e magazine
12/12/2024 08:00
Lực lượng nòng cốt của địa phương

Quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bất cứ trong giai đoạn nào, kể cả thời bình hay thời chiến thì doanh nghiệp, doanh nhân luôn là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng kiến thiết nước nhà. Không nằm ngoài quy luật đó, cộng đồng doanh nhân Thanh Hoá hàng ngày, hàng giờ đang cung cấp sản phẩm mới cho xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và góp phần to lớn vào sự thành công của tỉnh.

-------

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ về số doanh nghiệp thành lập mới. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế ngày một nhiều, các sản phẩm của doanh nghiệp đã thâm nhập vào thị trường lớn và khó tính.

Giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh Thanh Hóa có 13.552 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, có 2.418 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 1,2 triệu so với cùng kỳ năm 2023. Đến tháng 9 năm 2024, trên địa bàn tỉnh có gần 21.000 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 430.000 lao động. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2024, nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp ước đạt trên 10.249 tỷ đồng, gấp 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 4.575 triệu USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa ủng hộ hơn 200 tỷ đồng cho người nghèo và các vấn đề an sinh xã hội. Vietcombank Thanh Hóa: 143 tỷ; Viettel Thanh Hóa: 10.6 tỷ; Tập đoàn xây dựng Miền Trung: 1.3 tỷ; Tổng công ty CP Hợp Lực: 1.6 tỷ; Tập đoàn Tiên Sơn: 1.6 tỷ; Công ty CP xây dựng và Đầu tư Phát triển nông thôn Miền Tây: 1.8 tỷ; Tập đoàn bất động sản Đông Á 500 triệu; Công ty CP công nông nghiệp Tiến Nông: 918 triệu; Công ty CP Dạ Lan: 651 triệu; Công ty CP xây dựng và TM Xuân Hưng: 439 triệu; Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Bình Minh: 450 triệu...

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Thanh Hóa xếp thứ 30 (tăng 17 bậc so với năm 2022).

Trở về từ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc Công ty Xuân Phước Đạt không giấu nổi niềm xúc động: “Bao năm qua vì cơm áo gạo tiền chúng tôi phải rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn”, đến ngày có “của ăn của để” chúng tôi nghĩ rằng mình phải trở về để hỗ trợ quê mình đỡ nghèo, đỡ khổ hơn. Đi đâu tôi cũng khoe và tự hào mình là người Xuân Thọ, Triệu Sơn (Thanh Hóa). Mặc dù nhiều năm có đóng góp vào quỹ khuyến học của địa phương nhưng chưa một lần tôi trở lại thăm trường cũ – Trường Tiểu học Xuân Thọ. Vào một ngày đặc biệt, tôi trở lại trường. Thật bất ngờ ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời của tôi không có thay đổi nhiều so với mấy chục năm về trước. Duy nhất có mái phòng học lợp bằng tranh là được thay bằng những hàng ngói cũ. Tôi quyết định sẽ xây dựng lại trường để các con cháu quê nhà có điều kiện học tập tốt hơn”.

Được biết, trong những năm qua, doanh nhân Nguyễn Hữu Xuân đã ủng hộ xã Xuân Thọ hơn 40 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 200 lao động xã nhà. Những công trình anh đã đầu tư cho quê hương như: Xây dựng công trình cổng chào cho xã, đường giao thông, xây dựng quỹ Khuyến học, ủng hộ nguồn lực xây dựng nông thôn mới,… Riêng công trình Trường Tiểu học Xuân Thọ trị giá trên 12 tỷ đồng.

