|
Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao nỗ lực của Đảng, Nhà nước và tỉnh nhà trong việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “rào cản” được các doanh nghiệp đưa ra đòi hỏi phải sớm khắc phục để tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng hơn.
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói:
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang diễn ra vấn đề mất cân đối giữa giá, nguồn cung - cầu vật liệu xây dựng. Nguyên nhân chính được xác định là do chênh lệch giữa bảng giá thông báo của tỉnh so với giá thực tế. Mặt khác, việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng tại các mỏ có trữ lượng cấp ra còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên vật liệu, không đáp ứng đủ cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trong thời gian dự án đang diện rà soát, ông Cao Tiến Đoan đưa ra những bất cập: Doanh nghiệp bị coi là nợ đọng tiền đất, nhưng trên thực tế dự án đang được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan rà soát pháp lý, nên việc giao đất cho doanh nghiệp không thể tiến hành. Song, cơ quan thuế vẫn tiếp tục áp dụng thu tiền sử dụng đất, vẫn treo nợ, phạt chậm nộp tiền đất, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục chịu nợ đọng tiền đất trong thời gian dự án đang rà soát. Điều này gây khó khăn, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nhiệp và các nhà đầu tư.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, việc thành lập doanh nghiệp mới tại địa phương mới chỉ đảm bảo về số lượng chứ chưa mang lại hiệu quả về chất lượng. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 38 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng chỉ có 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động có phát sinh doanh thu. Như vậy, còn 17 nghìn doanh nghiệp đã thành lập nhưng không phát sinh doanh thu. Nghĩa là thành lập doanh nghiệp mới nhưng không hoạt động. Câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp thành lập tăng nhiều, nhưng không hoạt động là do doanh nghiệp chưa tiếp cận được thị trường, chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh hay do thành lập doanh nghiệp mới chỉ để “làm đẹp những con số”.
Ông Cao Tiến Đoan nêu quan điểm, Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 37 của Quốc hội là những Nghị quyết đặc thù, mở ra cho tỉnh Thanh Hóa thời cơ, vận hội mới để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực hiện, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy rõ nét những chuyển biến, tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh, hoặc nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nếu tỉnh không tranh thủ nắm bắt thời cơ, vận hội trong vận hành thì sẽ bỏ lỡ cơ hội, khiến cho các nhà đầu tư lớn chuyển hướng về tỉnh khác, đó là sự thiệt thòi cho tỉnh Thanh Hóa, mặt khác doanh nghiệp trong tỉnh cũng không có cơ hội phát triển nhanh.
Về vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phân tích: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đa số các tổ chức tín dụng đều đã xây dựng những gói sản phẩm ưu đãi... Tuy nhiên, doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận vì những lý do: Các quy định về thủ tục, hồ sơ vay vốn rườm rà, thiếu nhất quán; quá trình thẩm định kéo dài, ràng buộc nhiều điều kiện quá khắt khe khiến đa số doanh nghiệp đều không đáp ứng được. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính thấp; tài sản đảm bảo có giá trị thấp nên ngân hàng hầu như không áp dụng chính sách tín chấp. Hơn nữa, nhiều ngân hàng có tâm lý e ngại khi thẩm định và phê duyệt các gói vay của một bộ phận doanh nghiệp, bởi cho rằng phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa bức xúc: “Rất mâu thuẫn là sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi đã vươn ra thế giới, gia nhập vào nhiều thị trường lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, … nhưng lại rất khó để có mặt tại các siêu thị tỉnh nhà. Rất mong cơ quan quản lý nhà nước xem xét giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp. Bởi như doanh nghiệp chúng tôi còn không đưa sản phẩm của mình vào được Coop mart, Big C thì các Hợp tác xã (HTX), các chủ thể là các bác nông dân thì không biết đến bao giờ. Nghịch lý ở chỗ sản phẩm rau má xứ Thanh được mời tham gia rất nhiều sân chơi lớn của quốc gia, thậm chí quốc tế nhưng lại thất bại trên chính quê hương mình. Chưa nói đến việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vốn dĩ gặp rất nhiều khó khăn về thiên tai, sâu bệnh, giá cả, ruộng đất manh mún, …”
Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa chỉ ra những tồn tại của kinh tế tập thể như nhiều HTX chưa có đất xây dựng trụ sở, kho bãi riêng; thủ tục vay vốn vẫn còn phức tạp, HTX khó tiếp cận các tổ chức tín dụng. Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng, chính sách giao đất, cho thuê đất còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng, thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản... chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nên chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.
