Ngày Tết Nguyên đán có một giá trị tâm linh rất lớn đối với văn hóa người Việt, khép lại một năm với bao bộn bề, lo toan, gian truân, biến cố; rồi mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người dường như sống chậm lại để suy nghĩ, để chiêm nghiệm. Con người xã hội lắt léo mất đi, nhường chỗ cho những cá nhân thăng hoa cảm xúc với trời đất, khơi dậy đong đầy tình cảm, tình yêu thương, nhân nghĩa và đầy nhân văn, chân thật nhất để cùng chúc nhau vạn sự tốt lành, an khang thịnh vượng. 

PV: Hạnh phúc thế gian chính là an lạc nơi cửa Phật. Một trong những điều hướng đến sự an lạc là phải biết buông bỏ. Trái lại, con người trong xã hội hiện đại dường như càng ngày càng nhiễu loạn nhân tâm, để rồi thân tâm của họ không được an lành thanh thản và vọng tưởng phiền não trói buộc đêm ngày. Đây là xu thế chung trong cuộc sống xã hội hiện đại bây giờ. Kính xin Thầy luận giải về vấn đề này?

Đại đức Thích Thiện Xuân: Hạnh phúc là an lạc thế mà “Một trong những điều hướng đến sự an lạc là phải biết buông bỏ...” chúng ta biết rằng: không có gì phải buông bỏ khi mọi thứ đều phải nỗ lực để đạt được. “Trái lại, con người trong xã hội hiện đại dường như càng ngày càng nhiễu loạn nhân tâm, để rồi thân tâm của họ không được an lành thanh thản và vọng tưởng phiền não trói buộc đêm ngày” là vì họ thiếu “định hướng tương lai” cho mình, ước mơ quá nhỏ bé để họ dư thời gian (nhàn cư vi bất thiện). Mơ ước và hành động không khế hợp nên “tự mâu thuẫn” và kết quả thất bại. Nỗi khổ đau, bế tắc làm Ngục Tù giam nhốt họ trong vòng lẩn quẩn, mê lầm.

Hạnh phúc là một phạm trù mà nội hàm và ngoại vi rộng lớn. trong đó hai mảng là vật chất và tinh thần của con người đều hướng đến chuỗi giá trị đó. Dưới góc nhìn của đạo Phật thì hạnh phúc sẽ được chia sẻ qua lăng kính thứ ba.

Một là, hạnh phúc qua lăng kính Phật giáo nhận thấy y báo của mỗi người hiện ra, đó là nhân quả của Nghiệp (Cộng nghiệp và Biệt nghiệp). Điều này trong quá khứ người ta đã gieo trồng rồi và bây giờ sinh ra cây phước trổ quả an lạc hạnh phúc. Họ có thể “làm chơi mà ăn thật - làm ít được nhiều”, và còn nhiều cơ hội được mở ra trong cuộc đời để mời gọi và trao tặng cho họ những giá trị cao quý, mà vốn họ đã tích lũy từ trước.

Hai là, hạnh phúc được xây dựng trên mối quan hệ mật thiết giữa thân và tâm. Trong đó, nhu cầu thân thể nó thuộc phần sinh lý tự nhiên (dục vọng của phần "con") là phần bản năng, nên bên trong của mỗi cá thể luôn có những đòi hỏi khao khát, những ước mơ kỳ vọng và những quyền lợi mà con người muốn được có. Tuy nhiên, để đạt được “phần người” cần phải có một quy phạm vượt qua bản năng và đi đến một cái bản lề (quy tắc của xã hội). Xã hội có tổ chức, đã đặt ra những tiêu chuẩn mà con người phải hoàn thành những chuẩn mực giá trị công bằng. Do vậy, mỗi con người phải phấn đấu trong quá trình lao động, học tập, truyền thông để hoàn thiện mình trên mọi lĩnh vực.

Hạnh phúc an lạc được quán chiếu với nhịp bước thời gian: Tuổi ấu thơ, em bé có phước ngoan ngoãn, kháu khỉnh được hưởng hạnh phúc thần tiên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Khi cắp sách đến trường lại là người học trò ưu tú mang thành tích xuất sắc cho thầy cô, làm cho ngôi trường tỏa sáng. Khi kết bạn, luôn chọn những người bạn tốt, đầy nghị lực, ý chí ngất trời. Khi lập gia thất, luôn hoàn thiện mình với những yếu tố vượt trội, đủ hiểu biết để mang đến cho người bạn đời giá trị cao quý (người đàn ông lý tưởng, người phụ nữ đảm đang) mà bao người mơ ước. Nếu muốn trở thành một người cha người mẹ tuyệt vời, thì chính mình cũng phải chuẩn bị một hành trang cho con mình chào đời (dù trai hay gái), vậy là luôn sẵn sàng đón mời thành viên mới xuất hiện trong gia đình hạnh phúc, hoàn mỹ. Muốn làm một người cao tuổi (ông, bà) mô phạm thì hành trang trí tuệ, kinh nghiệm dạn dày để dạy cho con cháu và bất kỳ môi trường nào cũng vinh danh, mời thỉnh trân trọng. Đó là mô hình hạnh phúc mà nhân gian cần xây dựng cho cá nhân, gia đình và cống hiến giá trị hạnh phúc cho xã hội và nhân loại chung nhờ.

