Mới đây, Sky Mavis - nhà phát triển tựa game nổi tiếng Axie Infinity huy động thành công số tiền 150 triệu USD trong vòng gọi vốn series B. Axie Infinity cũng là dự án blockchain có giá trị lớn nhất của người Việt từ trước đến nay. Ở vòng huy động vốn lần này, Sky Mavis được định giá lên tới 3 tỷ USD. Hiện công ty có khoảng 40 nhân viên với 80% là người Việt, 3 trong tổng số 5 founder của dự án cũng là người Việt Nam. Sự thành công của Sky Mavis được đánh giá là đã tạo ra động lực lớn cho giới khởi nghiệp tại Việt Nam, song nếu nhìn rộng ra ngoài tin vui này thì dường như  thị trường vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup của Việt Nam vẫn còn khá ảm đạm.

Theo dữ liệu mới được công bố từ Cento Venture, trong nửa đầu năm 2021, lượng vốn mạo hiểm vào Việt Nam đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái,  mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua,  điều này cũng đã cho thấy rõ tác động của đại dịch Covid-19.

Nửa đầu năm 2021, các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ thu hút  khoảng 130 triệu USD tiền đầu tư, chiếm 3% trong cơ cấu giá trị vốn của 6 nước Đông Nam Á được Cento Venture nghiên cứu (trong đó bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines). Con số này đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2019 khi Việt Nam có thời điểm chiếm hơn 30% giá trị vốn. Giới đầu tư nhận định rằng, đợt bùng phát dịch thứ 4 từ đầu quý 2 đã gây ra ảnh hưởng rất lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đánh giá: “Đợt tái bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, các startup tăng trưởng chậm lại do các chính sách nghiêm ngặt về giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh của chính phủ cũng như sự thận trọng hơn trong tâm lý tiêu dùng của người dân. Các lĩnh vực bao gồm bán lẻ, tiêu dùng cá nhân, du lịch, hàng không, … bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước tình hình này, đa số các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần sẽ cẩn trọng hơn trong quyết định đầu tư của mình”.

Đây là xu hướng chung của không chỉ của Việt Nam mà của cả các nước khu vực Đông Nam Á nói chung dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo nghiên cứu, tổng giá trị các thương vụ có giá trị lớn trên 100 triệu USD tại Đông Nam Á cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Cento Venture đã cho rằng: “Có nhiều thương vụ đầu tư lớn bị trì hoãn trong nửa đầu năm nay cũng gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam”.

Cũng chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Bùi Thanh Đô,  thành viên sáng lập kiêm giám đốc điều hành ThinkZone Venture (công ty đầu tư vốn ở Việt Nam chuyên đầu tư vào những nhà sáng lập đầy tham vọng và giúp họ có thể mở rộng quy mô khởi nghiệp trong khu vực) cho biết: “Nửa đầu năm 2021, Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh nhiều biến động về kinh tế xã hội đó, nhà đầu tư thường có xu hướng theo dõi các startup, theo dõi cách các nhà sáng lập điều hành công ty vượt qua những khó khăn”.

Giống như mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế, startup dường như cũng đang phải gánh chịu những tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nào xác nhận được trong số doanh nghiệp bị buộc phải ngừng hoạt động có bao nhiêu startup nhưng thực trạng đặt ra một loạt thách thức trong việc giúp startup tồn tại và phát triển trong đại dịch.

 

Mặc dù Covid-19 đã khiến không ít startup rơi vào khó khăn khủng hoảng nhưng có một điểm sáng là số lượng thương vụ đầu tư tại khu vực lại có xu hướng tăng nhẹ, cho thấy các startup đang ở vòng vốn nhỏ vẫn được các nhà đầu tư trong nước rót vốn, điều này tạo động lực tăng trưởng cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn tiếp theo.

