Đoàn công tác số 21 gồm hơn 270 đại biểu đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Bộ Nội vụ, tỉnh Yên Bái, tỉnh Tây Ninh; các cơ quan ban, ngành trung ương, địa phương, văn nghệ sĩ và phóng viên báo đài... do đồng chí Ngô Văn Thành - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Hải quân làm Trưởng đoàn đã thăm quân, dân đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Tây C, Đá Đông B, Trường Sa và Nhà giàn DK 1/21 (Ba Kè).
Đoàn công tác đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ; thắp hương các chùa trên đảo; gặp mặt giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Trường Sa trên tàu; thăm nơi ăn ở, sinh hoạt và biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân trên các đảo, nhà giàn...Trong chuyến thăm, Quân chủng Hải quân, các cơ quan/tổ chức Trung ương và địa phương của Đoàn công tác số 21 đã gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Trường Sa, Nhà giàn DK1 nhiều phần quà thiết thực, ý nghĩa với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, trong đó đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tài trợ và tặng quà gần 2 tỷ đồng.
"Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, mỗi thành viên trong Đoàn công tác đã quên hết mệt mỏi, mang đến cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo hơi ấm từ đất mẹ, động viên cán bộ, chiến sỹ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần nghị lực và ý chí Việt Nam, luôn đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu...”, đồng chí Ngô Văn Thành – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Hải quân cho biết.
Với TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phó trưởng Đoàn công tác 21, thì mỗi lần đến với Trường Sa, trong ông đều dâng trào cảm xúc. Ông cho biết, sau 1 năm trở lại Trường sa, tôi thấy có sự thay đổi, cơ sở vật chất trên đảo hiện đại hơn. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn mạnh mẽ, vui khỏe, tự tin. Tuy nhiên, do điều kiện xa xôi nghìn trùng nên trên đảo vẫn còn thiếu thốn, cụ thể là bữa ăn xanh của bộ đội... Điều đó thôi thúc chúng ta cần làm điều gì đó để nâng cao đời sống vật chất của bộ đội, để cán bộ, chiến sỹ đảm bảo sức khỏe, chắc tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Mỗi lần đến với Trường Sa, tôi được thêm một lần cảm nhận để hiểu hơn nữa về biển đảo... Tự mình cảm thấy khát vọng muốn đóng góp nhiều hơn.
Tham gia đoàn công tác của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đến với Trường Sa lần này có nhiều anh, chị doanh nhân từ 3 miền đất nước, đại diện cho các doanh nghiệp tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp đoạt giải thưởng Đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia... Chúng tôi muốn các doanh nhân hiểu thêm về cuộc sống, sự vất vả, khó khăn thiếu thốn nơi đảo xa và nghị lực vượt khó của cán bộ, chiến sỹ, để mỗi doanh nhân tăng thêm niềm tin, sát cánh ủng hộ cho Trường Sa.
Các doanh nhân là “người lính trên mặt trận kinh tế” đến với Trường Sa gặp những người lính bám trụ ngày đêm, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Họ đều là những người lính xung kích trên mặt trận của mình, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp. Điều đó thôi thúc chúng tôi phát động các phong trào trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp hướng về Trường Sa, ủng hộ vật chất và tinh thần cho Trường Sa...
Trong chuyến đi này, nhiều doanh nhân đã mang thuốc, lương thực, hạt giống rau tặng cán bộ, chiến sỹ trên các đảo. Tôi mong muốn Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải Quân và các cơ quan chức năng tiếp tục ủng hộ cho cộng đồng doanh nghiệp được đến với Trường Sa nhiều hơn nữa để thêm nhiều doanh nhân, doanh nghiệp thấy được khó khăn, vất vả và nghị lực của cán bộ, chiến sỹ trên đảo, cùng chung tay xây dựng Trường Sa.
Cũng theo TS. Tô Hoài Nam, từ những cảm xúc dâng trào khi đến với Trường Sa, bài thơ: “Khi sóng hiểu lòng người” được ông sáng tác vào đúng ngày kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), là món quà vô cùng ý nghĩa gửi tặng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
Tô Hoài Nam chia sẻ, trong quá trình tham gia các hoạt động trên quần đảo Trường Sa, đồng chí Ngô Văn Thành – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Hải quân có đúc kết một câu thay cho những cảm nhận của mình: “Sóng hiểu lòng người”. Từ câu nói đó, trong ông đã bật lên những tứ thơ và ông đã hoàn thành bài thơ, ghi dấu một kỷ niệm khó quên trong chuyến công tác.
"Sau khi tôi viết xong bài thơ và đọc cho đồng chí Ngô Văn Thành – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Hải quân, anh Hà Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm TV. PHARM nghe, anh Sơn có góp ý bổ sung thêm câu "Khát khao và thổn thức", tôi nghĩ câu này khiến bài thơ xúc động hơn. Chị Hà - Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức, Bộ Nội vụ là người đầu tiên đọc bài thơ này trên loa phát thanh của Tàu 290. Đọc xong, chị Hà nói với tôi, thơ anh khó đọc, em lại không phải nghệ sỹ chuyên nghiệp nhưng đã cố gắng hết sức truyền tải thông điệp và ý nghĩa của bài thơ đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ. Đó là cảm xúc, cảm nhận của các thành viên đoàn công tác khi đến với Trường Sa thân yêu", TS Tô Hoài Nam cho biết.