|
NĂM 2024, ĐÁNH DẤU SỰ TRỞ VỀ CỦA PIANIST NGUYỄN VIỆT TRUNG VỚI NHỮNG ĐÊM DIỄN VÔ CÙNG ẤN TƯỢNG. ĐẶC BIỆT, TRONG 2 ĐÊM 8 VÀ 9/12, CÔNG CHÚNG ĐÃ CÓ NHỮNG TRẢI NGHIỆM NGHỆ THUẬT TRỌN VẸN VỚI “CHOPIN: HUYỀN DIỆU DƯƠNG CẦM” VÀ “ÂM VANG HUYỀN THOẠI” (ECHOES OF GENIUS: AN EVENING WITH BEETHOVEN, MOZART & BRAHMS), QUA TIẾNG ĐÀN TUYỆT ĐẸP CỦA NGUYỄN VIỆT TRUNG VÀ ERIC LU CÙNG DÀN NHẠC GIAO HƯỞNG MẶT TRỜI, DƯỚI ĐŨA CHỈ HUY CỦA GIÁM ĐỐC ÂM NHẠC - NHẠC TRƯỞNG OLIVIER OCHANINE.
Biết Nguyễn Việt Trung từ tiếng vang khi đạt giải thưởng đầu tiên năm lên 9 tuổi, theo dõi bước đi của Trung trong sự nghiệp, tôi càng nể phục bởi sự tự tin, chững chạc trong cả phong cách, suy nghĩ và những định hướng tương lai.
Với “Chopin: Huyền diệu Dương cầm”, khán giả được thưởng thức trọn vẹn 2 bản Concerto Chopin. Pianist Nguyễn Việt Trung với “Concerto số 1 cung Mi thứ, Op.11”. Tác phẩm gồm ba chương, mỗi chương mang một sắc thái riêng biệt, thể hiện tinh thần âm nhạc độc đáo của Chopin. Chương I “Allegro maestoso (Mi thứ)” với phần mở đầu do dàn nhạc đảm nhiệm, tạo nên không khí mạnh mẽ và chắc chắn. Khi âm nhạc lắng xuống, nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung xuất hiện với phần độc tấu nổi bật. Bàn tay lướt trên phím đàn, Nguyễn Việt Trung đã thổi hồn mình và truyền đến khán giả một xúc cảm thật đặc biệt. Ở đó, những âm thanh vang lên lấp lánh, thanh thoát, dạt dào cảm xúc nhưng cũng cho thấy Nguyễn Việt Trung đã làm chủ được kỹ thuật để có thể thả hồn “phiêu” cùng những cung bậc của cảm xúc, nét đặc trưng trong âm nhạc Chopin. Người nghe dễ dàng đắm chìm vào không gian lãng mạn, đầy cảm xúc, nhưng cũng thật tinh tế của chương II. Chương III “Rondo - Vivace (Mi trưởng)” lấy cảm hứng từ điệu nhảy dân gian Krakoviak mang tinh thần sôi động và tràn đầy năng lượng. Đây là sự phối hợp hoàn hảo giữa phần độc tấu phô diễn kỹ thuật điêu luyện của pianist và các sắc thái dí dỏm, vui tươi của dàn nhạc.
Quả thực, nghe Trung chơi Chopin, có lúc tôi như muốn cất lên tiếng hát, nhưng cũng có lúc tôi bị cuốn vào dòng chảy của thanh âm thánh thoát, ma mị như bị thôi miên, đôi lúc làm trái tim tôi thổn thức, cảm xúc rưng rưng, vỡ òa. Nguyễn Việt Trung đã truyền tải trọn vẹn chất trữ tình, tinh tế trong âm nhạc của Chopin qua những giai điệu mềm mại. quyến rũ, tinh tế và sang trọng. Tiếng đàn của Trung không chỉ cho thấy học thuật, sự khéo léo trong kỹ thuật mà còn thấm đẫm cảm xúc, chạm đến trái tim người nghe.
