Gần Tết Nguyên đán 2 năm trước, khi những nhân viên Bizzi đã nghỉ làm và về quê đón tết, Vũ Trọng Nghĩa (Nghĩa Vũ) và người đồng sáng lập của mình vẫn miệt mài làm việc. Startup của anh khi đó chỉ mới ra đời với sản phẩm còn thiếu nhiều tính năng. 

"Chúng tôi gần như không chú ý đến tết nữa. Khách hàng nghỉ lễ còn chúng tôi có thêm thời gian để phát triển sản phẩm", CEO Nghĩa Vũ nhớ lại.

Dù mới 2 năm tuổi nhưng Bizzi đã tạo được dấu ấn trong cộng đồng startup Việt khi huy động được 3 triệu USD trong vòng Pre-Series A và chiến thắng giải thưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số tại Singapore.

Startup này cung cấp các giải pháp xử lý hóa đơn thông qua ứng dụng công nghệ AI và tự động hóa quy trình bằng robot (RPA). Nền tảng của Bizzi có thể được tích hợp với các giải pháp kế toán sẵn có, đồng thời kết nối các nhà cung cấp và khách hàng để tự động hóa các quy trình tài chính như kiểm tra, đối chiếu, thanh toán hóa đơn...

Trong cuộc phỏng vấn với NĐH, CEO Nghĩa Vũ thừa nhận anh đã rất may mắn khi chọn đúng thời điểm khởi nghiệp.  

Ảnh minh họa

- Trước khi khởi nghiệp, anh từng làm việc cho nhiều công ty đa quốc gia. Cụ thể thì công việc của anh khi đó là gì?

- Trước đây, tôi từng đi làm cho một số công ty đa quốc gia như Unilever, GlaxoSmithKline, QSR Vietnam... Các công việc trước đó liên quan nhiều đến “innovation” (đổi mới sáng tạo) như phát triển một thương hiệu mới hoặc tung một sản phẩm mới vào thị trường Việt Nam.

Thời gian làm tại GlaxoSmithKline, tôi phụ trách việc đưa sản phẩm Sensodyne vào thị trường Việt Nam với vai trò Brand Manager. Tại thời điểm đó, trong nước chưa có sản phẩm nào dành cho răng bị ê buốt. Ở nước ngoài người ta gọi là sản phẩm dành cho “sensitive teeth” (răng nhạy cảm) nhưng ở Việt Nam mọi người cũng chưa biết nên gọi sản phẩm này là gì. Chúng tôi đã đi nghiên cứu thị trường, đánh giá và tìm hiểu người tiêu dùng, từ đó xây dựng thương hiệu cho răng bị ê buốt tại Việt Nam.

Còn ở QSR Vietnam, tôi từng làm Marketing Manager, phụ trách việc tung ra sản phẩm kem úp ngược Dairy Queen của tỷ phú Warren Buffett ở thị trường trong nước. Khi thương hiệu này mở được 5 cửa hàng thì tôi nhận được học bổng Fulbright để đi học MBA tại Mỹ.

Trong 2 năm du học, tôi tham gia các mạng lưới hoạt động về đầu tư mạo hiểm, làm việc với nhiều quỹ đầu tư, startup công nghệ của Mỹ. Từ đó, tôi có mong muốn xây dựng một startup khi về nước.

- Cơ duyên nào đã đưa anh thành nhà sáng lập và CEO Bizzi?

- Năm 2019, tôi bắt đầu có ý tưởng về Bizzi. Thời điểm đó, tôi thấy ở Việt Nam sắp có quy định là bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Một số tỉnh thành sẽ dừng dùng hóa đơn giấy từ tháng 11/2021 và trên cả nước là từ tháng 7/2022.

Tôi thấy đây là cơ hội rất lớn để áp dụng công nghệ vào việc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt cho bộ phận tài chính kế toán. Trước đây khi dùng hóa đơn giấy, việc áp dụng công nghệ rất khó khăn. Thời điểm đó, phải dùng công nghệ OCR quét các hóa đơn, không hiệu quả, chi phí cao và tỷ lệ chính xác thấp. Khi chuyển sang dùng hóa đơn điện tử, dùng phần mềm dễ dàng hơn rất nhiều.

Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp với hàng tỷ hóa đơn trên thị trường mỗi năm. Phần lớn doanh nghiệp chủ yếu làm hóa đơn điện tử đầu ra, tức là phần mềm xuất hóa đơn và chưa có bên nào cung cấp giải pháp hiệu quả, hỗ trợ kế toán cho việc nhận các hóa đơn đầu vào.

Nỗi khổ của kế toán khi nhận hóa đơn đầu vào là mất nhiều thời gian và rất phiền vì lúc đó họ chưa quen với hóa đơn điện tử. Sau khi kiểm tra xong phải lưu trữ các hóa đơn. Với doanh nghiệp nhỏ không có "server" (máy chủ) để lưu trữ thì họ sẽ trữ trên Google Drive hoặc trong hòm mail. Điều này dẫn tới việc khó khăn khi tìm kiếm, gặp các rủi ro liên quan đến thuế. Và đây chính là bài toán tôi đặt ra khi bắt đầu với Bizzi.

Ảnh minh họa

- Khi có ý tưởng khởi nghiệp, anh đã chia sẻ với ai?

- Thời điểm đó, sau khi đi học ở Mỹ về tôi chưa làm cho một doanh nghiệp nào cả, chủ yếu tôi làm các dự án tư vấn. Cho tới khi tôi gặp được Cofounder về công nghệ (hiện là CTO của Bizzi) thì 2 bên mới trao đổi ý tưởng với nhau và thấy đây là cơ hội để bắt tay cùng làm startup này.

- Đây có phải startup đầu tiên của anh?

- Đây không hẳn lần đầu tiên tôi khởi nghiệp nhưng nếu nói khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thì đúng là lần đầu tiên.

- Như anh chia sẻ, những dự án trước đây của anh thiên về hướng xây dựng thương hiệu, bước sang một lĩnh vực khác, anh có gặp khó khăn khi bắt đầu?

- Thực tế, công việc của tôi cũng không hẳn là xây dựng thương hiệu mà nó giống như “build a new business”. Đưa một thương hiệu như Sensodyne hay Dairy Queen vào Việt Nam cũng giống như bắt đầu một dự án kinh doanh. Đó là những kỹ năng rất cần thiết khi tôi khởi nghiệp. Bên cạnh đó, những kiến thức mình học được trong thời gian học MBA tại Mỹ cũng hỗ trợ khá nhiều cho việc xây dựng công ty.

Ảnh minh họa

- Những ngày đầu khởi nghiệp của anh và Cofounder diễn ra như thế nào?

- Thời gian đầu, chúng tôi tuyển thêm 3 bạn lập trình viên và kỹ sư phần mềm để hỗ trợ việc xây dựng sản phẩm. Năm đầu tiên chúng tôi chỉ có khoảng 7 người, làm việc tại một co-working space. Số vốn ban đầu cũng không có gì nhiều, chủ yếu là mình đầu tư thời gian, công sức và chất xám. Giai đoạn đầu, hai Cofounder cũng làm việc mà không nhận lương.

- Vậy bây giờ thì sao?

- Bây giờ thì chúng tôi nhận lương đầy đủ và cũng có thể coi là tiệm cận mức giá trên thị trường (cười). Từ 7 người, hiện startup có 30 nhân viên và sau vòng gọi vốn mới nhất, chúng tôi đang tuyển dụng để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm.

- Anh đã mất bao lâu để có khách hàng đầu tiên?

- Chúng tôi bắt đầu xây dựng sản phẩm vào tháng 9/2019. Cũng khá may mắn là đến tháng 2/2020 bắt đầu có khách hàng đầu tiên, đó là chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25. Trước đó, chúng tôi đã gặp và trình bày ý tưởng với khách hàng, sau khi tết xong đưa sản phẩm cho họ trải nghiệm.

Để có được khách hàng đầu tiên, chúng tôi đã gặp khoảng 15-20 doanh nghiệp và trình bày về những khó khăn mà kế toán gặp phải cũng như những giá trị mà sản phẩm của Bizzi mang lại. Sau khi nghe xong, một số bên cũng thấy thích sản phẩm này nhưng không quyết liệt triển khai. Trong khi đó GS25 rất thích áp dụng công nghệ mới và ra quyết định rất nhanh.

