Phương pháp chống dịch hiệu quả xuyên suốt

Đến nay đã là hơn 1,5 tháng Việt Nam bước vào đợt dịch COVID-19 thứ 3. Tuy vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh trong cộng đồng tại Hải Dương - ổ dịch phức tạp nhất từ đầu mùa dịch tới nay nhưng về cơ bản đợt dịch đã được kiểm soát.

Chỉ ít ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát khi ngày 28/1, Bộ Y tế công bố 2 ca bệnh cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh, cả nước bước vào đợt chống dịch thứ 3. Những ngày sau đó là liên tục ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng, ngày cao điểm tới gần 100 ca mắc mới/ngày. Thời điểm ấy các chuyên gia cũng chưa thể khẳng định khi nào sẽ là đỉnh dịch. Dịch COVID-19 lây nhiễm với tốc độ nhanh chóng khi có sự xuất hiện của chủng virus biến thể từ Anh.

Trong lúc Tết Nguyên đán cận kề, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu quyết tâm: Chúng ta phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. 

Với những nỗ lực cao nhất, kiên trì các biện pháp chống dịch hiệu quả và kinh nghiệm sẵn có cùng những cách làm phù hợp trong từng thời điểm, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, vừa qua, người dân đã được yên tâm, an vui đón Tết trong trạng thái bình thường mới.

Tính đến ngày 19/3, cả nước ghi nhận tích lũy 2.570 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 1601 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới trong nước tính từ ngày 27/1 đến nay là 908 ca.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, dịch COVID-19 tại Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, sau đó tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới là người trở về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu và Mỹ…; giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 với các trường hợp mắc mới tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác; giai đoạn 3 bắt đầu từ 25/1/2021 đến nay với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác.

Nhìn lại hơn một năm đối phó với dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: “Ngay từ những ngày đầu triển khai chống dịch, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt; sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, các Bộ, ban, ngành, các địa phương đã luôn sẵn sàng, chủ động vào cuộc mạnh mẽ, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất; cùng với sự đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ của toàn dân, sự nỗ lực, bền bỉ của toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt. Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, được đánh giá cao với một mô hình phòng chống dịch hiệu quả có chi phí thấp”.

Chú thích ảnh

Trên quan điểm luôn đi trước một bước, đến nay, Việt Nam vẫn kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt trong các giai đoạn dịch bùng phát là: “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng.

Các biện pháp này đã phát huy hiệu quả, thể hiện sự đúng đắn trong chỉ đạo, kết quả là các đợt dịch lần lượt được kiểm soát nhanh chóng. Đặc biệt trong đợt dịch tại Hải Dương khi có sự xuất hiện của chủng mới virus biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh; để phù hợp với tình hình thực tế chống dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả chiến lược về truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phong toả hẹp để hạn chế tối đa tác động đến đời sống an sinh xã hội của người dân. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh đến nay đã được kiểm soát tốt. Những ngày gần đây Hải Dương chỉ ghi nhận rải rác các ca bệnh chủ yếu là những trường hợp đã được cách ly từ trước.

 

Chú thích ảnh

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tăng cường hỗ trợ Hải Dương chống dịch.

 

 

Ngay từ đầu, khi có dịch xâm nhập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập ở cấp quốc gia và các cấp hành chính, kịp thời đề ra và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt và phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, quan điểm “chống dịch như chống giặc” đã được đưa ra đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch tại các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động; bám sát tình hình, bình tĩnh và chủ động ứng phó.

Chú thích ảnh

Trong các giai đoạn cao điểm dịch bệnh bùng phát, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia liên tục tổ chức cuộc họp để bám sát tình hình, có chỉ đạo kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch. Các địa phương tăng cường mở rộng xét nghiệm trên địa bàn; khẩn trương, tăng tốc, truy vết các trường hợp đi về từ vùng dịch, các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về cách ly y tế. Đồng thời Bộ Y tế cũng chỉ đạo quyết liệt các cơ sở y tế thực hiện nghiêm việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, năng lực xét nghiệm của các địa phương cũng được đầu tư, nâng cấp nhanh chóng, mạnh mẽ trong giai đoạn chống dịch. Hiện nay, số phòng có khả năng xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR là 157 phòng, công suất xét nghiệm tối đa lên khoảng 62.593 mẫu/ngày. Số phòng xét nghiệm đã được phép xét nghiệm khẳng định là 101 phòng với công suất xét nghiệm tối đa khoảng 50.663 mẫu/ngày.

