e magazine
28/01/2025 17:07
Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

LÀNG NỦ - NƠI “TẬN CÙNG ĐAU KHỔ” ĐANG ĐƯỢC HỒI SINH, GÁC LẠI NỖI ĐAU QUÁ KHỨ, ĐẢNG ĐƯA “XUÂN” VỀ CHO BÀ CON – XUÂN CỦA TƯƠNG LAI HÒA VỚI XUÂN ĐẤT TRỜI CUỐI NĂM.

Ám ảnh miền rừng

Chỉ một trận lũ quét đã san phẳng một ngôi làng nằm dưới chân núi Voi thuộc huyện Bảo Yên. Làng Nủ - 37 căn hộ chỉ còn lại đúng 2 nóc nhà. Bao năm qua, bà con người Tày vẫn sinh sống yên bình nơi đây. Ngôi làng chưa từng xảy ra thiên tai, lũ lụt. Thế mà, sự kiện xảy ra vào rạng sáng ngày 10/9/2024 đã khiến cho cả làng bỗng chốc gần như trở thành “bình địa”, chôn vùi dưới lớp đất, đá. Tất cả, 158 nhân khẩu chỉ trong chớp mắt không còn chỗ ở…

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

Trước, tôi đặt chân đến Lào Cai bị “ám ảnh” vì vẻ đẹp thơ mộng của miền sơn cước. Giờ, tìm về Làng Nủ viết bài, cảm giác vẫn bị ám ảnh – nhưng đó là ám ảnh của nỗi đau tang thương, mất mát do thiên tai gây ra. Đây là thứ hai tôi nhận được nhiệm vụ vào Làng Nủ viết bài từ người lãnh đạo đứng đầu cơ quan. Lần trước – Tổng Biên tập chỉ đạo tôi vào Làng Nủ để tiện đồng hành cùng với chuyến đi của nhà báo Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Công đoàn lên xã A Lù – huyện Bát Xát để thay mặt cơ quan thực hiện chương trình mang tên: “Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đồng hành chung tay xoá nhà tạm và hỗ trợ nhân dân khắc phục cơn bão số 3”. Cụ thể, là xây nhà cho ông Thào A Tráng tại thôn Séo Phìn Chư. Thời điểm đó, Anh S – một doanh nghiệp ở tỉnh Lào Cai khuyên tôi không nên vào Làng Nủ lúc này. Vì cơn bão vừa đi qua. Tuyến đường bị sạt lở. Các phương tiện không thể lưu thông. Mình có vào đó cũng chỉ trở thành gánh nặng cho các lực lượng chức năng (!). Lần này không chút do dự. Tổng Biên tập vừa chỉ đạo, tôi liền nhận nhiệm vụ ngay để lên đường. Nhìn trên bản đồ tổ quốc, tỉnh Lào Cai trông tựa như con “bướm ngài” xinh đẹp, với nhiều màu sắc sặc sỡ, đang xoè cánh bay trên miền biên viễn – phía Bắc của tổ quốc.

Nếu ví huyện Bảo Thắng và TP. Lào Cai là thân của “con bướm” thì huyện Mường Khương (Điểm cực Bắc) và huyện Bát Xát (Điểm cực Tây) nằm đúng ở vị trí phía trước của hai cánh bướm. Còn vị trí sau cùng của hai cánh bướm chính là điểm cực Đông và điểm cực Nam của tỉnh Lào Cai lại nằm trên hai huyện “Bảo Yên và Văn Bàn”.

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

Hành trình từ Hà Nội lên Lào Cai – ngồi trên xe, tôi lại nhớ đến cách đây hơn mười năm trước. Bấy giờ, tôi đã từng lang thang qua một số các địa danh này, để rồi viết nên tác phẩm phóng sự mang tên “Ám ảnh miền rừng”. Bốn điểm cực: “Đông – Tây – Nam – Bắc” của tỉnh Lào Cai thì có non nửa chặng đường bản thân từng đặt chân đến. Có dạo, từ điểm cực Bắc của huyện Mường Khương tôi trực tiếp “phi xe” sang tận Bắc Hà. Rồi từ đây lại “phi xe” sang tận điểm cực Đông nằm ở thôn Ban Bang, xã Tân Việt, huyện Bảo Yên. Xong tuyệt nhiên, chưa biết đến Làng Nủ. Mãi đến ngày 10/9/2024, khi báo chí đưa tin về trận lũ quét tang thương diễn ra nơi đây - gã nhà báo như tôi mới hay biết.