Bà Đồng Thị Tuyết Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tư Thành, Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm củ, quả xuất khẩu, sản phẩm của công ty hiện có mặt tại thị trường nhiều nước châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, hiện công ty đang vô cùng khó khăn về cước vận chuyển đường biển tăng cao. Thời gian này doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng vì vậy đang tạm thời cho công nhân nghỉ và đóng cửa các dây truyền sản xuất. Cước vận chuyển tăng cao cũng làm nguyên liệu đầu vào tăng theo điều này khiến doanh nghiệp như đang ngồi trên “đống lửa”.
Chuyển đổi số đang là vấn đề tất yếu và sống còn của doanh nghiệp, doanh nghiệp lựa chọn “chuyển đổi số hay là chết”. Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tới 60% doanh nghiệp đang vướng những “rào cản” về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Thậm chí có những doanh nghiệp chuyển đổi số còn quá mới mẻ và mơ hồ. Có những doanh nghiệp chuyển đổi số theo phong trào nên chưa đạt hiệu quả.
Ông Lê Minh Công, Giám đốc Công ty TNHH Thành Minh MTC (Khu Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa) cho biết, chuyển đổi số khó khăn lớn nhất vẫn là con người. Cơ bản doanh nghiệp nhỏ làm việc theo thói quen, bạ đâu làm đó, bây giờ làm theo quy chuẩn sẽ rất ngại. Vì vậy trên thực tế nhiều doanh nghiệp mua phần mềm mấy trăm triệu về nhưng không sử dụng, những doanh nghiệp này đến 80% là đang hỏng hết. Tâm lý ngại thay đổi, không muốn từ bỏ những tập quán kinh doanh truyền thống khiến doanh nghiệp cảm thấy khó khăn. Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ những cái cũ để thiết lập mô hình kinh doanh mới, thiết lập lại quy trình làm việc, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà. Làm được điều này phải có sự quyết tâm đổi mới của người đứng đầu.
Cũng theo ông Lê Minh Công, hiện có nhiều doanh nghiệp hô hào, tích cực đi hội thảo nhưng về để đó. Có nhiều trường hợp, khi chủ doanh nghiệp thấy bối cảnh thị trường thay đổi, thấy chuyển đổi số được nhắc đến nhiều trên khắp các phương tiện truyền thông, họ cho rằng vậy thì mình cũng phải thay đổi, cũng phải chuyển đổi số. Nhưng bản thân họ chưa trả lời được tại sao họ cần điều đó, họ cũng không xác định được nếu áp dụng công nghệ thì thực trạng nội tại hiện giờ của doanh nghiệp sẽ được cải thiện như thế nào. Vì vậy, hạn chế trong nhận thức và tâm lý là “rào cản” lớn khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngoài cuộc trong xu thế chuyển đổi số.
Theo khảo sát, hiện nay, nỗi lo lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng chuyển đổi số là chi phí cao trong ứng dụng công nghệ số. Để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số, các phần mềm quản lý chuyên dụng, đòi hỏi doanh nghiệp bỏ ra một lượng chi phí tương đối lớn, đặc biệt là đầu tư vào mua sắm các thiết bị máy móc mới hoặc dây chuyền tự động hóa hiện đại, cũng như đồng bộ hóa lại cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trong doanh nghiệp. Thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số cũng vì thế trở thành khó khăn lớn đối với doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin lạc hậu, thiếu đồng bộ sẽ gây cản trở trong việc áp dụng và kết nối các hệ thống giải pháp và phần mềm công nghệ thông tin cho các hoạt động liên quan tới nhân viên, đối tác và khách hàng.
