e magazine
12/08/2022 09:03

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Lạm phát" đang trở thành từ khoá để nói về thách thức chung đối với các nền kinh tế trên toàn cầu. Mức lạm phát cao nhất trong hàng chục năm qua đã tác động tới mọi ngóc ngách của nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Từ cắt tóc tới mua sắm ô tô, nhà mới, kể cả là bữa ăn hàng ngày đều tăng giá buộc các gia đình phải tính toán lại cách chi tiêu.

"Mọi thứ thuộc về tiêu dùng đều tăng giá khủng khiếp. Trước đây, mỗi lần mua xăng, tôi đổ đầy bình. Hôm nay chỉ dám đổ 16 lít. Tôi cũng phải giảm đi ô tô riêng, chuyển sang đi xe đạp hoặc giao thông công cộng. Mọi thứ đều rất đắt đỏ", ông Salhi Khalid - người Bỉ nói.

Tại châu Âu, người dân ở đây cảm nhận hàng ngày sức nóng của lạm phát, mỗi khi đi ra chợ, vào siêu thị… Mọi thứ đều tăng giá, với mức độ khác nhau. Tính trung bình, giá cả lương thực thực phẩm đã tăng 7,5% so với tháng 7/2021. Tuy nhiên con số này còn xa mới bằng giá xăng dầu, đã tăng gần 1,5 lần.

Ảnh minh họa
(Ảnh: TTXVN)

Bên kia bờ Đại Tây Dương, người Mỹ cũng phải "thắt lưng buộc bụng" trước sức ép lạm phát. Theo tính toán của Bloomberg, một bữa ăn ngoài trời trong ngày Lễ Độc lập năm nay tại Mỹ đã đắt thêm tới 36%. Cụ thể hơn, để thưởng thức một bữa BBQ, người Mỹ sẽ phải bỏ thêm 17% giá trị so với năm ngoái, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Thậm chí, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, để có một mái tóc đẹp đi chơi ngày độc lập vừa rồi, người Mỹ cũng phải trả giá cao thêm khoảng 6%.

Báo cáo mới công bố từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Mỹ tăng lên mức 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981. Mức tăng này bỏ xa mức tăng 8,8% mà Dow Jones đã dự báo trước đó.

Tại châu Á, nhiều năm qua, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả với nhiều hàng hóa, dịch vụ không tăng giá trong suốt vài thập kỷ. Nhưng từ tháng 7 này, câu chuyện ở Nhật Bản đã khác.

Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, có đến 89% người được hỏi cho biết, giá nhiều mặt hàng đã tăng hơn so với năm 2021, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Nhiều người không thể đảm bảo kế hoạch chi tiêu, khi lương không tăng kịp theo lạm phát.

Khay trứng 10 quả, một trong những mặt hàng rẻ và được tiêu thụ nhiều nhất, trước đây tại Nhật Bản được bán với giá 129 Yen, nay được bán với giá 163 Yen - tức tăng khoảng 25%.

Dự kiến trong tháng 7 và tháng 8, khoảng 4.000 mặt hàng sẽ tăng giá, mức tăng trung bình là khoảng 13%, chủ yếu là các mặt hàng nhập khẩu hoặc liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu.

Nỗi lo lạm phát cũng đã bắt đầu xuất hiện tại các quốc gia Đông Nam Á. Chỉ số giá tiêu dùng Thái Lan đã tăng 5,73% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong khoảng 13 năm. Tại Lào tỷ lệ này cũng lên mức 9,9%. Lạm phát tại Singapore lên mức cao nhất trong 11 năm.

Ảnh minh họa

Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, điều quan trọng là phải chống lạm phát ngay và đây là ưu tiên hàng đầu. Vì, nếu không đảm bảo sự ổn định giá cả sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và cho cả thu nhập. Lạm phát sẽ ảnh hưởng đến mọi người, đến mọi gia đình.

"Chống lạm phát là bước quan trọng cần được thực hiện ngay. Nếu thành công theo thời gian sẽ có lợi cho tăng trưởng toàn cầu. Sẽ có nỗi đau để có được thành công đó, có thể là một cái giá cần thiết phải trả", bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Phân tích của tạp chí Financial Times dựa trên số liệu của các ngân hàng trung ương cho thấy, các nhà hoạch định trên toàn thế giới đã công bố hơn 60 đợt nâng lãi suất chỉ trong 3 tháng qua – con số lớn nhất kể từ đầu năm 2000.

