Wang Chuanfu và mô hình kinh doanh “độc nhất vô nhị”

09:33 25/09/2021

Wang Chuanfu là người sáng lập, Chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô điện và pin BYD – doanh nghiệp có một phần sở hữu của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett. Một trong những điều giúp Wang thành công là nhờ biết cách tận dụng nguồn lao động kỹ thuật cao, giá rẻ của Trung Quốc.

Wang Chuanfu. Nguồn: Internet
Wang Chuanfu. Nguồn: Internet.

Wang Chuanfu sinh năm 1966 ở một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc vào năm 1966, ông Wang Chuanfu là trẻ mồ côi, được anh chị nuôi ăn học. Năm 1987: Tốt nghiệp cử nhân hóa trường Central South Industrial University of Technology (hiện là trường Central South Industrial University), sau đó lấy bằng thạc sĩ khoa học tại Beijing Non-Ferrous Research Institute (năm 1990). 

Năm 1995, sau khi từ bỏ công việc tại viện kim loại màu ở Bắc Kinh, Wang Chuanfu thành lập BYD trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang mở cửa. Thất vọng do việc thiếu nguồn kinh phí từ chính phủ để nghiên cứu, , anh mở công ty sản xuất pin bằng nickel với số vốn 350.000 đô la vay từ họ hàng. Khi đó, Wang còn không đủ vốn để nhập dây chuyền tự động sản xuất ắc quy từ Nhật Bản.

Sau khi mày mò tìm hiểu qua sách kỹ thuât và các chi tiết trong sản phẩm cùng loại của Nhật,Wang tự lắp ghép và sử dụng các thiết bị bán tự động để sản xuất. Điều này đã khiến BYD phải đối mặt với các vụ kiện từ phía các nhà sản xuất pin của Nhật Bản như Sony và Sanyo, nhưng cuối cùng Wang đã dàn xếp ổn thỏa để tránh việc ra tòa.

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến lược của Wang. Đó cũng chính là yếu tố chủ yếu làm nên sự thành công của BYD. Daniel Kim, chuyên gia phân tích công nghệ của Merrill Lynch tại Hồng Kông, cho biết: “Khi đến thăm nhà máy của BYD, tôi đã bị sốc. Đó là một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác hẳn”. Thay vì đầu tư hệ thống sản xuất tự động như Sony và Sanyo, Wang đã chọn cách tận dụng một trong những nguồn lực lớn nhất của Trung Quốc, đó là nguồn lao động kỹ thuật cao giá rẻ. Điều này đã giúp Wang tiết kiệm đáng kể chi phí so với đầu tư vào hệ thống dây chuyền tự động. Wang đã tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của BYD. Thay vì sử dụng hàng trăm cánh tay robot trong dây chuyền của Nhật với chi phi lên tới 100.000 đô la Mỹ cho mỗi thiết bị, Wang cắt giảm chi phí bằng cách thuê hàng trăm, rồi hàng nghìn nhân công.

Để quản lý chất lượng, Wang chỉ đạo chia nhỏ các khâu sản xuất ra thành các phần việc cơ bản, được thiết bị máy móc giám sát chặt chẽ. Chính việc sản xuất bán tự động này đã mang lại thành công vang dội cho Wang. Giờ đây, công ty của ông là nhà sản xuất pin cho điện thoại di động lớn nhất thế giới với 30% thị phần toàn cầu. Họ cũng đứng thứ hai thế giới về chế tạo ắc quy và pin sạc cho các thiết bị như máy tính xách tay. Sản phẩm của BYD chưa bao giờ bị thu hồi trên thế giới đã chứng tỏ chất lượng của chúng ổn định hơn sản phẩm của các hãng danh tiếng lâu năm như Sony và Sanyo.

Tuy đạt được thành công rực rỡ như vậy nhưng Wang không muốn dừng lại ở ngành công nghiệp pin sạc. Cách ông suy nghĩ thể hiện một con người có tầm nhìn xa trông rộng: “Việc sản xuất pin điện thoại đã đưa chúng tôi lên tới đỉnh thành công. Tuy vậy, trong thời gian tới, sẽ rất khó để chúng tôi có thể duy trì mức tăng trưởng hằng năm tới 50% như hiện nay. 

Wang Chuanfu là người sáng lập, chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô điện và pin BYD – doanh nghiệp có một phần sở hữu của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett. Nguồn: Internet
Wang Chuanfu là người sáng lập, chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô điện và pin BYD – doanh nghiệp có một phần sở hữu của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett. Nguồn: Internet.