Đặc biệt, với hệ thống âm thanh tuyệt vời của Nhà hát Hồ Gươm, từng nốt nhạc của cây đàn dương cầm trở nên trong trẻo và rõ nét hơn bao giờ hết. Chính sự hòa quyện giữa tài năng nghệ sĩ và chất lượng không gian biểu diễn đã làm cho âm nhạc của Chopin vang lên giữa lòng Thủ đô thật tinh tế, sâu lắng và đầy sức lay động.
|
Nói về âm nhạc của Chopin. Trung tâm sự: “Tôi tiếp xúc với âm nhạc Chopin từ nhỏ nên có nhiều thuận lợi. Âm nhạc của ông đậm chất tính trữ tình, chất thơ và tôi nghĩ đó cũng là điểm mạnh của tôi khi chơi các tác phẩm của Chopin. Tôi nghĩ, chơi nhạc Chopin đòi hỏi sự uyển chuyển của cổ tay nhiều hơn. Khi làm chủ được kỹ thuật thì cũng là lúc mình được giải phóng suy nghĩ và chỉ thả hồn bay bổng theo dòng cảm xúc tuôn chảy trong âm nhạc. Tôi thích ánh sáng trong âm nhạc, nó có tầng nấc, biên độ khác nhau, thứ ánh sáng mê hoặc ấy đã dẫn dắt tôi đi theo mạch chảy thanh âm của tác phẩm. Lắng nghe âm thanh để hiểu và cảm nhận được màu của âm thanh, độ tương phản của sáng - tối và ở mỗi khoảng sáng khác nhau, tiếng đàn phải thể hiện được điều đó, rồi cả sự đậm đặc, trầm ở tầng sâu dưới lòng đất, âm sắc cũng sẽ khác với bóng tối đơn thuần. Tôi tìm ra nguyên lý sáng tạo trong từng đoạn nhạc để có thể diễn đạt cảm xúc một cách tinh tế và cũng rất “sexy”. Một điểm tôi cũng rất thích trong tác phẩm của Chopin chính là tính chất ngẫu hứng trong âm nhạc”.
Trong đêm “Chopin: Huyền diệu Dương cầm”, công chúng còn được thưởng thức tiếng đàn của pianist Eric Lu qua tác phẩm “Concerto số 2 cung Fa thứ, Op.21” của Chopin. Eric Lu cũng đã không giấu được niềm phấn khích khi chia sẻ về cơ hội trở lại Việt Nam biểu diễn sau 5 năm và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Đặc biệt, lần này còn ý nghĩa hơn khi biểu diễn cùng người bạn thân thiết là Nguyễn Việt Trung: “Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời mà Eric Lu sẽ mãi ghi nhớ!” - Eric Lu tâm sự.
Eric Lu và Nguyễn Việt Trung mang trong mình ngọn lửa đam mê mãnh liệt và khát vọng vươn tới những đỉnh cao trong lĩnh vực biểu diễn piano trên thế giới. Sự hòa hợp của hai nghệ sĩ không chỉ xuất phát từ tài năng cá nhân mà còn từ tình bạn thân thiết ngoài đời thường. Họ chia sẻ nhiều điểm chung, từ sự gắn bó với âm nhạc đến việc cùng truyền cảm hứng cho nhau trong học tập. Lối chơi của họ thể hiện rõ cá tính âm nhạc của từng người, nhưng cũng cho thấy sự đồng điệu, mang lại những màn trình diễn đỉnh cao, đầy cảm xúc cho khán giả.
|
Điểm nhấn của đêm nhạc “Âm vang huyền thoại” (Echoes of Genius: An Evening with Beethoven, Mozart & Brahms) trong đêm diễn thứ hai, chính là sự cùng xuất hiện của Eric Lu và Nguyễn Việt Trung trong tác phẩm đặc biệt.