Ba là, dưới góc nhìn Phật giáo hay góc nhìn đầy ý chí nghị lực của con người thoát tục siêu phàm, thì hạnh phúc an lạc là một loại hình lao động siêu thượng tầng kiến trúc. Nếu những người nào muốn có hạnh phúc an lạc thật sự, thì họ sẽ tìm hạnh phúc với những điều kiện đỉnh, ngương. (Vượt không thời gian) siêu cực nhất. Nếu không có ý chí và lý tưởng siêu việt, thì con người đó chỉ xây dựng hạnh phúc an lạc trên khói mây (hư không). Khi họ có ước mơ lớn, thì chính ước mơ vĩ đại này sẽ tạo ra cho họ một nguồn lửa bên trong thiêu đốt mọi khó khăn, chướng ngại. Chính nó tạo nên một nguồn động lực siêu nhân, kinh khủng khiếp làm đôi cánh bay đến đỉnh vinh quang. Họ sẽ hành động không biết mỏi mệt trên ba phương diện lao động “tay chân, truyền thông, trí óc” để xây dựng hạnh phúc hoàn hảo mà ước mơ đã định hướng. Thêm vào một tâm hồn (Bồ Tát) từ bi hy sinh vì mọi người, làm chìa khóa vạn năng để mở cửa trái tim cao thượng dung chứa tất cả.

Ví dụ, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc thật sự khi được phục vụ những người kém may mắn hơn họ (Mắt mù, tai điếc, ngọng câm, bại liệt, điên loạn, bệnh tật thống khổ...).

Người có hạnh phúc luôn cám ơn: cha mẹ, cuộc đời và chí nguyện lớn của chính mình, những yếu tố đó giúp họ thực hiện được điều tuyệt diệu trong đời. Động lực đó thuộc về một loại “lao động siêu giá trị”. Họ tạo ra những chuỗi giá trị tuyệt vời trong nội tâm để thành tựu những nấc thang ưu việt trong cuộc đời. Dẫu có ai đó muốn phá hỏng, tạo ra những cam go, trắc trở, thử thách, cạm bẫy, hiểm nguy... nhưng họ vẫn xây dựng vững chắc hơn để tiếp tục bước lên đỉnh cao, không chùn bước hay bỏ cuộc. Càng gặp rủi ro nhiều, thất bại lớn chừng nào thì thành công đến với họ càng vĩ đại chừng đấy.

PV: Cám ơn Thầy về phần luận giải trên. Tuy nhiên, những con người thực tế trong xã hội làm thế nào để tiếp cận gần nhất với việc biết học cách tự buông bỏ, xin Thầy nói rõ thêm?

Đại đức Thích Thiện Xuân: Thứ nhất, buông bỏ hàm nghĩa tục đế là bỏ cái dục sầu, bi, khổ, ưu, não...xuống. Giải thoát an lạc thuộc về chân đế hàm ý không còn chấp “ta và của ta”. Chân đế thì không thể nghĩ bàn, như hư vô, hư không không nắm được. Nhưng nói về tục đế, thì buông bỏ là đang xưng tán một con người vĩ đại, chiến thắng (dục vọng) mình.

Ví dụ: một người Thợ mộc rất hạnh phúc vì đam mê lao động tạo ra những sản phẩm từ gỗ, với tay nghề lâu năm, đam mê nghệ thuật, anh đã tạo ra tác phẩm tuyệt hảo. Tuy nhiên, xã hội phát triển hướng công nghệ NaNo, không quan tâm đến hàng mỹ nghệ gỗ. Anh vẫn giữ lập trường vì sản phẩm là “đứa con nghệ thuật” của anh. Có thể người vợ so sánh rằng làm nghề này là nghèo hơn nghề kinh doanh, nếu anh cứ bám mãi cái nghề này, tôi sẽ bỏ anh. Người chồng sẵn sàng chấp nhận vợ bỏ, chọn hạnh phúc an lạc mà mình đam mê chứ mình không chấp nhận theo dục vọng giàu sang của người vợ, đây là một loại buông bỏ.