Trước khi vào Làng Nủ, tôi và cậu em đồng nghiệp – nhà báo Đình Lợi quyết định ngủ lại một đêm ở xã Bảo Hà. Đêm ở vùng cao thật lạnh (!). Bảo Hà - ban đêm không hề có dáng vẻ tĩnh mịch của núi rừng. Bởi, nơi đây được xem là một trong những “thủ phủ” tín ngưỡng văn hoá tâm linh phi vật thể của người Việt – nơi thờ ông Hoàng Bảy.

Khách thập phương hành hương về đây vào ban đêm khá nhiều. Lang thang ở quán xá có thể cảm nhận được vẻ đẹp của ánh đèn hoà quyện với khói sương phiêu bồng, huyền ảo của núi rừng đêm khuya - một loại “đặc sản” khó cưỡng miền sơn cước. Hỏi chuyện về Làng Nủ hầu như ai cũng biết. Cơn bão số 3 Yagi vừa qua – ai cũng khen ngợi Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam minh bạch, khi công khai danh sách những người ủng hộ lũ lụt. Việc làm này vừa tránh khỏi sự nghi ngờ “cắt xén” số tiền ủng hộ từ người dân, vừa đảm bảo các thế lực thù địch không có cớ để xuyên tạc, chống phá Nhà nước.

Người phụ nữ bán hàng thấy chúng tôi trò chuyện thì cũng liền góp vui. Chị này bảo, có bà con xa ở xã Phúc Khánh kể lại rằng: Khoảng 6 giờ sáng ngày 10/09, chỉ một tiếng nổ lớn, cả mảng đất đá khổng lồ từ núi Con Voi trùm xuống, Làng Nủ phút chốc biến thành “bình địa”. Tiếng kêu cứu phát ra từ phía các căn nhà đổ chôn vùi trong đống bùn đất. Có tiếng kêu thảm thiết. Có tiếng kêu yếu ớt. Có người may mắn được bới lên. Có người xấu số bị cuốn trôi theo dòng lũ.

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

Khi lực lượng chức năng chưa kịp đến, ngay trong buổi sáng hôm ấy - những người còn sống ở Làng Nủ đã chủ động “ứng cứu” khi kéo được hơn 20 người ra khỏi đống bùn đất. 17 người được đưa đến điều trị tại bệnh viện. Một số người khác không may tử vong...

Một vị khách nữ khoảng độ năm mươi tuổi liền chen ngang để góp chuyện. Người phụ này rất tự hào khi có người cháu là chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu nạn tại Làng Nủ vừa qua. Theo chị kể: Đường sá sạt lở. Lối đi từ bản làng ra huyện bị chia cắt. Bà con phải cáng bộ người bị nạn để vượt qua những chỗ sạt lở mới có thể ra đến ngã 3 giao với Quốc lộ 70. Từ đây, mới có phương tiện để chở người bị nạn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. Những người chấn thương nhẹ được điều trị ngay tại bệnh viện huyện. Người bị nặng sẽ được chuyển gấp lên tuyến trên. Lúc bấy giờ, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã quyết tâm mở đường để đưa lực lượng, phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn.

Dù sự việc đã kết thúc vài tháng. Nhưng, khi nghe lại những câu chuyện của bà con kể về Làng Nủ, chợt “những thước phim buồn” cứ hiện hữu trong đầu tôi…

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

Khi Đảng đưa “xuân” về…

Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu khởi hành vào Làng Nủ. Trước khi đi, anh Nguyễn Đức Hạnh – Chủ tịch Công đoàn cơ quan có nói với tôi rằng: “Anh đã nhắn tin cho đồng chí Nhiên – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh rồi. Chú vào đó nhờ người ta dẫn đi cho an toàn”. Nhớ đến đó, tôi liền bốc máy gọi điện. Đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Phúc Khánh bảo: “Chị đang đi địa bàn không có ở trụ sở, em cứ vào uỷ ban, chị sẽ bảo người dẫn đi”.

