e magazine
10/03/2022 21:42
Ảnh minh họa

Múa ballet là loại hình nghệ thuật được tạo ra bởi sự chuyển động của cơ thể người. Nó là một hình thức nhảy múa, biểu diễn trên sân khấu trước mặt khán giả. Từ “ballet” có nguồn gốc từ tiếng Pháp “ballette”. Từ tiếng Pháp này đến lượt nó lại có nguồn gốc từ tiếng Ý “balletto”, một dạng nói giảm nhẹ của từ “ballo”, nghĩa là một điệu nhảy.

Ngày nay, khi nhắc đến ballet, hình ảnh gợi lên trong tâm trí của hầu hết mọi người là các nữ vũ công duyên dáng nhún nhảy theo điệu nhạc với một chiếc váy xòe tutu. Tuy nhiên, lịch sử kéo dài qua nhiều thế kỷ của múa ballet đã khiến hình thức nghệ thuật này thay đổi rất nhiều. Trên thực tế, múa ballet trong quá khứ – đặc biệt trong giai đoạn mới hình thành – có một diện mạo hoàn toàn khác với màn trình diễn hiện đại ngày nay.

Ảnh minh họa

Một số nhà nghiên cứu lịch sử tin rằng, múa ballet đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 15 và thời kỳ Phục Hưng ở Ý. Sự phổ biến của bộ môn này nhanh chóng lan sang Pháp, sau đó là Đan Mạch, Nga và cuối cùng là đất nước cờ hoa - Mỹ.

Trong thời kỳ đầu, múa ballet đóng vai trò là một loại hình giải trí để lấp đầy thời gian trống giữa các món ăn khác nhau ở một bữa tiệc. Tại lễ cưới của Galeazzo Visconti (Công tước xứ Milan) và Isabella of Aragon vào năm 1489, một biên đạo múa tên là Bergonzio di Botta đã chuẩn bị một loạt điệu múa [được gọi là entrées] để minh họa cho các món ăn khác nhau phục vụ tại tiệc cưới. Những điệu múa này có liên quan chặt chẽ đến thực đơn, và chúng được lấy cảm hứng một phần nào đó từ thần thoại Hy Lạp và La Mã cổ đại. Ví dụ, món thịt cừu nướng được bắt đầu bằng câu chuyện của Jason và bộ lông cừu vàng.

Những điệu múa của Bergonzio di Botta đã được đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng trở thành thời thượng, đặc biệt trong tầng lớp thượng lưu của xã hội Ý. Bằng cách biểu diễn những điệu múa như vậy, các thành viên của tầng lớp xã hội này tin rằng họ đang thể hiện tài năng, sự giàu có của họ, và trên hết là sự tinh tế trong văn hóa gắn liền với thời kỳ Phục Hưng ở Ý.

Múa ballet có thể đã du nhập từ Ý sang Pháp trong nửa đầu thế kỷ 16. Điều này đã diễn ra nhờ vào cuộc hôn nhân của Catherine de’ Medici, một phụ nữ quý tộc có tầm ảnh hưởng người Ý, với vị vua tương lai của nước Pháp, Henry II. Medici là một người yêu nghệ thuật và bà đã đưa múa ballet vào trong triều đình Pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong giai đoạn đầu, múa ballet chứa nhiều yếu tố sân khấu. Tương tự như múa ballet được biểu diễn ngày nay, các màn trình diễn đòi hỏi phải có âm nhạc và điệu múa. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố quen thuộc, múa ballet khi mới hình thành cũng bao gồm cả thơ ca và kịch câm.

Ngoài ra, trang phục được sử dụng bởi các vũ công múa ballet trong giai đoạn này hoàn toàn khác biệt so với ngày nay. Ví dụ, các vũ công đeo mặt nạ, trang phục gồm nhiều lớp gấm thêu, quần chẽn ngắn và bó sát người. Họ thường đội mũ lớn và đeo đồ trang sức. Trang phục như vậy có thể giúp người mặc phô trương ra bên ngoài sự giàu có của mình. Tuy nhiên, nó khá nặng và cồng kềnh nên làm cản trở sự chuyển động uyển chuyển của một vũ công. Do đó, điệu múa chỉ bao gồm các động tác tương đối đơn giản, chẳng hạn như những bước nhảy ngắn, khẽ nhún đầu gối, đi dạo xung quanh và quay nhẹ nhàng.