Thứ hai, nếu nói về hạnh phúc gia đình, buông bỏ là sẵn sàng bỏ những thói hư tật xấu để giữ được hạnh phúc gia đình, vì gia đình là nhu cầu tất yếu cuộc sống của tất cả chúng sanh buông bỏ được. Ai vì hạnh phúc khác mà bỏ gia đình là loại hạnh phúc được xây dựng trên khói mây. Do vậy, để hiểu được hạnh phúc trong sự buông bỏ, thì phải hiểu được hạnh phúc tục đế là gì? Con người đã vào vai, mắc cái vòng (oan trái gia đình) đó rồi, thì phải chịu đựng là một loại hạnh phúc, chịu đựng lâu ngày sẽ quen. Giống như trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, cô Mị là một nhân vật ở đợ, khổ đến nỗi cô ta so sánh mình không bằng một con vật. Cô nói tự an ủi “Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi rồi cũng chồn chân”, chịu khổ quen rồi, nên trở thành bình thường đối với cô ta.

Gia đình được xây dựng dựa trên một sự chịu đựng lẫn nhau, nếu người chồng vì thương vợ mà chịu đựng, thì cái chịu đựng đó là hạnh phúc. Ngược lại, nếu người vợ yêu chồng thương con, thì người vợ sẽ chịu đựng vô điều kiện, đó chính là giá trị hạnh phúc chân thật của vợ. Chính sự chịu đựng đó biến thành năng lực giúp cô ta trở thành một người vợ tuyệt vời một người mẹ vĩ đại. Do vậy, ở đây buông bỏ là buông bỏ cái tự ngã để đạt được hạnh phúc gia đình, chứ không phải là buông bỏ gia đình để được hạnh phúc cá nhân.

Hạnh phúc chân thật thuận với Phật giáo là cho đi không điều kiện. Ví dụ, cha mẹ rất hạnh phúc khi có con và con rất hạnh phúc khi nằm trong vòng tay yêu thương và ấm áp của cha mẹ. Cha mẹ cho con vô điều kiện: Tài sản của cha mẹ mặc định là tài sản của con cái, trong khi tài sản của con cái không phải là tài sản của cha mẹ. Đó chính là một chuỗi oan gia “vay trả”, tạm gọi là “nước mắt chảy xuôi”. Người phương Tây lại không như vậy, họ sẵn sàng dành tài sản của mình cho từ thiện, không lo sợ tuổi già phải nương tựa con cái. Khi con đúng 18 tuổi thì cha mẹ hết nhiệm vụ đối với con cái. Đêm sinh nhật lần thứ 18 (tuổi) thì hôm sau con cái có thể dọn ra khỏi nhà, hết nghĩa vụ của cha mẹ với con cái. Chính luật lệ đó tạo ra sự tự tin, bản lãnh xây dựng hạnh phúc an lạc cho họ. Còn nếu cha mẹ cứ bao bọc cho con thì con cái sẽ dựa dẫm và sẽ không có nguồn hạnh phúc lâu dài.

 

 

 PV: Dưới góc nhìn của Phật giáo hoặc dưới góc nhìn của cá nhân Thầy, có thể đặt ngay vào xã hội hiện đại phát triển bây giờ, thì chỉ số hạnh phúc nằm trong những điều kiện nào, thưa Thầy?

Đại đức Thích Thiện Xuân: Nói về chỉ số hạnh phúc nhìn ở góc độ Xã hội học thì phải có những thống kê theo ngành nghề, độ tuổi, ý thức hệ ... Dưới góc nhìn của đạo Phật dựa theo 5 yếu tố: Mắt, Tai. Mũi, Lưỡi và Thân.

- Thứ nhất, Mắt là tầm nhìn. Những người nào có tầm nhìn, thì ắt sẽ có hạnh phúc ở trong tầm nhìn đó để đạt được những chuỗi giá trị từ vật chất đến mối quan hệ xã hội. Sau đó, họ sẽ đạt được ý chí, nguyện vọng, hoài bão, ước mơ... thành tựu lớn. Nếu những người nào có hạnh phúc, thì họ cần phải nâng cấp tầm nhìn của mình bằng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tham gia những hoạt động xã hội như hội thảo, hội nghị, toạ đàm, các buổi chia sẻ… Họ phải nâng cấp tầm nhìn của mình trên mọi lĩnh vực. Ví như, cái máy ảnh hiện đại chụp cảnh bình thường với độ phân giải cao thì cảnh bên trong đẹp hơn rất nhiều cảnh bên ngoài. Họ là ai, ở vị trí nào... đều phải phát triển khả năng nhận thức. Nếu là nông dân thì phải tiếp cận với những người nông dân giỏi, phải đủ khả năng mổ xẻ phân tích ở góc độ nông nghiệp để đạt kết quả cao theo thời vụ.

