e magazine
04/02/2025 17:45
 “Thủ phủ dầu khí” Việt Nam vươn mình trở thành cực tăng trưởng Đông Nam Bộ
“Thủ phủ dầu khí” Việt Nam vươn mình trở thành cực tăng trưởng Đông Nam Bộ

Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Xin ông cho biết những thành quả kinh tế tiêu biểu tỉnh đã đạt được trong năm 2024?

Ông Nguyễn Văn Thọ: Năm 2024, Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận mức tăng trưởng GRDP ấn tượng, tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm gần đây, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 9.000 USD/năm. Tổng thu ngân sách đạt 108,54% so với dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này của chúng tôi, đến từ các ngành công nghiệp trọng điểm như dầu khí, dịch vụ cảng biển và du lịch. Đặc biệt là sự ổn định về chính sách kinh tế và sự đầu tư mạnh mẽ từ nguồn lực tư nhân và nước ngoài.

Trong năm 2024, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án cảng biển lớn, giúp nâng cao năng lực thông quan và tăng cường kết nối với các thị trường quốc tế. Các dự án như cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong khu vực.

Đáng chú ý, ngành du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với mô hình phát triển bền vững. Năm 2024, tỉnh đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước nhờ vào việc phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế. Đặc biệt, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa đã tạo điểm nhấn riêng biệt cho ngành du lịch của tỉnh.

Tính đến hết tháng 7/2024, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đón hơn 10 triệu lượt khách, tăng 18,63% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú là 3.260.008 lượt, tăng 18,67% so cùng kỳ. Tổng thu từ ngành du lịch hơn 10.732 tỷ đồng, tăng 20,94 % so cùng kỳ năm 2023. Hoạt động du lịch đang diễn ra sôi động trên toàn tỉnh, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, không xảy ra tình trạng chèo kéo, tranh giành khách hay tăng giá bất thường, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và du lịch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng và sản lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các mô hình nông nghiệp thông minh, trang trại hữu cơ đang dần trở thành xu hướng tiêu biểu của tỉnh.

“Thủ phủ dầu khí” Việt Nam vươn mình trở thành cực tăng trưởng Đông Nam Bộ

Nối tiếp đà phát triển mạnh mẽ của năm 2024, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung các giải pháp nào để giữ vững kết quả các ngành kinh tế then chốt, tận dụng lợi thế phát triển trong kỷ nguyên mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thọ: Quán triệt quan điểm việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần phải được thực hiện với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đã đề ra. Cụ thể: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn.

Tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt; thực hiện các nội dung phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trên cơ sở định hướng tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Thủ phủ dầu khí” Việt Nam vươn mình trở thành cực tăng trưởng Đông Nam Bộ

Tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; các Đề án được Chính phủ giao cho tỉnh xây dựng tại Nghị quyết số 154/NQ- CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Đề án phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Đề án Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thị xã Phú Mỹ; Đề án tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; Đề án phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; Đề án phát triển Côn Đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Thủ phủ dầu khí” Việt Nam vươn mình trở thành cực tăng trưởng Đông Nam Bộ

Bà Rịa – Vũng Tàu đang nổi lên như một điểm sáng tại vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tỉnh hướng tới thành lập Khu Thương mại tự do thúc đẩy phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Xin ông cho biết, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuẩn bị những gì cho việc thành lập mô hình Khu Thương mại tự do?

Ông Nguyễn Văn Thọ: Chúng tôi có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân hiền hòa, mến khách. Trong những năm gần đây được Trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đang được hoàn thiện, cùng với việc phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa Cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình “cảng xanh, logistics xanh” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Do đó, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics Vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên hàng lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải.

Thêm vào đó, Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí địa lý chiến lược nằm gần thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, tỉnh không chỉ là cửa ngõ ra biển của toàn vùng Đông Nam Bộ mà còn là điểm nối quan trọng đến các thị trường quốc tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại và logistics.

“Thủ phủ dầu khí” Việt Nam vươn mình trở thành cực tăng trưởng Đông Nam Bộ

Cùng với đó, với ưu thế là một trong những tỉnh có hệ thống cảng biển tốt nhất Việt Nam, cảng Cái Mép – Thị Vải có khả năng tiếp nhận tàu lớn và trở thành một trong những cảng trung chuyển quan trọng trong khu vực. Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 102 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng container thông qua cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (kể cả hàng container nội địa) đạt 7,998 triệu teus, tăng 37% so với cùng kỳ. Số lượng tàu trọng tải toàn phần trên 80.000 tấn thông qua cảng là 1.661 lượt (trung bình hơn 6 lượt/ ngày, trong đó có các “siêu tàu” container trọng tải toàn phần đến 232.000 tấn khai thác chuyên tuyến vào khu cảng Cái Mép). Ưu thế này giúp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dễ dàng thu hút đầu tư và phát triển các dịch vụ thương mại quốc tế.

Lĩnh vực công nghiệp đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là ngành dầu khí, hóa dầu và năng lượng tái tạo. Tính đa dạng và phát triển của nền công nghiệp không chỉ tạo động lực kinh tế lớn mà còn giúp tỉnh dễ dàng chuyển đổi và thích ứng với các xu thế kinh tế mới.

Ngoài ra, Bà Rịa – Vũng Tàu khá nổi tiếng với du lịch biển, các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các địa điểm văn hóa, lịch sử. Hạ tầng du lịch đang ngày càng được nâng cấp, kết hợp với chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sẽ giúp tỉnh duy trì sức hút với du khách trong và ngoài nước. Sân bay Long Thành đi vào hoạt động Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành “cục nam châm” của Vùng.

Bên cạnh những ưu thế này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi và cải cách thủ tục hành chính. Định hướng cải thiện môi trường kinh doanh đã được thực hiện mạnh mẽ, góp phần khẳng định và nâng cao sức hút của tỉnh đối với vốn đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư (FDI) trong, ngoài nước cấp mới và tăng thêm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gần 1,92 tỷ USD và hơn 37.570 tỷ đồng, quy đổi tương đương 85.550 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài các vốn đầu tư mới, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh cũng tăng vốn trong năm 2024.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, Đảng bộ và chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu đã chú trọng đầu tư vào hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng giúp thu hút một lực lượng lao động chất lượng cao từ khắp nơi đổ về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Thủ phủ dầu khí” Việt Nam vươn mình trở thành cực tăng trưởng Đông Nam Bộ

Nội dung: Bích Liên - Thu Hiền

Đồ họa: Trang Anh