Từ Bảo Hà vào đến UBND xã Phúc Khánh nhìn trên thiết bị định vị chỉ có vài chục km, thế mà phải đánh vật nửa ngày trời với đủ các cung đường ngoằn nghèo. Có đoạn bị sạt lở, chúng tôi phải dừng lại cả tiếng đồng hồ để chờ đội máy móc của Công ty M.Đ rải đá, san gạt xong xuôi mới có thể đi qua. Trong lúc chờ đợi, nhiều bà con thấy chúng tôi sốt ruột thì cười bảo: “Sạt lở là chuyện thường ở miền rừng, không có gì phải vội”.

Có lẽ thấy lâu nên thỉnh thoảng anh Hà – cán bộ văn hoá xã Phúc Khánh lại gọi điện hỏi: “Nhà báo đến đâu rồi?”. Mãi…, xe chúng tôi cũng đặt chân đến cổng uỷ ban xã Phúc Khánh. Thay vì mời vào trụ sở uống nước thì anh Hà bảo: “Mọi người đang đợi trong đó rồi nên chúng ta vào luôn đi”. Nói rồi, không đợi chúng tôi trả lời, vị cán bộ văn hoá xã này liền lấy xe máy phi thẳng – làm “hoa tiêu” dẫn đường...

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

Dọc đường vào Làng Nủ, mỗi khi đến ngã ba hay đoạn đường trơn trượt, anh Hà lại dừng xe, vẫy tay ra tín hiệu nên di chuyển cẩn thận để đảm bảo an toàn. Khi hỏi chuyện về việc Thủ tướng Phạm Minh Chính vào Làng Nủ ngày 12/09 để trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm, cứu nạn có phải ngồi trực thăng không? Thì anh Hà đáp một cách hồn nhiên: “Làm gì có trực thăng, phải cuốc bộ mấy cây số từ bên ngoài vào đấy!”.

Cậu em đồng nghiệp Đình Lợi vội vàng rít điếu thuốc lá hút dở, liền hỏi: “Thế thì vất vả quá anh nhỉ?”. Anh Hà trầm tư đáp: “Cơn bão vừa qua, chỉ vì lo cho dân mà các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương ai cũng khổ cả”. Lúc này, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn… sắn ống quần cao, tay chống gậy, bì bõm lội bùn để thăm bà con vùng lũ trong đợt bão số 3 Yagi vừa qua. Tôi, năm nay vừa mới 34 tuổi - vào Làng Nủ trong tiết trời khô ráo mà còn thấy ái ngại. Giờ, nhớ đến hình ảnh của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đáng tuổi bậc “cha chú” xuống tận hiện trường để chỉ đạo công cuộc tìm kiếm cứu nạn khi cơn bão chưa tan - chợt trong lòng gã nhà báo trẻ như tôi có chút hổ thẹn (!).

Đi mãi rồi cũng tới nơi. Hình ảnh Nhà văn hoá thôn Làng Nủ hiện ra trước mắt. Bấy giờ, ở sân tập trung khá đông người. Ngoài Trưởng thôn Làng Nủ - Hoàng Ngọc Diệp và các công nhân đang hí húi lắp máy bơm nước thì đồng chí Trần Trọng Thông – Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên và một số các lãnh đạo huyện đang đứng thành hình tròn thảo luận với nhau về vấn đề gì đấy (!). Lát sau, đồng chí Hoàng Quốc Bảo – Bí thư huyện Bảo Yên từ chỗ công trình nhà tưởng niệm đang xây dở đi tới. Nhìn qua, ai cũng tỏ ra gấp gáp như muốn công trình nơi đây càng xong sớm ngày nào cho bà con càng tốt ngày đó (!).

Trưởng thôn Làng Nủ - Hoàng Ngọc Diệp vừa vặn xong ống nước thì đứng lên chỉ cho chúng tôi biết, vị trí Làng Nủ bị sạt lở và vị trí Làng Nủ mới - ước chừng cách nhau độ 2km. Khi được hỏi cảm nhận của mình và bà con khi sắp được nhận nhà mới thế nào (!). Vị Trưởng thôn không khỏi xúc động, khi cứ lặp đi lặp lại câu “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ và các nhà hảo tâm”.