- Thứ hai, Tai là hạnh phúc bằng cái nghe. Người ta nói “trăm nghe không bằng một thấy”. Khi nghe một lời nói bình thường, với người đầy tình yêu thương, thì người nghe (giải mã) ra thành lời ngọt ngào, êm dịu. Ví như, âm thanh của một người khàn tiếng qua dàn âm thanh tốt, phát ra tiếng nói rõ ràng, âm thanh chuẩn. Đó là độ phân giải từ nơi nhận thức, hiểu biết, yêu thương mà trong lỗ tai vốn sẵn có. Khi người nữ yêu người nam, thì mặc định trong lỗ tai của người nữ đó đã được đặt bùa yêu. Cho nên, nếu người nam đó nói bất kỳ điều gì, thì những điều đó đều lọt vào tai của cô ta như thần dược. Dẫu rằng anh ta gạt cô ta nhưng cô ta vẫn vui và mong anh ta mãi gạt mình như vậy. Người nam cũng vậy, một khi đã yêu người nữ rồi, thì người nam đó như ngu như dại bởi trong lỗ tai của anh ta đã được bỏ bùa hạnh phúc vào. Nhưng một khi đã giận lên thì hai người sẽ như bị điếc, nói cái gì cũng không nghe. Do đó, khi giận nhau, thì người ta thường hay nói to. Cho nên, trong cuộc đời muốn hạnh phúc và thành đạt thì lỗ tai của mình cần phải được gắn tâm yêu thương vào. Trong giao tiếp xã hội, nếu ta không gắn yêu thương, thấu cảm vào lỗ tai, thì các mối quan hệ xã hội của ta sẽ bị cắt đứt và ta sẽ bị cô lập, thất bại, khổ đau và tủi nhục.

- Thứ ba, Mũi là yếu tố về mùi hương. Người xưa có câu “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Cái mũi và cái miệng thường đi chung với nhau, tuy nhiên, có nhiều người chết vì mùi hương, như cá dính câu vậy. Trong nhà Phật có bài kệ về hương vị cuộc đời cần ngẫm “Hương của các loài hoa, không thể bay ngược gió, hương người đức hạnh đó, ngược gió bay muôn phương”. Ta phải ngửi cho được cái "mùi" đức hạnh của người; nghĩa là, ta phải gần gũi được những con người thật sự có đức hạnh và lúc đó, ta mới có hạnh phúc.

- Thứ tư, Lưỡi là tìm hạnh phúc ở nơi vị giác. Người đời dèm xỉa nhau câu: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”. Không phải chỉ người nông dân mới cần kiệm để sáng sớm dậy nấu cơm, đắp mo cau ra đồng đến mịt tối mới về, miếng ăn rất quý với họ, dù là cơm trắng muối tiêu. Nếu chuỗi hạnh phúc tìm thấy trong miếng ăn, thì thương nhân ký hợp đồng trên bàn nhậu hay trong bữa tiệc linh đình trang trọng, thế mà có biết bao người ở trong cảnh kêu trời không thấu. Thầy đã giảng một chủ đề “Cho và Nhận”. Người ta đánh mất hạnh phúc trong tầm tay vì họ cho quá nhiều nhưng nhận lại là những ảo ảnh của nó. Bây giờ, khi đang ở trên vị trí thành đạt trong cuộc sống, thì họ quên cầu “Bịnh từ miệng mà vào, Họa từ miệng mà ra”. Cho nên, ngày xưa nhà Vua muốn ăn thì người hầu vua phải dùng đũa bạc để thử xem có độc không. Khi người ta chế ra chất độc không mùi không màu, thì cũng có thể hại Vua được. Người ta khổ đau tìm cái ăn ngon và khoái lạc trong chất vị nước uống gọi là hưởng thụ hạnh phúc thế gian. Tục ngữ có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Cái ăn cũng mang đến một giá trị hạnh phúc tuyệt vời trong cái khéo. Người tu hạnh phúc nhất với việc ăn uống vì không bị “ngon hay dơ” ràng buộc.