“Như trước đây làm cái vỏ tủ tôi chỉ đầu tư 1 tỷ đồng máy móc nhưng khi mua máy công nghệ cao tôi phải bỏ ra 6 tỷ. Khi ông người Nhật mang máy sang, ông nói máy này ông bán thành phố lớn là nhiều, những doanh nghiệp tỉnh lẻ như Thanh Hóa rất ít người mua. Bên cạnh chi phí cao thì cái khó nữa là phải tìm được nhân lực chất lượng cao để vận hàng máy. Khi tôi mua máy, bên bán máy phải giới thiệu được nhân lực vận hành máy đó tôi mới mua. Nhiều doanh nghiệp có tiền nhưng họ không dám đầu tư vì chưa có nhân lực chất lượng cao. Để giải quyết bài toán nhân lực, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cần phải đào tạo được đội ngũ sinh viên chất lượng cao” – Ông Lê Minh Công cho biết thêm.
|
Trao đổi về những khó khăn trong chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó khăn hơn các ngành nghề khác rất nhiều. Bởi người nông dân là tầng lớp ít được học hành nhất và ít được tiếp xúc với công nghệ nhất. Họ rất nghèo thông tin và kiến thức về chuyển đổi số. Hơn nữa tỷ lệ già hóa lao động nông nghiệp rất nhanh do người trẻ thường ưu tiên đi làm ở thành phố, khu công nghiệp… Do đó, hiện vẫn thiếu những chính sách đủ hấp dẫn để lao động trẻ quay về với nông nghiệp. Nếu người trẻ xa rời nông nghiệp thì rất khó để đạt mục tiêu chuyển đổi số đã đặt ra.
Liên quan đến vấn đề làm từ thiện của doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân Lâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nhiều doanh nghiệp chỉ hiểu đơn thuần là làm từ thiện, mà chưa nhận thức được việc thực hiện trách nhiệm xã hội là phải thể hiện trực tiếp trong toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì thế, trên thực tế đã có không ít doanh nghiệp, một mặt, vẫn tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo, từ thiện, nhưng mặt khác, vẫn lao vào vòng quay lợi nhuận kinh doanh không lành mạnh theo kiểu buôn bán lòng vòng, chụp giật, tranh thủ các khe hở của cơ chế, chính sách thị trường do Nhà nước ban hành để kiếm lời. Tình trạng lợi dụng thương hiệu của nhau để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn phổ biến.
Cũng liên quan đến yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh Thanh cho biết, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 63 vụ đình công, ngừng việc tập thể và gần 128 cuộc chuẩn bị đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật tại các doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công tự phát có nhiều trong đó có lý do của doanh nghiệp.
Đó là một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện chưa đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động, điều kiện lao động, thu nhập của người lao động không được cải thiện. Có doanh nghiệp thay đổi chính sách không thông báo trước cho người lao động, không tăng lương cơ bản, thưởng tết thấp, chế độ phúc lợi chưa thỏa đáng, môi trường làm việc chưa được quan tâm, doanh nghiệp nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội… làm cho quyền lợi của người lao động bị xâm phạm. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và đối thoại tại nơi làm việc. Từ đó dẫn đến họ không nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động, không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng những kiến nghị, gây bức xúc cho người lao động. Đặc biệt, thái độ đối xử của một số người sử dụng lao động nước ngoài không phù hợp với phong cách tập quán Việt Nam, do đó trong quan hệ làm việc nảy sinh tình trạng mâu thuẫn, thậm chí xúc phạm nhân phẩm, danh dự người lao động.
Từ thực tế đó, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo tỉnh cần có ý kiến chỉ đạo sở, ngành liên quan, kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời, có những giải pháp cụ thể để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động thực chất. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để bảo vệ doanh nghiệp đang ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.