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm đồng bào tại dự án tái thiết thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: TTXVN

Những năm tác nghiệp ở các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc – tôi được nghe cụm từ “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ” lặp đi, lặp lại rất nhiều lần từ chính miệng bà con các đồng bào dân tộc. Khi nói đến Đảng: Người Thái ở Sơn La lại lấy hình ảnh Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm tấm gương tự hào của đồng bào mình. Còn Người Tày thì nhớ ngay đến nhà cách mạng, liệt sĩ Hoàng Văn Thụ - người con của đồng bào, kiên cường, bất khuất không chịu đầu hàng kẻ thù, thà chấp nhận hy sinh để hoà “máu thịt” mình với sự phát triển lịch sử của Đảng. Nay, lại nghe câu “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ” từ miệng của Trưởng thôn Làng Nủ, bản thân tôi không còn thấy lạ nhưng vẫn rất xúc động và thiêng liêng (!).

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành dự án tái thiết thôn Làng Nủ; thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng. Ảnh: TTXVN

Giữa buổi trưa, có vài chiếc ô tô mang biển xanh đi tới. Phần lớn đều là các cán bộ lãnh đạo thuộc diện Thường trực tỉnh uỷ Lào Cai. Nếu tôi không phải là người làm báo có khi nhầm lẫn những vị này là chủ xây dựng đi thăm công trình. Bởi, khi Bí thư tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường và các lãnh đạo khác của tỉnh bước xuống xe không hề có “màn giới thiệu” chào đón. Mọi công nhân ở đây vẫn làm việc bình thường. Bí thư tỉnh Lào Cai không đi về phía sân nhà văn hoá thôn nơi mọi người đang trao đổi mà tiến thẳng đến hạng mục công trình Nhà tưởng niệm những người bị nạn Làng Nủ đang được xây dở.

Hôm nay, nhìn thấy Bí thư tỉnh uỷ Lào Cai, tôi lại nhớ đến sự kiện sáng ngày 11/9/2014. Hôm đó, hình ảnh ướt át, dính đầy bùn đất của vị Bí thư tỉnh uỷ này và Trung tướng Phạm Hồng Chương – Tư lệnh Quân khu 2 khi trực tiếp chỉ huy đồng cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường được đăng tải tràn ngập trên hàng loạt các tờ báo…

Bấy giờ, nhà văn hóa Làng Nủ trở thành nơi đặt Sở chỉ huy cứu hộ, cứu nạn. Hơn 300 chiến sỹ từ Quân khu 2 được điều động để trợ giúp. 100 chiến sĩ được phân đi tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào. 200 chiến sĩ còn lại trực tiếp tìm kiếm tại khu vực sạt lở. Các lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh ngoài việc hỗ trợ tham gia tìm kiếm, còn lại dẫn đường và cung cấp thông tin…

Nay, khi ông quay trở lại nhà văn hoá Thôn Nủ, gã nhà báo như tôi trực tiếp nhìn thấy vị Bí thư tỉnh uỷ Lào Cai không còn bị ướt át, lấm lem bùn đất do mưa bão như đợt trước, nhưng phong cách ăn mặc của ông vẫn rất giản dị với “đôi giày thể thao - quần đen - áo gió”. Sau này, khi quay trở về Hà Nội. Ngồi hồi tưởng lại những ngày ở lại đây ghi chép thông tin để viết bài phóng sự này, thì hình ảnh cứ hiện lên trong đầu tôi không phải phong cách ăn mặc giản dị của ông, mà là hình ảnh ông cứ lặng người, đứng nhìn tấm bia tưởng niệm chưa được ghi tên những nạn nhân xấu số của Làng Nủ lên đó – Chẳng biết, vị Bí thư tỉnh uỷ này đang nghĩ gì (!).

