Gần 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình hình lây lan ngày càng rộng, liên tiếp xuất hiện biến chủng mới và việc kiểm soát ngày càng khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về bối cảnh thế giới hiện nay và ứng xử của các nước với đại dịch toàn cầu?

 Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chưa bao giờ thế giới đối đầu với đại dịch lớn như hiện nay, Covid-19 khác hẳn so với các loại dịch bệnh. Đại dịch xảy ra liên tiếp hết đợt này tới đợt khác, không loại trừ quốc gia nào, không tránh bất kỳ thời tiết khí hậu và mùa vụ nào, tốc độ lây lan của dịch bệnh quá nhanh.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 5
 

 

Đại dịch đi liền với đại phong tỏa khiến cả thế giới như ngưng trệ. Các quốc gia đều đóng cửa biên giới. Ở trong mỗi nước, các tỉnh, thành phố cũng đóng cửa với nhau. Trong bối cảnh này, mỗi nước đều phải tìm cách ứng xử riêng và phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế.

Trước đây các biện pháp khống chế dịch rất hiệu quả, nhưng nay diễn biến dịch thay đổi hoàn toàn. Nước có năng lực y tế, có kinh nghiệm phòng chống dịch, có tiềm lực về kinh tế đều khốn đốn vì dịch bệnh. Covid-19 không phân biệt nước giàu hay nghèo, nước lớn hay nhỏ.

Trong đợt đại dịch lần này của thế giới, người ta không thấy câu chuyện thành công mà học được rất nhiều bài học thất bại và rút ra kinh nghiệm. Đơn cử như vấn đề về vắc xin và tạo ra miễn dịch cộng đồng được các nước nhìn nhận; việc mở cửa quá sớm thì Mỹ và châu Âu là điển hình về thất bại, nhưng đóng cửa quá lâu để miễn dịch bằng 0 lại không ổn.

Đến bây giờ, vắc xin là chìa khóa thiết yếu nhưng không phải vạn năng. Vì sao vậy? Lợi ích của vắc xin là có thể khống chế được dịch, có tác dụng bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ tử vong. Nhưng vắc xin vẫn không cản được hết dịch bệnh và những biến chủng mới đã cho thấy điều đó.

Cùng lúc cả thế giới bị dịch, tốc độ lây lan ngày càng nhanh, kiểm soát khó khăn và biến chủng mới liên tiếp xuất hiện, vậy nên sản xuất vắc xin phải chạy đua với dịch và cả thế giới lâm vào cảnh khan nguồn cung, phải duyệt khẩn cấp. Việc thế giới thiết lập được cơ chế COVAX và các liên minh liên quan về hỗ trợ vắc xin đã tạo ra bước chuyển của các nước lớn.

Ở Việt Nam, cũng đã có những thay đổi nhận thức quan trọng về ứng phó với dịch, chú trọng và coi vắc xin là chìa khóa, đi cùng với tiếp tục thực hiện 5K, là phải có các đối sách quản trị phù hợp về cả bốn khía cạnh là phòng chống dịch, y tế sức khỏe, kinh tế và xã hội. Tôi cho rằng, những việc Việt Nam làm trong 2-3 tháng qua là quyết liệt và hết sức quan trọng.

Trong phòng chống Covid-19, ngoại giao vắc xin được Việt Nam xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hoạt động đối ngoại, là nhiệm vụ cấp bách và "mặt trận" quyết định thành công trong chiến lược vắc xin của Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn vào những con số nhiều người cho rằng lượng vắc xin các nước cung cấp cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX còn chậm, với tiến độ bao phủ vắc xin hiện tại thì triển vọng để đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau là khó khả thi. Ông có bình luận gì về việc này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Bức tranh chung của thế giới hiện nay là khan hiếm vắc xin, nhưng nhờ có những liên minh nên chuỗi cung ứng vắc xin được các nước dành sự quan tâm chung. Việt Nam cũng phải chạy đua với thời gian và có 2 điểm rất mạnh trong thời gian gần đây là chủ động tìm nguồn cung và sử dụng hiệu quả nguồn cung đó. Nếu chuyển vắc xin qua cơ chế COVAX, xét về mức độ dịch bệnh ở Việt Nam so với các nước trên thế giới là không cao, vì vậy các quốc gia trong liên minh đều có sự cân đối.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 7
(Ảnh: WHO Vietnam / Loan Tran).

