Theo thầy, đánh giá của Đảng về nguồn lực Tôn giáo thông qua Nghị quyết 13, chỉ là sự xác tín lại một lần nữa, điều mà lịch sử đã thể hiện và dân tộc Việt Nam đời này, đời khác vẫn thừa nhận, tán dương, đánh giá cao khi nói về  cội nguồn và sự phát triển của lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam. Theo đó, dân tộc Việt Nam có một đời sống văn hóa tâm linh phong phú, đa dạng, mang sắc thái truyền thống, có giá trị nghiên cứu, bảo tồn, phát huy. Di sản văn hóa đó được tạo thành bởi đời sống tôn giáo tín ngưỡng mà trong đó, Phật giáo Việt Nam rất tự hào luôn có mặt với tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần văn hóa của dân tộc; đóng vai trò quan trọng, đồng hành xuyên suốt cùng vận mệnh quốc gia trên tất cả các lĩnh vực đời sống.

Phật giáo đã đi cùng cuộc thăng trầm của đất nước với bao điều thách thức, bao khó khăn để lựa chọn sáng suốt và định hướng phát triển phù hợp. Hiện nay, khi ngoài nước, thế giới đang có nhiều chuyển biến khó đoán trước; trong nước  tình hình kinh tế chỉ đang ở quá trình hồi phục, xã hội  báo động về sự xuống cấp đạo đức, tệ nạn xã hội quấy nhiễu đời sống bình an của mọi người, đạo Phật Việt Nam đang gánh vác  một vai trò trách nhiệm rất quyết định. Đó là làm nòng cốt xây dựng một môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn với những con người Việt Nam lấy sự giác ngộ làm mục tiêu hướng đến, sống tỉnh giác, có ý thức tự chế phục mình trong bối cảnh đầy nhiễu nhương của xã hội thời hội nhập và phát triển. Con người Việt Nam có ý thức trách nhiệm với sự thịnh suy của đất nước, đưa đạo đức Phật giáo lan tỏa trong đời sống văn hóa- giáo dục của cộng đồng. Thực tế thời gian qua, Phật giáo rất nhạy cảm trong vấn đề này. Giáo hội Trung ương đã chỉ đạo cho các ngành trực thuộc, đặc biệt là ngành hướng dẫn Phật tử và thanh thiếu niên tăng cường phát huy, tổ chức các chương trình Hội trại hướng dẫn các em sống lành mạnh hơn, có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội, không làm gánh nặng cho gia đình, không làm cho đất nước suy vong. Thế hệ trẻ cố gắng phát triển trí lực- đạo đức - trí thức để đưa Việt Nam phát triển hưng thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hãy thử nghĩ, nếu ngày càng có đông số lượng cha mẹ là Phật tử thuần thành, chí tâm học Pháp và hành Thập thiện; cũng như có đông hơn số lượng con cái trong các gia đình quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, thầy tin chất lượng sống của xã hội ta sẽ ngày càng ý nghĩa hơn, bình an hơn. Đưa Đạo vào Đời chính là ở đây.

Tất cả những điều kể trên đều là mục tiêu có thể thực hiện. Vì đạo Phật là đạo gắn bó của dân tộc, là tiếng lòng tan chảy của người dân: “ Mai này tôi bỏ quê tôi, bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa”. Bỏ chùa, xa chùa là điều đớn đau, khắc khoải. Chùa chính là niềm tin có thể khiến người ta hành động thiện lành, buông bỏ xấu xa, lan tỏa niềm tin tôn giáo, niềm tin Phật đà trong tất cả ngõ ngách của cuộc đời để lắng nghe, để thấu hiểu, để thẩm thấu được nỗi đau và hạnh phúc của con người. Lúc đó chúng ta chỉ có thực hiện một việc là làm sao để dàn trải tình yêu thương đến cho tất cả mọi người. Vì với quan điểm đạo Phật  nơi nào có yêu thương thì nơi đó sẽ vắng mặt khổ đau. Làm cho người khác biết yêu thương cũng là đang cho mình một cơ hội yên lành.