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh, hiện vật và gặp người dân có người thân thiệt mạng trong trận lũ quét tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ. Ảnh: TTXVN

Tại khu vực Kho Vàng, việc thi công xây dựng nhà ở Khu tái thiết dân cư được diễn ra cấp tốc. Chỉ trong vài phút trao đổi thông tin với Anh Tr. – chủ thi công xây dựng mà điện thoại anh cứ reo hết cuộc này đến cuộc khác. Có lẽ ái ngại nên anh bảo: “Nhà báo thông cảm, đồng chí Bí thư tỉnh uỷ dặn phải đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao nhà cho bà con vào ngày 15/12 nên rất nhiều việc cần trao đổi gấp”.

Thực tế, việc xây dựng các ngôi nhà ở đây không hề đơn giản. Để có được mặt bằng triển khai công tác xây dựng, các đơn vị thi công phải san lấp 3 quả đồi. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe tải phải len lỏi qua những con đường nhỏ hẹp, ngoằn nghèo, để đưa vật liệu xây dựng đến chỗ thi công. Nhiều hôm, xe tải và máy móc bị sa lầy cả tiếng đồng hồ do những trận mưa gây ra. Dù vất vả là vậy, nhưng mỗi lần nhớ đến câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trước đồng bào cả nước rằng: “Không để ai bị bỏ lọt phía sau; Không để ai không có nhà cửa…”… thì bản thân anh Tr. và đội ngũ công nhân không dám nghỉ ngơi, lơ là công việc (!)

Việc thi công xây dựng Khu tái thiết dân cư Làng Nủ do Binh đoàn 12 thực hiện cũng gặp khó khăn không kém. Thế nhưng ở đây, công nhân ai làm việc nấy, không khí trầm tĩnh tựa như không có tiếng người, chỉ có tiếng máy móc kêu inh ỏi. Thế mà phần việc cứ trơn tru - nhanh một cách lạ thường. Chẳng ai nghĩ được rằng, chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi – trên những quả đồi chót vót ấy lại xuất hiện một Làng Nủ mới với những căn nhà đẹp đẽ và kiên cố. Giờ, tôi mới nhớ đến câu nói của Đại tướng Phan Văn Giang: “Cái gì khó quá cứ giao cho quân đội”.

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

Khi tổ chức Lễ khánh thành Dự án Tái thiết Khu dân cư: “Thôn Làng Nủ; thôn Nậm Tông; thôn Kho Vàng” vào ngày 22/12/2024 - Đại tướng Phan Văn Giang cũng có mặt tham dự. Hôm đó, trên khuôn mặt ông luôn nở nụ cười. Có lẽ, đó là nụ cười tự hào về các chiến sĩ của Binh đoàn 12 – Bộ Quốc phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó - mà ông, lại là vị Chỉ huy đứng đầu. Nhưng vui nhất, có lẽ phải kể đến Thủ tướng Phạm Minh Chính. Khuôn mặt u buồn, và những tiếng nấc nghẹn ngào của Thủ tướng khi chứng kiến cảnh tang thương đợt trước vào Làng Nủ đã không còn. Hôm này, khuôn mặt Thủ tướng thật rạng ngời. Tiếng cười nói của người đứng đầu Chính phủ với bà con cứ kéo dài suốt buổi Lễ khánh thành…

Chiều, vùng cao trở tối mau. Khói sương bay lãng đãng trên các nóc nhà, trên các bậu cửa sổ. Sương trắng trôi bàng bạc như muốn buông chùng cây cối, làm tối cả không gian. Thế nhưng, những lá cờ Tổ quốc cắm dọc hai bên đường ở Khu tái thiết dân cư Làng Nủ cứ bay phất phới như muốn đuổi đi bóng tối của khói sương vùng cao. Màu đỏ của lá cờ, màu vàng của ngôi sao 5 cánh làm sáng rực cả bản làng.

Phóng tầm mắt ra xa, “các bà, các mế” đang đang bận bịu tiếp đón khách gần – khách xa đến chúc mừng Lễ khánh thành Khu dân cư. Có người thì lấy việc chăm sóc những khóm hoa vừa mới được trồng lên làm niềm vui. Mấy cháu nhỏ cũng đang chạy nhảy, cười đùa với nhau tíu tít.

Lạ thay: “tất cả, chẳng ai thấy lạnh cả” (!)

Đảng đưa “xuân” về nơi tận cùng đau khổ

Nội dung: Nguyễn Xuân Hoàng

Đồ hoạ: Trang Anh

Trang Anh