TS. Nguyễn Văn Thân (bên trái) tặng hoa cho Giám đốc âm nhạc - Nhạc trưởng Olivier Ochanine |
Concerto số 10, K365 cho hai đàn piano của Mozart. Bản Concerto duy nhất này được viết ở Salzburg vào những năm cuối thập niên 1770. Concerto số 10 K365 không chỉ thể hiện tài năng sáng tác của Mozart mà còn là một minh chứng cho sự phát triển của thể loại Concerto trong thời kỳ Baroque và cổ điển. Những lời tán dương không ngớt dành cho hai pianist Nguyễn Việt Trung và Eric Lu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, dưới đũa chỉ huy của Giám đốc âm nhạc / Nhạc trưởng Olivier với màn trình diễn đầy cảm xúc, tinh tế, sang trọng.
|
Như chúng ta đã biết, Wolfgang Amadeus Mozart được biết đến là Nhà soạn nhạc với những tác phẩm tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và phong cách của âm nhạc thời kỳ cổ điển, cấu trúc rõ ràng, cân đối với tính chất âm nhạc trong sáng, giai điệu mượt mà, hòa âm phong phú. Khán giả bị hút vào từng đường tuyến giai điệu trong âm nhạc Mozart qua đôi bàn tay tài hoa, làm chủ kỹ thuật của các nghệ sĩ, khiến khán giả George Laurent (Mỹ) phát thốt lên rằng: “Thật khó diễn tả bằng lời! Đó là một trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời đối với tôi. Các nghệ sĩ như đang kể một câu chuyện và tôi thấy mình bị cuốn vào câu chuyện ấy qua từng nốt nhạc. Tôi không chỉ cảm nhận được sự hòa quyện tinh tế giữa hai nghệ sĩ, mà còn thấy rõ sự kết nối chặt chẽ giữa họ với Dàn nhạc bởi Nhạc trưởng tài ba. Họ đối thoại
với nhau bằng ngôn ngữ âm nhạc, tạo nên một không gian đầy mê hoặc. Cảm giác ấy thật đặc biệt, như thể Mozart đã viết nên tác phẩm này để dành riêng cho họ trình diễn trong khoảnh khắc tuyệt diệu này”.
Những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả chính là minh chứng rõ nét nhất cho thành công rực rỡ của đêm diễn.
Hai đêm hòa nhạc quả là huyền diệu và âm vang của nó còn để lại dư âm đẹp trong lòng công chúng, đúng như tên gọi của chương trình. Âm nhạc là sợi dây kết nối con người với con người, gắn kết giữa các thế hệ, không phân biệt màu da, sắc tộc. Âm nhạc là sự giao hòa của cảm xúc giữa âm và dương, nối trời và đất; là thanh âm của thời gian, nối quá khứ và hiện tại…. Với sự dẫn dắt của Giám đốc âm nhạc, Nhạc trưởng Olivier Ochanine cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, sự thăng hoa của các nghệ sĩ trên sân khấu mang đến cho khán giả những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt không dễ gì có được trong những ngày đầu đông tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, nơi hội tụ những tinh hoa âm nhạc thế giới và Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, để có thể tổ chức 2 đêm diễn với gần 100 nghệ sĩ trên sân khấu là một nỗ lực không nhỏ của Ban Vận động Hội Nhạc cổ điển Việt Nam; Sự đồng hành của Nhà hát Hồ Gươm; Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời và cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Trưởng Ban vận động Nguyễn Việt Trung, Eric Lu cùng gia đình và BTC sau đêm diễn đồng thời là Trưởng ban Tổ chức, cùng sự góp sức của các nhà tài trợ: Tập đoàn Taekwang; Tập đoàn Hòa Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Tập đoàn T&T Group; Tập đoàn GFS.
“ÂM NHẠC NGUỒN CẢM HỨNG BẤT TẬN TRONG TÔI”
|
Sinh năm 1996 tại Hà Nội, Nguyễn Việt Trung theo gia đình sang Ba Lan sinh sống khi chưa đầy 1 tuổi và theo học Pinao chuyên nghiệp từ khi mới 7 tuổi. Sau nhiều thành công của những giải thưởng cấp Quốc gia ở Ba Lan, năm 2006, Trung tiếp tục đạt Giải “Nốt nhạc vàng”, thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc (Ba Lan); Giải 4 cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni, Ba Lan; Giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski - Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan (2008); Giải Nhì cuộc thi Chopin quốc tế dành cho tài năng trẻ (2010); Năm 2021, anh tham dự Cuộc thi Piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18 tại Warsaw và Giải Nhất tại Liên hoan Piano toàn quốc “Chopin’s Interpretations of the Young”.