Đạo Phật dạy cho chúng ta không tranh cường háo thắng. Dạy chúng ta biết được trân - giả. Thầy tin rằng, Trung ương Đảng và cả hệ thống chính trị  biết cách tuyên truyền khéo để người dân hiểu được cái nào đúng- chưa đúng. Từ đó người dân tự giác ủng hộ, làm theo cái đúng và loại trừ cái chưa đúng. Đây là sự cạnh tranh lành mạnh. Dân chủ không phải ai muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Phải khẳng định rằng chính sách của Đảng rất rõ: Tự do đặt trên nền tảng dân chủ, xã hội công bằng cũng trên nền tảng dân chủ. Vấn đề là, làm sao tuyên truyền cho người dân có chính kiến, để người dân phân biệt được giả - trân, thì chúng ta không cần lo chống những người thù địch, xuyên tạc sai trái. Nhưng để người dân tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng đồng hành với Đảng và Nhà nước trong tất cả hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa,vấn đề mấu chốt là Đảng và Nhà nước các cấp phải sâu sát và lắng nghe tiếng nói của người dân, để kịp thời tháo gỡ khúc  mắc, hướng dẫn người dân trong tinh thần: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Dưới quan điểm của Phật giáo, chúng ta không sợ lắng nghe quan điểm chưa đúng. Ta lắng nghe không có nghĩa là chấp nhận, lắng nghe như một cơ hội để mình tự quan sát, kiểm điểm lại chính mình. Sự góp ý trái chiều từ các phía sẽ là động lực để chúng ta hoàn thiện hơn trên con đường phát triển. Chỉ lưu ý là, cần thận trọng không tạo cơ hội lan tỏa, khuấy sóng cho sự sai trái manh động.

Thầy rất tiếc một số nơi đặt nặng vấn đề tín ngưỡng, nên mới có hư cấu ban phước, tới xin cho mình có lộc - tài - quyền- chức. Ước vọng được sống an lành, hạnh phúc là bình thường nhưng quan trọng phải tự thực thi ước mơ của mình. Đạo Phật không chủ trương ban phước, vì đường dưới chân chúng ta, có nhấc chân lên đi mới tới đích. Không ai đi thay, phải tự trải nghiệm cuộc sống. Phật giáo luôn giáo dục con người hoàn thiện nhân cách trên cơ sở 3 nghiệp: Thân - khẩu - ý. Tức nghĩa hành động phải đúng - nói năng phải chuẩn - suy nghĩ tư duy phải không sai hay làm hại ai. Tất cả những điều đó đều là những yếu tố kiến tạo đời sống hạnh phúc trên đường thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, vấn đề cầu nguyện vẫn là hình thức tâm linh rất đáng trân trọng để bày tỏ ước vọng của mình trước Đức Phật, cầu Đức Phật chứng minh để chúng ta có thêm động lực phấn đấu vươn lên. Ta không được giao phó cuộc sống, cuộc đời mình cho thần linh mà phải tự chủ tất cả mọi việc, kiến tạo cuộc sống bằng tư duy đúng đắn. Đức Phật dạy tất cả những hạnh phúc hay khổ đau hiện tại đều do chúng ta đã tạo ra nguyên nhân trong quá khứ, phải chấp nhận và cố gắng cải tạo nếu đang phải chịu đau khổ để mở ra cánh cửa hạnh phúc, không một đấng thần linh nào can thiệp hết. Đạo Phật là con đường để trải nghiệm. “Phải đi thì mới thấy, thấy thì mới hiểu, hiểu thì biết phải làm gì để đi được tới điểm muốn đến”.

Đạo Phật dạy chúng ta kiến tạo cuộc sống bằng sự phấn đấu, đó là điều rất chính đáng, không thể đồng hóa sự phấn đấu đó là tham lam. Trên đường thực hiện điều đó tuyệt đối không được dùng mưu hèn kế bẩn, không được chà đạp lên sự tồn tại của người khác, cho nên không chấp nhận việc thương trường là chiến trường. Anh và tôi cùng nhau cạnh tranh trong một ngành nghề nào đó, anh thực hiện ước mơ của anh, tôi thực hiện ước mơ của tôi. Trong một khu vườn, có nhiều bông hoa sẽ làm nên vườn hoa. Đạo Phật dạy cho con người làm những việc đó nhằm để cải tạo cuộc sống chúng ta và những người liên quan đến chúng ta. Như vậy giữa cá nhân và tổ chức có sự liên đới với nhau, được xây dựng trên nền tảng đạo đức biết đủ. Biết đủ có nghĩa là chúng ta có thể dừng lại, không mạo hiểm để bảo toàn được lực lượng, bảo toàn được tài chính, đảm bảo đời sống ổn định. Cái đó không phải là tham. Chứ còn khát vọng bằng mọi giá để đạt được mục đích của mình bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, đó mới là tham và cái đó không thể tồn tại.

Về Sân: Phương châm của thầy là ứng xử chậm một phút nhưng có thể bình yên một đời. Vì khi nóng giận, nếu mình nói ngay lúc đó có thể làm tổn thương người khác và chắc chắn mình sẽ còn cần họ cộng tác, “ Sỏi đá ngày sau vẫn còn có nhau” mà.