Đến nay, Bizzi có khoảng 150 khách hàng doanh nghiệp lớn. Khách hàng doanh nghiệp lớn được chúng tôi định nghĩa là các tập đoàn đa quốc gia, chuỗi bán lẻ lớn, công ty niêm yết. Ngoài ra cũng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dùng phần mềm của Bizzi.

Ảnh minh họa

- Trước khi nhận đầu tư 3 triệu USD từ Money Forward, Do Ventures và Qualgro, Bizzi cũng từng được 500 Startups Vietnam rót vốn. Các vòng gọi vốn của Bizzi thường diễn ra như thế nào?

- 500 Startups là một trong những quỹ đầu tư rót vốn vào giai đoạn hạt giống. Họ đánh giá trên nhiều yếu tố như quy mô thị trường, xu hướng chung về tự động hóa áp dụng trong lĩnh vực tài chính kế toán, giải pháp startup đưa ra đã cho kết quả và có khách hàng dùng thử... Họ quyết định rất nhanh, chỉ sau 2 ngày gặp mặt đã đồng ý đầu tư.

Với vòng Pre-Series A mới đây, có thể là do may mắn nên việc trao đổi các điều khoản cũng rất thuận lợi. Chỉ sau 2 tháng là 2 bên đã chốt và đi đến ký kết.

- Thuyết phục khách hàng và nhà đầu tư, anh thấy việc nào khó hơn?

- Tôi nghĩ thuyết phục khách hàng là cái quan trọng nhất, khi mình thuyết phục được khách hàng thì việc thuyết phục nhà đầu tư rất đơn giản. Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những công ty hoạt động tốt, tăng trưởng tốt, họ nhìn vào kết quả kinh doanh và sự tăng trưởng. Khi đó mình không cần thuyết phục nữa, ngược lại nhà đầu tư sẽ thuyết phục startup để họ đầu tư vào.

- Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến những startup công nghệ như Bizzi dễ dàng gọi vốn hơn?

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Chuyển đổi số trở thành một xu thế, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Chính vì vậy những doanh nghiệp trong lĩnh vực B2B SaaS như chúng tôi nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư.

Những doanh nghiệp SaaS như Zoom đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch hay nhiều công ty trong lĩnh vực tự động hóa cũng nhận được đầu tư rất lớn.

- Anh có nghĩ mình may mắn khi chọn đúng thời điểm khởi nghiệp?

- Thật ra đúng là như vậy. Chọn đúng thời điểm đưa ra giải pháp, đúng thời điểm gọi vốn đầu tư đóng vai trò quyết định sống còn với công ty. Nếu ý tưởng của tôi được triển khai sớm vài năm thì không thể có mức tăng trưởng lớn như vậy, vì lúc đó còn dùng hóa đơn giấy, các doanh nghiệp cũng không quan tâm lắm. Nếu làm trễ hơn thì thị trường có thể đã có những giải pháp thông minh hơn, lúc đó rất khó cạnh tranh. Theo tôi, thời điểm quyết định đến 80% sự thành công của startup.

Ảnh minh họa

- Bizzi được giới thiệu là startup tiên phong tại Việt Nam cung cấp các giải pháp tự động hóa xử lý hóa đơn điện tử. Vậy hiện nay trên thị trường có sản phẩm nào tương tự như của anh không?

- Hiện bên tôi cũng đang phát triển nhiều sản phẩm khác nhau, còn nếu nói về sản phẩm chính thì gần đây một công ty công nghệ lớn của Việt Nam cũng tung ra sản phẩm với giải pháp tương tự. Điều đó chứng tỏ đây là một thị trường tiềm năng.

- Nhưng cạnh tranh với một “ông lớn” ngành công nghệ, đó hẳn sẽ là thử thách không dễ vượt qua cho Bizzi?

- Chính xác, nếu so với quy mô của những tập đoàn công nghệ lớn thì chúng tôi chỉ giống như một bộ phận của họ. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng doanh nghiệp lớn hay nhỏ sẽ có điểm lợi, điểm hại. Startup như Bizzi sẽ tập trung 100% vào lĩnh vực chúng tôi đang làm, đó là tự động hóa và AI trong lĩnh vực kế toán tài chính. Trong khi đó các tập đoàn lớn có nhiều sự tập trung khác nhau với các cuộc chơi lớn.

