Dân tộc ta không có truyền thống kinh doanh. Từ hàng ngàn, hàng trăm năm lịch sử của đất nước này, doanh nhân chưa bao giờ được coi trọng. Doanh nhân mang thân phận “tiểu nhân”, không được xếp vào hàng “người quân tử”. Doanh nhân là “thằng bán tơ” trong “truyện Kiều” của Nguyễn Du, là “Mụ Lường” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi. Doanh nhân Việt bị người Pháp, người Tàu chèn ép trong thời thuộc địa. Doanh nhân là “con buôn” “con phe” trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Doanh nhân là đối tượng của các cuộc cải tạo công thương nghiệp ... Trước đổi mới, ở Việt Nam không có doanh nghiệp tư nhân, và nước ta là một trong những quốc gia nghèo đói nhất trên thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Năm 1986, Đảng ta phát động công cuộc Đổi mới, chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường. 1/3 thế kỷ đã qua đi, Việt Nam đã kể cho thế giới câu chuyện thoát nghèo vĩ đại, đưa hàng chục triệu đồng bào của mình thoát khỏi đói nghèo, chuyển từ khu vực nông nghiệp, nông thôn với năng suất thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ với năng suất cao hơn. Động lực chính của bước chuyển đổi này là việc hình thành ngày càng đông đảo của đội ngũ Doanh nghiệp và Doanh nhân Việt. Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, đến nay, chúng ta đã có đội ngũ đông đảo hàng triệu doanh nhân đang đứng mũi, chịu sào trên 900 ngàn doanh nghiệp, 5,6 triệu hộ kinh doanh, mang lại công ăn việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách đóng góp vào tăng trưởng, …
Theo đúng quy luật phát triển, chúng ta đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp theo chiều rộng, tranh thủ các cơ hội thị trường, thâm dụng tài nguyên và lao động với năng xuất không cao, giá trị gia tăng không lớn. Chúng ta đã phải làm việc cật lực, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” suốt mấy thập kỷ qua để chắt chiu xây dựng cơ đồ. Hầu hết các doanh nhân của chúng ta đã lớn lên từ nông thôn, trong các gia đình nông dân lam lũ.
Dù đã thoát nghèo, nhưng chúng ta chưa trở thành quốc gia giàu có. Số lượng doanh nghiệp trên dân số chưa cao, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế còn hạn chế, thứ hạng Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới vẫn ở mức trung bình. Phát huy tinh thần doanh nghiệp, bắt đầu công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai, nâng cao cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, để vượt lên thực hiện khát vọng đưa đất nước trở lên giàu có, hùng cường đang trở thành mệnh lệnh thôi thúc chúng ta trong hành trình tiếp theo. Doanh nhân Việt Nam, một lần nữa, được Tổ quốc gọi tên mình.
Từ trước đến nay khi nói về khởi nghiệp, chúng ta thường quan niệm đó là việc bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh, việc thành lập một doanh nghiệp mới. Khởi nghiệp không chỉ có nghĩa là như vậy, mà khởi nghiệp cần phải được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả việc đổi mới để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp đang hoạt động. Khởi nghiệp có nghĩa là nghĩ khác đi, làm khác đi và sáng tạo hơn những việc đang làm. Khởi nghiệp không chỉ là tâm thế của các doanh nghiệp mới ra đời mà còn là tâm thế của cả các doanh nghiệp đã có hàng chục, hàng trăm năm phát triển. Khởi nghiệp hay là chết ? Mãi mãi là khởi nghiệp, là con đường của tất cả chúng ta.