Trong bối cảnh này, đây cũng là cơ hội để các quỹ đầu tư nội địa tham gia sâu vào thị trường đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, là cơ hội để huy động nguồn lực không chỉ từ khối quỹ đầu tư, mà còn từ khối cá nhân, hay còn gọi là các nhà đầu tư thiên thần và khối doanh nghiệp. 

Trong thời điểm đại dịch khiến việc tiếp xúc với các quỹ đầu tư nước ngoài trở nên khó khăn bởi các lệnh đóng cửa biên giới, thì lúc này vai trò của các quỹ nội địa trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Giới đầu tư nhận định, khi các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể đến được Việt Nam thì lúc này sẽ có 2 giải pháp, hoặc là chốt thương vụ online, hoặc phối hợp với với đơn vị nội địa. Đây là một cơ hội có một không hai cho cả các quỹ nội địa để họ có thể có một vai trò chủ đạo, chủ chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Nhận xét về xu hướng này, ông Quất cho biết: “Việc giảm áp lực cạnh tranh với các quỹ đầu tư nước ngoài giúp các quỹ nội địa có cơ hội được tiếp cận với nhiều startup có chất lượng hơn. Hiện tại, số lượng các quỹ đầu tư mới thành lập tại Việt Nam có xu hướng tăng, nhiều quỹ đầu tư nội địa được thành lập mới để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các startup ở giai đoạn ươm mầm, hay một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng tự thành lập những quỹ riêng để đầu tư hoặc tiến hành mua bán/sáp nhập đối với các startup Việt”

Minh chúng kể đến là nhiều thương vụ doanh nghiệp Việt đầu tư cho các startup trong nước đã được diễn ra Trong đó có thể kể đến như thương vụ như FPT chính thức công bố đầu tư vào Base.vn - một startup về nền tảng quản trị doanh nghiệp, thỏa thuận giúp FPT chiếm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp này; hay MoMo đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique - công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp số. Đây là những xu hướng tích cực của thị trường và có thể thấy sự ra đời của các quỹ nội và sự tham gia của những công ty thành công như Momo hay FPT đã tạo đà rất lớn cho sự bùng nổ các startup trên thị trường, đồng thời dịch chuyển sự cân bằng về nguồn vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Bùi Thanh Đô đánh giá: “Quỹ đầu tư nội địa thường linh hoạt hơn trong việc giải ngân cho các startup cả về thời gian cũng như phương thức giải ngân. Điều này đã thể hiện ưu thế trong thời gian qua, giữa bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến khó đoán ở Việt Nam. Bên cạnh những hỗ trợ về tài chính, quỹ nội còn có kiến thức và chuyên môn về thị trường trong nước cũng như có mạng lưới các đối tác tập đoàn, công ty trong nước để kết nối, hỗ trợ startup trong quá trình phát triển công ty của mình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các startup trong giai đoạn ban đầu phát triển”.

Cũng theo dữ liệu từ Cento Venture, lũy kế từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia có doanh nghiệp mua lại nhiều startup nhất trong khu vực. Xu hướng nguồn vốn mạo hiểm trong nước đang thu hẹp khoảng cách với nguồn vốn ngoại được kỳ vọng giúp startup tiếp tục phát triển trong bối cảnh phục hồi kinh tế

Tuy đại dịch Covid-19 khiến lượng vốn mạo hiểu vào Việt Nam có xu hướng giảm trong nửa đầu năm nhưng theo ông Đô, sự sụt giảm này không thể hiện xu hướng giảm của thị trường mà chỉ là sự sụt giảm ngắn hạn do yếu tố khách quan. Ông đánh giá Việt Nam vẫn là một thị trường đầu tư mạo hiểm thu hút được rất nhiều sự chú ý của cả những nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước.

“Các startup Việt đã thể hiện khả năng thích ứng và phát triển trong thời gian qua rất tốt, đó cũng là lý do tôi tin tưởng rằng trong thời gian còn lại của năm nay sẽ còn nhiều thương vụ đầu tư với quy mô lớn được công bố”, ông Đô nhận định.