Là soloist trẻ tuổi, Nguyễn Việt Trung được mời biểu diễn cùng: Dàn nhạc Giao hưởng Podkarpackie, Warsaw Symphony Orchestra, Polish Radio Symphony Orchestra, Lublin Philharmonic, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời…, dưới đũa chỉ huy của Nhạc trưởng Honna Tetsuji, Olivier Ochanine, Łukasz Borowicz và Lê Phi Phi. Vinh dự có mặt ở nhiều sân khấu danh giá trên thế giới như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Singapore, Đan Mạch, Nga, Hungary, Ba Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, hợp tác cùng các nhóm tứ tấu và ngũ tấu nổi tiếng như Ulysses Quartet, Arod Quartet, và Arso Quintet. Sở hữu phong cách biểu đạt đầy nội tâm và sáng tạo, Nguyễn Việt Trung chinh phục khán giả bằng khả năng truyền tải cảm xúc tinh tế, sâu sắc và mãnh liệt qua từng phím đàn cũng như biểu cảm gương mặt. Đây cũng là lý do anh nhận được sự ái mộ của khán giả trong nước và quốc tế.
Nguyễn Việt Trung chơi tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc và ở mỗi tác giả, Trung đều tìm ra cho mình một cách tiếp cận riêng và một phong cách biểu đạt tác phẩm khác biệt. Tuy nhiên, với Trung, âm nhạc Chopin dường như thấm vào từng mạch máu chảy trong huyết quản khiến Trung như bị mê đắm mà không thể dứt ra được.
Nguyễn Việt Trung cho biết: “Âm nhạc của Chopin đến với tôi rất tự nhiên bởi tôi sống và học tập tại Ba Lan. Từ lúc 5 tuổi, mẹ tôi đã mua băng đĩa của Chopin và cho tôi nghe mỗi đêm. Khi theo học tại trường nhạc, trong mỗi buổi thi hoặc buổi biểu diễn, nhà trường cũng như khán giả luôn mong muốn chúng tôi trình diễn những tác phẩm của Chopin. Khi trưởng thành hơn, tôi tìm hiểu và nghiên cứu về cuộc đời của ông cũng như hoàn cảnh xã hội những năm 1840. Bởi vậy, âm nhạc của Chopin ảnh hưởng khá nhiều đến tôi và gia đình. Đôi lúc tôi và mẹ cũng chia sẻ thử tạm dừng chơi nhạc Chopin để tìm những cảm hứng mới trong nghệ thuật, nhưng âm nhạc của Chopin đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Dấu ấn để tôi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chính là khi tôi 12 tuổi. Biểu diễn song, tôi nhìn thấy những giọt long lanh trên khóe mắt của khán giả và họ đã nói với tôi rằng: ‘Họ như thấy Ba Lan là đây, Chopin ở đây’ và đó là động lực để tôi quyết đình theo đuổi sự nghiệp âm nhạc vì tôi nghĩ cảm xúc và những rung động ấy chỉ có thể có trong âm nhạc”.
Hành trình trong chuyến trở về lần này, Nguyễn Việt Trung không chỉ thăng hoa trong 2 đêm diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời mà còn xuất hiện trong Hòa nhạc Kỷ niệm 40 năm Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; lên lớp Master Class cho học sinh, sinh viên của Khoa Piano - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Mỗi chuyến lưu diễn quốc tế, mỗi lần trở về sẽ góp thêm vào hành trình sáng tạo của Pianist Nguyễn Việt Trung những trải nghiệm tuyệt vời để chia vui cùng khán giả.
NGUYỄN VIỆT TRUNG VINH DỰ CÓ MẶT Ở NHIỀU SÂN KHẤU DANH GIÁ TRÊN THẾ GIỚI NHƯ: ĐỨC, PHÁP, TÂY BAN NHA, Ý, ANH, SINGAPORE, ĐAN MẠCH, NGA, HUNGARY, BA LAN, MỸ, HÀN QUỐC, NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM... |
Nội dung và ảnh: Trần Lệ Chiến
Đồ họa: Trang Anh