Đúng vào lúc chúng ta chủ trương phải thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và nâng cấp doanh nghiệp, thì những khó khăn của nền kinh tế thế giới lại ập tới. Thế giới bước vào giai đoạn bất định, bất ổn, khó lường. Cuộc cách mạng 4.0 với cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh, giảm toàn cầu hoá… diễn ra dồn dập, tạo nên cả động lực và áp lực cho công cuộc khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp ở nước ta. Do các nguồn lực đã bị bào mòn qua hai năm kiên cường chống chịu với đại dịch và tình trạng đứt gẫy của các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp của chúng ta đang rất khó khăn. Các chỉ số kinh tế vĩ mô có vẻ như đang trong “mùa hè”, nhưng doanh nghiệp thì phần lớn đang đang trong “mùa đông” giá lạnh. Cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều suy giảm, chi phí đầu vào cho sản xuất gia tăng, lãi suất cao, tiếp cận nguồn vốn khó khăn, khả năng mất khả năng thanh khoản của nhiều doanh nghiệp là nghiêm trọng. Không ít doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, công ăn việc làm của người lao động không được bảo đảm, đã xuất hiện trở lại dòng người lao động người thiếu việc làm ở đô thị về quê. Doanh nghiệp Việt đang ở một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đổi mới.
Số liệu thống kê cho thấy: tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 ngàn doanh nghiệp tăng hơn 30% so với năm 2021, tuy nhiên cũng có tới 143,2 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 20 % so với năm 2021. Điều đó có nghĩa là cứ có 10 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, thì cũng có tới 7 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Các con số đó đều là lớn nhất từ trước đến nay cho ta thấy một bức tranh kinh tế với hai màu sáng tối. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cho thấy tinh thần khởi nghiệp của người Việt rất cao, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều là chỉ báo môi trường kinh doanh đang bất ổn.
Điều đáng nói ở đây là, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn không chỉ do những nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế thế giới khó khăn, mà còn do những yếu kém nội tại trong cơ cấu của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, và những rào cản về thể chế và thủ tục hành chính của chúng ta. Và trong điều kiện khó khăn thì những yếu kém nội tại này bộc lộ ngày càng rõ.
Quản trị doanh nghiệp đang có vấn đề, cả đối với các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một loạt doanh nhân lớn gặp khó khăn hoặc vướng vào vòng lao lý cho thấy năng lực quản trị của các doanh nghiệp đầu đàn đang có vấn đề và quản lý nhà nước cũng có nhiều lỗ hổng. Thị trường tài chính, thị trường bất động sản ít chuyên nghiệp, thiếu kỷ cương. Pháp luật còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà. Khung thể chế còn lúng túng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các mô hình kinh doanh mới. Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý sợ sai trong các cơ quan công quyền đang trở thành bệnh dịch.
Để mở đường cho làn sóng khởi nghiệp lần thứ hai của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, rất cần phải thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế lần thứ hai trong nền kinh tế.
Chúng ta vui mừng khi đang có những tín hiệu bước đầu về quá trình này. Chúng ta hy vọng luật đất đai và một loạt các văn bản pháp luật có liên quan đang được Quốc hội bàn thảo và thông qua trong các kỳ họp sắp tới sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trong lĩnh vực này. Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được Quốc hội thông qua, dù chưa thể nói là hoàn thiện, nhưng cũng đã góp phần tạo không gian mạch lạc hơn cho những nỗ lực cải cách thể chế và khởi nghiệp trong những năm sắp tới. Dự luật về phát triển công nghiệp đang được khẩn trương chuẩn bị cũng sẽ là bước tiến. Chủ trương phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo …đang được triển khai. Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được điều chỉnh để nâng cấp việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các giải pháp nâng cao nội lực và khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế Việt Nam được chú trọng… Tất cả đang tạo ra một bầu khí quyển mới cho khởi nghiệp ở nước ta.
Chủ trương đối với nhiều vấn đề đã rõ. Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải thể chế hoá và nâng cao năng lực thực thi. Để nâng cao chất lượng thực thi, thì việc đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng là cần thiết, nhưng rất cần song hành với chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo vì lợi ích chung và sử lý trách nhiệm với tình trạng trì trệ, vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm của bộ máy và công chức. Cả xây và chống, cả thưởng và phạt đều phải làm kiên quyết như nhau. Thậm chí xây phải đi trước mở đường cho chống, vì nếu suy cho đến cùng, thì cải cách thể chế sẽ là không gian và nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển ở nước ta.