Ảnh minh họa

Bối cảnh xã hội của múa ballet cũng khá khác nhau ở giai đoạn đầu. Mặc dù các điệu múa của Bergonzio di Botta chỉ mang mục đích giải trí, nhưng khi đến Pháp chúng trở nên có phần trang trọng hơn.

Ảnh minh họa

Những sự thật thú vị về trang phục biểu diễn của các vũ công ballet:

1. Một chiếc váy kỳ công Thế giới của Ballet không chỉ làm khán giả mãn nhãn với màn trình diễn màn trình diễn xuất sắc mà trang phục yêu kiều đặc trưng là chiếc váy tutu của các nữ vũ công cũng được làm vô cùng tỉ mỉ, công phủ. Để làm ra một chiếc váy tutu, thợ may phải làm việc liên tục trong vòng 4 ngày, và giá của nó có thể lên tới hơn 2,000 đô la Mỹ. Con số này càng trở nên khổng lồ hơn bởi vì một vũ công trong suốt sự nghiệp của họ có thể phải sử dụng đến hơn 150 chiếc váy tutu.

Ảnh minh họa

2. Các nữ vũ công phải thay 2-3 đôi giày mũi nhọn trong vòng một tuần. Khoản tiền dành cho những đôi giày pointe (mũi nhọn) luôn là trong những chi phí tốn kém nhất khi theo đuổi nghề vũ công ballet. Họ có thể chỉ dùng những đôi giày này trong vòng 3 tuần rồi sau đó phải bỏ chúng và mua những đôi mới. Thỉnh thoảng, một đôi giày Pointe (mũi nhọn) thậm chí còn không đủ cho một đêm diễn của một vũ công chính trong một một vở Ballet lớn, tiêu biểu như Hồ Thiên Nga.

Ảnh minh họa

Tương tự những người Ý sống trong thời kỳ Phục Hưng, múa ballet được biểu diễn bởi tầng lớp thượng lưu trong xã hội Pháp. Không giống các màn trình diễn phục vụ khán giả hiện nay, những điệu múa như vậy nhằm mục đích giải trí cho các vũ công. Do cuộc sống trong cung đình đơn điệu và nhàm chán vào thời điểm đó, múa ballet được sử dụng như một trò tiêu khiển. Vì vậy, các vị vua, hoàng tử, quý tộc và triều thần đã học múa ballet. Điều thú vị là trong giai đoạn đầu mới hình thành, múa ballet chỉ dành riêng cho nam giới và các vũ công nữ chỉ trở nên nổi bật sau cuộc Cách mạng Pháp.

Ảnh minh họa

Một trong những nhân vật nổi tiếng đã múa ballet là vua Louis XIV của Pháp. Vị vua này là một vũ công múa ballet đầy nhiệt huyết, và ông còn được gọi là “Vua Mặt trời” bởi vì ông đóng vai Mặt trời [là hiện thân của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp] trong vở Ballet de la Nuit vào năm 1653.

Một trong những đóng góp vĩ đại nhất của vị vua này cho múa ballet là việc thành lập Học viện múa Hoàng gia năm 1661, góp phần trang trọng hóa và củng cố vị trí của điệu múa này như là một loại hình nghệ thuật được coi trọng. Chính tại học viện này, các vũ công múa ballet chuyên nghiệp đầu tiên đã được đào tạo. Kết quả là múa ballet không chỉ có mặt trong triều đình Pháp, nó dần xuất hiện nhiều trong các nhà hát và được phổ biến đến tất cả các tầng lớp xã hội. Khi mở rộng phạm vi trình diễn từ triều sang sân khấu, những màn trình diễn ballet và được kết hợp với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác, một trong số đó là opera. Một ví dụ tiêu biểu là Le Triomphe de l’ Amour (the Triumph of Love) - một vở nhạc kịch của Pháp bao gồm những chuyển động và kỹ thuật của múa ballet. Đây cũng là vở opera đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện của các nữ vũ công. Trong thời kỳ trước,đây là là bộ môn nghệ thuật dành riêng cho nam giới, vì thế để thể hiện vai nữ, các vũ công năm sẽ mặc trang phục nữ, đeo mặt nạ và đội tóc giả.