Nhiều người từng ngạc nhiên tại sao một startup như Bizzi vừa ra đời lại có những khách hàng lớn như vậy. Thực tế là do mình ra đúng thời điểm khi thị trường chưa có đối thủ, đó là lợi thế của startup trong việc đi nhanh và khai phá thị trường. Tuy nhiên, câu chuyện dài hơi làm thế nào để cạnh tranh với các “ông lớn” là vấn đề cần cân nhắc.

Chúng tôi có sự hỗ trợ của nhiều quỹ đầu tư, trong đó Money Forward là một công ty niêm yết của Nhật cũng có rất nhiều kinh nghiệm. Bizzi không hẳn là startup nhỏ để lo lắng câu chuyện tồn tại, chúng tôi cũng có một số nguồn lực để cạnh tranh.

- Nhìn lại năm 2021, anh có hài lòng với những gì mình và Bizzi làm được?

- Bên cạnh mức tăng trưởng vượt kỳ vọng và huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư lớn, điều tôi tự hào nhất là những giải pháp của Bizzi mang lại giá trị thực sự và được công nhận không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cộng đồng quốc tế.

Năm 2021 vừa qua, Bizzi đã nhận được giải thưởng Top 10 startup số của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và cuối năm lại nhận được giải thưởng Chuyển đổi số tại Singapore. Đây là giải thưởng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Thụy Sĩ (SwissCham) phối hợp với Deloitte tổ chức, tôn vinh các sáng kiến mang tính đổi mới và chuyển đổi số tại Singapore và trên khắp khu vực Đông Nam Á. Bizzi cũng là công ty Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng này.

Tất nhiên, bên cạnh đó chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều chưa đạt được, cần tiếp tục xây dựng và phát triển. Do ảnh hưởng của đại dịch, trong năm qua mọi người làm việc từ xa, gặp nhiều áp lực, stress. Điều đó cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

- Có sự hậu thuẫn của công ty Nhật Bản, startup của anh có dự định mở rộng sang thị trường này?

- Nhật Bản là một thị trường đặc thù, trước mắt Bizzi sẽ tập trung vào thị trường Việt Nam cũng như thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tôi nghĩ rằng có một số nước trong khu vực mà Bizzi có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên trong 2 năm tới Việt Nam là thị trường mà chúng tôi tập trung 100%.

Ảnh minh họa

- Khi startup, có người sợ thất bại lại có người sợ cô đơn. Vậy còn anh, anh sợ gì nhất khi khởi nghiệp?

- Số liệu thống kê cho thấy 99,9% startup sẽ thất bại trong 3 năm đầu tiên. Vì vậy, khi khởi nghiệp, tôi đã xác định việc có thể thất bại là chuyện hiển nhiên rồi. Tôi không còn lo sợ chuyện thất bại nữa, mà điều tôi sợ nhất là mình không thể phát triển bản thân đủ nhanh để có thể lãnh đạo, dẫn dắt công ty phát triển theo đúng với tiềm năng của nó. Công ty 10 nhân viên sẽ khác với 100 nhân viên rồi 1.000 nhân viên. Bản thân người CEO, leader phải phát triển rất nhanh để học hỏi và phát triển, nếu không chính mình sẽ trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của công ty.

- Trong thời gian qua, blockchain và tiền số là những từ khóa được giới khởi nghiệp công nghệ rất quan tâm. Bản thân anh có đầu tư vào tiền điện tử?

- Về tiền số và blockchain tôi nghiên cứu rất kỹ về công nghệ vì tôi nghĩ nó sẽ liên quan mật thiết đến những gì mình đang làm và trong tương lai sẽ có nhiều ứng dụng. Tuy nhiên nói về đầu tư tiền ảo thì tôi đang đứng ngoài cuộc chơi. Tôi sẽ tiếp cận theo hướng áp dụng các công nghệ vào startup của mình hơn là đầu tư.

- Cảm ơn anh.

Bài: Diệu Tuyết | Thiết kế: Bảo Linh 

Theo NDH