Đặc biệt thành tựu rất lớn trong chống dịch của Việt Nam là đã cứu sống nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng. Đặc biệt các trường hợp bệnh nhân rất nặng đã được cứu sống thần kỳ, được thế giới đánh giá cao như: Bệnh nhân phi công người Anh, bệnh nhân số 19 (bác của BN17)… Tuy đã ghi nhận các trường hợp tử vong khi mắc COVID-19 trong đợt dịch tại Đà Nẵng nhưng đây đều là các bệnh nhân cao tuổi, có các bệnh lý nền nhiều năm

Chú thích ảnh
Những ngày các y, bác sĩ phải chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân phi công người Anh (BN91).

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, để tăng cường điều trị cho bệnh nhân COVID-19, trong đợt dịch thứ 2 và thứ 3 xảy ra tại Đà Nẵng và Hải Dương, Bộ Y tế đã có phương án thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng, cử đoàn công tác của Bộ tới Hải Dương. Đồng thời huy động các chuyên gia giỏi đầu ngành và đã có hơn 2.000 cán bộ y tế của các cơ sở y tế trung ương và địa phương hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam, các tỉnh khu vực miền Trung trước đó cũng như cho Hải Dương chống dịch.

Trong dịch bệnh, người dân cũng đã nâng cao được ý thức phòng bệnh khi thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng, sát khuẩn tay theo khuyến cáo thường xuyên của Bộ Y tế đã trở thành thói quen mới, không chỉ phòng COVID-19 hiệu quả mà còn giảm được các dịch bệnh khác.

Khi đã kiểm soát dược dịch bệnh, cả nước lại bước vào thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; chủ động thiết lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ban, ngành, các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục chỉ đạo phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện tại, đợt dịch tại Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố cũng đã được kiểm soát. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Những ngày Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh chiến đấu với COVID-19.

10 bài học chống dịch

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, quá trình chống dịch thời gian qua đã cho Việt Nam 10 bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch.

Cụ thể, bài học thứ nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Thứ hai, là sự huy động, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương đã phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Nhiều đồng chí Bí thư các địa phương đã trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Quan điểm “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện nghiêm. Đồng thời áp dụng triệt để phương châm “bốn tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ; chú trọng vai trò chủ động của chính quyền các địa phương.

Thứ ba là sức mạnh của toàn dân, mọi tầng lớp nhân dân đều có sự đồng lòng nhất trí, huy động mọi nguồn lực để chung tay chống dịch.

Thứ tư là huy động toàn bộ hệ thống y tế vào cuộc chuẩn bị cho cuộc chiến cam go và thách thức, chủ động trong giám sát, xét nghiệm, hiệu quả trong điều trị, các chiến sĩ áo trắng sẵn sàng đi vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị ở mặt trận Đà Nẵng, Hải Dương và các địa phương khác.

Thứ năm là Việt Nam đã sớm huy động lực lượng quân đội, biên phòng, công an chủ động và tham gia vào công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu. Quân đội được giao nhiệm vụ phụ trách tổ chức cách ly tập trung chống dịch; công an tại các địa bàn phụ trách rà soát, tránh bỏ sót trường hợp liên quan đến ca bệnh, thực hiện truy vết… Đây chính là đặc trưng trong công tác chống dịch của Việt Nam.

Thứ sáu là lực lượng và mặt trận ngoại giao đã tích cực chủ động và đưa vị thế của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch lên cao trên trường quốc tế. Trong giai đoạn phòng chống dịch, nhưng Việt Nam vẫn chủ trì nhiều sự kiện quốc tế quan trọng; hỗ trợ đưa công dân nước ngoài ở Việt Nam về nước; giải cứu công dân nước ta ở nước ngoài về nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chú thích ảnh

 

Thứ bảy là bài học về minh bạch về thông tin truyền thông trong công tác phòng chống dịch. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các lực lượng truyền thông tham gia chống dịch trên mặt trận tuyên truyền, tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch về phòng chống dịch. Đặc biệt là việc áp dụng các nền tảng xã hội để gửi hàng chục tỷ tin nhắn cảnh báo đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức, hướng dẫn người dân phòng bệnh.