Ảnh minh họa

Một thành tựu khác của học viện là việc Pierre Beauchamp, một trong những bậc thầy về múa ballet, đã hệ thống hóa 5 tư thế của bàn chân và cánh tay khi múa. Beauchamp là gia sư ballet cho vua Louis XIV. Những tư thế này tiếp tục được giảng dạy và sử dụng cho đến tận ngày nay. Từ Pháp, múa ballet cuối cùng đã lan rộng sang phần còn lại của thế giới và tiếp tục quá trình phát triển như một hình thức nghệ thuật.

Bước sang thế kỷ 18, một trào lưu tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân đã đấu tranh để ballet có thể được công nhận như là một hình thức nghệ thuật độc lập, tách rời khỏi opera và các loại hình biểu diễn khác. Luận điểm của họ là múa Ballet đã tiến hóa tới một trình độ mạnh mẽ mà sức hấp dẫn của nó không chỉ đến sự kích thích thị giác mà còn nhờ vào việc lồng ghép những câu truyện kịch tích. Cốt truyện ban đầu thường xoay quanh những người anh hùng và tầng lớp quý tộc nhưng đến giữa thế kỷ 18, những câu chuyện và góc nhìn của người bình thường đã xuất hiện ngày một nhiều hơn. Từ mô hình của Pháp, trường ballet Hoàng gia Nga (Russian Imperial Ballet - hiện nay là Kirov Ballet) được thành lập năm 1938 tại St. Petersburg, sau này trở thành một trong số học viện ballet vĩ đại nhất thế giới, và đoàn ballet Hoàng gia Đan Mạch năm 1748.

Ảnh minh họa

Nếu như ở đầu thế kỷ 19, hình tượng người phụ nữ trong các vở ballet thường bị khắc họa với những nét tính cách nhu mì, thụ động và yếu đuối thì điều đó đã thay đổi khi cả châu Âu rung chuyển trước quá trình công nghiệp hóa. Các nữ vụ công giờ đây được coi trọng hơn cả nam giới và giao trọng trách là người biểu diễn chính trong những vở ballet. Nam diễn viên chỉ có vai trò phụ trên sân khấu nhằm nâng đỡ cho các vũ công nữ và khiến cho khán giả phải trầm trồ thán phục khi thấy họ không trọng lượng ra sao.

Sau năm 1850, ballet tại Pháp rơi vào thời kỳ thoái trào, trong khi lại thăng hoa ở Nga nhờ vào sự đóng góp của những bậc thầy ba-lê như August Bournonville, Jules Perrot, Arthur Saint-Léon, Enrico Cecchetti và Marius Petipa. Nửa sau thế kỷ 19, trung tâm thế giới ballet chuyển từ Pháp sang Nga. Một trong những người tạo ra kỷ nguyên vàng cho trường ballet Hoàng gia Nga và đóng vai trò lớn trong việc biến St. Petersburg trở thành kinh đô của ballet thế giới là Marius Petipa. Đoàn ballet của St. Petersburg là nơi đào tạo ra những diễn viên ballet vĩ đại nhất của mọi thời, trong đó nổi bật lên là cái tên Anna Pavlova. Nước Nga trong giai đoạn này cũng trở thành cái nôi của không ít những vở ballet kinh điển nổi tiếng trên toàn thế giới như là Hồ Thiên Nga (Swan Lake) và Kẹp hạt dẻ (The Nut Cracker) của nhà soạn nhạc tài ba Pyotr Ilyich Tchaikovsky.

Ảnh minh họa