Tỷ phú Gabe Newell: Từ “gã béo” vô danh trở thành thánh nhân tố quan trọng của thánh địa Steam

09:14 23/04/2021

Đối với những game thủ chân chính, đặc biệt là những người yêu thích game PC, thì có lẽ cái tên Gabe Newell (Gaben) chẳng còn lạ lẫm gì nữa. Đây chính là CEO huyền thoại của Vale Corporation, công ty mẹ của Steam - một trong những nền tảng game máy tính lớn nhất hiện nay. Gabe Newell thậm chí còn được ví là Steve Jobs của giới gaming nhờ những đóng góp to lớn của mình cho ngành công nghiệp này.

Gabe Logan Newell. Nguồn ảnh: Internet
Gabe Logan Newell. Nguồn ảnh: Internet.

Bỏ việc Microsoft – khát vọng vươn tới đỉnh cao

Gabe Logan Newell sinh ngày 3/11/1962 tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ. Nhắc đến ông, người ta thường nhớ đến một “gã béo” to xác với bộ óc siêu phàm. Chính vì vậy, trong những năm tháng học tập tại Harvard, ông đã lọt vào “mắt xanh” của Steve Ballmer – cựu CEO của đế chế khổng lồ Microsoft và đồng thời chính Ballmer cũng là người thuyết phục Gabe bỏ học và đầu quân làm việc cho Microsoft. Lúc bấy giờ, Microsoft vẫn chỉ là một doanh nghiệp công nghệ nhỏ với tuổi đời chưa đầy 10 năm (Microsoft được thành lập vào 4/4/1975). Người có tác động nhiều nhất đến quyết định đầy mạo hiểm này của Gabe chính là Steve Ballmer, một cựu CEO của Microsoft. Steve Ballmer trước đó cũng đã bỏ học thạc sĩ tại Stanford để đi theo "tiếng gọi" của Bill Gates.

Với bệ phóng ở tập đoàn lớn mạnh, Gabe đã có nhiều tài sản và kinh nghiệm nhất định với hơn 13 năm gắn bó với vị trí nhân viên lập trình phần mềm. Chính ông cũng từng chia sẻ quyết định làm việc tại Microsoft là vô cùng đúng đắn vì ông đã học được nhiều thứ từ khi đi làm hơn là ở trường học. 

Tại Microsoft, Gabe làm việc như lập trình viên cao cấp. Ông đảm nhiệm vai trò trưởng bộ phận phát triển của hàng loạt dự án lớn như Windows 1.01, 1.02 và 1.03. Gabe được đồng nghiệp mô tả là con người cực kỳ cần mẫn, chăm chỉ. "Một năm anh ta phát triển hoàn thiện tới 30 sản phẩm", Alex St. John, đồng nghiệp cũ của Gabe Newell cho biết.

Sau những năm tháng làm việc cho Microsoft, Gabe đã tạo lập cho mình được danh tiếng cùng như tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Với số cổ phần được chia từ Microsoft, ông đã lọt top những triệu phú công nghệ thông tin trẻ tuổi nhất nước Mỹ (khi đó, ông mới chỉ bước sang tuổi 23). Tuy nhiên, vinh quang và xa hoa này chưa đủ cản bước được niềm khao khát vươn lên của Gabe.

Sau khi gom đủ những “hành trang” cần thiết, vào năm 1996 Gabe quyết định rời khỏi Microsoft và bắt đầu từng bước thực hiện những dự định của mình. Cũng trong năm đó, Newell đã chính thức thành lập Valve Corporation – một công ty phát triển và phân phối trực tuyến các trò chơi điện tử có trụ sở tại Bellevue, Washington, Hoa Kỳ với người đồng nghiệp cũ của mình tại Microsoft là Mike Harrington. Chính bước đi đầy quyết đoán này của Gabe Newell đã mở ra một cuộc cách mạng của làng game hiện nay, giống hệt như cách Steve Jobs đã làm thay đổi cả nền công nghiệp Smartphone. 

Sự ra đời của Steam 

Vào tháng 4/2000, Gabe mua lại toàn bộ cổ phần của Mike Harrington sau khi ông này quyết định rời khỏi công ty. Động thái này đã biến Gabe thành ông chủ duy nhất và cùng là người quyền lực nhất tại Valve.

Tháng 9/2003, Steam chính thức được ra mắt như một cách để Valve kiểm soát quá trình vận hành của trò chơi Counter-Strike. Bên cạnh đó, hãng cũng dùng nền tảng này để kiềm soát gian lận và cung cấp phương thức truy cập dễ dàng hơn cho các sản phẩm khác.