Trong buổi lễ gặp gỡ doanh nghiệp, ông Trần Đức Minh, người con của tỉnh Thanh Hóa đang sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội đặt ra câu hỏi: “Tại sao tôi lại không đưa tập đoàn mình về Thanh Hóa nhỉ? Quê nhà đang có điều kiện về thiên thời địa lợi nhân hoà. Chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới phẳng, của thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, của công nghệ 4.0, ở đâu cũng làm việc được. Hơn nữa, cao tốc Hà Nội – Thanh Hóa đã hoàn thành rút ngắn thời gian di chuyển hơn rất nhiều. Sáng tôi ở quê đi Hà Nội giải quyết công việc, tối tôi lại ở Thanh Hóa. Tôi về quê đặt trụ sở chính còn các tỉnh chỉ là chi nhánh, tôi sẽ được gần bố mẹ, anh em, chi phí doanh nghiệp lại ít hơn rất nhiều”.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là các lĩnh vực mới trong thế hệ trẻ là nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết 41. Những doanh nhân lớn và thành đạt xứ Thanh luôn là tấm gương lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm đến thế hệ trẻ.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn kể lại hành trình từ biệt danh anh “Lâm sắt vụn” đến việc trở thành ông chủ Tập đoàn Tiên Sơn: “Là doanh nghiệp đầu tiên của thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), hiện là doanh nghiệp may lớn nhất tỉnh, tôi đã trải qua rất nhiều ngành nghề. Có thể nói đó là những hành trình “nếm mật nằm gai” của một người cựu chiến binh tham gia làm kinh tế. Chất lính, chất bộ đội Cụ Hồ luôn thường trực trong tôi, người lính nói được làm được. Không bỗng dưng xã hội gắn cho tôi cái biệt danh “Lâm sắt vụn”. Bởi thời kỳ buôn bán sắt vụn là thời kỳ sáng nhất, làm ra nhiều tiền nhất trong sự nghiệp kinh doanh của tôi. Làm doanh nghiệp mấy chục năm tôi rút ra kinh nghiệm, làm kinh tế phải là người đi đầu, khác biệt mới giàu và giàu nhanh được”.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt. Ông nói: “Thời chúng tôi khó khăn, túng thiếu nhưng lại có những cái dễ hơn bây giờ. Như chúng tôi thường nói doanh nhân muốn thành công phải có đất và có tài. Bây giờ xin cấp đất làm dự án khó khăn hơn xưa rất nhiều. Mong các bạn trẻ gặp khó khăn phải hết sức bền gan, vững chí. Làm kinh tế phải mạo hiểm nhưng phải chắc chắn. Các bạn trẻ mới khởi nghiệp không được ngủ quên trên chiến thắng và cũng không được nản lòng trước những thất bại”.

Là một doanh nhân cựu chiến binh, bà Doãn Thị Lịch, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Lịch tâm sự: “Nữ quân nhân đã ít, nữ quân nhân làm chủ doanh nghiệp lại càng hiếm hoi. Tôi rất tự hào vì mình đã có bản lĩnh, sức mạnh để vượt qua những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Ngành vận tải chúng tôi đang chịu khó khăn chung toàn cầu. Về giáo dục, tôi lựa chọn làm ở vùng quê miền biển nghèo nên cũng không dễ dàng. Tuy nhiên được sinh ra ở miền quê sông nước, ăn sóng nói gió, lại mang trong mình dòng máu người lính Cụ Hồ nên không có gì ngăn cản được ý chí, quyết tâm chiến thắng của mình. Ở giai đoạn này các bạn doanh nhân trẻ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hãy cứ mạnh mẽ tiến về trước. Các bạn chưa bao giờ phải đơn lẻ trên thương trường bởi các chính sách của nhà nước cũng đang điều chỉnh để phù hợp hơn”.

Với doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn thì “Ý chí quyết tâm và sự sáng tạo làm nên thành công”. Ông chia sẻ: “Cuộc đời tôi có 2 may mắn lớn nhất là không chết nơi chiến trường và phát triển doanh nghiệp lớn mạnh. Nhập ngũ cùng ngày với tôi trong xã có 5 người, chỉ một mình tôi là người may mắn trở về, còn lại 4 đồng đội đều hy sinh tại Quảng Trị. Gia đình tôi có 6 anh em đều nhập ngũ, bố tôi tham gia dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc chiến tranh, các thành viên trong gia đình tôi may mắn sống sót trở về. Với hai bàn tay trắng, anh em tôi đều khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp, rồi mở rộng kinh doanh trên thương trường. Tôi là lãnh đạo công ty, trong điều hành sản xuất, kinh doanh, phải giữ cho mình có cái tâm sáng, giữ đúng phẩm chất của người lính Cụ Hồ”.

Là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm, ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa, TGĐ Công ty CP Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng cho biết: “Sinh ra ở một cùng quê nghèo, gia đình đông anh chị em, bố mất sớm, có được như ngày hôm nay ngoài sự giúp đỡ của người thân, các anh chị em nhân viên công ty, tôi rất biết ơn những thế hệ doanh nghiệp đàn anh, đàn chị trên địa bàn tỉnh. Với ngành nghề xây dựng và bất động sản, hiện công ty có hơn 100 cán bộ công nhân viên, doanh nghiệp có Chi bộ đảng, Công đoàn,… Dự án Khu đô thị Xuân Hưng tương đối khác biệt so với các khu đô thị khác trong tỉnh. Công ty CP Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng cũng đang triển khai nhiều dự án xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh”.

Với vai trò đồng hành, truyền cảm hứng của đội ngũ doanh nhân đi trước cho thế hệ trẻ, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương doanh nhân trẻ mạnh dạn, bản lĩnh, sáng tạo, đưa doanh nghiệp phát triển với quy mô lớn, có uy tín trên thị trường, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Không chỉ tham gia phát triển kinh tế doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng quê hương giàu đẹp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ, cộng đồng doanh ngiệp, doanh nhân xứ Thanh còn tích cực tham gia các phong trào từ thiện, giúp đỡ người nghèo, sẵn sàng đứng ra gánh vác cộng việc nặng nhọc mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Các doanh nghiệp rất chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội và nhờ đó, thương hiệu của họ càng được biết đến.