Thứ tám là sự phối hợp nhịp nhàng có trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phòng chống dịch dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ chín là bài học về đảm bảo an sinh xã hội. Ngay từ những thời điểm khó khăn, Việt Nam vẫn đưa ra những gói an sinh xã hội và có thể nói rằng việc này đã tác động sâu sắc đến an sinh xã hội.

Bài học thứ 10 là sự chủ động trong chuỗi cung ứng, chủ động về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch với sự tham gia của tất cả các lực lượng, các địa phương.

Nỗ lực tìm kiếm vaccine, xây dựng lá chắn chống dịch

 

Chú thích ảnh

Đến nay Việt Nam đã có vaccine COVID-19 tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu.

 

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc có được vaccine là yếu tố rất quan trọng để xây dựng lá chắn miễn dịch phòng bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai thực hiện mua và triển khai tiêm chủng cho người dân. Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác để tổ chức mua, nhập khẩu vaccine của nước ngoài. Bộ Y tế ước tính năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vaccine.

Chú thích ảnh

Hiện Việt Nam đã có được nguồn vaccine nhập khẩu và đang triển khai tiêm trên toàn quốc. Cụ thể, đây là vaccine của AstraZeneca mua qua Công ty VNVC (khoảng 30 triệu liều), với lô đầu tiên gồm 117.600 liều được sản xuất bởi SK Bioscience (Hàn Quốc) đã được nhập về ngày 24/2/2021.

Đến ngày 18/3, đã có 24.054 người được tiêm vaccine này tại 12 tỉnh, thành phố, là các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch đã được tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, các trường hợp đã tiêm vaccine có phản ứng đều ổn định sức khoẻ.

Bộ Y tế đã đàm phán được nguồn vaccine  từ Chương trình COVAX Faclility (do WHO và GAVI sáng lập). Chương trình cam kế sẽ cung cấp vaccine và vật tư tiêm chủng miễn phí, khoảng 30 triệu liều. Dự kiến, từ nay đến tháng 5/2021 Việt Nam sẽ được cấp khoảng 4,1 triệu liều vaccine đợt đầu tiên (vaccine do AstraZenecca sản xuất). Bộ Y tế cũng đang tích cực, khẩn trương làm việc với COVAX để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung vaccine như: Với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021; Bộ Y tế cũng làm việc để mua vaccine của Johnson &Johnson, Moderna, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)...

Ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, các lực lượng nghiên cứu của ngành y tế và khoa học công nghệ của Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc và sớm thành công trong việc nghiên cứu, phân lập virus, chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) và xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam trở thành là nước đi đầu trong khu vực khi đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 song hành cùng thế giới. Hiện Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.

Đến hiện tại, Việt Nam đã 4 đơn vị tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine. Đặc biệt, đã có 2 vaccine COVID-19 đã đến bước thử nghiệm lâm sàng là: Vaccine Nanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã đến bước tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người (từ ngày 26/2/2021); và vaccine COVIVAC do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (từ ngày 15/3/2021).

Đến nay qua thử nghiệm cho thấy vaccine “made in Việt Nam” có độ an toàn cao, có tính sinh miễn dịch tốt. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động được nguồn vaccine phòng bệnh, bảo đảm nguồn cung, an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Vaccine “made in Việt Nam” đến bước thử nghiệm trên người là thêm dấu mốc quan trọng hướng đến mục tiêu Việt Nam tự chủ được công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19. Trong quá trình thử nghiệm trên người, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị triển khai cần đảm bảo tuyệt đối đúng quy trình, kỹ thuật tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine và theo dõi chặt chẽ sau tiêm đối với các tình nguyện viên.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo và tổ chức Đoàn công tác giám sát toàn bộ quy trình triển khai nghiên cứu và xem xét kết quả thử nghiệm thử nghiệm nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tình nguyện viên tham gia.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu vaccine COVID-19 tại Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế tại tỉnh Khánh Hòa.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong các đợt dịch, dập dịch hiệu quả và bước đầu đã có vaccine phòng bệnh; tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tiếp tục chung sống, có giải pháp phù hợp chiến đấu trường kỳ kiểm soát dịch bệnh.

Cùng với phát triển kinh tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; các địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Tất cả trên tinh thần chủ động trong trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.

Chú thích ảnh

Bài: Tạ Nguyên/ Ảnh, clip: TTXVN, BYT
Trình bày: Tạ Nguyên

Theo baotintuc.vn