

09:30 20/04/2021

Cùng với Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền được xem là một trong những “huyền thoại doanh nhân” Việt Nam. Mặc dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực như lúa gạo, nhà băng, canh nông,… nhưng ông Trương Văn Bền vẫn thành công nhất với thương hiệu xà bông Việt Nam.

 

Doanh nhân Trương Văn Bền. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Trương Văn Bền. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhân Trương Văn Bền (1883-1956) được sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, công việc làm ăn phát đạt. Về sau, ông còn lập nhà máy xay lúa, cộng tác với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Đông Dương khai thác và tái tạo rừng thông ở Đồng Nai Thượng. Năm 31 tuổi, ông lập một đồn điền cao su nhỏ ở Thủ Đức, sau đó mở rộng kinh doanh bằng cách lập công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười... Gặt hái được nhiều thành công trên thương trường do ông Trương Văn Bền luôn cầu tiến, không ngừng học hỏi, không bằng lòng với những gì mình đang có.

Những năm 1940, ông chuyển sang làm ngành xà bông, lập Công ty đường Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5), lấy tên là Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam. Ông Bền nấu xà bông trong một căn phố nhỏ theo lối tiểu công nghệ. Để có đủ nguyên liệu sản xuất, ông đã xây dựng hợp tác xã có xã viên là những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho. Bấy giờ, xà bông nhãn hiệu Xà bông Việt Nam (có hình biểu tượng là Cô Ba nên sau này người tiêu dùng quen gọi là XBCB) được sản xuất hình vuông, mỗi cục xà bông đều có in nổi hình đầu người phụ nữ. Xà bông Cô Ba được bán khắp ba nước Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với xà bông Merseille của Pháp đang thống lĩnh thị trường. Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông.

Ở Sài Gòn vào những năm thập niên 40-50, nhãn hiệu Xà bông Cô Ba rất nổi tiếng, không có đối thủ trên thị trường nội địa. Khi ấy, hình ảnh bánh xà bông in hình người phụ nữ Việt đẹp phúc hậu trở thành thương hiệu đình đám khắp cả nước, nổi danh trong mấy thập niên liền, đủ sức đánh bật hàng loạt thương hiệu ngoại thời bấy giờ. Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được dùng rộng rãi ở Lào, Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo và một số nước châu Phi.

Điều khá ấn tượng là vị doanh nhân này thành công trên thương trường nhưng lại không hề trải qua trường lớp (mặc dù ông có đi Pháp nhiều lần). Ông là một trong những người được đánh giá có đầu óc kinh doanh, tháo vát, nhiều sáng kiến.

Trong thương trường, ông Bền chủ trương luôn cải tiến chất lượng và sản phẩm phải hợp với túi tiền người tiêu dùng. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối chụp giựt, ăn xổi ở thì. Mặc dù có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông Bền không tự mãn. Ông luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm mỗi lần có dịp qua Pháp.

Thăng trầm theo thời cuộc

Xà bông Cô Ba cũng thăng trầm theo thời cuộc. Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và các con trở thành Nhà máy hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995, công ty đổi tên thành Phương Đông. Đây là kết quả của sự hợp tác, liên doanh giữa Bộ Công nghiệp với Tập đoàn Procter & Gamble (P&G).

Đây là khoảng thời gian các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trong đó, hàng tiêu dùng, thiết yếu là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm lớn nhất. Cùng với P&G, Unilever xưng hùng xưng bá với hai bước đi chính: Tự phân phối sản phẩm của mình và… thâu tóm doanh nghiệp Việt.

Trong khi Unilever khuếch trương OMO và thâu tóm Viso, Haso thì P&G đưa ra đối trọng là Tide và là chủ mới của Xà bông Cô Ba. Tất nhiên, cả 2 "ông lớn" thế giới đều thâu tóm doanh nghiệp Việt để giảm thiểu cạnh tranh, chứ không phải phát triển, đưa chúng lên tầm cao mới. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Viso và Haso chỉ còn chỗ đứng trong phân khúc rất nhỏ.

Cô Ba xà bông thậm chí còn long đong, lận đận hơn Viso và Haso rất nhiều. Thời gian đầu “về một nhà” với P&G, xà bông Cô Ba vẫn chưa bị “ghẻ lạnh”. Tuy nhiên, theo thời gian, thương hiệu vang bóng một thời này gần như bị lãng quên. Xà bông Cô Ba không bị “khai tử” nhưng sống lay lắt và xuất hiện khiêm tốn trong một vài siêu thị.

Năm 2014, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Phương Đông quyết định hồi sinh Xà bông Cô Ba. Thế nhưng, những nỗ lực của Phương Đông là chưa đủ. Thương hiệu này vẫn vô cùng mờ nhạt giữa thị trường cạnh tranh gay gắt. Phương Đông tồn tại chủ yếu nhờ gia công cho đối thủ và… cho thuê đất.

Vì vậy, những ai yêu mến “huyền thoại” một thời này có lý do để thất vọng. Đến năm 2017, hy vọng lại được nhen nhóm lên khi có đại gia bất động sản tỏ ý muốn “hồi sinh” Xà bông Cô Ba. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) bày tỏ quyết tâm sở hữu ít nhất 35% cổ phần và quyền mua thêm 20% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông.

Tháng 8/2018, HAR đã chi gần 214 tỷ để nắm giữ 30,88% vốn của Xà bông Cô Ba. Thông tin này khiến những người có hoài niệm với Xà bông Cô Ba vui mừng, còn với giới đầu tư, HAR mua cổ phần của Phương Đông không có nghĩa HAR sẽ “hồi sinh” Xà bông Cô Ba như họ tuyên truyền. Thực tế, ngay từ khi chưa mua Phương Đông, HAR đã tỏ rõ sự quan tâm của mình tới quỹ đất vàng mà Phương Đông sở hữu.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi gần 1 năm đã trôi qua kể từ khi HAR trở thành chủ nhân mới của Phương Đông, Xà bông Cô Ba vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào. Đầu năm 2019, chính lãnh đạo HAR đã chia sẻ HAR vẫn chưa dám rót nhiều vốn cho Xà bông Cô Ba vì không có nhiều vốn trên thị trường tiêu dùng nhanh.

TH