 

Mặc dù bối cảnh đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng không thể tránh khỏi do đại dịch Covid-19, các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.

“Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn đối với các startup, tuy nhiên, Covid-19 cũng đem đến cơ hội lớn dành cho các startup, thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn rất nhiều, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quản lý doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến startup mà ThinkZone đã đầu tư là Educa – công ty cung cấp các khóa học tiếng Anh trực tuyến cho trẻ em, Educa đã có những tăng trưởng vô cùng ấn tượng về doanh thu và người dùng trong 6 tháng đầu năm nay. Hành vi người dùng đã có những chuyển biến rất tích cực và có lợi cho startup. Các startup Việt cần nhanh chóng bắt lấy cơ hội này để phát triển và tăng trưởng. Đồng thời, các startup cũng cần giữ được những sự linh hoạt nhất định về việc triển khai và phát triển sản phẩm, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi trên thị trường”, Ông Bùi Thanh Đô nhận định.

Tuy có sự chậm lại, nhiều nhà đầu tư vẫn dự đoán rằng hậu đại dịch, với nhiều yếu tố hấp dẫn, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam sẽ tăng trở lại trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, các quỹ đầu tư cũng gặp phải một số rào cản khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Từ góc độ là một nhà đầu tư nước ngoài, ông Ted Kim, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và quản trị KIMC đến từ Hàn Quốc chia sẻ với Tạp chí Doanh Nghiệp và Hội nhâp rằng: “Hiện yếu tố được đánh giá là khá khó khăn khi tham gia vào thị trường Việt Nam là các quy định. Trong thời kì hậu Covid-19, dự kiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy đầu tư hơn, lúc này tôi hy vọng Chính phủ sẽ nới lỏng quy định để tạo động lực cho các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào doanh nghiệp Việt”.

Ông nói thêm: “Ở Việt Nam thì thương mai điện tử và fintech phải tuân thủ các quy định của chính phủ, nhưng tại Hàn Quốc thì Chính phủ cấp phép, tất cả mọi người đều có thể thúc đẩy các lĩnh vực đó, có thể cho là khá thoải mái trong quy định, điều này tạo điều kiện cho đầu tư tự do hoạt động. Còn tôi nghĩ tại Việt Nam, nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã bị bỏ lỡ bởi các quy tắc kiểm soát khá chặt chẽ. Việt Nam có thể đặt các quy tắc sang một bên hay nói cách khác là hi sinh sự tự do để mở cửa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo Cento Venture, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh nhất ASEAN. Đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ hội không chỉ cho các startup Việt trong thời gian tới khi thích ứng được với bối cảnh mới, mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế nói chung tạo ra những đột phá trong tương lai.

“Giai đoạn 2021-2023 là thời điểm bùng nổ các cuộc đổi mới và chúng ta cần phải sẵn sàng cho bất kì tình huống nào cũng như đề ra các phương án để có thể vượt qua khó khăn. Nếu thành lập quỹ mới tại Việt Nam trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được những thay đổi trên”, ông Ted Kim nhận định.

ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ: "Với việc huy động các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đề xuất cấp có thẩm quyển sớm ban hành những chính sách khuyến khích trực tiếp hơn nữa như: khai thác nguồn lực từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cho đầu tư mạo hiểm, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thiên thần, sàn trao đổi vốn cổ phần cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ưu đãi trong mua sắm sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong mua sắm công, …; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp từ khai thác tài sản trí tuệ tại khu vực viện, trường; xây dựng và phát triển các nền tảng đổi mới sáng tạo mở; phát triển các mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi kỳ vọng những cơ chế, chính sách này sẽ mở rộng, tạo ra môi trường thuận lợi để hoạt động đầu tư mạo hiểm, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, và hoạt động đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp sẽ được phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế xã hội nói chung, và cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói riêng".

Bảo Trinh