Giữa tháng 6, Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng 0,75 điểm % lãi suất – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 và dự báo sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất từ nay đến cuối năm.

Ngân hàng Trung ương Anh đã 5 lần tăng lãi suất kể từ tháng 12 năm ngoái lên 1,25% - mức lãi suất chủ chốt cao nhất kể từ tháng 1/2009.

ECB tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm
ECB tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm.

Trong khi đó, kết thúc cuộc họp vào ngày 21/7, ECB đã quyết định nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến nhằm kiểm soát lạm phát, khi nền kinh tế Khu vực đồng Euro (Eurozone) chịu tác động từ xung đột tại Ukraine.

ECB nâng lãi suất tiền gửi 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản, khi cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu tăng chi phí đi vay nhằm tập trung vào việc chống lạm phát tăng cao. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm.

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay đã được đề ra là dưới 4%. Tính đến hết tháng 6, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,44%. Con số này có thấy thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang chịu áp lực tăng giá rất lớn.

Dù đã được kiểm soát tốt, nhưng đến thời điểm này, áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng, gây sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng trong nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, giá ăn uống gia đình bình quân 6 tháng qua tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, giá vật liệu xây dựng tăng 7,9%... dự báo áp lực tăng giá sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo.

Áp lực lạm phát đã ra tăng từ đầu quý II và dự báo ngày càng lớn vào cuối năm gây ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống toàn xã hội từ nhà sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đã đặt ra.

Theo các chuyên gia, dư địa cho việc kiềm chế lạm phát đã được đề ra là dưới 4% hiện không còn nhiều. Chính vì thế, kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả đang là một thách thức lớn trong nửa cuối năm nay.

Tại phiên họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào ngày 4/7, trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: "Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chưa phải là vấn đề quá nóng, nhưng nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do đó cần phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả. Để CPI dao động trong khoảng 4% là vấn đề khó, cần sự điều phối nhịp nhàng của cả hệ thống", ông Phương cho hay.

Một trong những vấn đề lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt hiện này, theo ông Phương là giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các loại giá khác, trong đó có các chi phí đầu vào, nguyên nhiên liệu nhập khẩu, chi phi logistics.

Từ đó, dẫn tới giá của hàng hoá xuất ra tăng lên, khiến cho hoạt động sản xuất khó khăn hơn, tác động lớn đến kế hoạch mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và gián tiếp là tác động lớn đến tăng trưởng chung của kinh tế.

Ảnh minh họa

Một khó khăn khác cũng được nhiều chuyên gia nhắc tới là lực lượng lao động. Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng phát triển ADB, do khống chế thành công dịch bệnh, nhiều chỉ số của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua tăng trưởng ấn tượng nhưng thị trường lao động chưa khôi phục hoàn toàn.

"Theo báo cáo của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, hiện giờ vẫn có khoảng 16 triệu lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, từ mất việc, ảnh hưởng thu nhập, lao động thiếu giờ…", ông Cường cho biết.

Trong khi đó, theo thứ trưởng Trần Quốc Phương, tại nhiều trung tâm động lực của nền kinh tế, lao động chưa quay trở lại hoặc thay đổi ngành nghề khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu tức thời nguồn lao động, nhất là nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Ảnh minh họa

Trước quan điểm dư địa cho mục tiêu lạm phát 4% trong năm nay không còn nhiều, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng trong 6 tháng cuối năm Việt Nam nên theo xu hướng thắt chặt tiền tệ. Lý do là 6 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ tập trung giải ngân vốn đầu tư công cũng như các gói phục hồi kinh tế. Điều này sẽ tác động lên lạm phát khá lớn.

"Bên cạnh đó 6 tháng cuối năm, du lịch, dịch vụ dự báo sẽ phát triển rất mạnh. Điều này cũng sẽ khiến tăng lạm phát", ông Lê Trung Hiếu nêu quan điểm.