- Cuối cùng, hạnh phúc bằng sự nuôi dương chiều chuộng của cái Thân. Con người ta ai cũng ước ao cái Thân của mình luôn khỏe, trẻ, đẹp. Cho nên, nếu nói về 5 yếu tố: Mắt - tầm nhìn; Tai - cái nghe trong sự yêu thương và hiểu biết; Mũi với mùi hương của giới đức và mùi giá trị cao đẹp trong cuộc đời; Lưỡithì phải biết thọ dùng và chuyển hoá thức ăn nào để tạo nên hạnh phúc chân thật. Chúng đều trên Thân cả, nên Thân đẹp là hoàn thiện từ các yếu tố gắng trên nó. Tục ngữ có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Thói quen: thấy, nghe, ngửi, nếm là phản ứng của Thân, thông qua diện mạo, lời nói, hành vi của Thân được xây dựng bằng nét đẹp của ý thức. Thân thể được đại diện cho cái bên ngoài để thể hiện cho biết nội tâm bên trong, bản chất tạo ra hạnh phúc chân thật.

Dù nói dựa trên năm yếu tố bên ngoài, nhưng điều muốn nhắm đến đích là ý thức, ý chí, bản lãnh của mỗi con người xây dựng hạnh phúc chân thật. Đừng để thói quen xấu (vô ý) cuốn cuộc đời ta đi vào một chuỗi tha hoá, đồi bại, hư đốn, đánh mất hạnh phúc cao thượng.

 

 

PV: Từ những năm tháng chiến tranh, Phật giáo luôn đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đến bây giờ khi đất nước Việt Nam đã có một vị thế, một cơ đồ chưa từng có như ngày nay. Vậy thì Phật giáo tiếp tục đồng hành với Đảng, với Nhà nước như thế nào để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân?

Đại đức Thích Thiện Xuân: Đạo Phật đi khắp nơi, mỗi bước chân của Phật nở hoa sen được xem như là mang đến giá trị yêu thương và hiểu biết cho con người và muôn loại. Biểu tượng đức Phật bước đi hoa sen nở, ngụ ý "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Đạo Phật đồng hành với nhân loại, nơi nào có bước chân của Tăng đoàn thì “mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống bao đời của tổ tiên”. Điều này Phật giáo đã trở thành Quốc giáo của Việt Nam từ bao đời. Nếu người không theo một tôn giáo nào, thì mặc định khi ông bà, cha mẹ lâm chung, người ta sẽ đến chùa thỉnh, mặc dù có người ta không đi chùa, không biết Tam Bảo là gì. Như vậy, đạo Phật là nền tảng và là cái gốc của sự nương tựa. Mặc dù đạo Phật không ký hợp đồng với Đảng và Nhà nước, nhưng đạo Phật vẫn thầm lặng, bằng chất liệu từ bi của đức Phật, vẫn trải khắp muôn nơi mọi giá trị yêu thương. Người đệ tử Phật đi đến đâu thấy người ta đau khổ là ra tay cứu giúp và không cần phải đòi hỏi có chứng nhận. Sổ sách mà báo cáo được của đạo Phật trong năm 2020 làm từ thiện là gần 2500 tỷ đồng. Đây là con số được ghi ra, còn những con số không được ghi ra thì còn có thể tương đương hoặc giả nhiều hơn. Giáo lý của Phật đi đến đâu là mang hiểu biết và yêu thương đến đó.

 

 

Tuy nhiên đạo Phật không có chiến lược rõ ràng để đảm bảo chắc chắn cho con người đạt được giá trị hạnh phúc. Đạo Phật chỉ muốn nhắc nhở mọi người trở về với chính mình, phải biết ăn hiền ở lành, phải biết bỏ các việc ác làm các việc lành. Khi mình buồn không kiềm chế được thì hãy đến với Phật và xin Bồ Tát Quan Âm cứu khổ. Những quan điểm từ mê tín đi đến chánh tín là một chuỗi tạo nên cho con người hạnh phúc. Người ta có khi chống Phật giáo nửa đời, nhưng đến cuối đời khi giác ngộ rồi thì trở thành một tu sĩ chân tu thật học. Khi muốn sám hối trở lại, thì sám hối phần cuối đời, còn phần lỗi trước đó do si mê tạo ra bao nhiêu nghiệp chướng thì theo quy luật nhân quả nó tự trổ hoa kết trái. Ai hiểu và thực hành được quy luật nhân quả do Phật dạy ắt sẽ nhận được giá trị của đạo Phật, thiết thực mang đến chuỗi giá trị hạnh phúc rất tuyệt vời.

PV: Xin cảm ơn Đại đức về những chia sẻ thú vị!

Diệu Hồng – Hữu Phước (thực hiện)