Bà Trịnh Thị Loan, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hàng năm, các doanh nhân nữ đã đóng góp tiền, quà trị giá trên hàng trăm tỷ đồng cho các gia đình chính sách; chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ; ủng hộ lương thực, quần áo, vật dụng thiết yếu cho đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”, các doanh nhân nữ đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hàng chục “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhận đỡ đầu 78 trẻ mồ côi tại các địa bàn huyện thị theo chương trình “Mẹ đỡ đầu – kết nối yêu thương” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động…

Ngày 30/12/2024, nhiều doanh nghiệp được nhận Bằng khen từ UBND tỉnh Thanh Hoá vì những đóng góp ý nghĩa trong công tác xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và những hoàn cảnh còn khó khăn. Đây không chỉ là phần thưởng cao quý mà còn là minh chứng cho tinh thần “tương thân, tương ái”, thắp lên hy vọng về những ngôi nhà vững chắc, nơi những giấc mơ giản dị có thể thành hiện thực của cộng đồng doanh nghiệp xứ Thanh.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá khẳng định, thời điểm này, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương thì bản thân từng doanh nhân, các tổ chức Hội doanh nghiệp phải đoàn kết. Đoàn kết để tạo nên sức mạnh vượt qua sóng to, gió lớn. Mà muốn có sức mạnh không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, nắm tay nhau, tâm sự và sẻ chia.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: Một doanh nghiệp, một tổ chức Hội phát triển cần nhiều yếu tố, trong đó tinh thần đoàn kết phải được đặt lên hàng đầu. Cuộc đời doanh nhân cũng như những năm làm Chủ tịch CLB bóng đá Đông Á đã mang lại cho tôi nhiều bài học bổ ích. Có thể nói sự gắn bó, tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp hay tổ chức Hội giống như các mảnh ghép được gắn kết hoàn hảo, giúp nâng cao hiệu quả công việc. Phát huy tình đoàn kết, sẻ chia, các hội viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đã rất tích cực hơn trong việc vận dụng tinh thần đoàn kết vào xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Điều này không chỉ giúp Hội cũng như các doanh nghiệp phát triển mà còn góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hoá”.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá xác định hoạt động xúc tiến để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư ở các nước trên thế giới và các tỉnh bạn là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là cơ hội để bản thân doanh nghiệp kết nối và nâng tầm mối quan hệ với bạn bè doanh nhân. Với các doanh nhân được đi giao lưu, học hỏi để họ hiểu hơn về tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, chia sẻ kinh nghiệm trên tinh thần lấy sự đoàn kết làm động lực cùng nhau phát triển, nguyện cùng nắm chặt tay nhau vượt lên mọi khó khăn thách thức để vươn cao, bay xa, thích ứng với xu hướng phát triển cùng quốc tế. Từ những lần giao lưu, kết nối các doanh nghiệp sẽ tìm được con đường và tiếng nói chung, nhiều ý tưởng đầu tư kinh doanh được hình thành và có cơ duyên để cùng hợp tác phát triển trong tương lai.

Xác định doanh nghiệp là nòng cốt, là sương sống cho sự phát triển của địa phương, tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức 279 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho trên 13.400 lượt học viên là chủ hộ kinh doanh, chủ trang trại, cá nhân có nhu cầu thành lập doanh nghiệp và lãnh đạo, người lao động, người quản lý các bộ phận chuyên môn của doanh nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì biên soạn và phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, in ấn và bàn giao, cấp phát miễn phí 6.000 cuốn cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng cẩm nang; hỗ trợ miễn phí chữ ký số cho gần 2.000 doanh nghiệp; hỗ trợ miễn phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp cho gần 2.200 lượt doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động hỗ trợ đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đến nay tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp qua mạng điện tử đạt 99,9%.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI chi nhánh Thanh Hóa- Ninh Bình chia sẻ: “Những đổi mới và sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm thay đổi tư duy và tác động mạnh mẽ đến cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Khi chính quyền lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, coi doanh nghiệp là sương sống của nền kinh tế thì vai trò của họ được nâng lên tầm cao mới. Cũng nhờ đó mà bản thân những người làm doanh nghiệp phải nỗ lực, tìm tòi học tập, nâng cao trình độ, văn hóa và pháp luật doanh nghiệp. Họ nhận thức rất rõ, nếu không tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì không có cơ hội phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa đã và đang có sự chuẩn bị tốt để bước vào kỷ nguyện mới và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Trang Anh