Có thể nói rằng, Steam chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng đánh dấu sự “đổi đời” không chỉ cho riêng vị CEO Gabe Newell, toàn bộ công ty Valve mà còn cả một “nền văn hóa” game PC sau này. Từ khi được giới thiệu tại Hội nghị các nhà phát triển game (GDC) cho đến khi chính thức lên kệ vào tháng 9 năm 2003, Steam đã nhận vô số sự ủng hộ cũng như các ý kiến trái chiều khác nhau. 

Cụ thể, sau khi nhận thấy lỗ hổng chung trong việc thực hiện cập nhật game và lưu trữ các dữ liệu người dùng của hầu hết các nhà sản xuất game lúc bấy giờ, Gabe đã đề ra ý tưởng sử dụng một client có thể hỗ trợ các nhà sản xuất thực hiện những công việc trên, và đó chính là lý do nền tảng Steam ra đời. Tuy nhiên, giải pháp mà ông chủ Valve đề ra lại bị nghi ngờ vì độ khả thi của nó. Thế nhưng sau khi được chạy thử nghiệm đầu tiên trên CS: GO phiên bản 1.6, Steam đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và đã chính thức hạ bệ ông vua World Opponent Network (W.O.N) – là một server tạm từng được sử dụng khá phổ biến trước đây.

Từ khi có bàn tay can thiệp của Gabe Newell, ông như thay đổi toàn bộ mọi thứ về game từ cách chơi cho đến hình thức tiếp cận của các game thủ so với hai thập kỷ về trước. Nếu khi xưa, chúng ta đã quá quen với những pha xử lý cồng kềnh trong việc cài đặt các đầu game bằng những đĩa cứng được bày bán tại các cửa hàng game thì đối với Steam mọi thứ lại trở nên “hiện đại” và tiện lợi vô cùng. Steam xây dựng một khu “chợ ảo” với rất nhiều sản phẩm từ các nhà phát triển game khác nhau đồng thời cho phép người dùng trải nghiệm và mua trực tiếp các đầu game ấn tượng mà không phải tốn quá nhiều công sức.  

Gabe được gọi là vua - ông vua của ngành công nghiệp game. Nguồn ảnh: Internet
Gabe được gọi là vua - ông vua của ngành công nghiệp game. Nguồn ảnh: Internet.

Nhờ vào sự “nổ súng” thành công ngoài mong đợi của Steam mà vào năm 2017, Gabe Newell đã có một “bước nhảy” xa trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới. Với khối tài sản ròng lên tới 4 tỷ USD, ông chủ Steam thậm chí còn giàu hơn người đàn ông quyền lực nhất thế giới – tân Tổng thống Mỹ Donald trump lúc bấy giờ. Ngoài ra, ông chủ STEAM còn được tạp chí uy tín Forbes vinh danh là “Cái tên mà mọi người đều nên biết” vào khoảng cuối năm 2010. Điều đó chứng tỏ sức ảnh hưởng không hề tầm thường của Gabe Newell, khi ấy ông chính là gương mặt vô cùng phổ biến qua các meme trên Internet. Trong những năm tiếp theo, Gaben được trao tặng giải thưởng BAFTA Fellowship bởi những đóng góp to lớn trong ngành công nghiệp game năm 2013 và là một trong 100 người giàu nhất nước Mỹ vào năm 2017.

Từ sau sự thành công của Steam, các công ty phát triển game mọc lên như nấm và bên cạnh đó cũng có những cái tên cũng vô cùng nổi bật như Epic Games, Nintendo,… mà sau này trở thành những đối thủ tiềm năng làm cản lại sự phát triển của đế chế nhà Valve. Trước đây vào năm 2012, EA (Electronics Arts) đã từng đề nghị mua lại Valve với giá 1 tỷ USD nhưng thất bại vị CEO Gabe Newell đã khẳng định chắc nịch rằng thà giải thể còn hơn phải bán công ty cho người khác. Câu trả lời của thánh Gabe cũng không hề thay đổi khi có tin đồn rằng kẻ khổng lồ Microsoft lên kế hoạch “thâu tóm” cả EA và Valve. Ông chủ Steam vô cùng tự tin cho rằng với nền tảng Steam vô cùng tiềm năng mà Valve đang phát triển thì Valve sẽ có thể sớm trở thành siêu cường thống trị trong làng Game PC trên thế giới. Và hơn một thập kỷ qua, Valve vẫn là công ty lớn mạnh, Steam vẫn là nền tảng phát hành game số 1 và Gabe Newell vẫn là vị “thánh sống” được tôn thờ bởi hàng triệu thần dân game thủ. 

 TH