 

Nguồn cung vắc xin bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là cả thế giới đều cần vắc xin, thứ hai là dịch bùng phát liên tục nên các nước đều đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Tôi nghĩ rằng, đừng tính là các nước chuyển vắc xin cho Việt Nam nhanh hay chậm, mà hãy xem họ cung cấp cho những nước khác có được như Việt Nam hay không. Đây là tình hình chung và trong hoàn cảnh này Việt Nam không có lựa chọn. 

Cần phải nói rằng, Việt Nam có quan hệ tốt với các nước để thực hiện chiến lược ngoại giao vắc xin và chủ động, tích cực trong các hoạt động đa phương, song phương, được các nước coi trọng để cung cấp vắc xin. Vì thế, Việt Nam đã và đang tiếp cận được vắc xin qua các nguồn thương mại, viện trợ và cơ chế COVAX. Việt Nam cũng đã bắt đầu có sự chuyển giao công nghệ và tự nghiên cứu với những kết quả rất khả quan.

Do có sự chủ động các kênh và trong thời gian gấp rút như vậy, có thể thấy sự đáp ứng và lượng vắc xin hỗ trợ cho Việt Nam là rất tích cực. Đơn cử như Trung Quốc dành cho Việt Nam là 6,5 triệu liều, Mỹ viện trợ cho không là 6 triệu liều. Mỹ còn giúp riêng Việt Nam hơn 40 triệu USD, vật tư y tế, kỹ thuật. Nếu chỉ tính riêng vắc xin Mỹ cung cấp cho 10 nước trong khu vực ASEAN thì Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Indonesia và Philippines. Khu vực châu Âu gần đây đã tham gia rất tích cực vào liên minh COVAX để cung cấp vắc xin, nhiều nước đã hỗ trợ cho Việt Nam như Pháp, Đức, Ý... Ở châu Á, Nhật Bản dành cho Việt Nam nhiều sự quan tâm và hỗ trợ hàng triệu liều vắc xin.

Trong thời gian ngắn vận động, Việt Nam đạt được kết quả về vắc xin như vậy đã là rất tốt. Cùng với các nguồn vắc xin đặt mua từ nay đến cuối năm là hàng chục triệu liều, chỉ mong là về kịp đến Việt Nam để có thể tính toán được theo tiến độ từ nay đến hết quý I/2022 sẽ hoàn tất được 70-75% và hướng tới miễn dịch cộng đồng.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 8
 
Chính sách ngoại giao đa phương, song phương của Việt Nam thời gian qua có phải là "bệ phóng" cho chiến lược ngoại giao vắc xin hiện nay, ông thấy minh chứng nào thể hiện rõ ràng nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước? 

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong thời gian qua, Việt Nam chủ động đẩy mạnh ngoại giao song phương và đa phương, vì vậy đã tạo được những uy tín và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế. Thế giới biết đến Việt Nam và Việt Nam biết tới các nước nên việc vận động, ngoại giao vắc xin mới thuận lợi.

Hội nhập của Việt Nam với thế giới rất sâu rộng. Việt Nam hiện nay đang là một mắt xích trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc kiểm soát dịch của Việt Nam song trùng với lợi ích của các quốc gia, bởi thế quá trình ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam quyết liệt và ngày càng có những chiến dịch hợp lý, hiệu quả hơn.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 10
(Ảnh: Nguyen Manh Quan).

 

Gần đây nhất là chuyến đi châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thể hiện mục tiêu Việt Nam rất coi trọng gắn kết quan hệ với khu vực này. Vắc xin cũng là mục tiêu không thể không nhắc tới với thông điệp Việt Nam kiên quyết chống dịch và cần sự trợ giúp. Làm việc chung với Liên minh châu Âu hay đi thăm từng nước, gặp gỡ song phương, Chủ tịch Quốc hội đều đề cập tới vắc xin và được các nước ủng hộ. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có một loạt các cuộc điện đàm và tiếp xúc quan trọng với lãnh đạo các nước, với các công ty sản xuất vắc xin. Tại Hà Nội, Thủ tướng cũng đã nhiều lần gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, vừa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa khuyến khích họ vận động về nguồn cung vắc xin. Điều này thể hiện lợi ích đan xen. 

Hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm tới Cuba và tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Chuyến thăm có nhiều ý nghĩa, trong đó có hợp tác về phòng chống dịch. Chủ tịch nước sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương, làm việc với các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất vắc xin. Đặc biệt, Cuba đã khẳng định hỗ trợ Việt Nam 10 triệu liều vắc xin và sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.

Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam vẫn diễn ra các cuộc điện đàm, các chuyến thăm song phương và các nước đều rất coi trọng quan hệ với Việt Nam trong bối cảnh đang phải ứng phó với dịch bệnh. Đáng nói, dù trong đại dịch nhưng Việt Nam vẫn làm tốt vai trò là Chủ tịch ASEAN. Chưa bao giờ, chưa nước nào làm Chủ tịch ASEAN mà lại phải đương đầu với dịch bệnh cả một nhiệm kỳ như Việt Nam, vì thế đây là sự chuyển đổi rất lớn.

Lợi ích đan xen ông vừa đề cập có thể hiểu rằng khi hỗ trợ Việt Nam về vắc xin thì bản thân các nước cũng đạt được kết quả tốt hơn trong các lĩnh vực mà họ quan tâm, bởi giữa các bên đang có những hợp tác về đầu tư, kinh doanh và thương mại. Rõ ràng, muốn nhanh chóng tháo gỡ được khó khăn thì các nước cần giúp Việt Nam ứng phó kịp thời với trình trạng cấp bách của đại dịch?

 Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu chúng ta nhìn và lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và các nước khác trong thời gian qua thì sẽ thấy họ có chung lợi ích với Việt Nam để mong muốn thoát khỏi dịch bệnh, họ có tiếng nói để nước chủ quản của họ thấy được lợi ích đó.

Các nước coi trọng quan hệ với Việt Nam và ghi nhận Việt Nam chủ động vận động, làm tốt việc tiêm chủng. Các quốc gia đều có lợi ích chia sẻ với Việt Nam để thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững và đảm bảo lợi ích trong liên minh.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 12
(Ảnh: Nguyen Manh Quan)

 

Tôi lấy ví dụ thế này, Nike có tới 40% sản lượng giày xuất khẩu trên toàn thế giới là sản xuất tại Việt Nam. Nếu tình hình dịch bệnh ở Việt Nam kéo dài thêm vài tháng nữa thì Nike cũng gặp khó, ít nhất là một nửa sản lượng của Nike tiếp tục bị gián đoạn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Rõ ràng, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực, thế giới.

Ta và các nước, các doanh nghiệp có lợi ích gắn kết và đan xen, cần duy trì cho được vị trí Việt Nam trong chuỗi là như vậy. Cho nên, tìm kiếm nguồn cung vắc xin về Việt Nam không chỉ là hỗ trợ riêng cho Việt Nam mà là cho cả chuỗi cung ứng, cho cộng đồng doanh nghiệp, người nước ngoài tại Việt Nam.

Một trong những nội dung rất quan trọng trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đến Singapore và Việt Nam tháng 8 vừa qua không chỉ là câu chuyện song phương mà là yêu cầu không để chuỗi cung ứng khu vực bị đứt gãy. Nước Mỹ phụ thuộc bao nhiêu phần trăm xuất khẩu ở Đông Nam Á thì Việt Nam có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng đó.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 13
  

Lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, đó cũng là nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước này - bà Kamala Harris. Trong chuyến công du tới nước ta, nữ "phó tướng" quan tâm đến ứng phó với đại dịch, quan hệ thương mại và vấn đề an ninh khu vực. Đặc biệt, việc hỗ trợ vắc xin và đặt một trong bốn Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) lớn nhất thế giới của Mỹ tại Hà Nội đã thể hiện chính sách ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Việt Nam, thưa ông?

 Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chuyến thăm vừa qua, chỉ tính riêng về mặt này đã cho thấy 2 thông điệp rất quan trọng của Mỹ đối với Việt Nam là phòng chống dịch và đảm bảo chuỗi cung ứng. Trong đó, tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ về việc cấp một triệu liều vắc xin ngay trong đêm là rất ấn tượng. Sự kiện biểu tượng quan trọng là việc lập CDC Đông Nam Á tại Hà Nội, việc này không chỉ thể hiện sự gắn kết của Mỹ với khu vực mà còn chỉ rõ Việt Nam là một mắt xích quan trọng của cả khu vực.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 15
 

 

Tôi đã trực tiếp trao đổi với các bạn Mỹ và được biết rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden rất coi trọng Việt Nam. Những việc vừa qua thể hiện sự tin cậy đối với Việt Nam và họ muốn cùng chia sẻ với Việt Nam trong ứng phó khẩn cấp về dịch bệnh - điều mà Việt Nam đang cần nhất lúc này.

Việt Nam là mắt xích quan trọng trong khu vực, đây không phải là riêng vấn đề về địa chiến lược mà cả vấn đề y tế, kinh tế. Việc đặt CDC tại Việt Nam đã thể hiện sự tin cậy của Mỹ đối với năng lực của Việt Nam, tin rằng Việt Nam có thể hỗ trợ CDC vươn ra thế giới. Bởi CDC là một phần để nghiên cứu, phối hợp trong cung cấp thuốc men, vật tư y tế phòng chống dịch. 