Đối với các doanh nhân sai phạm, chúng ta hoan nghênh việc xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển vì các doanh nghiệp và các thực thể kinh doanh cũng chính là một loại tài sản quốc gia. Đằng sau sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của doanh nhân Việt, là GDP, là nguồn thu ngân sách, là quyền lợi của các nhà đầu tư, là công ăn việc làm của người lao động và là một viên gạch góp phần dựng xây nền kinh tế tự chủ của chúng ta.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, việc bắt tay ngay vào công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai để chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng chống chịu, theo định hướng phát triển bền vững, bảo đảm hài hoà các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, là sự lựa chọn sống còn. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn, đề cao trách nhiệm xã hội là hệ quy chiếu của các doanh nghiệp thời hiện đại, là giấy thông hành để chúng ta tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng, tiếp cận nguồn cung ứng, tiếp cận nhà đầu tư ... Và chúng ta rất cần lưu ý, nếu như trước đây các yêu cầu đó chủ yếu mới dừng lại ở những nguyên tắc hay khuyến nghị mềm, mang nặng tính chất đạo đức hay văn hoá kinh doanh, còn bây giờ đã được lượng hoá bằng các bộ chỉ số cụ thể có thể cân, đong, đo đếm được, quy định bởi pháp luật, các chuẩn mực quản trị và các hợp đồng thương mại mà các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ. Mà nếu không tuân thủ chúng ta sẽ mất thị trường. Các doanh nghiệp rất cần chú ý tới điều này.
Một định hướng quan trọng nữa của công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai, tôi nghĩ các doanh nghiệp cần chăm chút, đó chính là việc tăng cường nguồn vốn xã hội của mình, chứ không chỉ quan tâm tới nguồn vốn tài chính hay nguồn vốn về nhân lực. Liên kết chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp, ở mọi quy mô, bằng mọi hình thức, chính là một thành tố quan trọng nhất của nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp. Cha ông ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường”, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, muốn có sức mạnh tất yếu phải liên kết lại và nguyên lý “bó đũa” của nền văn minh lúa nước phải là một triết lý nền tảng của cộng đồng kinh doanh. Gần đây, chúng ta đã nói nhiều đến đặc sắc Việt Nam với chiến lược ngoại giao “cây tre” trong chính sách đối ngoại. Và bây giờ, phải chăng chúng ta có thể nói đến một đặc sắc nữa của Việt Nam là chiến lược thương mại “bó đũa”; liên kết doanh nhân Việt trong sự nghiệp khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp, hội nhập và vươn ra thị trường thế giới. Các hiệp hội doanh nghiệp phải đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược này. Hãy bắt đầu chiến lược “bó đũa” trong các ngành xuất khẩu có ưu thế thế hàng đầu của chúng ta là thủy sản, nông sản như: tôm, cá, lúa gạo, cà phê,…Thời gian qua chúng ta xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị gia tăng mà chúng ta thu được không lớn. Cuộc cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp trong “cuộc đua xuống đáy” đã không giúp chúng ta theo đuổi chiến lược nâng cao chất lượng và giá cả hàng nông sản Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nông sản phải liên kết lại để khắc phục cho được tình trạng này. Những tín hiệu bước đầu trong việc chinh phục thị trường thế giới của các thương hiệu gạo đặc sản của Việt Nam gần đây là những thực tiễn quý giá rất cần được nhân rộng.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, nếu doanh nghiệp chúng ta đã từng thất bại trong quá khứ, hay ngay trong hiện tại thì hãy dũng cảm vượt qua sợ hãi để tiếp tục khởi nghiệp bởi thất bại không phải là tội ác, ngược lại thất bại là mẹ đẻ của thành công. Chúng ta đang đối diện với một kỷ nguyên đầy biến động. Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Không ai có thể lường trước được mọi thay đổi của thế giới này. Điều duy nhất chúng ta có thể làm được là nâng cao năng lực thích nghi và chống chịu của chính mình. Tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao năng lực chống chịu sẽ trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của từng doanh nghiệp, của cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Hãy học cách khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão, không thể nào khác được.
TS. Vũ Tiến Lộc