Đạo Phật dạy người ta xử lý những lúc mình chuẩn bị nóng. Hãy hít một hơi thật sâu bằng mũi, và thở ra bằng miệng thật nhẹ, để không khí xuống tận đan điền. Để chúng ta có đủ ô xi trong máu thì cường độ của sự căng thẳng sẽ giảm xuống. Cứ làm liên tục lại 3 lần, đảm bảo chúng ta sẽ có thể nói chuyện nhẹ nhàng lại liền. Đây là phương pháp đối trị để chúng ta xử lý vấn đề tốt hơn, đối diện với người trước mặt tốt hơn.

Còn chữ Si: Đạo Phật dạy chữ “si” là thiếu hiểu biết. Cái hiểu biết này không chỉ nói đến chuyên môn mà còn nói về đối nhân xử thế, về kinh nghiệm nữa. Có một số người tuy kiến thức cao nhưng trình độ chuyên môn lại không có. Nhiều người có chuyên môn nhưng tính khí lại không chấp nhận được, rồi nhiều người hợp tác tốt nhưng lại có mưu đồ. Cho nên cái si mê khi nó làm chủ đạo dễ dẫn đến việc chúng ta hành động thô lỗ, lời nói thiếu chuẩn mực, tất cả đều do sự thiếu hiểu biết mà ra. Chính vì lẽ đó chúng ta phải nâng cao trình độ kiến thức từng ngày để tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh. Đạo Phật gọi đó là “tỉnh giác chánh niệm”. Sự thành đạt của một doanh nghiệp dưới góc nhìn của Phật giáo không phải chỉ là tài chính, mà là sự ổn định về nhân lực, tức lòng người, Ngôi nhà chung nếu được nhiều trụ cột vững chắc thì sẽ tồn tại lâu dài, không sống đời bông hoa sớm nở chóng tàn.

Đạo Phật dạy chúng ta tỉnh táo để biết đủ, không phải là dạy chúng ta   thụ động, không phấn đấu. Sâu xa hơn, “tỉnh giác chánh niệm” là để không trượt dài trên cái tham. Thầy đã nhìn thấy một số doanh nghiệp thất bại là vì trượt dài trên cái tham. Họ thấy thành công là họ lại muốn hơn nữa. Đương nhiên là phải muốn rồi, nhưng cần muốn như thế nào. Đạo Phật dạy biết đủ thì ta mới hạnh phúc, đây là cách để chúng ta khống chế được cái tham trong tâm của con người; chứ không phải là khống chế cái đà phát triển sự nghiệp của đất nước, của xã hội, của con người.

Có câu chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị đi ô tô xịn trên đường cao tốc 100km/h vẫn thấy chậm, vì anh ta nôn nao muốn có mặt sớm hơn để tranh thầu hợp đồng. Ngược lại, có một anh nông dân ngồi trên chiếc xe bò 4km/h vẫn thấy vui, vì anh đang ung dung về nhà sau một ngày lao động vất vả. Đi xe ô tô xịn vẫn thấy chậm vì cái tham của anh Chủ tịch vẫn chưa dừng được. Cái tham, đang kéo sự bình tĩnh của anh đi, đánh mất trong anh sự bình yên. Còn anh nông dân, anh vui vẻ vì đang hưởng thụ thành quả của một ngày lao động. Anh thấy lòng bình an vì không có sự tham đắm, đòi hỏi.

Thầy thấy thương các bạn làm doanh nghiệp. Họ cứ tưởng sau Covid có thể phục hưng lại cho nên họ dồn lực vào để tái hoạt động nhưng nó lại sập luôn. Có những người rất tốt, rất hiền, rất tử tế, họ cứ trách “sao con sống tử tế mà cuộc sống con lại khó khăn như thế”. Thầy mới nói rằng “con ơi tuy con khó khăn nhưng con vẫn còn có nhà để về ở, vẫn còn có cơm ăn, chứ còn có những người không có cơm ăn, không có nhà trọ để về, hãy nhìn những cái khó khăn hơn để bằng lòng với những gì thực tại, đó là cách để kiểm soát cảm xúc của mình”.

Nhân quả thực sự rất công bằng, thầy mong rằng tất cả các bạn doanh nhân nên giữ đạo đức trong kinh doanh để thương trường là một sân chơi đẹp, không phải là nơi khốc liệt của chiến trường, là nơi gây tạo nghiệp bất thiện. “Tôi sẽ cười vui khi mọi người cùng cười và chắc chắn nụ cười của tôi sẽ không lâu khi người bên cạnh tôi đang khóc”- biết nhân quả để bình tĩnh đón nhận tất cả mọi thứ, chúng ta sẽ biết cách để hòa nhập vào sự biến động của cuộc sống. Ta hòa nhập được sẽ tồn tại, giống như người chèo thuyền nắm được thuận- xuôi của dòng nước xoáy mới cập bến bình an. Đó là lý do Đức Phật dạy con người là chủ nhân của tất cả hạnh phúc và khổ đau mà không thần thánh nào can thiệp vào được.