Theo ông Hiếu, Chính phủ cần thực hiện các chính sách hài hòa, nhất là những mặt hàng do nhà nước quản lý cần kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, các mặt hàng, các thuế với xăng dầu cũng cần nghiên cứu để giảm trong thời gian tới. Khi giữ được lạm phát ở mức dưới 4%, lúc đó cầu tiêu dùng của người dân tăng lên.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, cần có những biện pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, khi đó, sẽ tác động lên cầu tiêu dùng, qua đó kích thích sự tăng trưởng của cả nền kinh tế trong năm nay.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng phát triển ADB cho rằng chúng ta đều mong muốn lạm phát sẽ giảm đi, tuy nhiên cái lo ở đây là khi lạm phát giảm thì có nghĩa suy thoái đang đến. Gần đây nhất IMF đã tiếp tục hạ dự báo của toàn cầu, điều này cho thấy giảm tốc đã bắt đầu xuất hiện.

Cụ thể, trong báo cáo về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023, lần lượt giảm 0,8% và 0,2% so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.

Theo ông Cường, nếu như cách đây khoảng vài ba tháng, chúng ta chỉ mới nghe thấy một tiếng chuông cảnh báo đó là lạm phát, nhưng bây giờ có thêm một tiếng chuông cảnh báo khác đó là suy thoái.

"Tiếng chuông suy thoái này thậm chí phần nào lấn át tiếng chuông về cảnh báo lạm phát. Các ngân hàng khi nghe thấy một tiếng chuông (lạm phát) thì thiết kế chính sách nó khác. Nhưng nếu như có tiếng chuông cảnh báo thứ 2 (suy thoái) cất lên thì hết sẽ hết sức lúc túng. Bởi chính sách ứng phó với lạm phát và suy thoái có tác dụng ngược nhau và trung hòa lẫn nhau. Nếu không cẩn thận còn tác động tiêu cực", ông Nguyễn Minh Cường cảnh báo.

Ảnh minh họa

Về giải pháp cho việc kiểm soát lạm phát mà không làm hạn chế những động lực tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng phát triển ADB cho rằng đối với chính sách tiền tệ cần có sự linh hoạt.

The ông Cường, nên giữ lãi suất ở mức bình ổn, để hỗ trợ tăng trưởng nhưng mặt khác cũng qua những công cụ khác điều chỉnh cung tín dụng cho nền kinh tế. Từ đó giảm bớt đi những áp lực. Ngoài ra, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần tập trung hết sức vào việc giải ngân vì đây sẽ là động lực đề bù đắp lại sụt giảm của xuất khẩu có nhiều khả năng gặp khó vào cuối năm. Bên cạnh đó cần hỗ trợ một cách có chọn lọc, có mục tiêu - như trợ giá cho một số đối tượng

"Trong bối cảnh tổng thể, ngoài những rủi ro về lạm phát còn có những rủi ro về suy thoái, do đó chính sách đối phó cần sự linh hoạt, không nên quá tập trung vào một nhóm chính sách nào", ông Cường khuyến nghị.

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: dự báo tình hình sắp tới khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ nên nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Ảnh minh họa

Với nguyên tắc giữ vững các nguyên tắc cơ bản nhưng linh hoạt trong tổ chức, điều hành, thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập trung chỉ đạo thực hiện 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó có việc thực hiện chính sách tiền tệ an toàn linh hoạt thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả. Bộ Tài chính chủ động đề xuất, cắt giảm phù hợp các loại thuế, phí, lệ phí; phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả, an toàn thị trường chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, nguồn cung năng lượng, an ninh năng lượng, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; triển khai hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế, xã hội; 3 mục tiêu quốc gia.

Cũng tại cuộc họp về điều hành giá mới đây, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ Tài chính cần có các giải pháp thích hợp nhằm kiểm soát giá cả, đặc biệt nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, thì tiếp tục đề nghị giảm thuế phù hợp để ổn định giá xăng dầu.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần theo dõi diễn biến giá cả tại địa phương, khi có tăng giá bất thường phải thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Đối với giá các dịch vụ công như y tế, giáo dục, sách giáo khoa phải đánh giá tác động của việc tăng giá với lạm phát và báo cáo Thủ tướng quyết định có tăng giá hay không vào những tháng tới.

Theo VTV