Nhớ rằng, nước Mỹ chỉ có 4 CDC đại diện ở các khu vực, trong đó CDC Đông Nam Á đặt ở Việt Nam. Thực tế không phải các nước trong khu vực không có điều kiện, mà lựa chọn của Mỹ đã cho thấy vị trí của Việt Nam là quan trọng.

Trong chiến lược ngoại giao với thế giới, Tổng thống Mỹ nào cũng vậy, đều đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, nhưng cách xử lý và tiếp cận của họ có thể khác nhau. Điều ông Biden đang làm lúc này là tranh thủ quay lại tham vấn các đồng minh, cả song phương và đa phương.

Với Việt Nam, tôi cho rằng chắc chắn ông Biden coi trọng cả về quan hệ song phương và vị thế địa chiến lược của Việt Nam ở khu vực. Ở đây có cả thách thức và cơ hội. Bằng chứng là trong chỉ dẫn tạm thời về an ninh quốc gia của Mỹ hồi tháng 3 đã có tên Việt Nam và Singapore. Các chuyến thăm tới khu vực gần đây của chính quyền Tổng thống Biden đều có Việt Nam. Về vắc xin, kinh tế... đều có tên Việt Nam.

Nếu Việt Nam không kiên định chính sách độc lập tự chủ, đa dạng hóa và hội nhập, không có vai trò trong ASEAN và khu vực thì làm sao có việc các nước lại cần và quan tâm đến Việt Nam như vậy. Cái đó là vị thế và song trùng lợi ích của Việt Nam với các nước, khu vực và quốc tế.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 17
(Ảnh:Tien Tuan)

 

Ngay sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đến Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, phải chăng các nước lớn cũng "nhìn nhau" để lựa chọn về điểm dừng chân và dành sự quan tâm trong chuỗi cung ứng vắc xin, thưa ông?

 Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ rằng các nước cạnh tranh nhau mà lại tăng cường hỗ trợ thêm vắc xin cho Việt Nam và thế giới thì là rất tốt chứ, nhưng còn nếu cạnh tranh với nhau để rồi cản trở, đặt điều kiện hay gây áp lực rõ ràng là không nên.

Với vắc xin, hãy nghĩ đó là vấn đề nhân đạo và cái được lớn nhất là "sức mạnh mềm", khi giúp được vào thời điểm khó khăn nhất, điều đó vượt lên trên tất cả những giá trị được tính được bằng tiền. Bất kỳ ai trục lợi chính trị theo cách tiêu cực hoặc đặt điều kiện với vắc xin đều trở thành lợi bất cập hại, bởi sau đại dịch thì tất cả mọi thứ đều bộc lộ ra.

 

Nhận diện mắt xích Việt Nam và giá trị sức mạnh không thể tính bằng tiền - 18
 

 Thời gian qua, sự hỗ trợ về vắc xin cho Việt Nam là rất tích cực, các nước càng ngày càng đẩy mạnh cam kết giúp Việt Nam, trước hết là Mỹ, rồi Nhật, rồi đến Trung Quốc, đều cam kết với số lượng lớn. Mỹ giúp, Trung Quốc giúp, rồi châu Âu giúp và các nước giúp Việt Nam bằng nhiều hình thức, như giúp đỡ về y tế, về vắc xin hay về tài chính và dù lớn hay nhỏ đều phải trân trọng.

Đại dịch Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc, bên cạnh nguồn cung quốc tế và cơ chế COVAX thì vấn đề tự cường vắc xin là rất quan trọng. Việt Nam là quốc gia có mạng lưới y tế cộng đồng và y tế cơ sở phát triển, cập nhật nhanh những tiến bộ, hiện đại của thế giới. Chúng ta đã được chuyển giao công nghệ và đang nghiên cứu về công nghệ vắc xin. Trong chuỗi cung ứng, các nước rất quan tâm đến Việt Nam. Đó là những điều kiện rất tốt để phát huy lợi thế.

Theo tôi, ngoài khả năng tự cường vắc xin đủ cho Việt Nam thì có thể cung cấp cho các nước, từ đó tranh thủ tốt hơn nguồn lực bên ngoài và kết nối khu vực. Thực sự, nếu có thể phát triển vắc xin Việt Nam là vắc xin toàn cầu thì bên cạnh thương hiệu quốc gia còn cho thấy Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. 

 

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Dân trí