Năm 2003, Wang quyết đinh dấn thân vào mảnh đất hoàn toàn mới: chế tạo xe hơi. Với 270 triệu nhân dân tệ, ông đã có trong tay 77% cổ phần của Quinchuan Auto, một công ty sản xuất ô tô khi đó đang làm ăn thua lỗ. Lúc bấy giờ, nhiều nhà phân tích nhận định, với một người chân ướt chân ráo vào ngành công nghiệp ô tô như Wang thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Không hề nản lòng, Wang nhanh chóng áp dụng những phương thức sản xuất mà công ty ông đã sử dụng để sản xuất pin điện thoại và linh kiện.

Tuy vậy, những gì đem đến thành công cho Wang trước đó lại không áp dụng được vào xe hơi. Mẫu xe đầu tiên ngay khi ra đời đã vấp phải những lời chỉ trích bởi chất lượng kém và kiểu dáng quê mùa, lạc hậu. Tuy vậy Want vẫn kiên trì theo đuổi cách sản xuất ít tốn kém của mình. Ông đã thiết lập được một hệ thống nhà xưởng quy mô với xưởng chính ở Xian được mở rộng, trung tâm R&D ở Thượng Hải, một trung tâm trưng bày xe mẫu ở Bắc Kinh và 1 văn phòng tiếp thị sản phẩm ở Shenzen. Vị doanh nhân trẻ tuổi này từng thổ lộ: “Tôi muốn sản xuất những chiếc xe phù hợp với túi tiền của mọi gia đình Trung Quốc”.

Khi đã đặt một chân vào ngành công nghiệp ô tô, Wang đã triển khai kế hoạch kết hợp công ty sản xuất pin điện thoại và ắc quy của anh để chế tạo ô tô hàng loạt, nhằm phát triển mẫu xe EV khi dự án này khởi động vào năm 2003. Năm 2006, mẫu EV đầu tiên, F3e đã được ra mắt tại Bắc Kinh. Sau đó, các mẫu xe chạy bằng điện như F3DM, F6DM và E6 lần lượt được đưa vào sản xuất.

Dù phải cạnh tranh gay gắt với các mẫu xe tiêu thụ điện của Renault, Nissan, Mercedes-Benz và General Motor, Wang khẳng định với chất lượng vượt trội của các loại pin và ắc quy của mình, anh sẽ đưa BYD trở thành công ty sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới năm 2025. Tuy có được lợi thế như vậy nhưng công ty ô tô của Wang vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Thử thách đầu tiên là việc cải thiện các tiêu chí về tiếng ồn, độ êm khi vận hành xe, tiết kiệm nhiên liệu, .. những yếu tố quyết định sức hấp dẫn của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Hơn thế nữa, BYD cũng như các công ty Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thế giới khi đã có quá nhiều vụ bê bối liên quan đến các sản phẩm “Made-in China”.

Không giống như những người giàu có khác, Wang không có những phi cơ sang trọng hay những đồ hiệu đắt tiền. Ông sở hữu 3 chiếc Mercedes Benz và 1 chiếc Lexus chỉ với mục đích tìm hiểu các bộ phận bên trong của chúng. Cách ông đối xử với cộng sự của mình cũng thật đặc biệt. Khi BYD mới ra mắt công chúng, Wang đã chia 15% cổ phần của mình cho 20 nhà quản lý và kỹ sư khác trong công ty, thể hiện mối quan hệ thân tình giữa Wang và những đồng nghiệp của mình.

Wang đặt BYD – sản nghiệp cả một đời của ông lên hàng đầu và luôn muốn tự mình vận hành nó. Khi Warren Buffet ngỏ ý mua 25% cổ phần, Wang từ chối. Ông muốn hợp tác với tỉ phú người Mỹ để có thể tiến xa hơn vào thị trường khó tính này nhưng không muốn bán công ty để kiếm lời nên giới hạn sổ cổ phần Buffet nắm ở mức dưới 10%.

Tương lai của BYD rất rộng mở phía trước khi nhu cầu sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường ngày một tăng cao. Các hợp đồng cung cấp taxi chạy điện với chính phủ Trung Quốc và mới đây là Hà Lan và năm nước Đông Âu khác cho thấy ước mơ đưa xe hơi Trung Quốc ra thị trường thế giới của Wang Chuanfu đang dần trở thành hiện thực. Chắc chắn vị tỉ phú trẻ này sẽ còn gặt hái được rất nhiều thành công mới khi kết hợp được lối tư duy thông minh và tinh thần làm việc cần cù của người Trung Quốc với nguồn đầu tư tài chính từ phương Tây.

My An (tổng hợp)